ke-ve-nguoi-ban-than-dang-nho

Kể về người bạn thân thiết không bao giờ quên

Kể về người bạn thân thiết không bao giờ quên.

  • Mở bài:

Nhà nó ở cạnh nhà tôi, trong khu chung cư. Gia đình tôi mới chuyển về đây ở tạm trong khi chờ đợi căn nhà ở Quận 5 xây xong. Nó học cùng lớp với tôi. Và tôi chưa bao giờ thấy thân thiện với nó dù gặp nhau hằng ngày ở lớp và ở nhà.

  • Thân bài:

Tôi vốn ghét nó. Thậm chí là ghét cay ghét đắng. Cứ mỗi lần thấy cái bộ dạng lầm lì, im im không nói của nó là tôi không thể chị được. Suốt cả tuần, nó mặc mỗi cái áo sơ mi đã ngã màu và cái quần trong có vẻ đã sắp muốn rách, trong thật thảm thương. Cái mũ lưỡi trai lúc nào cũng lệch lệch một bên che một phần tóc và trán trong rất buồn cười.

Chẳng bao giờ tôi thấy nó chơi ở dưới sân hay khu vực sau chung cư. Mà thật tình, tôi chẳng thấy nó đi chơi bao giờ. Chắc là nó ở nhà học bài. trời, cái thằng mọt sách, học chi mà lắm thế. Tôi thì ngược lại, lười học hết sức. Cứ nhìn thấy sách vở là tôi chán chường. Cả đóng bài tập môn toán tôi vẫn còn vứt đó, chưa đụng đến bài nào.

Ghét nó, tôi bày đủ trò để trêu chọc nó. Có lần, nhân lúc nó vừa trở về nhà, tôi lén lấy đôi giày của nó bỏ vào thùng rác. Cái đôi giày rách rưới và bẩn thỉu ấy bỏ đi cho rồi. Lúc đi ra, không thấy giày đâu, nó ngơ ngác tìm. Tôi đứng cười khúc khích. Nó hỏi tôi:

– Cậu giấu đôi giày của mình phải không?

– Vứt đi rồi. Trong thùng rác đó. Rách rồi bỏ đi – Tôi cáu kỉnh trả lời.

Đôi mắt nó đỏ hoe. Nó tiến lại thùng rác lấy đôi giày ra, không nói gì, nó bỏ vào trong nhà. Tôi hụt hẫng. Lần khác, đợi nó vừa về tới cửa, tôi bê cả chậu nước tạt vào nó. Nó giật mình giẫy lên vì lạnh. Nó quay lại nhìn tôi. Mắt lại đỏ hoe không nói gì rồi lẳng lặng bỏ vào nhà. Tôi lại hụt hẫng.

Tôi muốn làm nó giận mà nó không hề giận. Chưa bao giờ nó la tôi hay “méc” mẹ vì những trò nghịch ngợm của tôi. Nhưng mẹ lại biết tất cả. Qua khung cửa sổ, mẹ chứng kiến tất cả những trò tinh nghịch của tôi. Mẹ chỉ thở dài thất vọng về đứa con gái của mẹ. Mẹ cũng không la tôi vì mẹ biết tôi chỉ đùa nghịch chứ không có ác ý.

Mẹ tôi thường hay lấy tôi so sánh với nó. “Con hãy xem kìa, Kim Đỉnh nó vất vả thế mà học giỏi. Còn con học hành chẳng ra gì”. Hay đại khái như “Học là phải giỏi. Học không giỏi thì học làm gì. Con hãy xem Kim Đỉnh học ấy”. Nhiều lúc mẹ gắt gỏng lên vì thành tích bê bết của tôi: “Kim Đỉnh nó học giỏi và được đi Úc tham quan đấy. Cô giáo chủ nhiệm vừa gọi cho mẹ thông báo thành tích của con. Mẹ thấy thật xấu hổ”.

Nhiều lúc tôi chỉ ước nó không học chung lớp với tôi hoặc nó không có trên đời này để mẹ tôi không phải từng ngày so sánh. Tôi không trách mẹ tôi. Mẹ đã rất yêu thương và lo lắng cho tôi. Mẹ luôn mong tôi học giỏi để sau này còn thay bố mẹ xây dựng công ty vững mạnh. Còn tôi chỉ thích chơi, không thích học.

Những ngày nó đi du lịch ở Úc, tôi thấy thật bình yên. Cả hành lang trống trải. Mỗi ngày đi học học về tôi không phải nhìn thấy cái dáng bước đi lầm lì của nó nữa. mẹ nó thường đi làm từ sớm nên cánh cửa nhà nó đóng chặt suốt cả ngày. Tôi cứ tưởng là đã chưa từng có nó ở nơi đây.

Ấy vậy mà, một buổi sớm, khi mở cửa ra, tôi đã thấy Kim Đỉnh lặng lẽ đứng ở cửa, dáng vẻ lúng túng. Tôi lừ lừ nhìn nó hỏi:

– Làm gì mà đứng ở đây vậy? Sao không gõ cửa?

Nó bối rối rồi ngập ngừng chìa ra trước mắt tôi một chiếc hộp:

– Mình mua cho Kim Anh đấy. Một chú chim Ki-wi. Mình vừa ở Úc về đêm qua.

Trời! Nó gọi thẳng tên tôi luôn. Đó là lần đầu tiên nó gọi tên tôi và còn có quà cho tôi nữa chứ. Tôi vô cùng bối rối, không biết làm thế nào trong tình thế ấy, cứ đứng sững như thế hồi lâu. Kim Đỉnh thấy ngượng nên đặt nhẹ hộp quà lên kệ rồi ra về. Tôi chỉ biết lẳng lặng khép của lại mà không nói được lời cảm ơn. Phía sau cánh cửa, Kim Đỉnh mỉm cười.

Tôi vốn rất thích chim Ki-wi và ao ước có được một chú chim Ki-wi bằng bông. Nhiều lần tôi đòi mẹ mua cho nhưng mẹ không cho. Tôi cũng không biết làm sao Kim Đỉnh biết được điều đó. Tôi mở hộp quà ra xem. Đúng thật đó là một chú chim Ki-wi thật dễ thương. Nó được làm bằng bông mịn màng. Thân màu nâu và cái mũi thật dài trong rất ngộ nghĩnh. Hai cánh khép lại ở hai bên trong như nó muốn bay nhưng đôi cánh lại bé quá. Đôi mắt hạt cườm long lanh cứ đưa qua đua lại mỗi khi tôi lúc lắc.

Tôi bần thần suy nghĩ: “Tôi ghét nó đến thế, trêu chọc nó nhiều đến thế, vậy mà nó không hề giân tôi, còn mua quà đắt tiền cho tôi nữa chứ”. Kim Đỉnh thật là người rộng lượng. Cậu ấy hiểu tôi và sẵn sàng tha thứ cho tất cả lỗi lầm của tôi. Tôi chợt nhớ đến có lần Kim Đỉnh bảo: “gắng học để mai này làm người tốt”.

Tôi thấy hối hận quá; thấy mình thật là ích kỉ, chỉ biết nghĩ cho riêng mình; thấy mình nhỏ nhen, không biết yêu thương, đồng cảm hay sẻ chia khó khăn với người khác. Tôi sẽ sang cảm ơn Kim Đỉnh. Nhất định rồi. Kim Đỉnh vẫn nghĩ đến tôi dù tôi không tốt với cậu ấy. Tôi không thể phụ lòng mẹ. Tôi phải học giỏi hơn nữa. tôi phải được như Kim Đỉnh để mẹ vui lòng.

Ngày hôm sau, thực hiện lời mẹ dặn, tôi ôm tập sang nhà Kim Đỉnh. Tôi cảm ơn cậu ấy về món quà và muốn được cậu ấy chỉ cho học bài. Kim Đỉnh cười vui vẻ nhận lời. Kim Đỉnh quả thật học thật giỏi. Bài tập nào cậu ấy cũng giải được hết. Cậu ấy còn viết văn rất hay nữa chứ. Giờ tôi mới biết, Kim Đỉnh thường hay ghi lại những cảm nhận về cuộc sống quanh mình, ghi lại những gì cậu ấy nghĩ và dùng nó làm những bài tập làm văn. Hèn gì, bài văn nào cậu ấy cũng đạt điểm cao nhất lớp.

Năm đó, nhờ Kim Đỉnh chăm chỉ hướng dẫn tôi học tôi tiến bộ vượt bậc. Cuối năm, từ học sinh trung bình-khá, tôi vươn lên học sinh giỏi. Thành tích ấy khiến mẹ tôi rất hài lòng. Tôi nhận rõ vai trò của sự nỗ lực và ý nghĩa của tình bạn. Kim Đỉnh đã giúp tôi thấy được niềm tin yêu cuộc sống, giúp tôi biết kiên trì trong học tập và không ngừng phấn đấu vươn lên.

Năm sau, gia đình tôi chuyển về nhà mới. Năm học mới, tôi cũng không học chung lớp với Kim Đỉnh nữa bởi cậu ấy được tuyển thẳng vào trường chuyên của thành phố. Rất lâu, rất lâu tôi chưa gặp lại Kim Đỉnh.

  • Kết bài:

Thử thách của tình bạn là sự trợ giúp lẫn nhau trong nghịch cảnh và hơn thế, đó phải là sự trợ giúp vô điều kiện. Chân thật và thẳng thắn là bước đầu cần thiết làm nảy nở và củng cố mối quan hệ bạn bè tốt đẹp. Kim Đỉnh đã giúp tôi hiểu rõ điều ấy, vượt qua tình cảm ích kỷ của mình để phấn đấu học tập, để sống tốt hơn, biết sẻ chia, trân trọng cuộc sống. Tôi thấy mình trưởng thanh hơn, biết lo nghĩ cho người khác chứ không còn vô trách nhiệm nữa. Tôi  hứa sẽ giữ mãi món quà đầy ý nghĩa ấy. Mỗi lần nhìn chú chim Ki-wi là tôi nhớ tới cậu ấy. Cảm ơn Kim Đỉnh. Cảm ơn mẹ. Nhờ sự tha thứ của mẹ và của Kim Đỉnh tôi mới nhận ra mình ích và cần phải sống tốt hơn.

Kể lại một lần em mắc lỗi khiến bạn thân em buồn lòng (có yếu tố nghị luận)

 

3 bình luận trong “Kể về người bạn thân thiết không bao giờ quên”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang