ket-hop-cac-thao-tac-lap-luan-khi-viet-doan-van-nghi-luan

Kết hợp các thao tác lập luận khi viết đoạn văn nghị luận.

Kết hợp các thao tác lập luận khi viết đoạn văn nghị luận.

I. Các thao tác lập luận.

1. Thao tác lập luận giải thích.

– Là cắt nghĩa một sự vật, hiện tượng, khái niệm để người khác hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề.

– Giải thích trong văn nghị luận là làm cho người đọc hiểu rõ được tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm.

– Cách giải thích: Tìm đủ lí lẽ để giảng giải, cắt nghĩa vấn đề đó. Đặt ra hệ thống câu hỏi để trả lời.

2. Thao tác lập luận phân tích.

– Là cách chia nhỏ đối tượng thành nhiều yếu tố bộ phận để đi sâu xem xét một cách toàn diện về nội dung, hình thức của đối tượng.

–  Cách phân tích: Chia tách đối tượng thành nhiều yếu tố bộ phận theo những tiêu chí, quan hệ nhất định.

3. Thao tác lập luận chứng minh.

–  Dùng những bằng chứng chân thực, đã được thừa nhận để chứng tỏ đối tượng.

– Cách chứng minh: Xác định vấn đề chứng minh để tìm nguồn dẫn chứng phù hợp. Dẫn chứng phải phong phú, tiêu biểu, toàn diện sát hợp với vấn đề cần chứng minh, sắp xếp dẫn chứng phải lôgic, chặt chẽ và hợp lí.

4. Thao tác lập luận so sánh.

– Làm sáng tỏ đối tượng đang nghiên cứu trong mối tương quan với đối tượng khác.

– Cách so sánh: Đặt đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá trên cùng một tiêu chí, nêu rõ quan điểm, ý kiến của người viết.

5. Thao tác lập luận bình luận.

– Bình luận là bàn bạc, nhận xét, đánh giá về một vấn đề.

– Cách bình luận: Trình bày rõ ràng, trung thực vấn đề được bình luận, đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định, đánh giá là xác đáng. Thể hiện rõ chủ kiến của mình.

6. Thao tác lập luận bác bỏ.

– Là cách trao đổi, tranh luận để bác bỏ ý kiến được cho là sai.

– Cách bác bỏ: Nêu ý kiến sai trái, sau đó phân tích, bác bỏ, khẳng định ý kiến đúng; nêu từng phần ý kiến sai rồi bác bỏ theo cách cuốn chiếu từng phần.

– Ý nhỏ phải nằm hoàn toàn trong phạm vi của ý lớn.

–  Nếu có thể biểu hiện nội dung của các ý bằng những vòng tròn thì ý lớn và mỗi ý nhỏ được chia ra từ đó là hai vòng tròn lồng vào nhau, không được ở ngoài nhau, cũng không được trùng nhau hoặc cắt nhau.

–  Mặt khác, các ý nhỏ được chia ra từ một ý lớn, khi hợp lại, phải cho ta một ý niệm tương đối đầy đủ về ý lớn, gần như các số hạng, khi cộng lại phải cho ta tổng số, hay vòng tròn lớn phải được lấp đầy bởi những vòng tròn nhỏ.

– Mối quan hệ giữa những ý nhỏ được chia ra từ cùng một ý lớn hơn phải ngang hàng nhau, không trùng lặp nhau.

II. Kết hợp các thao tác lập luận.

1. Kết hợp thao tác giải thích, phân tích và bình luận.

Ví dụ 1:

“Sự trong sáng của ngôn ngữ là kết quả của một cuộc phấn đấu. Trong và sáng dính liền nhau. Tuy nhiên, cũng có thể phân tích ra để cho được rõ nghĩa hơn nữa. Theo tôi nghĩ, sáng là sáng sủa, dễ hiểu, khái niệm được rõ ràng; thường thường khái niệm, nhận thức, suy nghĩ được rõ ràng, thì lời diễn đạt ra cũng được minh bạch. Tuy nhiên, nhất là trong thơ, có rất nhiều trường hợp ý nghĩa sáng rồi, dễ hiểu rồi, nhưng lời diễn đạt còn thô, chưa được trong, chưa được gọn, chưa được chuốt. Do đó, tôi muốn hiểu chữ sáng là nặng về nói nội dung, nói tư duy, và chữ trong là nặng nói về hình thức, nói diễn đạt (và cố nhiên là nội dung và hình thức gắn liền). Cho nên phải phấn đấu cho được sáng nghĩa, đồng thời lại phải phấn đấu cho được trong lời, đặng cho câu thơ, câu văn trong sáng…”

(Xuân Diệu, trong Giữ gìn sụ trong sáng cua tiếng Việt, Sđd)

Ví dụ 2:

“Sức sống” là khả năng tồn tại và phát triển một cách mạnh mẽ, là khả năng chịu đựng, sức vươn lên trỗi dậy, phản ứng lại hoàn cảnh đang dập vùi mình để giành quyền sống. Sức sống con người thường biểu hiện ở hai phương diện: thể chất và tinh thần; trong đó kỳ diệu và đẹp đẽ nhất chính là sức sống tinh thần. “Sức sống tiềm tàng” là sức sống ẩn giấu sâu kín trong tâm hồn con người đến mức người ngoài khó nhận ra. Thậm chí, nhìn từ bên ngoài họ có vẻ mệt mỏi, chán nản, cạn kiệt niềm ham sống song từ bên trong vẫn là những mầm sống xanh tươi và những mầm sống ấy sẽ vươn lên mạnh mẽ khi có điều kiện thích hợp.

2. Kết hợp thao tác giải thích và so sánh.

Ví dụ:

“Nghị luận về tư tưởng đạo lí và nghị luận về hiện tượng đời sống là hai dạng đề cụ thể của nghị luận xã hội. Nghĩa là, bàn bạc để hiểu một cách thấu đáo cũng như vận dụng vấn đề nghị luận vào đời sống và bản thân. Vấn đề đạo lí có tính chất truyền thống nhằm rèn luyện đạo đức nhân cách. Vấn đề hiện tượng đời sống mang tính thời sự nóng hổi nhằm mục đich rèn luyện ý thức công dân. Đối tượng nghị luận có khác nhau nhưng cách làm bài giống nhau”.

3. Kết hợp thao tác giải thích, bình luận và chứng minh.

Ví dụ:

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

(Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh)

4. Kết hợp thao tác bình luận và chứng minh.

Ví dụ 1:

Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kì, chôn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.

Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.

Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.

Tuy Vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.

Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa.

(Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh)

Ví dụ 2 :

Là một người Việt Nam, những điều tôi chia sẻ trên đây đều là những trải nghiệm thấm đẫm mồ hôi và xương máu. Chỉ mấy mươi năm trước, hai tiếng Việt Nam gắn liền với chiến tranh và phân ly, với máu lửa và nước mắt. Một đất nước xa xôi với tên gọi Việt Nam đã phải hứng chịu hơn 15 triệu tấn bom đạn, nghĩa là gấp 4 lần tổng số bom đạn đã sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Mỗi người Việt Nam chúng tôi đã phải hứng chịu một lượng bom đạn gấp gần 10 lần trọng lượng cơ thể mình. Đó là chưa kể hàng trăm triệu lít hóa chất có chứa chất dioxin – một sát thủ thầm lặng ghê gớm đối với sức khỏe và nòi giống con người.

(Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại LHP năm 2013)

5. Kết hợp thao tác phân tích và bình luận.

Ví dụ:

Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ…

Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ
thuộc nào đó.

Có lẽ như tất cả các nước, Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế.

(Trích lời TT Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn tại Phi-lip-pin về vấn đề Biển Đông)

6. Kết hợp thao tác phân tích, chứng minh và bình luận

Ví dụ 1:

Ra đời và phát triển trong không khí cao trào cách mạng và cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại chống Thực dân Pháp, đế quốc Mĩ ác liệt, kéo dài, văn học Việt Nam 1945 – 1975 trước hết là 1 nền văn học của chủ nghĩa yêu nước. Đó không phải văn học của những số phận cá nhân mà là tiếng nói của cả 1 cộng đồng dân tộc trước thử thách quyết liệt: Tổ quốc còn hay mất; độc lập, tự do hay nô lệ, ngục tù! Đây là văn học của những sự kiện lịch sử, của số phận
toàn dân, của chủ nghĩa anh hung. Nhân vật trung tâm của nó phải là những con người gắn bó số phận mình với số phận đất nước và kết tinh những phẩm chất cao quý của cộng đồng – trước hết, đại diện cho giai cấp, cho dân tộc và thời đại, chứ không phải cho cá nhân mình. Và người cầm bút cũng vậy: nhân danh cộng đồng mà ngưỡng mộ, ngợi ca người anh hung với những chiến công chói lọi.

(Khái quát văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX – sgk Ngữ văn lớp 12, chương trình Nâng cao)

Ví dụ 2:

Trước bi kịch của Vũ Như Tô, lời đề từ là những băn khoăn của tác giả về Vũ Như Tô và khát vọng lớn lao của ông: “Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”.

Lời đề từ ấy chứa đựng tư tưởng tác giả, chứa đựng cái băn khoăn của Nguyễn Huy Tưởng khi viết và sống với Vũ Như Tô, là băn khoăn về khát vọng sáng tạo, cũng là về bi kịch cuộc đời của người nghệ sĩ. Như Tô phải, vì ông là người nghệ sĩ yêu nghệ thuật, có khát vọng cao quý. Xây Cửu Trùng đài, ông muốn đem lại cho đất nước một công trình kì vĩ, lớn lao, độc nhất vô nhị, bền vững bất diệt, vượt những kỳ quan sau trước, tranh tinh xảo với Hóa công. Cái khát vọng sáng tạo đẹp đẽ ấy là dòng máu chảy trong huyết quản nghệ sĩ, là khát vọng mang đến cái Đẹp cho cuộc đời. Khát vọng ấy không có tội. Nhưng khi quan tâm đến nghệ thuật, Như Tô đã quên trách nhiệm đối với nhân dân. Nghệ thuật không thể là nguyên nhân của lầm than, không thể được xây dựng bởi máu và nước mắt của người lao động. Cửu Trùng đài – khát vọng cả đời của Vũ Như Tô – là cái Đẹp xa xỉ và vô ích, đi ngược lại với quyền lợi của đất nước, của nhân dân. Nó tất yếu bị đốt phá, kẻ xây nó tất yếu bị lên án, bị phỉ nhổ. Trân trọng, thương cảm cho bi kịch của người nghệ sĩ có tài, có đam mê nghệ thuật, khao khát sáng tạo, sẵn sàng hy sinh tất cả cho cái đẹp, nhưng Nguyễn Huy Tưởng cũng chỉ rõ tội ác của Vũ Như Tô và sự trả giá đau đớn bằng sinh mệnh và cả công trình nghệ thuật, niềm đam mê của mình.

7. Kết hợp thao tác chứng minh, bình luận và bác bỏ.

Ví dụ:

Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận.

(Một thời đại trong thi ca – Hoài Thanh)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang