»» Nội dung bài viết:
Khái quát đặc điểm của tác phẩm tự sự
Khái niệm tự sự.
Tự sự là một loại văn học có phương thức trình bày một chuỗi sự việc,từ sự việc này đến sự việc kia,cuối cùng dẫn đến một kết thúc,thể hiện một ý nghĩa. Tự sự giúp người đọc và người nghe có thể hiểu rõ sự việc, con người, hiểu rõ vấn đề, từ đó bày tỏ thái độ khen chê. Tự sự rất cần thiết trong cuộc sống, trong giao tiếp, trong văn chương.
1. Tác phẩm tự sự phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó thông qua các sự kiện, hệ thống sự kiện.
Các nhà lí luận từ Aristote đến Lessing, Hégel, Biélinxki đều cho rằng tác phẩm tự sự đưa ra một bức tranh khách quan về thế giới. Trong Nghệ thuật thơ ca, Aristote cho rằng thế giới của tác phẩm tự sự là thế giới tồn tại bên ngoài người trần thuật, không phụ thuộc vào ý muốn và tình cảm của họ. Ở đây, nhà văn dường như đứng bên ngoài để kể lại. Tất cả những sự việc của đời sống được nhà văn kể lại như một đối tượng khách quan ở bên ngoài mình. Chính vì vậy, tác phẩm tự sự mang tính khách quan..
Ðể có cái nhìn khách quan, tác phẩm tự sự tập trung phản ánh đời sống qua các sự kiện, hệ thống sự kiện. Vì vậy, nhiều nhà lí luận khẳng định tính sự kiện có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là đặc điểm hàng đầu của tác phẩm tự sự. Các biến cố, sự kiện này có thể là những biến cố, sự kiện bên ngoài, tức là phần tồn tại vật chất với các việc làm, hành động cụ thể có thể thấy được, cũng có thể là những biến cố, sự kiện bên trong bao gồm tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩ… nhưng những biến cố, sự kiện này không được biểu hiện trực tiếp mà được xem như một đối tượng để đem ra phân tích, nhận biết.
Như vậy, tác phẩm tự sự tái hiện toàn bộ thế giới bao gồm những sự kiện bên ngoài và bên trong của con người nhưng đều xem chúng như là những sự kiện khác nhau về đời sống con người, xã hội. Tất cả những sự việc, sự kiện, biến cố bên ngoài hay những cảm xúc, tâm trạng, ý nghĩ bên trong được nhà văn xem như đối tượng để phân tích.
2. Tác phẩm tự sự có khả năng phản ánh hiện thực một cách rộng lớn, bao quát.
Tác phẩm tự sự miêu tả cuộc sống qua các sự kiện, hệ thống sự kiện mà sự kiện là sản phẩm của mối quan hệ giữa con người với con người, con người và môi trường xung quanh. Trong tác phẩm tự sự, không gian và thời gian không bị hạn chế. Nhân vật tự sự được khắc họa đầy đủ, nhiều mặt, triển khai sâu rộng trong nhiều mối quan hệ đa dạng và phong phú. Nhân vật được khắc họa từ ngoại hình đến nội tâm, cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Do đó, tác phẩm tự sự mở ra một phạm vi hết sức rộng lớn trong việc miêu tả hiện thực khách quan, được thể hiện trong nhiều mối quan hệ.
Trong tác phẩm tự sự, không gian và thời gian không bị hạn chế. Nhà văn có thể thể hiện những vùng đất khác nhau, có thể lùi về dĩ vãng hay đắm mình trong hiện tại, có thể lướt qua hoặc tập trung miêu tả một mặt nào đó mà mình cho là quan trọng. Nó có thể kể về một khoảnh khắc hoặc một sự kiện dài 10, 20, 50 năm trong một không gian nhất định hoặc ở nhiều vùng đất khác nhau.
Từ những đặc điểm trên, nhân vật tự sự cũng được khắc họa đầy đặn, nhiều mặt nhất; có thể được triển khai sâu rộng trong nhiều mối quan hệ đa dạng và phong phú. Nhân vật thường có số phận, con đường đi và quá trình phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau. so với các loại nhân vật khác, nhân vật trong tác phẩm tự sự được khắc họa tỉ mỉ từ ngoại hình đến nội tâm, cả quá khứ, hiện tại và trong xu thế phát triển… Tóm lại, nhân vật tự sự được miêu tả nhiều mặt, toàn diện và sinh động, nhiều màu sắc thẩm mĩ.
Do tính chất phản ánh rộng lớn và bao quát, hệ thống chi tiết trong tác phẩm tự sự cũng phong phú và đa dạng, mang chất “văn xuôi”. Ở đây, có thể bắt gặp những chi tiết về chân dung, ngoại hình, tâm sinh lí, phong tục, tập quán, đồ vật, dời sống lao động sản xuất, tôn giáo, chính trị… bao gồm những chi tiết có thực, tưởng tượng, hoang đường… hơn tất cả mọi loại tác phẩm khác.
3. Tác phẩm tự sự luôn luôn có hình tượng người trần thuật.
Hình tượng người trần thuật có thể là tác giả nhưng không nên đồng nhất người trần thuật với tác giả. Người trần thuật có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức: khi thì tác giả ẩn mình sau những nhân vật tưởng tượng, khi thì nhân danh chính bản thân mình mà kể chuyện với ngôi thứ nhất. Nhưng dù dưới hình thức nào, người trần thuật cũng làm nhiệm vụ tường thuật, kể chuyện để phân tích, nghiên cứu, khêu gợi, bình luận, cắt nghĩa những quan hệ phức tạp giữa nhân vật và nhân vật, giữa nhân vật và hoàn cảnh…
Trong tác phẩm tự sự, hình tượng người trần thuật giữ một vai trò hết sức quan trọng và luôn luôn muốn hướng dẫn, gợi ý cho người đọc nên hiểu nhân vật, hoàn cảnh… thế này hoặc thế khác.
4. Lời văn trong tác phẩm tự sự.
Lời văn trong tác phẩm tự sự chủ yếu là lời văn kể chuyện, miêu tả. Nó có thể được viết bằng văn vần hoặc văn xuôi nhưng bao giờ cũng hướng người đọc đến đối tượng mà nó miêu tả.
Lời nói của nhân vật trong tác phẩm tự sự là một bộ phận của văn tự sự, do đó nó thường được giải thích, cắt nghĩa trước khi nhân vật phát biểu. Ðiều này khác với tác phẩm kịch và tác phẩm trữ tình.