Đoạn kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.
I. Tìm hiểu chung.
1. Tác giả:
– Lưu Quang Vũ (1948 – 1988), là một nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch xuất sắc của nền văn học thế kỷ XX.
– Sáng tác của Lưu Quang Vũ thể hiện chất tươi mát ngọt ngào, hoài niệm đẹp đẽ thắm đượm tình yêu cuộc sống, khát vọng trao gửi và dâng hiến, khát vọng về cái đẹp, cái thiện, về sự hoàn thiện nhân cách con người.
2. Tác phẩm.
– Vở kịch Hồn Trương BA, da hàng thịt được viết từ 1981 và đến năm 1984 mới ra mắt công chúng, có tiếng vang lớn trong làng kịch Việt Nam.
– Tác phẩm được viết dựa vào câu chuyện dân gian nhưng tác giả đã có nhiều thay đổi về nhân vật chính, để gửi gắm những suy ngẫm về nhân sinh, về hạnh phúc, kết hợp phê phán một số tiêu cực trong lối sống hiện thời.
– Vở kịch tập trung thể hiện những tình cảnh trớ trêu, nỗi đau khổ dày vò của nhân vật Trương Ba.
3. Đoạn trích.
– Đoạn trích là một phần của cảnh VII – cảnh cuối cùng của vở kịch.
– Đoạn trích là cuộc đối đầu kịch liệt giữa phần hồn và xác trong Nhân vật Hồn Trương Ba, rồi đi đến kết cục cuối cùng. Mâu thuẫn giữa linh hồn và xác thịt, mối quan hệ giữa bên trong và bên ngoài, giữa đạo đức và tội lỗi. Bi kịch của con người không còn được sống đúng với bản chất tự nhiên của mình. Từ sự diễn tả và giải quyết mâu thuẫn bi kịch trên, tác phẩm toát lên triết lí sâu sắc: Cuộc sống thật đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được. Hạnh phúc chân chính của con người là được sống đúng với mình và với mọi người.
II. Đọc hiểu đoạn trích.
1. Tình huống kịch.
– Hồn Trương Ba tự cảm thấy không thể sống mãi thế này, muốn thoát khỏi cái xác thô lỗ.
– Mọi người trong gia đình xa lánh, cự tuyệt, thương hại và bối rối.
– Cuộc đối thoại với Đế Thích và Trương Ba nhận ra hành động cần thiết của mình.
→ Tính cách nhân vật được thể hiện qua xung đột. Xung đột ngày càng tăng tiến: Hồn >< xác; Trương Ba>< gia đình.
2. Nhân vật Hồn Trương Ba.
a. Cuộc đối thoại giữa hồn và xác.
– Hai sáu lần đối thoại: Hồn 13 lần, xác 13 lần.
+ Lời xác dài, hùng hồn.
+ Lời của Hồn ngắn ngủi, yếu ớt, những hành động sợ hãi, trốn chạy (4 và 6) có lời vẫn cứng cỏi (5 và 12).
→ Xác đắc thắng, hồn sợ hãi bế tắc, lúng túng. Cuối cùng Hồn đã nói lên được tiếng nói của mình dù đầy cam go.
– Sự thay đổi giọng điệu 8 lời thoại đầu và 5 lời thoại sau của xác có ý nghĩa quan trọng: Thể hiện sự thay đổi tính cách của xác. 8 lời đầu là ti tiện còn 5 lời sau thể hiện một quan niệm mới mẻ.
– Cuộc đối thoại giữa hồn và xác là cuộc đấu tranh giữa các mặt khác nhau trong một con người có ý nghĩa đa chiều: Nội dung và hình thức; con người nhu cầu và con người thiên chức; cái cao cả và cái tầm thường.
b. Hồn Trương Ba trong việc đối thoại với mọi người trong gia đình.
– Hồn Trương Ba qua cảm nhận của người thân:
+ Thờ ơ với nỗi niềm của người khác.
+ Vụng về, thô lỗ, làm đổ vỡ, làm hư hỏng (cây cối, cánh diều) những điều đẹp đẽ.
+ Vẻ “tốt lành, hiền hậu” không còn nữa.
→ Các nhận vật ấy tạo nên cái nhìn đa chiều về nhân vật, thực chất là sự nhận thức về bản thân mình một cách nghiêm khắc mà chí tình nhất.
– Hình thức câu ngắn, dở chừng, hành động sân khấu cho thấy lúc đầu Hồn chưa nhận thức được nên còn biện minh về mình nhưng về sau nhận ra sự thật thì càng day dứt, thất vọng về chính mình.
– Xung đột kịch được đẩy lên qua: Sự tác động của ngôn ngữ kịch, thái độ của những người khác và sự xung đột ngay chính bản thân Hồn Trương Ba.
c. Hồn Trương Ba trong cuộc đối thoại với Đế Thích.
– Lời thoại: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi trọn vẹn” và “Sống nhờ ông chẳng cần biết”. Vấn đề này không phải là sống, mà là sống như thế nào!
+ Con người là một thể thống nhất, hồn và xác, phải hài hoà đồng thuận nếu bị khuyết cái gì thì cũng là cuộc sống không trọn vẹn, bất bình thường.
+ Sống thiếu chân thực với mình là cuộc sống vô nghĩa, bất hạnh và cũng không cần thiết cho ai.
…
– Sự từ chối là kết quả của những trải nghiệm thấm thía từ một đoạn đời bi hài hồn này xác nọ.
– Xin Đế Thích cho cu Tị sống còn mình chết mới là hành động nhất quán của nhân vật – nhất quán với bản chất tự trọng, sáng suốt, nhân hậu và có ý thức cao về ý nghĩa cuộc sống.
– Chi tiết cu Tị chết có ý nghĩa đẩy nhanh diễn biến kịch đi đến chổ “mở nút”. Chi tiết này buộc Hồn Trương Ba phải quyết định nhanh chóng, dứt khoát. Tác giả dựng tả quá trình đi đến quyết định đó một cách hợp lí, tự nhiên và thuyết phục.
d. Nhân vật Hồn Trương Ba ở đoạn kết.
– Sự bất tử của con người nằm trong ý nghĩa sự sống và sự hoá thân vào cuộc sống xung quanh ta chứ không phải ở độ dài thời gian.
– Hãy sống trong sự hoá thân vào những điều tốt đẹp mà xa lánh những cái không phải là của chính nhân cách của bản thân mình.
3. Nhận xét, đánh giá:
– Chủ đề: Bi kịch con người đánh mất mình.
– Giá trị phê phán:
+ Những biểu hiện đáng buồn, tiêu cực trong xã hội (sai sót của thiên đình, sửa sai của Thiên Đế) chạy theo ham muốn vật chất đến đánh mất mình.
+ Phê phán hai quan niệm sống lệch: hoặc quá chú trọng những ham muốn của thân xác hoặc chỉ chú trọng vào đời sống tinh thần.
+ Nêu lên tình trạng con người sống thiếu chân thực, là nguy cơ bị tha hoá do danh và lợi.
– Giá trị nhân văn của đoạn trích:
+ Kêu gọi, đấu tranh cho sự hoàn thiện về vẻ đẹp nhân cách của con người.
+ Khẳng định cá thể: Con người phải sống như chính mình.
– Đặc sắc nghệ thuật:
+ Xây dựng ẩn dụ lớn, phát triển truyện dân gian đầy sáng tạo, nhân vật đa dạng phong phú; xung đột hợp lí và căng thẳng.
+ Lời thoại đa nghĩa, có chiều sâu triết lí, có cá tính, chứa kịch tính cao…
III. Tổng kết.
1. Nội dung:
– Mâu thuẫn giữa linh hồn và xác thịt, giữa đạo đức và tội lỗi. Bi kịch của con người không còn được sống đúng với bản chất tự nhiên của mình. Từ sự diễn tả và giải quyết mâu thuẫn bi kịch trên, tác phẩm toát lên triết lí sâu sắc: Cuộc sống thật đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được. Hạnh phúc chân chính của con người là được sống đúng với mình và với mọi người.
– Một trong những điều quý giá nhất của mỗi con người là được sống là mình, sống trọn vẹn với những giá trị mình có và theo đuổi. Sự sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi con người được sống trong sự hài hòa tự nhiên giữa thể xác và tâm hồn.
2. Nghệ thuật.
– Xây dựng tình huống truyện kịch đầy căng thẳng đạt đến cao trào rồi giải quyết mẫu thuẫn một cách logic, hợp lí, thỏa đáng.
– Xây dựng đối thoại, độc thoại sắc nét, không chỉ giúp nhân vật bộc lộ bản chất, suy nghĩ của cá nhân mình mà còn giúp cho người đọc, người xem suy ngẫm về những triết lí được gửi gắm trong mỗi câu thoại của các nhân vật.
– Có kết hợp giữa những vấn đề thời sự và vấn đề muôn thuở: Đó là lối sống giả dối của con người hiện đại, giữa những dục vọng thấp hèn với những khát khao cao cả….
Tham khảo:
Quan niệm và triết lí về hồn và xác, giữa đạo đức và tội lỗi của lưu Quang Vũ trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt.
- Mở bài:
Không thể bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn. Đó là bi kịch của Hồn Trương Ba, nhân vật chính trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt sau thời gian phải trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt. Nhưng đó cũng là khát vọng của tất cả những cuộc đời chân chính. Triết lí về mối quan hệ giữa hồn và xác được nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đặt ra trong vở kịch thực sự rất sâu sắc.
- Thân bài:
Viết lại cổ tích – một thể loại bao giờ cũng viên mãn với những cái kết có hậu. Trong khi đó, thực tế cuộc đời thì luôn luôn khác. Cũng như nhiều nhà văn cùng thời, Lưu Quang Vũ đang muốn dùng sáng tác của mình để đối thoại với cổ tích, bằng cách tái hiện cuộc đời theo đúng cái cách hiện tồn của nó. Bởi thế nên tình huống kịch trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã được xây dựng bắt đầu từ chỗ kết thúc tích truyện dân gian. Bằng cách đó, nhà viết kịch hậu hiện đại này muốn đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc. Xét ở góc độ triết lí về mối quan hệ giữa hồn và xác, vở kịch của Lưu Quang Vũ vừa kế thừa quan niệm của dân gian nhưng cũng có nhiều điểm mới mẻ.
1. Quan niệm về hồn và xác, giữa đạo đức và tội lỗi trong tích truyện dân gian “Hồn Trương ba da hàng thịt”.
Trong truyện cổ tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, nhân dân ta quan niệm: linh hồn phải có thể xác mới có chỗ trú ngụ và thể xác phải có linh hồn mới có thể sống được. Nhưng với kết thúc có hậu, cho Hồn Trương Ba trong vụ xử kiện, dân gian đã tuyệt đối hóa vai trò của linh hồn. Vì Trương Ba đánh cờ giỏi, nên được Đế Thích cho sống lại. Dù phải trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt, nhưng Trương Ba tuyệt nhiên không băn khoăn gì về hình dạng của mình. Vợ trương Ba cũng vậy, thấy anh hàng thịt về nhà nhưng biết đó là chồng mình liền mừng rỡ đón vào. Vợ anh hàng thịt chỉ đơn giản là hình dạng chồng mình sống lại nên đấu tranh khiếu kiện giành giật về cho mình. Quan phủ sau khi kiểm tra kĩ năng mổ thịt lợn và kĩ năng chơi cờ thì quyết định xử ngay cho anh hàng thịt mang hồn Trương Ba về với vợ Trương Ba, vì cho rằng chơi cờ là phép thử trí tuệ không thể giả được. Đó cũng là phép thử khẳng định phương diện linh hồn.
Với cốt truyện ngắn gọn, mang một tư tưởng triết học có phần đơn giản – đề cao, tuyệt đối hóa linh hồn, tách rời thể xác và linh hồn, truyện cổ dân gian Hồn trương Ba, da hàng thịt phù hợp với quan niệm xưa, qua bao thế kỉ vẫn được kể, được yêu thích và không hề gây tranh cãi.
2. Triết lí về hồn và xác, giữa đạo đức và tội lỗi của lưu Quang Vũ trong vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt”.
Lúc vừa được sống lại trong xác hàng thịt, hồn Trương Ba hốt hoảng khi soi gương : Không! Không phải tôi. Cái mặt của tôi đâu rồi? Chân tay của tôi đâu rồi? Người này không phải là tôi. Nhưng rồi, để được sống, Trương Ba đành chấp nhận . Chấp nhận cả những đổi thay đến lệch lạc, chấp nhận sự trói buộc của hoàn cảnh, chấp nhận bị xê dịch đến cuộc sống tầm thường không mong muốn.
Không lâu sau khi trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt, vợ Trương Ba nhận thấy sự thay đổi của chồng mình : Giờ mỗi bữa ông ăn tám, chín bát cơm, lại còn hay đòi uống rượu.
Khi xưa, Trương Ba đối với ai cũng điềm đạm, nhẹ nhàng, và đặc biệt là không đánh con bao giờ. Nhưng nay, trước những lời nói sự thật của anh con trai, Trương Ba đã tát mạnh nó đến chảy máu.
Với bàn tay giết lợn lúc chiết cây cam hồn Trương Ba đã làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm, lúc sửa diều cho cu Tị thì làm gãy cả nan, rách cả giấy, hỏng mất cái diều đẹp mà cu Tị rất quí. Cái Gái gọi ông là lão đồ tể, thấy ông xấu lắm, ác lắm, và xua đuổi ông như một tội đồ, Cút đi! Lão đồ tể cút đi!
Bác Trưởng Hoạt, một người bạn cờ rất mến mộ Trương Ba cũng phải nói lời thành thực: Lúc nào bác cũng sặc sụa hơi men(…) Bác đâm nát rượu mất rồi! Những thói xấu thường ngày nó làm hư hại tâm hồn, trí não của người ta bác ạ!. Trong lúc đánh cờ Trưởng Hoạt phải thốt lên: Người đàng hoàng không ai đòi ăn nước ấy!… Lối đánh của bác khác hẳn ngày xưa. Thoạt trông thì thấy cách vào cờ của bác vẫn như xưa, nhưng sau thì… Chẳng còn cái khoáng hoạt, dũng mãnh thâm sâu ngày trước. Cách tiến, cách thủ của bác bây giờ vụn vặt, tủn mủn thô phũ. Mà cái nước ăn vừa rồi nói xin lỗi bác, nó bần tiện làm sao!
Không chấp nhận được sự thực Ông bây giờ còn biết đến ai nữa!, nhận thấy Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa, vợ Trương Ba đã đòi bỏ đi, Đi cấy thuê làm mướn ở đâu cũng được… đi biệt… Để ông được thảnh thơi … với cô vợ người hàng thịt.
Chị con dâu là người hiểu chuyện, cảm thông và thấy thương thầy hơn cả, nhưng cũng đành thừa nhận: Con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy… mỗi ngày thầy một đổi khác dẫn, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa… Con càng thương thầy, nhưng thầy ơi, làm sao, làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia? Làm thế nào thầy ơi?
Phải trú nhờ trong thân xác hàng thịt, mặc dù một mực khẳng định Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn, nhưng rõ ràng như lời của xác hàng thịt đã nói: Tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải qui phục . Sự qui phục đó đã làm cho hồn Trương Ba trở nên khác lạ trong mắt mọi người. Từ sự thay đổi tất yếu đó nhà viết kịch lưu Quang Vũ muốn gửi gắm triết lí sâu xa: Linh hồn và thể xác là hai phương diện tồn tại trong mỗi con người. Có thể nào sống mà không cần đến dáng hình, thân thể? Nhưng có lẽ nào đời sống của con người chỉ thu gọn lại trong những nhu cầu thuần túy bản năng? Đừng bỏ bê thân xác để chỉ biết đến một thứ linh hồn chung chung trừu tượng không thuộc về một ai trên cõi thế gian này. Cũng đừng chạy theo những khát thèm của thân xác mà trở về với hồng hoang nguyên thủy. Cuộc đấu tranh giữa linh hồn và xác thịt chính là cuộc đấu tranh giữa đạo đức và tội lỗi, giữa khát vọng và dục vọng, giữa phần người và phần con trong mỗi con người.
Nếu trong tích truyện dân gian, được sống là niềm hạnh phúc lớn lao, nên mặc dù mang thân anh hàng thịt nhưng Trương Ba vẫn sống cuộc sống vui vẻ, thì trong vở kịch của Lưu Quang Vũ, phải trú nhờ vào thân xác thô kệch của anh hàng thịt lại là một nghịch cảnh phi lí, trái tự nhiên, là hoàn cảnh trớ trêu mà hồn Trương Ba buộc phải chấp nhận, qui phục. Đây chính là mấu chốt của tấn bi kịch mang tên hồn Trương Ba, da hàng thịt.
Trước sự thay đổi của chính mình, trước những suy nghĩ của mọi người về mình, hồn Trương Ba vô cùng đau khổ. Rất nhiều lần trong kịch bản Lưu Quang Vũ đã miêu tả vẻ mặt đầy tâm trạng của hồn Trương Ba: buồn rầu, khổ sở, khó chịu, bịt tai lại, như tuyệt vọng, thẫn thờ, ngồi xuống tay ôm đầu, mặt lặng như tảng đá… Điều đó có nghĩa là hồn Trương Ba đã ý thức sâu sắc được tấn bi kịch của đời mình, cảm thấy đau đớn, bàng hoàng, bế tắc khi nhận ra thể xác đang xâm chiếm, đang lấn lướt linh hồn, đang tha hóa cái linh hồn ấy. Tiếng nói, tiếng cười đắc thắng, hợm hĩnh của xác đang vang vọng đâu đây, cái linh hồn mờ nhạt của ông Trương Ba khốn khổ kia ơi, ông không tách ra khỏi tôi được đâu…
Và rồi, một sự vỡ lẽ, vừa bàng hoàng, vừa chua chát đã dẫn đến quyết định dứt khoát, đẩy tình huống vào độ căng thẳng, quyết liệt hơn: Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? Chẳng còn cách nào khác! mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!. Những câu độc thoại nội tâm đã phơi trải cơn bão tố dữ dội và đau đớn trong cuộc đấu tranh giành giật lại bản thân mình từ bàn tay thô bạo của con quỷ dữ bản năng ở nhân vật Trương Ba. Tất cả đã dẫn đến hành động: Đứng dậy, lập cập, nhưng quả quyết thắp hương, châm lửa gọi Đế Thích.
Gặp người nhà trời, hồn Trương Ba quyết định không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, bởi không thể bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn. Ông đã từ chối cuộc sống khi Đế Thích cho được nhập vào xác cu Tị. Ông cũng vượt lên nỗi ám ảnh về sự hư vô đáng sợ của cái chết khi Đế Thích cho biết ra khỏi thân xác, hồn chẳng còn là gì nữa… ông sẽ không còn lại một chút gì nữa, không được tham dự vào bất cứ nỗi vui buồn gì! Vượt lên tất cả, hồn Trương Ba chấp nhận tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn.
Giống như tất cả mọi người trong cuộc đời này, Trương Ba cũng ham sống, ông càng khao khát được sống bên những người ông yêu thương và cũng rất yêu thương ông. Nhưng khi trải qua bi kịch hồn Trương Ba da hàng thịt, khi phải đối diện với bi kịch của một cuộc sống không phải của mình, Trương Ba khẳng định chua xót và thấm thía: Sống thế này, còn khổ hơn là cái chết. Với một người nhân hậu như Trương ba, ông còn day dứt vì sự sống vay mượn, giả tạo của mình đã đem đến bao đau khổ cho người thân, khiến gia đình như sắp tan hoang ra cả…Đó là những cái giá quá đắt cho cả Trương Ba và gia đình ông, cái giá mà ông không thể trả dù là cho sự sống quí giá của chính mình.
Quyết định xóa bỏ sự tồn tại của cái vật quái gở mang tên hồn Trương Ba, da hàng thịt, đó là một sự lựa chọn dũng cảm của hồn Trương Ba. Chấp nhận cái chết, chấp nhận sự hư vô để được là tôi trọn vẹn, đó là kết quả của sự đấu tranh ở một tâm hồn thanh cao, trong sáng, vượt lên nghịch cảnh. Chấp nhận cái chết, Trương Ba đã tìm lại được sự trong sạch cho linh hồn mình. Được hóa thân vào các vật bình dị, gần gũi, thân thương, tồn tại vĩnh viễn trong kí ức và tình yêu của người thân, khúc vĩ thanh ở phần kết vở kịch đã thổi vào lòng người ta một làn gió nhẹ mang âm hưởng lạc quan: niềm tin vào sự chiến thắng cuối cùng của cái Đẹp, cái Thiện.
- Kết bài:
Đề cao phần linh hồn của con người, đó là điểm gặp gỡ, quy tụ của quan niệm dân gian và triết lí về mối quan hệ giữa hồn và xác của nhà viết kịch hậu hiện đại Lưu Quang Vũ trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Tất nhiên điểm sáng tạo mới mẻ của Lưu Quang Vũ là từ một tích truyện dân gian, tác giả đã đi sâu khai thác mâu thuẫn kịch từ mối quan hệ giữa hồn và xác để gửi gắm thông điệp mang tính triết lí sâu sắc: Được sống làm người quí giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải luôn luôn đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục, để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.