ngu-van-7-canh-dieu-tap-2

Kiến thức ngữ văn bài 6 (Ngữ văn 7, Cánh Diều)

Kiến thức ngữ văn bài 6 (Ngữ văn 7, Cánh Diều)

1. Truyện ngụ ngôn.

Truyện ngụ ngôn là truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần, thường mượn chuyện về loài vật, đồ vật, cây cỏ,… để gián tiếp nói chuyện con người, nêu lên triết lí nhân sinh và những bài học kinh nghiệm về cuộc sống.

2. Tục ngữ, thành ngữ.

Tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, hàm súc, thường có vần điệu, có hình ảnh, nhằm đúc kết kinh nghiệm về thế giới tự nhiên và đời sống con người.

Ví dụ: Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa; Có công mài sắt, có ngày nên kim,…

– Việc sử dụng tục ngữ giúp cho lời ăn tiếng nói thêm sâu sắc, sinh động, có tính biểu cảm cao.

Thành ngữ là loại cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh.

– Nghĩa của thành ngữ có thể bắt nguồn từ trực tiếp từ nghĩa đen của các từ tạo nên nó nhưng thường thông qua một số phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, so sánh…

– Cũng như tục ngữ, cách thể hiện của thành ngữ ngắn gọn, hàm súc, thường có vần điệu, có hình ảnh, giúp cho lời ăn tiếng nói thêm sâu sắc, sinh động, có tính biểu cảm cao. Nhưng khác với tục ngữ, thành ngữ chưa thành câu mà chỉ là những cụm từ, được dùng trong câu như một từ.

Chú ý: Tuy thành ngữ có cấu tạo cố định nhưng một số ít thành ngữ vẫn có thể có những biến đổi nhất định. Chẳng hạn thành ngữ đứng núi này trông núi nọ có thể có những biến thể như đứng núi này trông núi khác, đứng núi nọ trông núi kia,….

Ví dụ: dám ăn dám nói, đẽo cày giữa đường, rán sành ra mỡ,…

3. Nói quá, nói giảm – nói tránh.

Nói quá (khoa trương) là biện pháp tu từ dùng cách phóng đại mức độ, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả nhằm gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.

Ví dụ: Bằng biện pháp nói quá thể hiện qua các thành ngữ rán sành ra mỡ, vắt cổ chày ra nước, tác giả dân gian đã làm rõ mức độ của thói keo kiệt, bủn xỉn; đồng thời, thể hiện thái độ phê phán đối với thói xấu này: không ai có thể rán được sành (loại đồ đất nung già) ra mỡ, cũng không ai có thể vắt được cổ cái chày gỗ ra nước. Chắt bóp đến mức như vậy thì quá keo kiệt, keo kiệt đến mức không tưởng tượng được.

Nói giảm – nói tránh (nhã ngữ) là biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, khéo léo nhằm tránh gây cảm giác quá đau buồn, nặng nề hoặc tránh sự thô tục, thiếu lịch sự.

Ví dụ, trong câu: “Cách mấy tháng sau, đứa con lên sài bỏ đi để chị ở lại một mình” (Nguyễn Khải), cụm từ bỏ đi là cách nói giảm – nói tránh để biểu thị cái chết của nhân vật đứa con. Cách nói giảm – nói tránh ở câu này nhằm tránh gây cảm giác quá đau buồn khi nói về nỗi đau của người mẹ (nhân vật chị) trước việc mất người thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang