“Kỳ vi nhân dã ôn nhu đôn hậu” nghĩa là gì

Kỳ vi nhân dã ôn nhu đôn hậu” nghĩa là gì

“KỲ VI NHÂN DÃ ÔN NHU ĐÔN HẬU” là một thuật ngữ dùng trong lý luận thơ ca, có nghĩa là người tính hiền lành, đôn hậu. Ý nói đến việc sáng tác thơ ca. Khi lập ý, viết lời, phải uyển chuyển hàm súc, trung chính, khoan hòa. Thuật ngữ này xuất xứ từ sách “Lễ ký” thiên “Kinh giải”; “Khổng Tử viết: Nhập kỳ quốc, kỳ giáo khả tri dã. Kỳ vi nhân dã ôn nhu đôn hậu, thi giáo dã” (Vào một nước, có thể biết được sự giáo hóa của nước ấy. Người của họ ôn, nhu, đôn, hậu, đó là do sự giáo hóa của Thi vậy).

Khổng Dĩnh Đạt đời Hán, trong “Chính nghĩa” giải thích như sau: “Ôn tức là nhan sắc ôn hòa, nhu tức là tính tình hiền dịu. Thơ cốt để khuyên răn, không chỉ trích, cho nên nói là thơ ôn nhu đôn hậu”. Chủ trương này yêu cầu tác giả sáng tác phải theo tôn chỉ phù hợp với lễ nghĩa, có sự chê trách bề trên là do phẫn nộ mà bộc lộ ra, song phải biết dừng lại chỗ đúng lễ nghĩa và phải ôn hòa mềm mỏng.

Đây là nội dung quan trọng trong thi giáo của Nho gia, song chủ trương “Ôn nhu đôn hậu” trên thực tế có tác dụng tiêu cực đối với chức năng xã hội của thơ ca là tham dự chính trị, phê phán những cái đen tối. Nhân cách cá nhân của nhà thơ và ý thức trách nhiệm xã hội của họ sẽ bị hạn chế. Có điều, với yêu cầu dùng văn thơ để khuyên răn sao cho hợp với quy luật sáng tác “văn lý hài hòa” thì ở một mức độ nhất định cũng có tác dụng thúc đẩy sự phát triển loại thủ pháp nghệ thuật dùng “tỷ hứng” để gửi gắm tình ý khen chê, phê phán. Đó là ý nghĩa tích cực của thơ ca.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang