moi-quan-he-giua-van-nghe-va-hien-thuc

Mối quan hệ giữa văn nghệ và hiện thực

Mối quan hệ giữa văn nghệ và hiện thực.

1. Phản ánh hiện thực là thuộc tính của văn nghệ.

Ðứng ở góc độ nhận thức luận, phản ánh hiện thực là quy luật khách quan của văn nghệ. Cách giải quyết vấn đề cơ bản trong triết học – quan hệ giữa vật chất và ý thức, giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội có ý nghĩa phương pháp luận cho việc tìm hiểu cơ sở khách quan của vấn đề quan hệ giữa hiện thực và văn nghệ, trong mĩ học, trong lí luận văn nghệ.

Phản ánh luận Marx – Lénine khẳng định rằng: bản chất thế giới là vật chất, tồn tại khách quan, độc lập với ý thức con người. Vật chất là cái có trước, ý thức là cái có sau, vật chất quyết định ý thức. Ý thức là sự phản ánh của thế giới khách quan vào đầu óc con người. Lénine viết:

“Kết luận duy nhất của mọi người nhất định phải rút ra trong đời sống thực tiễn, kết luận mà chủ nghĩa duy vật lấy làm cơ sở cho nhận thức luận của mình một cách tự giác là: có những đối tượng, vật, vật thể tồn tại ở ngoài chúng ta, và cảm giác của chúng ta là hình ảnh thế giới ở ngoài chúng ta, và cảm giác của chúng ta là hình ảnh thế giới bên ngoài”.

Triết học Marx – Lénine đã giải thích một cách đúng đắn, sâu sắc thuộc tính phản ánh của ý thức. ta biết rằng mọi vật chất đều có thuộc tính phản ánh. Bộ óc con người là tổ chức cao nhất của vật chất, nó chẳng những mang thuộc tính phản ánh chung của vật chất mà nó còn là sự biểu hiện đầy đủ nhất, cao nhất của đặc tính phản ánh. Ý thức con người chính là sản phẩm của bộ óc, tức ý thức con người là sự phản ánh thế giới vật chất của bộ óc. Tiếp xúc với thế giới vật chất bên ngoài, con người dùng các giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác … các giác quan – những “khí quan” của bộ óc trực tiếp tiếp xúc với thế giới bên ngoài làm nảy sinh ra kinh nghiệm cảm giác. Không có vật thể bên ngoài thì không thể có cảm giác nảy sinh trong cơ thể con người. Chính nhờ có hiện thực khách quan và hiện thực đó phản ánh vào óc con người thông qua các giác quan nên người ta mới có kinh nghiệm cảm giác. Kinh nghiệm cảm giác là tài liệu để hình thành ý thức con người.

Quan hệ giữa vật chất và ý thức, giữa tư duy và tồn tại là quan hệ giữa cái được phản ánh và cái phản ánh. Lénine viết : “cảm giác của chúng ta, ý thức của chúng ta chẳng qua là hình ảnh của thế giới bên ngoài, vả chăng, rõ ràng là không có cái được phản ánh thì không có sự phản ánh. Nhưng cái được phản ánh tồn tại độc lập với cái phản ánh”.

Trong cơ cấu đời sống xã hội, chủ nghĩa Mác- Lênin đã chỉ ra rằng văn chương là một hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc, bên cạnh các hình thái ý thức khác như triết học, khoa học, chính trị … Là một hình thái ý thức xã hội, văn chương, như mọi hình thái ý thức khác, phản ánh tồn tại xã hội.

Quan hệ giữa văn chương và hiện thực là một biểu hiện của quan hệ giữa tư duy và tồn tại, giữa cái phản ánh và cái được phản ánh. Như thế, hiện thực là nguồn gốc của nhận thức, của ý thức, văn chương là một hình thái ý thức; một hình thức nhận thức; do đó, hiện thực đời sống là nguồn gốc của văn chương, là mảnh đất nuôi dưỡng văn chương, là chìa khóa để giải thích mọi hiện tượng , dù là phức tạp nhất của văn chương. Cũng chính từ cơ sở lí luận này mà chúng ta đã hiểu vì sao đối tượng của văn chương là hiện thực khách quan, là con người và đời sống xã hội.

Như thế, bất kỳ một nền văn chương nào cũng hình thành trên cơ sở một hiện thực xã hội nhất định; bất kỳ một tác phẩm nào cũng là sự khúc xạ của những vấn đề cuộc sống, bất kỳ một nhà văn nào cũng thoát thai từ một môi trường sống nhất định. Phản ánh hiện thực là thuộc tính tất yếu của văn chương.

Khẳng định văn nghệ phản ánh hiện thực, nhưng không được hiểu một cách hạn hẹp khái niệm “hiện thực” để rồi hiểu sự phản ánh hiện thực của văn chương như là sự tái hiện một cách giản đơn các hiện tượng, các sự kiện lịch sử – xã hội cụ thể nào đó. Cần hiểu “hiện thực” là bao gồm cả tự nhiên bao quanh con người, con người, cả môi trường xã hội, cả các quan điểm và học thuyết chính trị, xã hội, cả tư tưởng, tâm trạng …

Trung tâm hiện thực là con người, nhưng nội dung hiện thực của tác phẩm chủ yếu không phải là ở các chi tiết xã hội, ở việc ghi chép mô tả cho nhiều các sự kiện, hoạt động bên ngoài con người. Hiện thực độc đáo của văn nghệ là thế giới tinh thần, tình cảm, tâm lí của con người xã hội. Con người trung tâm của hiện thực là con người kết tinh của những quan hệ xã hội – “tổng hòa của những quan hệ xã hội” nhưng không phải là con người được trừu tượng hóa với những phẩm chất người nói chung mà là con người cá nhân, con người số phận. Việc yêu cầu sáng tác hay phân tích văn nghệ theo nguyên tắc nghề nghiệp kiểu “hình tượng người lính”, “hình tượng người nông dân”, “Hình tượng người phụ nữ”, truyện nông nghiệp, tiểu thuyết sản xuất, truyện lâm nghiệp là một cách lãng quên nhiệm vụ của nghệ thuật – Văn nghệ hướng mục đích chủ yếu vào việc thể hiện tâm trạng, tình cảm, quan điểm, tâm lí của những số phận.

2. Nhận thức và biểu hiện tư tưởng, tình cảm trước hiện thực là phẩm chất của văn nghệ.

Nói nghệ thuật phản ánh hiện thực là xác định cơ sở khách quan của nhận thực nghệ thuật. Nhưng sẽ sai lầm nếu xem phản ánh hiện thực như là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá văn nghệ. Ðứng ở góc độ mĩ học và lí luận nghệ thuật, văn nghệ không nhằm mục đích phản ánh cuộc sống mà là sự nhận thức, nghiền ngẫm về cuộc sống. Tác phẩm nghệ thuật là cả thế giới chủ quan của nghệ sĩ : tình cảm, tâm lí, tư tưởng, ước mơ, lí tưởng, cá tính, tài năng

Tác phẩm nghệ thuật là cách nhìn, cách đánh giá của nhà văn về cuộc sống, là sự khao khát công lí xã hội, là tiếng nói tâm tình, là lẽ ưu tư trước cuộc đời. Biélinski đã từng khẳng định: Tác phẩm sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống để mà miêu tả, không có sự thôi thúc chủ quan mạnh mẽ nào đó có cội nguồn từ trong tư tưởng bao trùm thời đại, nếu nó không phải là tiếng kêu đau khổ, một lời ca sung sướng, một câu hỏi đặt ra hay câu trả lời”.

Giá trị nội dung của tác phẩm văn chương, trước hết, không phải ở sự chân thực các chi tiết, ở những sự kiện lịch sử – xã hội được mô tả chính xác, ở sự tái hiện máy móc các hiện tượng, tình huống cuộc sống hay sự chuyển dịch giản đơn những tư tưởng nào đấy sang ngôn ngữ nghệ thuật. Lénine lưu ý chúng ta câu nói sau đây của Feuerbach: “Nghệ thuật không đòi hỏi người ta phải thừa nhận các tác phẩm của nó như là hiện thực”. Lénine thấy rõ sự vĩ đại của L.Tolstoi không phải chủ yếu ở chỗ nhà văn đã đưa ra được “những bức tranh vô song về đời sống Nga” mà trước hết là ở chỗ L.Tolstoi đã thể hiện được các  tư tưởng tâm trạng, sự thay đổi quan điểm của quần chúng nhân dân Nga.

Cũng cần hiểu trên tinh thần ấy ý kiến sau đây của Lénine về L.Tolstoi: “L.Tolstoi, tấm gương phản chiếu cách mạng Nga” và “nếu trước mắt chúng ta là một nghệ sĩ thật sự vĩ đại thì thế nào trong tác phẩm của anh ta cũng phản ánh cho được vài ba khía cạnh của cuộc cách mạng”. Lénine không nhằm đòi hỏi  văn chương phải  là  những tấm  gương phản chiếu đời sống. Bởi chính Lénine đã khẳng định rằng Tolstoi “không muốn nhìn ông ta nhắm mắt lại” trước hiện thực. Và như mọi người đều biết, trong các sáng tác nghệ thuật của L. Tolstoi không có sự phản ánh trực tiếp sự kiện cách mạng 1905 – 1907 ; nhà văn không xây dựng trên tài liệu này một tác phẩm đáng kể nào.

Nhà văn thông qua việc phản ánh thế giới khách quan để biểu hiện thế giới chủ quan của mình. Tác phẩm nghệ thuật là khát vọng thể hiện một quan niệm về chân lí đời sống, về cái “chân – thiện – mĩ” trong tự nhiên, xã hội, trong quan hệ giữa người với người và trong mỗi con người. Ðó là chân lí tác giả đã thể nghiệm, tác giả muốn bày tỏ, muốn trang trải, muốn thuyết phục mọi người. Thạch Sanh và Lí Thông là mặt phải và mặt trái của chân lí đạo đức : “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” mà tác giả của truyện nôm khuyết danh này muốn răn dạy chúng ta. Chân lí của tính cách Chí Phèo không phải ở chỗ Chí là con ác thú mà là ở chỗ con ác thú trong con người Chí Phèo đã chịu thất bại trước bản năng nhân tính tiềm tàng của chính Chí. Hiện thực đời sống trong tác phẩm nghệ thuật chan chứa cảm hứng Mácnh của nghệ sĩ. Nếu thơ là cây xanh thì, theo Bạch Cư Dị, gốc của thơ là tình cảm, (căn: tình, miêu: ngôn, hoa: thanh, thựa: nghĩa).

Lê Quý Ðôn cũng xem tình là điều đầu tiên trong 3 điều chính: “Thơ có 3 điều chính: một là tình, hai là cảnh, ba là sự …” Tình cảm trong nghệ thuật phải là sự nồng cháy, sục sôi khẳng định điều thiện, phủ nhận điều ác, thiết tha với lẽ phải. Nguyễn Du viết Truyện Kiều là viết về “những điều trông thấy” với một tình cảm nhức nhối “đau đớn lòng”. Ðiều đau đớn nhất đối với Nguyễn Du là thân phận của người phụ nữ trong xã hội vạn ác. Nguyễn Du phải thét lên: “Ðau đớn thay phận đàn bà”. Hồ Xuân Hương cũng đã nguyền rủa: Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.

Hiện thực trong tác phẩm bao giờ cũng được thể hiện theo một khuynh hướng tư tưởng nhất định do những xung đột, mâu thuẫn trong đời sống gợi nên. Không phải ngẫu nhiên mà trong mĩ học có những phạm trù : đẹp và xấu, cao cả và thấp hèn, bi và hài … sự tồn tại những phạm trù đó trong mĩ học và nghệ thuật, chứng tỏ rằng nghệ sĩ bao giờ cũng có thiên hướng trong sáng tác.

Kết thúc bài thơ “Ðời trước làm quan” Nguyễn Khuyến viết:

Có tiền việc ấy mà xong nhỉ
Ðời trước làm quan cũng thế a?

Dưới hình thức “ngâm vịnh” về chuyện ngày xửa ngày xưa, Nguyễn Khuyến đã tỏ thái độ hết sức bất bình với bọn tham quan ô lại đồng thời.

Làm sáng tỏ nhận định: Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. (trích Tiếng nói của văn nghệ – Nguyễn Đình Thi)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang