»» Nội dung bài viết:
Mối quan hệ giữa văn nghệ với chính trị, triết học, khoa học, đạo đức, tôn giáo
Trong cơ cấu đời sống xã hội, chúng ta đã xem xét văn chương trong mối quan hệ với cơ sở kinh tế. Nhưng sẽ phiến diện, sai lầm, nếu chúng ta chỉ dừng tại đây mà không xem xét thấu đáo mối quan hệ giữa văn chương với kiến trúc thượng tầng. Bởi, tuy cơ sở hạ tầng quyết định tới văn chương nhưng là nguyên nhân gián tiếp và suy tới cùng, trong lúc đó, nhiều hình thái ý thức khác thuộc tầng – tuy là tinh thần – nhưng lại là nguyên nhân trực tiếp và nhiều khi là nguyên nhân rất quan trọng.
Văn chương, chính trị, triết học, khoa học, luân lí, tôn giáo … đều nằm trên thượng tầng kiến trúc và do cơ sở kinh tế sinh ra. Tuy vậy, chúng có quy luật phát sinh, phát triển riêng, có quan hệ không giống nhau với cơ sở kinh tế, sự tác động qua lại và quan hệ không như nhau đối với văn chương.
1. Văn nghệ với chính trị.
Xác định mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, đồng chí Trường Chinh nói: “Quan hệ giữa chính trị và văn nghệ là chính trị lãnh đạo văn nghệ, văn nghệ phục vụ chính trị. “Ý kiến này đã xác định một cách đầy đủ đặc điểm và tính chất của mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Quan hệ giữa chúng, trước hết, là quan hệ nội tại, quan hệ bên trong, bản chất, chứ không phải quan hệ bên ngoài, hình thức, gán ghép “từ trên đưa xuống, từ ngoài đưa vào”. Mặt khác, quan hệ đó là sự quan hệ phụ thuộc của văn nghệ và chính trị chứ không phải quan hệ độc lập, càng không phải là quan hệ đối lập kiểu “hai bên vỗ tay nhau cùng đi lên, hai bên cùng có lợi”.
Tại sao có quan hệ đặc biệt này?
“Văn chương là một hình thái ý thức xã hội cách xa cơ sở kinh tế” Cơ sở kinh tế không quyết định trực tiếp mà nó phục vụ trở lại cơ sở bằng con đường gián tiếp. Vậy khâu trung gian đó là gì? Ðó là chính trị. Cơ sở kinh tế muốn ảnh hưởng đến văn chương phải thông qua chính trị và ngược lại văn chương muốn tác động vào kinh tế thì phải tác động vào chính trị. Bởi vì, tuy thuộc kiến trúc thượng tầng, do cơ sở kinh tế sinh ra, nhưng chính trị là sự thể hiện trực tiếp và tập trung nhất của yêu cầu kinh tế. Lênin đã chỉ rõ “chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế”. Vì thế, khi nói văn chương phục vụ kinh tế thì có nghĩa là văn chương phục vụ chính trị, phục vụ cho một hình thái ý thức mà ở đó là biểu hiện tập trung của kinh tế. Ngược lại, nói văn nghệ phục vụ chính trị thì tức là nó đã phục vụ kinh tế. Như thế, đã thừa nhận kinh tế quyết định văn chương thì đương nhiên phải thừa nhận chính trị quyết định tới văn chương – chính trị lãnh đạo văn nghệ.
Theo Lênin, chính trị là “tham gia công việc nhà nước, là chỉ đạo nhà nước, là xác định những hình thức, những nhiệm vụ và nội dung hoạt động của nhà nước”. Hiểu rộng ra, chính trị là biểu hiện những lợi ích căn bản của các giai cấp và quan hệ lẫn nhau giữa các giai cấp, các dân tộc, chính trị là sự thể hiện tập trung những đòi hỏi, những nhu cầu nguyện vọng của giai cấp nhân dân. nói khác đi, chính trị là tổng hóa những quan hệ và tư tưởng và tình cảm, tâm lí, tổ chức, thể hiện tập trung trong những quan hệ kinh tế, chính quyền quốc gia dân tộc. Như thế, chính trị bao trùm và chi phối toàn bộ đời sống của xã hội. Không có thành viên nào có thể đứng ngoài sự chi phối đó, không có lĩnh vực nào của đời sống lại không liên quan đến chính trị. Văn chương là một trong những hình thức của đời sống xã hội, đời sống tinh thần, đương nhiên văn chương chịu sự chi phối của chính trị. Mặt khác, bản thân văn chương là một hình thức nhận thức, phản ánh xã hội, là sự thể hiện những tư tưởng tình cảm, ước mơ, nguyện vọng… của con người xã hội nên tất yếu nó gắn liền với chính trị.
Trong thực tế, văn chương nghệ thuật phục vụ chính trị dưới hai hình thái: hình thái tự phát vô ý thức và hình thái tự giác, có ý thức. Nghĩa là có loại văn nghệ phục vụ chính trị, đi theo một xu hướng chính trị nào đó một cách vô ý thức. Lại có loại văn nghệ phục vụ cho chính trị một cách tự giác có ý thức, “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ”. Hình thái này trong văn chương là phổ biến và ngày càng trở nên sâu sắc.
Trung thành với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Marx – lenin về văn nghệ và chính trị, Ðảng ta luôn luôn coi văn nghệ là một bộ phận không thể thiếu được, không thể tách rời của sự nghiệp cách mạng, và luôn luôn có chủ trương và chính sách đối với văn nghệ. Năm 1943, Ðề cương văn hóa của Ðảng ghi “mặt trận văn hóa là một trong 3 mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”. Năm 1951, trong thư gởi các họa sĩ, Hồ Chủ tịch khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em (văn nghệ sĩ) là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Năm 1957, trong bài nói chuyện tại Ðại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2, thay mặt trung ương Ðảng, Trường Chinh xác định “Quan hệ giữa văn nghệ và chính trị là chính trị lãnh đạo văn nghệ và văn nghệ phục vụ chính trị” và đồng chí giải thích: “Chính trị lãnh đạo văn nghệ là lãnh đạo về đường lối (bao gồm cả đường lối nghệ thuật) về phương châm, chính sách, tổ chức … Chứ không can thiệp vào những vấn đề cụ thể có tính chất quá chuyên môn. Chính trị lãnh đạo văn nghệ không phải bằng mệnh lệnh hành chính gò ép tình cảm và sự suy nghĩ … tìm tòi của văn nghệ sĩ cũng không phải bằng rập khuôn, san bằng sự sáng tác, mà phải thông qua sáng tác chủ quan của văn nghệ sĩ, tôn trọng tính chủ động và óc sáng tạo của văn nghệ sĩ: càng không phải ép văn nghệ sĩ nhai lại những khẩu hiệu chính trị một cách máy móc khô khan, gượng gạo, vụng về”. Về phương diện văn nghệ phục vụ chính trị , đồng chí Trường Chinh chỉ rõ : “Văn nghệ phục vụ chính trị là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất tổ quốc, và phục vụ sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
2. Văn nghệ với triết học.
Từ xa xưa, khi trình độ tư duy của con người còn đang thấp kém thì đời sống tinh thần của con người có hiện tượng “văn chiết bất phân”. Ở phương Tây, trước đây, triết học được xem là khoa học của mọi khoa học. Nghĩa là nó bao gồm toàn bộ sự hiểu biết của con người về thế giới, nó thay thế cho toàn bộ các khoa học. Nhưng dần dần nó nhờ sự tiến bộ của tri thức cụ thể của con người dẫn tới có sự phân ngành khoa học thì triết học không còn là khoa học của mọi khoa học. Nó trở thành khoa học độc lập.
Tuy vậy, ngay cả khi triết học trở thành một khoa học độc lập và văn chương trở thành một loại hình nghệ thuật độc lập thì giữa chúng vẫn tồn tại một quan hệ khăng khít. Triết học và văn chương là những hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng do cơ sở kinh tế quyết định. Marx : “Triết học không đứng ngoài thế giới” Bởi vì “các nhà triết học không phải mọc từ dưới đất lên như nấm, họ là con đẻ của thời đại họ, cả nhân dân nước họ, và những tinh hoa tốt đẹp nhất, quý báu nhất và khó trông thấy nhất
của thời đại và của nhân dân nước họ, đều thể hiện trong tư tưởng triết học. Cái tinh thần đã xây dựng nên các hệ thống triết học trong bộ óc những nhà triết học, cũng là cái tinh thần đã xây dựng đường sắt với những bàn tay công nhân”.
Cũng như văn chương, triết học là hình thái ý thức xã hội nhằm mục đích nhận thức thế giới, nhận thức, khám phá chân lí cuộc sống để cải tạo thế giới, cải tạo cuộc sống. Triết học chẳng qua là hệ thống tri thức chung nhất của con người về thế giới. Mặt khác, tác phẩm văn chương xuất sắc, đạt được tầm nhận thức và phản ảnh sâu sắc, có ý nghĩa khái quát cao về những vấn đề lớn, vấn đề chung của xã hội thì cũng có nghĩa đạt được những kết luận mang tính triết học, là những tư tưởng triết học. Tác phẩm văn chương chẳng qua là sự thể hiện qua một cơ cấu hình tượng nghệ thuật những quan điểm, quan niệm của nghệ sĩ về cuộc sống. Những quan điểm, quan niệm của nhà văn đó là những kết luận triết học. Nói đến triết học là nói đến thế giới quan và nhân sinh quan, tức là nói đến ý thức tư tưởng. Nói đến văn chương là nói đến nghệ thuật miêu tả, phản ánh. Quan hệ giữa triết học và văn chương nghệ thuật là quan hệ giữa ý thức tư tưởng với nghệ thuật miêu tả, phản ánh. Nói đến triết học là nói đến vấn đề lí trí, nói đến nghệ thuật là nói đến vấn đề tình cảm. Tình cảm và lí trí là nhất trí. Lê Duẩn nói: “thường thường triết học giải quyết vấn đề lí trí, nghệ thuật xây dựng tình cảm, cả hai đều phải nhất trí với nhau”.
Triết học cung cấp cho văn chương lối nhìn cách nghĩ, cách rút ra những kết luận về hiện tượng và sự vật. Văn chương bằng tình cảm nêu lên được những vấn đề cuộc sống, con người, những mối quan hệ giữa người và người, giữa người với tự nhiên và văn chương đạt được tầm triết học. Những tư tưởng triết học thường có ý nghĩa chỉ đường cho văn chương, làm cơ sở tư tưởng cho văn chương, làm chỗ dựa tinh thần cho văn chương. Triết học Mác – Lênin là một khoa học chân chính đã thực sự soi đường cho văn chương nghệ thuật. Các nghệ sĩ hiện thức xã hội chủ nghĩa được chủ nghĩa Mác – Lênin vũ trang cho nhận thức khách quan, chính xác các quy luật phát triển của thế giới. Những quy luật này giúp họ chẳng những đường hướng đi mà còn giúp họ vạch ra đúng đắn những gì quan trọng nhất, chủ yếu nhất trong quá trình phát triển của thế giới, và chỉ giúp họ xử lí một cách đúng đắn những sự kiện những hiện tượng phức tạp trong đời sống. Triết học Mác – Lênin được các nghệ sĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa coi như là một vũ khí tư duy và tư tưởng. Với triết học Mác – Lênin, phương pháp nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa đã đánh dấu một bước ngoặc, một sự thay đổi về chất trong phương pháp nghệ thuật.
Triết học và văn chương gần gũi và ảnh hưởng lẫn nhau như vậy. Nhưng triết học là một khoa học, còn văn chương là một nghệ thuật. Những tác phẩm văn chương dù có tầm khái quát cao về cuộc sống đến đâu cũng chỉ đạt đến tầm nhận thức có tính chất triết học, chứ bản thân nó không phải và không thể trở thành tác phẩm triết học với tư cách là một khoa học. Ngược lại, các tác phẩm triết học dù viết có sinh động đến đâu cũng không trở thành một tác phẩm văn chương với tư cách là một nghệ thuật được. Sự khác nhau giữa triết học văn chương nghệ thuật là ở phương pháp khái quát chân lí cuộc sống và ở phương thức nhận thức và biểu hiện cuộc sống. Triết học dùng tư duy logic để nhận thức, nghiên cứu các hiện tượng đời sống và khái quát lại thành những quy luật, khái niệm. Văn chương nghiên cứu cuộc sống cũng đạt tới những nhận thức khái quát về hiện tượng cuộc sống, nhưng văn chương thể hiện nó dưới những hình tượng sinh động. Phương pháp biểu hiện của văn chương là phương pháp hình tượng hóa, điển hình hóa. Hình thức của nghệ thuật là “hình thức hình tượng” , ở nghệ thuật điển hình tồn tại trong cái cá biệt. Phương pháp biểu hiện trong triết học là phương pháp trừu tượng hóa, khái quát hóa. Mọi hiện tượng ngẩu nhiên, cá biệt đều bị loại bỏ.
Có thể nói, quan hệ giữa triết học và văn chương là quan hệ giữa ý thức tư tưởng (đã được quy lại thành thế giới quan, nhân sinh quan) với nghệ thuật miêu tả, phản ánh.
3. Văn nghệ với khoa học.
Khoa học và nghệ thuật là hai hình thức nhận thức cơ bản của con người. hai hình thức đó không hề có mâu thuẫn, không hề đối lập, trái lại ảnh hưởng lẫn nhau. Tuy vậy, những người chủ trương nghệ thuật thuần túy hoàn toàn bác bỏ ý kiến này, phủ nhận vai trò nhận thức của nghệ thuật. Chúng cho rằng thà gán nghệ thuật với bất cứ cái gì cũng được , trò chơi vô mục đích, không tư tưởng, biểu hiện cảm tính chứ không thể gán nghệ thuật với chân lí. Cái đẹp của nghệ thuật và chân lí khoa học là hoàn toàn thù địch nhau.
Trái hẳn với lí luận đó, Phạm Văn Ðồng khẳng định : “Văn chương nghệ thuật là công cụ hiểu biết, để khám phá, để sáng tạo lại thực tại xã hội. Nó là một khoa học. Người làm văn học nghệ thuật phải hiểu biết nhiều lắm. Nghệ thuật là một sự hiểu biết, khoa học là một sự hiểu biết, văn học là một sự hiểu biết, hiểu biết cao sâu lắm. Và đồng thời khám phá, sáng tạo. Hiểu biết sâu đến chừng nào, thì khám phá, sáng tạo, cao đến chừng ấy. Bởi vì, nó là một nghệ thuật, nó là khoa học”. Khẳng định văn học là một khoa học là không hề đánh đồng khoa học với văn chương nghệ thuật, mà trái lại, đó là sự đánh giá hết sức đúng đắn bản chất nhận thức của văn chương nghệ thuật, là sự nhận chân khả năng to lớn của văn chương trong việc nhận thức và phản ánh đời sống, là sự khẳng định tính chất khoa học của văn chương trong quá trình nhận thức và phản ánh đời sống.
Nghệ thuật và khoa học không hế đối lập nhau. Trước hết là ở chỗ: chúng đều là những công cụ nhận thức hiện thực khách quan. Khoa học là hệ thống tri thức của con người về tự nhiên và xã hội. Mục đích của khoa học là phát hiện những quy luật khách quan của các hiện tượng và giải thích các hiện tượng đó. Như thế, khoa học và nghệ thuật thống nhất với nhau ở chỗ là phát hiện, nhận thức thế giới. Con người không chỉ sử dụng một hình thức nhận thức đơn nhất nào. Vì bản chất thế giới là vô cùng phức tạp, vô cùng vô tận. Nhưng có thể nói nghệ thuật là khoa học là 2 hình thức nhận thức cơ bản của con người. Với mục đích nhận thức bản chất thế giới, con người sử dụng công cụ nhận thức khoa học để hiểu biết nó, nắm bắt nó dưới dạng những công thức định lí, định luật, khái niệm … trừu tượng. Nhưng , cũng với mục đích nhận thức thế giới, con người sử dụng công cụ nhận thức nghệ thuật thì kết quả đạt được lại là những hình tượng nghệ thuật. Ở đây bản chất, quy luật của đời sống được phát hiện, tồn tại dưới dạng thức đời sống.
Nghệ thuật và khoa học không đối lập nhau còn là ở chỗ mục đích và tác dụng nhận thức của chúng. Cả khoa học và nghệ thuật đếu có mục đích là phát hiện ra những quy luật của thế giới, vũ trang cho con người những hiểu biết về thế giới để con người tiến hành cải tạo thế giới. Những người chủ trương nghệ thuật thuần tú, phủ nhận giá trị nhận thức của văn chương nghệ thuật, cho rằng: “Nếu nghệ thuật là một phương tiện để nhận thức thì nó thấp hơn nhiều so với hình học” (G. Maritin). Hoặc cho rằng: “Tác phẩm nghệ thuật sống và phát sinh không phải là hồi quang của một cái gì khác mà là một cấu trúc ngôn ngữ khép kín trong bản thân nó”. Nhưng thực tiễn nghệ thuật đã chứng tỏ rằng nó có thể cung cấp và thực sự cung cấp cho con người một nhận thức to lớn. Biélinski đã đánh giá: “Chỗ khác nhau giữa khoa học và nghệ thuật không phải là ở nội dung mà ở phương pháp sáng tạo ra nội dung”.
Nghệ thuật, mà đặc biệt là nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa, nó không phải là sự tái hiện giản đơn những hiện tượng, sự kiện trong cuộc sống mà sự phát hiện chân lí cuộc sống, sự khái quát, bộc lộ ý nghĩa bản chất cuộc sống. Cũng như khoa học, nghệ thuật không được phép dừng lại ở việc đúc kết, thống kê, hệ thống hóa máy móc vật liệu sống, cũng không chỉ nhằm mức độ chính xác có tính chất tài liệu mà chủ yếu ở chỗ nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm bằng cách lựa chọn có ý thức những nét bản chất nhất, những mặt điển hình của cuộc sống là khái quát hóa. Không có sự lựa chọn đó, thì tác phẩm nghệ thuật giỏi lắm chỉ tạo ra sự tương tự bên ngoài của chân lí chứ chưa đạt tới tính chân thực, trung thực. Nghệ thuật, vì vậy, không chỉ hiểu biết mà còn khám phá, phát hiện. Trong quá trình khái quát hóa cuộc sống, nghệ sĩ phải phát hiện một cách trung thực ý nghĩa chân chính của cuộc sống, làm cho những gì là tính chất, bản chất quy luật của đời sống đang bị che phủ trong sự rối bời, ngổn ngang của cái ngẫu nhiên, cá biệt, không bản chất được sáng tỏ.
Nghệ thuật và khoa học còn thống nhất với nhau ở tính cộng đồng về nhận thức luận, phản ánh luận và phương pháp của nó. Nghệ thuật không phải là một cuộc phiêu lưu của tâm hồn. Cũng như khoa học, nghệ thuật có phương pháp của nó. Ðó là phương pháp nghệ thuật – những nguyên tắc tư tưởng – thẩm mĩ bao quát các mối quan hệ giữa nghệ sĩ và hiện thực trong quá trình nhận thức, phản ánh cuộc sống. Nghệ thuật và khoa học có tính cộng đồng về nhận thức luận và phản ánh luận duy vật biện chứng. Biện chứng của quá trình nhận thức là từ trực quan sinh động, đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Quá trình đó đúng với cả nhận thức nghệ thuật.
Khoa học và nghệ thuật liên hệ với nhau còn ở chỗ chân lí khoa học thâm nhập sâu vào nội dung nghệ thuật một cách hữu cơ. Với tư cách là công cụ nhận thức cuộc sống, lúc này khoa học cũng nằm trong đối tượng của văn chương. Vì, khoa học cũng là cuộc sống. Những chân lí mà khoa học đã đạt được sẽ tạo điều kiện cho nhà văn phản ánh cuộc sống đúng đắn hơn, chính xác hơn. Những thành tựu và hiểu biết về tâm lí học , xã hội học … sẽ làm cho nhà văn phản ánh con người và cuộc sống đúng đắn hơn, sâu sắc hơn, và có dựa trên những chân lí khoa học đó, quá trình quan sát thế giới nội tâm của nhà văn mới chính xác và “phép biện chứng tâm hồn” sự phân tích, thể hiện tâm lí con người mới được phong phú đúng đắn và có tính thuyết phục cao.
Hiện thực của thời đại ngày nay là hiện thực của thời đại khoa học kỹ thuật, văn chương phải lấy hiện thực đó làm trung tâm. Thi sĩ ngày nay không chỉ là thi sĩ của “cô hàng xóm” “dậu mùng tơi xanh rờn” của nông thôn cổ xưa. Nghệ sĩ ngày nay là nghệ sĩ của những người làm chủ nhà máy, công trường, bầu trời, mặt đất và biển cả. Hơn nữa, ngày nay có xu hướng xâm nhập của khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực khác của con người trong đó có nghệ thuật.
Dỉ nhiên, tất cả những điều trên không hề chứng tỏ sự đồng nhất của khoa học và nghệ thuật. Ngày nay có người lo ngại sự bành trướng của khoa học đối với nghệ thuật, làm cho nghệ thuật có nguy cơ tiêu diệt. Thực ra, khoa học phát triển chỉ có thể làm cho nghệ thuật phát triển mà thôi. Vì nói đến khoa học là nói đến lí trí, nói đến nghệ thuật là nói đến tình cảm, thẩm mĩ. Con người càng văn minh thì tình cảm phát triển càng cao đẹp, ý thức thẩm mĩ càng phong phú, thời gian để thưởng thức cái đẹp càng dồi dào, vì vậy, nghệ thuật càng cần thiết cho cuộc sống.
4. Văn nghệ với đạo đức.
Nghệ thuật gắn bó với đạo đức tới mức được Gorky cho rằng: “luân lí là mĩ học của tương lai”. Sự gắn bó này trước hết thể hiện ở chỗ: đạo đức là nội dung quan trọng của hình tượng nghệ thuật. Con người được thể hiện, xác định trong các mối quan hệ mà chủ yếu là quan hệ xã hội – quan hệ giữa người này với người khác và giữa với xã hội. Trong quan hệ giữa người và người có quan hệ đạo đức. Quan hệ đạo đức là điều không thể thiếu được, thậm chí rất quan trọng và chủ yếu để tạo nên các tính cách. Phong thái đạo đức, cảm nghỉ đạo đức của nhân vật thường khi là một nguồn sức mạnh của nghệ thuật.
Ðạo đức là quy tắc sinh hoạt chung của xã hội và của hành vi con người, quy định nghĩa vụ của người này đối với người kia và đối với xã hội nói chung. Như thế, đạo đức là việc không thể thiếu được ở con người. Văn chương nghệ thuật miêu tả con người không thể không miêu tả nó trong quan hệ đạo đức, trong hành động đạo đức, trong lí tưởng đạo đức. Con người xã hội khác với con người phi xã hội và loài vật là ở chỗ đạo đức.
Ðạo đức là biểu hiện của lí tưởng thẩm mĩ. Nói đến nghệ thuật là nói đến ý nghĩa thẩm mĩ. Nhưng cái đẹp ở trong nghệ thuật trước hết là con người đẹp – những nhân vật lí tưởng – lí tưởng thẩm mĩ. Sẽ
không phải là con người đẹp nếu người đó không bao giờ có đạo đức. Một tính cách mà về đạo đức là ác quỷ thì không thể đẹp được. Do đó, khi xây dựng các nhân vật lí tưởng, nhà văn không lấy việc miêu tả cái đẹp hình dáng làm mục đích mà lấy cái đẹp trong hành động , suy nghĩ mang phẩm chất đạo đức làm chính.
Ðạo đức là nội dung trọng yếu của văn chương xưa nay. Có thể khẳng định rằng lịch sử văn chương là lịch sử phong thái đạo đức của các tính cách. Từ xưa tới nay, nghệ thuật tường thuật về tính cách đạo đức của con người.
Nội dung đạo đức của tác phẩm là một phẩm chất của nghệ thuật. Người đọc đồng tình hay phản đối không chỉ với hành động đạo đức của nhân vật mà còn với cách thể hiện hành động đạo đức của nhân vật bởi nhà văn.
Tác phẩm nghệ thuật không chỉ tái hiện phạm vi đạo đức mà còn giải quyết những vấn đề đạo đức bằng cách khẳng định lí tưởng đạo đức. Người nghệ sĩ chân chính luôn luôn có khát vọng không chỉ tái hiện cuộc sống mà còn chỉ cho con người biết cuộc sống nào đáng sống.
Ðạo đức không chỉ là nhân tố thiết yếu của cái đẹp, mà bản thân cái đẹp cũng là một phương tiện giáo dục đạo đức cho con người.