Một con người hoàn hảo; một cuộc sống hoàn hảo theo bạn là như thế nào?
“Có một người con trai đến tuổi trưởng thành. Anh ta có được việc làm trong ngành công thương nghiệp, hoặc có chân trong giới quan chức. Tự tay anh ta xoay xở xây lên được một căn nhà, sắm sửa được mọi vật dụng thiết yếu trong gia đình mà không cần nhờ vả người khác và cưới được một cô vợ như ý. Anh ta sống tằn tiện, sinh con, nuôi con cái ăn học. Anh ta cũng có được một khoản tiền tiết kiệm phòng khi “trái gió, trở giời” còn có cái để chi tiêu. Anh ta mãn nguyện vì cho rằng như thế là mình đã có được cuộc sống độc lập. Dư luận xã hội cũng đều đánh giá anh ta là một người hoàn hảo và bản thân anh ta cũng lấy làm đắc chỉ. Các bạn nghĩ sao về con người này? Tôi thì không nghĩ rằng anh ta là một con người hoàn hảo”. (Trích Khuyến học -Fukuzawa Yukichi)
Từ quan điểm trên của Fukuzawa Yukichi, anh (chị) hãy viết bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) với nhan đề: “Một con người hoàn hảo, một cuộc sống hoàn hảo”.
1. Giải thích vấn đề:
Theo Fukuzawa Yukichi, sự hoàn hảo của một con người không chỉ thể hiện ở việc cá nhân tự tổ chức cho bản thân một đời sống đầy đủ, yên ổn.
Muốn trở nên hoàn hảo, con người ấy bên cạnh tập trung hướng đến việc đảm bảo những lợi ích cho cá nhân và gia đình còn phải sống có hoài bão lớn lao, có trách nhiệm đối với người khác, cống hiến hết mình cho xã hội.
2. Bàn luận vấn đề:
Khi đóng khung đời sống cá nhân trong những nhu cầu cần thiết hằng ngày, nếu có được đầy đủ những yếu tố ấy (như việc làm, nhà cửa, tiền bạc…) thì đó chỉ có thể là thỏa mãn, không thể gọi là toại nguyện và cũng không có gì đáng khen ngợi.
Để được xem là có một cuộc sống mãn nguyện đáng tự hào, để trở thành một con người hoàn hảo, mỗi cá nhân cần xác định mục đích quan trọng của cuộc đời là phải biết ước mơ những gì cao cả hơn vật chất thông thường, phải có trách nhiệm đối với cộng đồng.
Ước mơ lớn lao là động lực vươn lên, là đích đến rực rỡ; sống biết chia sẻ sẽ nhận lại ý nghĩa tương ứng, sẽ gắn kết người với người, tăng thêm niềm tin và hi vọng vào cuộc đời. Chính những điều đó khiến chất lượng cuộc sống của con người tốt hơn thêm, giá trị hơn.
Xác định trách nhiệm và hành động vì xã hội, vì người khác, nuôi trong lòng những hoài bão lớn lao và nhiệt thành cống hiến cũng chính là xây dựng cho bản thân một lí tưởng sống tốt đẹp, giúp mỗi cá nhân dần hoàn thiện theo thời gian.
3. Bài học nhận thức và hành động:
Cần lên án những người chỉ biết thu vén cho đời sống cá nhẫn ổn định, đầy đủ mà hoàn toàn vô tâm với mọi điều xung quanh, vô cảm trước những mảnh đời nhiễu thiệt thòi, những số phận bất hạnh. Cũng cần phê phán lối sống xem trọng vật chất mà quên đi những giá trị tinh thần lớn lao, sống thiếu ước mơ, lí tưởng.
Vấn đề này đòi hỏi những việc làm, những hành động cụ thể. Bên cạnh việc tích cực tham gia những hoạt dộng công ích, những công tác thiện nguyện trong khả năng của bản thân, mỗi người còn cần phải động viên, khuyến khích người khác cùng tham gia, chung tay vì cộng đồng. Và trước khi xác định và thực hiện nghĩa vụ đối với xã hội, mỗi cá nhân cần sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình.
Đọc thêm:
- Nghị luận: Lý tưởng sống (lẽ sống) của tuổi trẻ ngày nay
- Bàn về sống đẹp: Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn? (Tố Hữu)