cam-nhan-y-nghia-bai-tho-mua-xuan-nho-nho-cua-thanh-hai

Cảm nhận ý nghĩa bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Cảm nhận ý nghĩa bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ ” của nhà thơ Thanh Hải

  • Mở bài:

Thanh Hải (1930 – 1980) là thế hệ nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Ông là nhà thơ cách mạng, bám trụ ở quê hương Thừa Thiên – Huế, kể cả thời kì đen tối nhất của cách mạng miền Nam. “Mùa xuân nho nhỏ” được ông viết khi lâm bệnh nặng, cho nên bài thơ là tiếng lòng mà ông gửi lại cho đời trước khi từ giã cõi trần. Hoàn cảnh sáng tác ấy khiến ta trân trọng hơn những tình cảm và tư tưởng cao cả của ông.

  • Thân bài:

Từ “mùa xuân” thường có trong cách nói thông thường “xuân tươi đẹp”, “mùa xuân đã về”; nhưng ở đây lại là “Mùa xuân nho nhỏ”. Một sự kết hợp không bình thường, gợi sự chú ý cho người đọc. Chính sự kết hợp ấy đã tạo ra nghĩa hàm ẩn: mỗi người cần góp vào cuộc đời chung cái phần tốt đẹp nhất của mình (xuân), mặc dù nhỏ bé nho nhỏ .Đó là lời tâm niệm và cũng là lời đề nghị của nhà thơ.

Cảm xúc trào dâng trước vẻ đẹp mùa xuân thiện nhiên (khổ đầu gồm 6 câu). Đọc 6 dòng thơ đầu ta như hình dung một người rất yêu cuộc sống đang đứng ngắm cảnh đất trời đang vào xuân:

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”. 

Trước mắt người đó là một bông hoa màu tím biếc “mọc” trên “dòng sông xanh”, và trên cao là những con chim chiền chiện đang “hót vang trời”. Cảnh sắc này gợi cho ta liên tưởng đến cố đô Huế và dòng sông Hương trong xanh và màu tím đặc trưng của quê hương nhà thơ. Vì rất yêu cuộc sống nên nhà thơ nhìn mọi vật đều sống động và tươi đẹp.

Giọng thơ cũng mang đậm sắc thái Huế: “hót chi mà”. Nếu đọc những dòng thơ ấy bằng chính âm sắc Huế, chúng ta sẽ cảm nhận được tiếng lòng thiết tha mà thâm trầm và lắng sâu của trái tim nhà thơ. Ông như hứng được từng giọt long lanh của sương hay âm thanh của tiếng chim hót. Tình yêu cuộc sống trào dâng trong tâm hồn của một người dự cảm được phút giây được sống của mình rất ngắn ngủi.

Đang ở trạng thái ngây ngất trước cảnh sắc đất trời vào xuân, nhà thơ nghĩ đến mùa xuân của đất nước và dân tộc Việt Nam:

“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao

Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”.

Nhà thơ cảm nhận được nhịp điệu hối hả của cuộc sống dựng xây sau chiến tranh: mùa xuân cầm súng, mùa xuân người ra đồng. Điều mà ông cảm nhận rõ nhất là “lộc” đang lan tỏa sức sống đến muôn nơi.

Nền tảng của sự thành công ấy còn là sự phát huy sức mạnh của cả dân tộc từ “bốn ngàn năm”, người dân nước mình có phẩm chất kiên cường vượt qua vả và gian khổ. Hình ảnh thơ không mới nhưng tình cảm rất chân thành, rất tha thiết. Giọng thơ gióng giả, diễn tả được cái hối hả, xôn xao của cuộc đời. Đặc biệt là hình ảnh “Đất nước như vì sao / Cứ đi lên phía trước” thể hiện niềm tin vào thành công tất yếu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới: xây dựng Xã hội chủ nghĩa, xây dựng cuộc sống mới, con người mới.

Từ cảm xúc về mùa xuân của thiên nhiên và đất trời, mạch thơ chuyển một cách tự nhiên sang bày tỏ những suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.

Người đọc bắt gặp lại hình ảnh ở khổ thơ đầu “con chim”, “một cành hoa” và có thêm “một nốt trầm xao xuyến”. Bằng những hình ảnh giản dị và tươi đẹp đó, nhà thơ bày tỏ khát vọng muốn được hòa nhập vào cuộc sống chung của đất nước, được cống hiến những gì đẹp nhất, dù là nhỏ bé của mình, vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Điều đáng quý là sự đóng góp ấy thật tự nhiên như bông hoa thầm lặng tỏa hương, như là lẽ tất yếu con chim thì phải cất lên tiếng hót.

Tất cả những hình ảnh đẹp và xúc cảm thẩm mĩ của đoạn thơ mang lại khiến người đọc cảm nhận được điều tâm niệm chân thành, tha thiết của nhà thơ và cũng là lời đề nghị của ông gửi lại cho đời: Mỗi người nên mang đến cho đời, đóng góp vào cuộc sống chung phần tinh túy nhất, dù nhỏ bé sống có ích cho đời là một khát vọng sống thật cao đẹp. Và đó phải là sự cống hiến thầm lặng, miệt mài hai mươi… tốt nhất đừng bao giờ kể công lao hay nêu thành tích của mình.

Khổ thơ gồm năm câu, câu đầu và câu cuối kết thúc bằng thanh trắc (hát – Huế), ba câu giữa vần với nhau bằng thanh bằng (bình – mình – tình) khiến cho giọng thơ thật sâu lắng và thiết tha:

“Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế… “

Nam ai, Nam bình của xứ Huế có giai điệu buồn thương và dịu dàng, da diết. Nhà thơ muốn giã biệt mọi người bằng lời ca xứ sở. Mở mắt nhìn thấy màu tím Huế, lắng tai nghe âm thanh thiên nhiên của Huế, lắng lòng lại trong không gian văn hóa Huế.

Mùa xuân nho nhỏ đực viết theo thể thơ năm chữ nhẹ nhàng, tha thiết, mang âm hưởng gần gũi với dân ca. Kết hợp hài hòa giữa những hình ảnh thơ tự nhiên, giản dị với những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, khái quát. Tác giả sử dụng ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc với các ẩn dụ, điệp từ, điệp ngữ, từ xưng hô. Cấu tứ bài thơ chặt chẽ, giọng điệu thơ luôn có sự biến đổi phù họp với nội dung từng đoạn.

Mùa xuân nho nhỏ là khúc ca trong trẻo, ngợi ca sức sống của thiên nhiên đất trời mùa xuân và cảm xuc say sưa, ngây ngất của nhà thơ. Đó cũng là vẻ đẹp và sức sống của đất nước qua mấy nghìn năm lịch sử. Bài thơ cũng là lời bày tỏ khát vọng, mong ước được sống có ý nghĩa, được cống hiến cho đất nước, cho cuộc đời.

  • Kết bài:

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước; góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang