“Mỹ thứ” nghĩa là gì?

“Mỹ thứ” nghĩa là gì?

MỸ THỨ (美刺) (khen chê) là một thuật ngữ văn học, nghĩa là khen cái đẹp, cái thiện, chê cái xấu, cái ác trong sáng tác văn học. Hai tác dụng này trong thơ ca thì từ Kinh thi đã thể hiện rất rõ. Sau, Khổng Tử lại nêu: “Thi khả dĩ oán” (Thơ có thể tỏ bày sự oán thán) (Luận ngữ thiên Dương Hóa) càng chỉ rõ thêm là thơ ca có thể chỉ trích chính sự, biểu đạt dân tình. Nhưng dùng 2 chữ “mỹ thứ” để luận bàn về thơ thì đó là đặc điểm của Nho gia đời Hán. “Thi đại tự” của Trịnh Huyền giải thích phần “Tụng” trong Kinh Thi là “ca ngợi thịnh đức nhà Chu”, giải thích phần “Phong” là “trên dùng thơ Phong để giáo hóa người dưới; dưới dùng thơ Phong để chê trách người trên”. Trong bài tựa “Lưỡng đô phú”, Ban Cố viết: “Khi thì bày tỏ tình cảm của người dưới để trên cảm thông, khi thì nêu cao cái đức của người trên để mọi người đều trung hiếu”.

Mặc dù sự khen hoặc chê ở đây đều theo chuẩn mực đạo đức để duy trì xã hội phong kiến, song sự nhấn mạnh công dụng hiện thực của tác phẩm văn học là một căn cứ lý luận để sáng tác văn học có thể phản ánh hiện thực, vạch trần hiện thực, có tác dụng thúc đẩy sự hình thành và phát triển truyền thống hiện thực chủ nghĩa trong văn học cổ đại Trung Quốc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang