Bài thơ Bếp lửa biểu hiện một triết lý thầm kín: những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người, đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời.
Bằng những hiểu biết của em về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
- Mở bài:
Bằng Việt viết bài thơ Bếp lửa năm 1963, khi ông đang du họ ở Nga. Xa quê hương, chưa có dịp trở về, những kỉ niệm yêu thương cứ cuộn xoáy, cào cấu trong lòng ông. Có thể nước Nga hiện đại và yên bình nhưng đối với nhà thơ quê hương mới chính là chốn nương náu của tâm hồn. Bởi thế, đọc bài thơ Bếp lửa, ta nhận thấy một triết lý thầm kín: những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người, đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời.
- Thân bài:
“Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người” đó là những gì ta có ở xung quanh. Đó là những người thân yêu trong gia đình. Đó là bạn bè thân thiết. Đó là những kỷ niệm, kỉ vật thân thương như một cây lược, một chiếc bút… Đó là những gì vốn đã gắn bó sâu sắc với ta. Tất cả đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời. Nó trở thành điểm tựa, nguồn động lực, cho ta sức mạnh trong mỗi bước đường đời.
Trong bài thơ Bếp lửa, những gì thân thiết của tuổi thơ người cháu là bà, là bếp lửa, là những hình ảnh của quê hương thân thiết… Những hình ảnh đó đã in đậm trong cháu từ thuở ấu thơ:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa! “
Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cho dòng hồi tưởng, cảm xúc về người bà hiền hậu. Ba tiếng “một bếp lửa” được nhắc lại hai lần, trở thành điệp khúc mở đầu bài thơ với giọng điệu sâu lắng, khẳng định hình ảnh “bếp lửa” như một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm tưởng của nhà thơ. Từ láy “chờn vờn” rất thực như gợi nhớ, gợi thương đến dáng hình bập bùng, chập chờn của ngọn lửa trong kí ức.
Rất tự nhiên, hình ảnh bếp lửa đã làm trỗi dậy tình yêu thương: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. Tình thương tràn đầy của cháu đã được bộc lộ một cách trực tiếp và giản dị. Đằng sau sự giản dị ấy là cả một tấm lòng, một sự thấu hiểu đến tận cùng những vất vả, nhọc nhằn, lam lũ của đời bà. Bà với tình yêu thương, đức hy sinh, niềm tin yêu cuộc sống. Bếp lửa với sự ấm nồng, thân thiết đã là chỗ dựa cho cháu, nhen lên trong cháu những tâm tình, những niềm tin, là nơi chắp cánh ước mơ cho cháu:
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
(….)
Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
(….)
Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
(…)
Tuổi thơ người cháu gắn bó với bà, với bếp lửa. Mùi khói bếp cay sè cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày, trở thành một phần không thể quên của kí ức. Cứ nhớ đến quê hương, nhớ đến tưởi thơ là người cháu nhớ đến mùi khói bếp ấy. Khói bếp quê hương gọi nhớ đến cuộc sống bình dị, lam lũ và tàn khốc của những năm chiến tranh. Cái cay vì khói bếp của người cháu lúc bé thơ và cái cay bởi xúc động của người cháu đã trưởng thành khi nhớ về bà hòa quyện vào nhau. Quá khứ và hiện tại đồng hiện trên những dòng thơ. Điều này cho thấy, mùi khói bếp của bà có sức ám ảnh, làm lay động cả thế chất và tâm hồn cháu.
Bà gồng gánh cả cuộc đời. Một loạt các từ ngữ “bà bảo”, “bà dạy”, “bà chăm” vừa diễn tả một cách sâu sắc tình thương bao la, sự chăm chút hết mình của người bà dành cho cháu, vừa thể hiện được lòng biết ơn của cháu đối với bà. Tình yêu và kính trọng bà của tác giả được thể hiện thật chân thành, sâu sắc: “Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc”. Bà và bếp lửa là chỗ dựa tinh thần, là sự chăm chút, đùm bọc dành cho cháu. Bếp lửa của quê hương, bếp lửa của tình bà.
Bếp lửa cháy lên mỗi sớm từ đôi tay tần tảo của người bà rồi lại tắt. Nắng mưa, kẻ thù tàn bạo dập tác ngọn lửa nhưng ngọn lửa ấy tắt đi rồi lại cháy lên. Chính người bà đã gìn giữ và nhen nhóm ngọn lửa bất diệt ấy. Cứ thế, ánh lửa cứ bập bùng tỏa sáng:
Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…
Sức sống của bếp lửa khiến cho người cháu ngạc nhiên, không thể nào lí giải được: “Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!“. Nó kì lạ là bởi dù hoàn cảnh có khắc nghiệt đến thế nào, ngọn lửa ấy vẫn ân ỉ cháy lên. Nó thiêng liêng là bởi nó mang lại sự sống, xua tan đêm tối và gắn chặt với tình bà ấm ấp mãi mãi không bao giờ quên. Đó cũng là tấm lòng tri ân, tôn quý của tác giả đối với bà. Từ hình ảnh bếp lửa cụ thể, bài thơ đã gợi đến ngọn lửa với ý nghĩa trừu tượng, khái quát. Bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa – ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.
Người bà bằng tất cả nghị lực của mình dưỡng nuôi và che chở cháu. Có thể thấy, bếp lửa và tình bà làm nên kí ức tuổi thơ của người cháu, mãi mãi không bao giờ mờ phai. Khi cháu lớn lên, học tập và công tác nơi xa, bà và bếp vẫn là điểm tựa, là nguồn động viên là nơi nâng đỡ:
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
– Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?…
Bếp lửa và người bà là cả miền kí ức tươi xanh, là quê hương còn động lại trong tâm hồn người cháu, tỏa sáng, nâng đỡ người cháu trên hành trình dài rộng của cuộc đời. Suy rộng ra, điều tạo ra sức tỏa sáng, sự nâng đỡ người cháu trong bài thơ còn là quê hương, đất nước.
Những câu thơ như lời đối thoại tâm tình, cháu trò chuyện với bà trong tâm tưởng. Và tất cả đều là sự bộc bạch của cháu dành cho người bà kính yêu. Hình ảnh của bà, hình ảnh của bếp lửa khiến cả bài thơ nhuốm phủ sắc bàng bạc của không gian hoài niệm, của tình bà cháu đẹp như trong chuyện cổ tích.
Bài thơ Bếp lửa kết hợp trữ tình, tự sự, nhiều hình ảnh thơ đẹp. Những hình ảnh, kỉ niệm thân thiết nhất của tuổi thơ người cháu đã có sức tỏa sáng, nâng đỡ cháu. Nó là chỗ dựa, là nguồn cổ vũ động viên cháu trên hành trình dài rộng của cuộc đời cháu. Bài thơ còn ca ngợi vẻ đẹp của người bà hiền hậu, là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam, gợi lòng biết ơn, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước.
- Kết bài:
Bài thơ mở ra bằng hình ảnh bếp lửa, cuối cùng khép lại cũng với hình ảnh ấy tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng có sức ám ảnh mạnh mẽ. Từ những suy ngẫm của người cháu, bài thơ Bếp lửa biểu hiện một triết lí sâu sắc: Những gì thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người đều có sức tỏa sáng, nâng bước con người trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời. Tình yêu đất nước bắt nguồn từ lòng yêu quý ông bà, cha mẹ, từ những gì gần gũi và bình dị nhất.
Xem thêm: