Cảm nhận đoạn thơ: Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa… (Bếp lửa – Bằng Việt)

cam-nhan-doan-tho-lan-dan-doi-ba-biet-may-nang-mua-bep-lua-bang-viet

Cảm nhận đoạn thơ: Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa… Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa! (“Bếp lửa” – Bằng Việt).

  • Mở Bài:

Nhà thơ Bằng Việt bắt đầu sáng tác vào những năm 60 của thế kỉ XX và nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông thường hấp dẫn người đọc bởi những cảm xúc trong sáng, chân thành và lối viết giản dị, tự nhiên. Bài thơ Bếp lửa được viết năm 1963 – khi Bằng Việt đang là sinh viên luật ở trường đại học Tổng hợp Ki-ép (Liên Xô). Tác phẩm làm lay động trái tim độc giả bởi những kí ức về một tuổi thơ gian khó, nhọc nhằn bên người bà hiền hậu, tảo tần, bởi tình bà cháu thắm thiết, sâu nặng, thiêng liêng,… Tác giả bộc lộ những suy ngẫm của cháu về bà với những lời thơ thắm thiết: Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa… Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!“.

  • Thân Bài:

Bài thơ có nhan đề Bếp lửa – một hình ảnh rất đỗi quen thuộc trong đời sống con người Việt Nam thưở trước. Song với riêng nhà thơ, bếp lửa luôn gắn liền với hình ảnh của bà và những kỉ niệm tuổi thơ khóc nhọc. Năm khổ đầu của bài là những kỉ niệm như thế, hiện lên qua dòng hổi tưởng của nhà thơ, để đến khổ sáu, chúng ta được lắng nghe những suy ngẫm về bà với đầy tình yêu thương và lòng biết ơn sâu nặng.

1. Những suy ngẫm về bà:

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…

– Bà là người phụ nữ tảo tẩn, nhẫn nại, giàu tình yêu thương và đức hi sinh:

+ Nhà thơ đã gói ghém cả cuộc đời bà bằng một câu thơ với nghệ thuật đảo ngữ “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa”. Bốn chữ “lận đận đời bà” với cụm tù “biết mấy nắng mưa” đã gợi ra sự dài dặc của thời gian, sự vất vả, nhọc nhằn, khổ cực, chênh vênh của một đời người. Bà đã kiên cường vượt qua mọi “mưa nắng” cuộc đời để trở thành chỗ dựa cho con cháu.

+ Cuộc đời bà là một cuộc đời đầy gian truân, vất vả, nhiều lận đận, trải qua nhiều nắng mưa tưởng như không bao giờ dứt. Hình ảnh của bà cũng là hình ảnh của bao người phụ nữ Việt Nam giàu đức hy sinh dù gian truân vất vả vẫn sáng lên tình yêu thương.

– Và qua “mấy chục năm”, “đến tận bây giơ”, bà vẫn chẳng nghỉ ngơi. Bà vẫn giữ thói quen cũ “dậy sớm” “nhóm bếp lửa” cũng như giữ trọn tình yêu thương mà bà đã dành cho con, cho cháu mấy chục năm qua.

+ Điệp từ “nhóm” được nhắc lại bốn lẩn, gợi nhịp bập bùng của ánh lửa và sự bển bỉ của lòng bà.

+ Bà đã “nhóm” lên ngọn lửa thực để sưởi ấm cho cháu, để nấu cho cháu từng bữa ăn, nào “khoai sán ngọt bùi”, nào “xôi gạo mới”,…Cũng chính từ những yêu thương, săn sóc chu đáo, ân cần, từ sự ấm áp của đôi bàn tay bà trong những ngày thiếu thốn, khổ cực mà “niềm yêu thương” đã được thắp và thổi bùng lên trong cháu.

+ Từ một thói quen rất nhỏ, bà đã dạy cho cháu biết bao điểu: biết yêu quê hương dù nhọc nhằn, đói khổ; biết san sẻ với mọi người. Và cũng từ đó, bà “nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ” – bà vừa là bà, vừa là cha là mẹ, là thầy, lại vừa là người bạn lớn cho cháu sẻ chia những nỗi niềm của một thời trẻ dại! Hình ảnh bà chính là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tần tảo, giàu đức hi sinh dù gian truân nhưng vẫn sáng lên tình yêu thương.

→ Hình ảnh bếp lửa ấm áp và người bà hiền hậu đã khơi dậy cả những ký ức, kỷ niệm tuổi ấu thơ trong cháu để cháu luôn nhớ về nó cũng có nghĩa là nhớ về cội nguồn, nhớ về đất nước quê hương, nhớ về dân tộc mình. Và như vậy hình ảnh bếp lửa đơn sơ giản dị đã mang ý nghĩa khái quát trở thành ngọn lửa trong trái tim – một ngọn lửa ẩn chứa niềm tin và sức sống của con người.

2. Tình cảm của cháu với bà.

– Từ nơi phương xa, cháu vẫn luôn nhớ về bà với niềm xúc động mãnh liệt: “Ôi kì lạ và thiêng liêng- bếp lửa!”. Ý thơ đột ngột chuyển sang hình ảnh “bếp lửa”bởi nó luôn gắn liền với hình ảnh của bà. “Bếp lửa” “kì lạ và thiêng liêng” hay chính tình bà nặng sâu và diệu kì đến thế?

– Bà với “bếp lửa” đã cho cháu một tuổi thơ dẫu có khó khăn, cơ cực nhưng vẫn vẹn tròn tình thương. Câu thơ chứa chan tình yêu, niềm kính trọng, biết ơn của cháu trước sự cao cả, phi thường của bà.

Câu thơ thể hiện sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi khám phá ra điều kì diệu giữa cuộc đời bình dị, từ ngọn lửa bà nhen nhóm mỗi ngày, cháu nhận ra niềm tin, tình yêu thương, ngọn nguồn của tình nghĩa.

3. Đặc sắc nghệ thuật.

– Đoạn thơ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và bình luận.

– Thành công của đoạn thơ còn ở sự sáng tạo vừa chân thực vừa giàu ý nghĩa biểu tượng: hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà, làm điểm tựa khơi gợi mọi kỉ niệm, cảm xúc và suy nghĩ về bà và tình bà cháu.

– Cảm xúc mãnh liệt, lời thơ có tính triết lí sâu sắc.

– Phép đảo ngữ và điệp từ được sử dụng rất hiệu quả.

  • Kết Bài:

Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, đoạn trích và bài thơ Bếp lửa gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước. Bếp lửa biểu hiện một triết lý thầm kín: những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người, đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời”.

Phân tích bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận: Bài thơ Bếp lửa biểu hiện một triết lý thầm kín: những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người, đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đ

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.