Nghị luận: “Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào, sở dĩ họ vĩ đại bởi vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội; bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại” (Bêlinxki). (Dẫn theo Lý luận văn học, Phương Lựu, NXB Giáo dục 1997, tr. 361)
Từ ý kiến trên, anh/chị hiểu như thế nào về sự vĩ đại của Nguyễn Du qua tác phẩm Truyện Kiều.
1. Giải thích ý kiến:
– Nhà văn là thư kí trung thành của thời đại. Qua những tác phẩm của họ, người đọc có thể hiểu được phần nào diện mạo, bức tranh đời sống của một giai đoạn lịch sử.
– Qua một tác phẩm văn học lớn, tiếng nói của con người trong thời đại đó được thể hiện bằng tiếng nói đại diện của chính nhà văn, người nghệ sĩ sáng tạo.
– Nhà văn lớn phải viết về cuộc sống bằng chính trái tim của mình; họ phải hiểu, cảm thông và chia sẻ với cuộc sống của nhân dân. Tiếng nói của họ phải là tiếng nói của nhân dân; sự sẻ chia sâu sắc của họ về những hạnh phúc hay bất hạnh của nhân dân trong một thời đại sẽ trở thành tiếng nói của dân tộc, rộng lớn hơn là tiếng nói của cả nhân loại.
– Nguyễn Du là nhà thơ vĩ đại đã làm được tất cả những điều đó trong tác phẩm Truyện Kiều của ông.
2. Chứng minh và bình luận:
Khẳng định ý kiến trên của Bêlinxki là đúng đối với những người nghệ sĩ chân chính qua mọi thời đại.
– Làm rõ điều đó qua tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du:
– Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã tái tạo một bức tranh hiện thực của đời sống. Đó là xã hội phong kiến đang suy tàn, các tập đoàn phong kiến tranh quyền đoạt lợi. Đời sống người dân khốn khổ, lầm than, không có quyền sống.
+ Bọn quan lại tham lam, hối lộ, xử kiện bất minh.
+ Bọn buôn người.
+ Sự lạm quyền.
+ Thế lực của đồng tiền.
– Tất cả các thế lực đó đã dẫn người phụ nữ tài sắc Thúy Kiều vào cảnh đoạn trường.
– Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã “đau khổ và hạnh phúc” chung với số phận đau thương của nàng Kiều. Nguyễn Du đã thể hiện thái độ đau xót, cảm thông với những con người bị áp bức trong xã hội phong kiến thối nát.
+ Kiều tài hoa, thông minh sắc sảo nhưng phải chịu lận đận, truân chuyên.
+ Kiều dám vượt qua lễ giáo phong kiến, tự do gắn bó yêu thương với Kim Trọng bằng một tình yêu trong sáng, thủy chung. Để làm tròn chữ Hiếu nàng đã phải bỏ qua lời thề, nhưng vẫn giữ trọn chữ tình son sắt, …
+ Ở lầu xanh, phải tiếp khách làng chơi nhưng nàng vẫn giữ được một tâm hồn thanh sạch.
+ Mười lăm năm đoạn trường với bao nhiêu khổ nhục nhưng Thúy Kiều vẫn giữ được phẩm cách tốt đẹp của mình. Nàng không buông xuôi, phó mặc mà luôn có ý thức về nhân phẩm, muốn thoát khỏi cuộc sống tủi nhục, xấu xa đó.
– Nguyễn Du đã vui, buồn, hạnh phúc và đau khổ cùng cuộc đời nàng Kiều, một nhân vật tiêu biểu đại diện cho biết bao con người tài sắc mà bất hạnh trong chế độ xã hội phong kiến.
3. Mở rộng vấn đề:
– Vai trò của người nghệ sĩ trong sáng tác văn học nghệ thuật là rất quan trọng. Thông qua những tác phẩm nghệ thuật lớn người ta có thể hiểu được cuộc sống của một thời đại.
– Người nghệ sĩ phải sáng tác bằng tất cả sự cảm nhận và rung động từ trái tim; phải thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với từng thân phận con người trong cuộc sống… Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm là thước đo tầm vóc nhà sáng tác; và muốn trở thành vĩ đại, thi sĩ phải là người đại diện cho ngôn ngữ và tiếng lòng của một thời đại.
4. Khẳng định giá trị của ý kiến:
– Ý kiến trên của Bêlinxki đã đánh giá đúng vai trò, vị trí của nhà văn trong sáng tác văn học nói riêng và đời sống nghệ thuật nói chung. Điều đó đã được chứng minh qua tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.