Bàn luận về nhận định: Chi tiết nhỏ làm nên tài năng lớn (Macxim Gorki)

nghi-luan-chi-tiet-nho-lam-nen-tai-nang-lon-lep-ton-xtoi

Bàn luận về nhận định: Chi tiết nhỏ làm nên tài năng lớn (Macxim Gorki).

  • Mở bài:

Katrina Mayer đã từng nói: Người tạo ra sự khác biệt TO LỚN thường là người làm những điều NHỎ BÉ một cách kiên định. Trong sáng tạo nghệ thuật, điều đó thật đúng đắn. Không phải cứ nói những điều lớn lao là tác phẩm có giá trị. Đôi khi, những gì tầm tầm thường, nhỏ bé ở xung quanh ta, nếu biết tìm kiếm và nhìn nhận lại có thể mang đến giá trị gấp nhiều lần. Bàn về điều đó, nhà văn Macxim Gorki cho rằng: Chi tiết nhỏ làm nên tài năng lớn.

  • Thân bài:

Chi tiết nghệ thuật là đơn vị nhỏ nhất tạo nên thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Với những chi tiết lắm khi nhỏ nhặt nhưng lại cho thấy tính cách nhân vật và diễn biến quan hệ của chúng, đồng thời cũng biểu hiện sự quan sát và nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Do đó chi tiết rất quan trọng đối với nhân vật, vừa tạo ra sức hấp dẫn, thú vị vừa bộc lộ ý nghĩa của chúng.

Chi tiết nhỏ là những chi tiết vụn vặt, ít được khắc hoạ đậm nét, có khi dễ bị người đọc bỏ qua, không hoặc ít chú ý trong quá trình tiếp nhận tác phẩm.

Làm nên tài năng lớn” có nghĩa là tài năng nghệ thuật của nhà văn không chỉ được thể hiện hay khẳng định trong các yếu tố nghệ thuật ở cấp độ vĩ mô như xây dựng hình tượng, lựa chọn kết cấu, cách kể,.. mà còn được bộc lộ ở cả những yếu tố nghệ thuật ở cấp độ vi mô như chọn lọc chi tiết.

Cách nói nghịch lý đã khái quát cô đọng tầm quan trọng của chi tiết nghệ thuật như một tiêu chí tin cậy nhận biết tầm vóc tài năng nhà văn. Nhìn sâu vào những thành tựu văn học, ta nhận thấy rằng có nhiều chi tiết nghệ thuật có sức khái quát cao, mang chiều kích kì vĩ như hình tượng cây xà nu trong truyện “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành), hình tượng mảnh trăng trong truyện “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu, hình tượng đất nước trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi,… in đậm dấu ấn trong lòng người độc nhưng cũng có những chi tiết vụn vặt nhỏ vé, được trau chuốc kỹ lưỡng mới thực sự làm nên nhà văn lớn.

Nguyễn Trung Thành đã rất thành công khi xây dựng hình tượng cây xà nu, một loài cây lực lưỡng rất phổ biến ở núi rừng Tây Nguyên.  Đây là hình ảnh trung tâm xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

Cây xà nu gợi màu sắc, không gian núi rừng Tây Nguyên, gắn với cuộc sống sinh hoạt và những sự kiện trọng đại của dân làng Xô Man. Dân làng Xô Man lấy gỗ xà nu, khói xà nu nhuộm đen bảng để học chữ, lửa xà nu chiếu sáng mỗi gian nhà. Đuốc xà nu chiếu sáng cho nhân dân chuẩn bị vũ khí để đồng khởi. Cả rừng xà nu ưỡn thân mình để bao bọc, bảo vệ buôn làng khỏi những trận bom của địch, hàng vạn cây, không có cây nào là không thương tích.

Hình tượng cây xà nu mang vẻ đẹp tương ứng, song hành với các thế hệ cách mạng tiếp nối của dân làng Xô Man. Những cây cổ thụ đại diện cho lớp người già như cụ Mết: chúng không thể bị quật ngã bởi gió bão, như cụ Mết chính là chỗ dựa tinh thần cho cả buôn làng. Những cây xà nu trưởng thành như Tnú, Mai, Dít: vết thương bom đạn mau lành như trên thân thể cường tráng (hình ảnh lưng Tnú bị chém ngang dọc nhưng cũng lành lại thành sẹo rất nhanh). Những cây xà nu mới mọc tượng trưng cho hình ảnh thiếu niên như bé Heng: “cây xà nu mới mọc lên khỏi mặt đất đã nhọn như mũi tên, mũi lê”, như bé Heng tuy còn nhỏ đã dũng cảm bước tiếp cha anh. Thế hệ này ngã xuống đã có thế hệ khác đứng lên đấu tranh giành tự do “bên cạnh một cây xà nu ngã gục đã có 4,5 cây con mọc lên”.

Những nỗi đau cây xà nu phải chịu cũng mà con người nơi đây phải trải qua: “có những cây bị chặt ngang mình … ở chỗ vết thương nhựa ứa ra rồi dần bầm lại rồi đặc quyện thành từng cục máu lớn. Như hình ảnh anh Xút, bà Nhan bị chặt đầu treo lên cây vả. Mai và đứa con bị tra tấn bằng gậy sắt đến chết. Hình ảnh 10 đầu ngón tay Tnú bị đốt bằng nhựa xà nu đến mức chỉ còn 2 đốt.

Cây xà nu là kiểu ẩn dụ độc đáo về sức sống bất diệt, tinh thần bất khuất, sức mạnh vùng dậy của dân làng Xô Man trong phong trào đấu tranh vũ trang. Cả ngọn đồi xà nu hàng trăm cây gắn bó với nhau như cộng đồng người Tây Nguyên đoàn kết đánh giặc. Cả cánh rừng bạt ngàn không bao giờ sẽ bị khuất phục: “cây mẹ ngã xuống, cây con mọc lên, đố nó giết hết cánh rừng này”. Cây xà nu sinh sôi nảy nở, ham ánh sáng mặt trời như người Tây Nguyên chân chất khao khát tự do.

Có thể nói, hình tượng xà nu là mô típ chủ đạo của tác phẩm. Xà nu trở thành biểu tượng cho cuộc sống và phẩm chất của dân làng Xô Man. Đó là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Trung Thành. Nhà văn đã lựa chọn hình ảnh cây xà nu và đem lại cho nó những ý nghĩa mới, những vẻ đẹp mới để dựng lên bức tranh sử thi chống Mĩ của những con người kiên cường bất khuất nơi núi rừng hùng vĩ Tây Nguyên.

Đọc “Hai đứa trẻ”, người đọc không khỏi ngậm ngùi khi hình dung về khu chợ tồi tàn, ẩm mốc và tối tăm của phố huyện. Những đồ vật tàn tạ làm hiện ra chân thực với chiếc chõng tre, cửa hàng tạp hoá “nhỏ xíu”, gánh hàng nước của mẹ con chị Tí, manh chiếu rách, chiếc thau sắt rúm ró, cây đàn bầu cũ kĩ… Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ sức làm nên bức tranh phố huyện nghèo nàn héo hắt, tiêu điều mà trong đó cuộc sống của con người cứ lay lắt héo mòn từng ngày. Không một lời ai oán kêu than, thế mà khi bắt gặp những chi tiết ấy, người đọc ngùi ngùi xót thương những cuộc đời lầm lụi chìm ngập trong bóng tối cuộc đời.

Chi tiết nghệ thuật thực sự là một trong những thước đo tin cậy tầm vóc tài năng của một nhà văn lớn. Biết phát hiện những điều vụn vặt, thổi vào nó suy nghĩ và tư tưởng lớn thì chỉ có những nhà văn lớn mới có thể làm được.

Như vậy chi tiết nghệ thuật là những yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Sức chinh phục của hình tượng nghệ thuật là ở sự truyền cảm thi góp phần quyết định tạo ra sức truyền cảm hấp dẫn lôi cuốn người đọc là nhờ chi tiết.

Chi tiết nghệ thuật gắn với quan niệm nghệ thuật và quan niệm nhân sinh của nhà văn. Đối với người đọc khi nhận biết được các chi tiết đắt giá trong tác phẩm, chúng ta có thể làm sáng tỏ được ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật, tư tưởng chủ đề của tác phẩm và hiểu rõ ý đồ sáng tạo của nhà văn.

  • Kết bài:

Sâu xa, ý kiến của Macxim Gorki cũng là khái quát một trong những quy luật trong sáng tạo nghệ thuật “qua cây thấy rừng”, “qua giọt nước thấy cả đại dương”, làm nên một trong những đặc trưng quan trọng của văn học là tính hàm súc, cô đọng. Điều này càng rõ, trở thành yêu cầu sống còn với người viết truyện ngắn, nhất là truyện ngắn mi ni. Mỗi nhà văn với vai trò là chủ thể sáng tạo cần phải có ý thức hơn trong lao động nghệ thuật từ những yếu tố nghệ thuật rất nhỏ. Tạo nên sức hấp dẫn, sức sống cho “đứa con tinh thần” của mình chính từ việc sáng tạo chi tiết nghệ thuật. Định hướng cho người đọc biết nhận ra, biết thưởng thức vẻ đẹp tấm lòng, tài năng nhà văn từ những yếu tố nghệ thuật nhỏ trong tác phẩm.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận: Người ta trở nên vĩ đại chưa phải vì có lòng tốt mà chủ yếu vì có tài năng - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.