“Cứ đi sâu vào hồn một người, ta sẽ gặp hồn nòi giống. Và đi sâu vào hồn một nòi giống, ta sẽ gặp hồn chung của loài người. Còn gì riêng cho Nguyễn Du, cho người Việt Nam hơn Truyện Kiều? Nhưng Truyện Kiều cũng mãi mãi là chuyện tâm sự của con người không chia màu da, chia thời đại”. (Một thời đại trong thi ca – Hoài Thanh)
Ý kiến của anh ( chị ) như thế nào ?
Bài làm:
Văn học bao giờ cũng phản ánh đời sống con người. Người ta tìm thấy ở đó những cuộc đời, những số phận cụ thể, nhưng đồng thời cũng tìm thấy ở văn học những giá trị mang tính phổ quát. Một tác phẩm văn học có giá trị là tác phẩm vừa mang cái cụ thể, vừa có tính phổ quát ; là chuyện của một con người vừa là chuyện của một dân tộc và chung cả nhân loại.
Văn học là sự gặp gỡ, thống nhất giữa tư tưởng nhà văn với tư tưởng của dân tộc và nhân loại. Tác phẩm văn học sẽ trở thành tiếng nói của cộng đồng, là chuyện của muôn đời, của mọi người khi nó đề cập được đến những vấn đề mang tính nhân loại, những vấn đề căn bản mang bản chất của cuộc sống con người. Hay nói cách khác, tác phẩm văn học chỉ thực sự có giá trị khi nó chứa đựng trong đó những vấn đề gần gũi, bức thiết, mang bản chất của đời sống con người ; tác phẩm đó phải có tầm nhân bản. Truyện Kiều của Nguyễn Du sở dĩ trở thành “chuyện tâm sự của con người” là bởi nó chứa đựng trong đó giá trị nhân đạo sâu sắc, vừa gần gũi, chân thực, vừa mang tính phổ quát.
Nhà phê bình Hoài Thanh bằng cách nói của mình đã nhấn mạnh giá trị nhân đạo của tác phẩm văn học phải có một tầm tư tưởng nhất định. Đó không chỉ là những chuyện nhà văn viết chỉ để viết, mà bao giờ cũng chứa đựng trong đó tư tưởng, tình cảm, thông điệp thẩm mĩ, tiếng nói thầm kín với cuộc đời, mọi người.
Mỗi dân tộc có nền văn hoá riêng, ngôn ngữ riêng, nhưng trong tác phẩm văn chương bao giờ cũng có điểm chung là những chuyện tâm sự của con người. Bởi vì, đối tượng của văn học muôn thuở là cuộc sống con người. Có thể tác phẩm trình bày bằng cách này hay cách khác, nhưng bao giờ cũng đặt vấn đề cuộc sống con người vào trung tâm. Tác phẩm văn học sẽ có giá trị bất hủ, mang tầm nhân loại nếu nó đặt ra vấn đề cuộc sống con người một cách sâu sắc, toàn diện và có tầm cao tư tưởng.
Truyện Kiều là kiệt tác văn học, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Truyện Kiều trở thành di sản văn hoá phi vật thể quý báu của tân tộc, là minh chứng cho sự giầu đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt. Truyện Kiều đồng thời là “chuyện tâm sự của con người không chia màu da, chia thời đại”. Truyện Kiều có giá trị vượt qua biên giới, vượt qua thời gian, là chuyện của con người nói chung. Bởi vì, tác phẩm là “cảm hứng về thân phận con người”. Người ta bắt gặp trong tác phẩm một con người, một số phận, nhưng lại mang trong đó tâm sự của con người nói chung.
Đọc Truyện Kiều, người ta bắt gặp trong tác phẩm Truyện Kiều một tâm sự, một bài ca ca ngợi vẻ đẹp và giá trị cao quý của con người. Con người là vẻ đẹp ưu tú của tạo hoá. Ca ngợi vẻ đẹp con người không chỉ là cảm hứng của Nguyễn Du mà là cảm hứng bất tận của con người: Trong sử thi Hi Lạp, kịch Phục hưng, những áng thơ Đường,…rồi đến những bài thơ Thiền thời Lí, những rung động tâm hồn của Ức Trai trước cuộc sống, con người… Vì vậy, Nguyễn Du ca ngợi tài sắc, tâm hồn của Thuý Kiều, Từ Hải trong tác phẩm là có sự thống nhất và đồng cảm mãnh liệt, tiếp nối truyền thống dân tộc và nhân loại. Nguyễn Du xây dựng nhân vật Thuý Kiều và Từ Hải như một tượng trưng cho tất cả những gì là đẹp đẽ, là tinh hoa của con người.
Truyện Kiều đã phản ánh một cách chân thực và đau đớn tình trạng con người bị huỷ hoại, bị lăng nhục trước dòng đời nghiệt ngã. Tiếng nói thống thiết của nhà văn cất lên từ tác phẩm là một “tiếng kêu thương”, là tiếng kêu đứt ruột về thân phận con người người bị cuộc đời tàn phá, gieo rắc tai hoạ, bất hạnh, khổ đau.
Cuộc đời chìm nổi mười lăm năm lưu lạc của Thuý Kiều là cuộc ngụp lặn của số phận con người trước dòng xoáy dữ dội của xã hội. Trong khoảng thời gian ấy, Kiều đã gắng gượng chống chọi lại số phận, đã bao lần muốn gượng đứng dậy làm người để bấy nhiêu lần bị chà đạp để rồi lún sâu hơn vào sự khổ nhục, đau thương. Nỗi bất hạnh của Thuý Kiều không chỉ là chuyện đời của một cô gái thời Gia Tĩnh triều Minh, mà là số phận của con người nói chung.
- Thuyết minh tác giả Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều
- Nghị luận: “Nhà văn chân chính là người suốt đời chỉ truyền bá một thứ tôn giáo: “Tình yêu thương con người”