nghi-luan-cuoc-doi-la-noi-xuat-phat-cung-la-noi-di-toi-cua-van-hoc-to-huu

Nghị luận: Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học (Tố Hữu)

Nghị luận: “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu)

  • Mở bài:

Văn học nghệ thuật có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Mỗi tác phẩm văn học đều có một sinh mệnh riêng, một đời sống riêng. Tác phẩm đến từ đâu và hướng tới nơi nào, tất cả đều do người nghệ sĩ và bạn đọc quyết định. Bàn về điều này, nhà thơ Tố Hữu từng khẳng định: “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu).

  • Thân bài:

1. Giải thích.

“Cuộc đời là nơi xuất phát của văn học”: Nội dung của các tác phẩm phải phản ánh được hiện thực, khám phá những vấn đề của cuộc sống.

“Cuộc đời cũng là nơi đi tới của văn học“: Văn học tác động trở lại cuộc đời, làm thay đổi nhận thức và tình cảm của con người để cuộc sống chung tốt đẹp hơn.

→ Nhà thơ Tố Hữu khẳng định: Văn học vị nhân sinh, vì cuộc đời mà văn học được sinh ra và cũng vì cuộc đời, vì con người mà văn học tiếp tục sứ mệnh xây dựng những thành lũy vững chắc cho tâm hồn con người. Trong đó, vai trò của người nghệ sĩ khá quan trọng.

2. Bàn luận.

Người sáng tác chiêm nghiệm cuộc sống, lựa chọn đề tài từ hiện thực góp nên trang viết của mình. Họ phản ánh đời sống bằng cái tâm của người nghệ sĩ chân chính, không tô hồng hay bôi đen hiện thực đó. Tuy nhiên, người sáng tác không bê nguyên thực tại vào trang viết của mình, qua lăng kính nghệ sĩ, hiện thực lung linh sinh động hơn, có ý nghĩa hơn.

Tiếng nói của văn học nghệ thuật sẽ đồng hành cùng con người đi về phía tương lai. Bởi trong mỗi tác phẩm, người nghệ sĩ gửi vào đó những lời nhắn, những thông điệp sống, giúp con người nhận ra mình để sống tốt đẹp hơn. Cho nên nghệ sĩ còn mang thiên chức “kĩ sư tâm hồn”. Tuy nhiên, những bài học về lẽ sống gửi trong mỗi tác phẩm không đơn thuần là thuyết lí khô khan, nhà văn, nhà thơ nói bằng hình ảnh, bằng nhạc điệu, bằng các tình huống độc đáo. Và họ thắp lên trong lòng bạn đọc những ngọn lửa ấm, ngọn lửa hướng thiện.

3. Chứng minh.

Từ việc cảm nhận các tác phẩm đã đọc, học sinh chỉ ra tính đúng đắn của vấn đề đang giải quyết. Cảm nhận của học sinh cần chân thành, tinh tế, sâu sắc. Khuyến khích những bài viết cho thấy những phát hiện độc đáo của nhà văn đã thực sự có sức tác động mạnh mẽ đến người làm bài.

– Thuật hoài – Phạm Ngũ Lão.
– Cảnh ngày hè – Nguyễn Trãi
– Độc Tiểu Thanh kí – Nguyễn Du.
– Tắt đèn – Ngô Tất Tố
– Lão Hạc – Nam Cao
– Trong lòng mẹ – Nguyên Hồng
– Cô bé bán diêm – Andecxen.
– Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải.
– Nói với con – Y Phương

  • Kết bài:

Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ, người nghệ sĩ phải có con mắt tinh, có trái tim giàu cảm xúc mói nhận ra những vẻ đẹp của con người hay của thiên nhiên, mới nghe được âm thanh của cuộc sống… để đưa lên trang viết của mình. Người nghệ sĩ cũng phải có khả năng sáng tạo đặc biệt, lao động ngôn từ không mệt mỏi để dệt nên tác phẩm có sức sống vượt thời gian.

Bài văn tham khảo:

  • Mở bài:

Văn học nghệ thuật có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Mỗi tác phẩm văn học đều có một sinh mệnh riêng, một đời sống riêng. Tác phẩm đến từ đâu và hướng tới nơi nào, tất cả đều do người nghệ sĩ và bạn đọc quyết định. Bàn về điều này, nhà thơ Tố Hữu từng khẳng định: “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học”.

  • Thân bài:

“Cuộc đời là nơi xuất phát của văn học”: Nội dung của các tác phẩm phản ánh được hiện thực, khám phá những vấn đề của cuộc sống. “Cuộc đời cũng là nơi đi tới của văn học”: Văn học tác động trở lại cuộc đời, làm thay đổi nhận thức và tình cảm của con người để cuộc sống chung tốt đẹp hơn.

Nhà thơ Tố Hữu khẳng định: Văn học vị nhân sinh – vì cuộc đời mà văn học được sinh ra và cũng vì cuộc đời, vì con người mà văn học tiếp tục sứ mệnh xây dựng những thành lũy vững chắc cho tâm hồn con người. Trong đó, vai trò của người nghệ sĩ khá quan trọng.

Cuộc đời đúng là nơi xuất phát của văn học.

“Nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại” (Banlzac). Xuất phát từ đặc trưng của tác phẩm văn học, văn chương phản ánh hiện thức cuộc sống. Hiện thực cuộc sống chính là chất liệu của văn chương nghệ thuật. Đúng như Tô Hoài đã từng chia sẻ: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Grandi cũng từng khẳng định rằng: “Không có nghệ thuật nào là không hiện thực”.  Hơn bất cứ một loại hình nghệ thuật nào, văn học gắn chặt với hiện thực cuộc sống “hút mật ngọt” từ chính cuộc sống dồi dào ấy. Ai đó đã từng ví văn học và cuộc sống như vị thần Ăng -Tê và đất mẹ. Thần Ăng – Tê trở nên vô địch khi đặt hai chân lên đất mẹ cũng như văn học chỉ cường tráng và dũng mãnh khi gắn liền với hiện thực cuộc sống. Cũng như văn học thơ ca phản ánh hiện thực cuộc sống con người. “Thơ luôn tìm về với cuộc sống”, “thơ ở trong cuộc sống”.

Thuật hoài (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão xuất phát từ hiện thực cuộc sống của thời đại. Bài thơ ra đời và tái hiện lại những năm tháng kháng chiến của dân tộc ta khi đất nước bị quân Mông – Nguyên xâm lược, nhân dân phải chịu cảnh mất mát đau thương. Nhà Trần lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh giặc bảo vệ bờ cõi. Thế giặc mạnh như chẻ tre, nhưng với quyết tâm cao độ, với ý chí bền bỉ quân dân nhà Trần vẫn kiên cường đứng lên giết giặc lập lên chiến công vang dội một thời.

Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi viết vào thời điểm giặc tan đất nước được yên bình đó cũng là khi người anh hùng suốt đời tận trung lo cho dân cho nước Nguyễn Trãi không còn được nhà vua tin dùng, ông viết bài thơ khi cáo quan về sống ẩn dật tại Côn Sơn. Bài thơ tái hiện lại những năm tháng Nguyễn Trãi cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn.

Nhà thơ Xuân Diệu cũng từng khẳng định rằng: “Thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống”. Quả thực là vậy, khi đến với Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du ta cảm nhận được chất hiện thực ngút lên trong từng câu chữ. Bóng dáng hiện thực trong bài thơ được khơi nguồn dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời nàng Tiểu Thanh – người phụ nữ bên xứ Trung Quốc sống vào khoảng đầu đời Minh. Tiểu Thanh mang vẻ đẹp của người con gái đang tuổi xuân xanh, là người phụ nữ tài sắc nhưng mang số phận bi kịch, nghiệt ngã. Độc Tiểu Thanh kí mượn câu chuyện của nàng Tiểu Thanh để nói đến cái bất công trong xã hội phong kiến nước ta ở thế kỉ thứ 18, khi xã hội phong kiến Việt Nam đang trên đà xuống dốc, khủng hoảng trầm trọng. Tư tưởng bảo thủ của Nho Giáo và những lễ giáo phong kiến hà khắc đã chi phối cách nhìn nhận đánh giá con người. Ở cái xã hội ấy, con người đc đánh giá không dựa trên tài năng mà trên địa vị, đẳng cấp của gia đình, dòng tộc. Lớp người tài hoa bị khinh rẻ, coi thường và nỗi bất hạnh ấy càng lớn hơn gấp nhiều lần ở những người phụ nữ vốn bị coi là con ong, cái kiến trong xã hội.

Nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Thi cũng đồng quan điểm với nhà thơ Tố Hữu  khi cho rằng: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng mượn vật liệu ở thực tại”. Người sáng tác chiêm nghiệm cuộc sống, lựa chọn đề tài từ hiện thực góp nên trang viết của mình. Họ phản ánh đời sống bằng cái tâm của người nghệ sĩ chân chín không tô hồng hay bôi đen hiện thực đó. Tuy nhiên, người sáng tác không bê nguyên thực tại vào trang viết của mình, qua lăng kính nghệ sĩ, hiện thực trở nên lung linh sinh động hơn và có ý nghĩa hơn.

Văn học là nơi in bóng của thời đại, nhà văn là thư kí trung thành của thời đại. Tác phẩm văn học, nghệ thuật, tự thân nó không thể xa rời hiện thực đời sống. Nhưng phản ánh hiện thực như thế nào, thì không phải là câu hỏi dễ trả lời. Không đơn giản chỉ là sự tả chân một cách cơ học, chưa nói rằng, tả chân đôi lúc cũng chưa hẳn là thấu đáo; và thực tiễn văn học, nghệ thuật cho thấy, thành tựu văn học, nghệ thuật phụ thuộc vào tài năng, quan niệm thẩm mỹ và sự thăng hoa cảm xúc của người nghệ sĩ.

Mỗi nhà văn cũng là một thư kí trung thành của thời đại bới nếu không có hiện thực cuộc sống, mỗi nhà văn cũng không thể tự tưởng tượng ra những điều mới mẻ để viết. Kể cả chương viễn tưởng cũng là chiết xuất từ hiện thực những chất liệu cần thiết để hình thành nên. Không có tác phẩm nào mà không phản ánh hiện thực, cũng không có nhà văn nào có thể bước ra khỏi cuộc sống để viết.

Đọc bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, người đọc nhận ra ngay hoàn cảnh chiến đấu chống thực dân Pháp của quân và dân ta thời kì đầu: thiếu thốn, trăm nghìn gian khó chưa thể giải quyết được, người lính còn chiến đấu trong tình trạng mất cân đối với kẻ thù. Đó là những ngày đầu khi ta chưa võ trang. Người đọc cũng nhận ra tinh thần vượt khó kiên cường, quyết chiến, quyết thắng kẻ thù, một lòng trung thành với đất nước của các chiến sĩ, dẫu gian nguy cũng không chịu lùi bước hay than vãn.

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải ra đời năm 1980, khi đất nước vừa đi qua chiến tranh. Nhưng cuộc sống chung vẫn còn nhiều khó khăn : chiến tranh lại nổ ra ở hai đầu biên giới phía Bắc và Tây Nam Tổ quốc, bữa cơm còn độn khoai, nhiều nơi còn loang lỗ hố bom … Hiện thực ấy đi vào trang thơ của Thanh Hải, ông viết:

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao

Ấn tượng nghệ thuật ở đoạn thơ này là cách dùng điệp ngữ “mùa xuân”, lộc”, “tất cả” khiến cho lời thơ nhịp nhàng, hình ảnh mùa xuân tràn đầy sức sòng hiện ra rõ nét. Hình ảnh hoán dụ “người cầm súng”, “người ra đồng” gợi lên mùa xuân đất nước, người người hối hả tay súng, tay cày; vừa xây dựng vừa bảo vệ biên cương Tổ quốc. Từ láy “hối hả”, “xôn xao” diễn tả không khí rộn ràng, khẩn trương, náo nức của cả nước.

Nhà thơ viết những dòng thơ lúc đang nằm trên giường bệnh, tai không thể nghe được âm thanh mùa xuân đất nước, mắt không thể nhìn thấy người người ra trận, ra đồng. Nhưng tác giả vẫn cảm nhận được hiện thực cuộc sống và thể hiện trên trang viết của mình.

Cuộc đời cũng là nơi đi tới của văn học.

Tiếng nói của văn học nghệ thuật sẽ đồng hành cùng con người đi đến tương lai. Bởi trong mỗi tác phẩm, người nghệ sĩ gửi vào đó những lời nhắn, những thông điệp sống, giúp con người nhận ra mình để sống tốt đẹp hơn. Cho nên nghệ sĩ còn mang thiên chức “kĩ sư tâm hồn”. Tuy nhiên, những bài học về lẽ sống gửi trong mỗi tác phẩm không đơn thuần là thuyết lí khô khan; nhà văn, nhà thơ nói bằng hình ảnh, bằng nhạc điệu, bằng các tình huống độc đáo. Và họ thắp lên trong lòng bạn đọc những ngọn lửa ấm, ngọn lửa hướng thiện.

Đến với bài thơ “Nói với con” của nhà thơ Y Phương, tấm lòng của người nghệ sĩ dân tộc Tày dành cho con, cho quê hương; đem tiếng thơ của mình góp vào đời sống một viên đá con làm nên thành lũy tâm hồn con người trong những năm 1980. Ở đoạn thơ thứ hai, người cha nói với con về phẩm chất của đồng bào mình và cũng là lời trao gửi niềm tin của một thế hệ dành cho một thế hệ.

“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”

Y Phương đã không hề rời xa hiện thực đời sống, cách nghĩ, cách làm của “người đồng mình”. Tất cả đã được phản ánh chân thực, sinh động trong những vần thơ tha thiết. Đồng thời tiếng thơ quay trở lại bồi dưỡng tâm hồn con người, làm đẹp cho quê hướng, đất nước. Nghĩa là nó trở lại với nguồn cội đã sản sinh ra nó. Nghĩa là văn học đã đi tới với hiện thực cuộc sống sinh động và tái sinh một cuộc sống mới.

Qua phần phân tích trên, ta thấy rõ, “cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học”. Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ, người nghệ sĩ phải có con mắt tinh tường, có trái tim giàu cảm xúc mới nhận ra những vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên, mới nghe được, cảm được những âm thanh sống động và những vang động âm thầm của cuộc sống để đưa lên trang viết mình. Người nghệ sĩ cũng phải có khả năng sáng tạo đặc biệt, lao động không mệt mỏi để dệt nên tác phẩm có sức sống vượt thời gian.

4. Nhiệm vụ của văn học và thiên chức của nhà văn.

Xuất phát từ đặc trưng của văn học: “Văn học là tấm gương phản chiếu cuộc sống”, vì vậy mọi mảng hiện thực sáng – tối đều là đối tượng phản ánh của văn học . Điều quan trọng không phải là anh “viết cái gì?” mà là anh viết để “hướng tới điều gì?”. Văn chương đồng nghĩa với sự sáng tạo. Mỗi “sáng tạo nghệ thuật chân chính” luôn phải toát ra ở nội dung tư tưởng, một thái độ suy nghĩ của người viết ẩn sâu trong đó, và một tình cảm, tấm lòng mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm đến bạn đọc. “Mỗi sáng tạo nghệ thuật chân chính tuyệt nhiên không phải là sự minh họa đơn giản cho tư tưởng này hoặc tư tưởng khác, cho dù ấy là tư tưởng rất hay”. Bởi mỗi tác phẩm được xem là thành công, có chỗ đứng trong lòng bạn đọc cũng như trụ vững với thời gian không bao giờ đồ chiếu, là một bản sao y nguyên hiện thực cuộc sống, cũng không bao giờ là “lời lên gân” cho những tư tưởng trong tác phẩm.

Rõ ràng, để thể hiện suy nghĩ, thái độ, cũng như tư tưởng trong sáng tác của mình, người nghệ sĩ phải sáng tạo ra những hình tượng độc đáo, và qua hình tượng ấy để nói lên quan niệm suy nghĩ, thái độ bản thân. Mỗi một “sự minh hoạ giản đơn” sẽ không bao giờ làm nên sức sống của tác phẩm, sẽ bị đào thải cùng với thời gian, đúng như nhà văn Nam Cao đã từng nói: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm nên một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Người nghệ sĩ trong quá trình lao động nghệ thuật luôn luôn phải tìm tòi sáng tạo, có khi là dùng nhân vật hình tượng để gửi gắm tâm tư tình cảm của mình, có khi phát biểu tư tưởng ấy bằng một hình thức nghệ thuật độc đáo, riêng biệt, chính điều đó sẽ góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.

Thiên chức của người nghệ sĩ là thông qua tác phẩm được viết nên từ cái tài, cái tâm của mình đem đến cho bạn đọc những hiểu biết về thế giới xung quanh, giúp  người đọc nhận thức được sâu sắc bản chất cuộc sống con người, nhận ra những bài học quý giá về lẽ sống, thắp sáng trong trái tim con người những tình cảm cao đẹp .

Nhận định “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” của Tố Hữu là đúng đắn, sâu sắc giúp người đọc hiểu được toàn diện về vai trò của văn học và thiên chức của nhà văn. Văn học phải bám sát vào hiện thực đời sống. Một tác phẩm văn học đích thực không chỉ mang vẻ đẹp hình thức đơn thuần mà cần có cả nội dung sâu sắc hướng người đọc chân chính. Đây cũng là một tiêu chí, biểu hiện của một tác phẩm văn học chân chính, đích thực, có giá trị.  Người nghệ sĩ khi sáng tác văn học đòi hỏi phải là người “thư kí trung thành”, bằng tài năng, tâm hồn, tình cảm, vốn sống phong phú ghi lại một cách chân thực và sinh động hiện thực ấy.  Đọc giả khi đến với văn học cần phải huy động kiến thức, mở rộng lòng mình để hiểu, đón nhận và tiếp thu những giá trị cao đẹp mà nhà văn, nhà thơ muốn gửi đến thông qua tác phẩm.

  • Kết bài:

Văn học không đơn thuần là phản ánh hiện thực mà là sự nghiền ngẫm về hiện thực. Văn học thoát ra từ hiện thực cuộc sống để sau đó trở lại phục vụ cuộc sống. Nhận định của nhà thơ Tố Hữu có ý nghĩa đề cao vai trò văn học trong sống con người đồng thời nhắc nhở người sáng tác và bạn đọc cần có sự đồng điệu để tác phẩm văn học tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đời.

Xem thêm:

1 bình luận trong “Nghị luận: Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học (Tố Hữu)”

  1. Pingback: Nghị luận: Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực đời sống - Theki.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang