Nội dung:
“Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn” (M.L.Kalinine)
Qua nhận định trên, anh/chị có suy nghĩ gì về chức năng của văn học và thiên chức của người nghệ sĩ? Hãy phân tích một vài tác phẩm văn học Trung đại và Hiện đại của chương trình Ngữ văn 9 để làm rõ ý kiến của mình.
I. Mở bài:
– Giới thiệu chức năng của văn học và thiên chức của người nghệ sĩ.
– Dẫn vào ý kiến: “Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn” (M.L.Kalinine)
II. Thân bài:
1. Giải thích nhận định.
– “Văn học”: Loại hình nghệ thuật ngôn từ, phản ánh hiện thực bằng cách sáng tạo các hình tượng nghệ thuật, qua đó bày tỏ quan điểm, thái độ của người nghệ sĩ với cuộc sống.
– “Làm cho con người thêm phong phú”: tức làm nảy nở trong con người những tình cảm mới, rèn giũa những tình cảm cũ; khơi dậy trong họ những nhận thức mới mẻ, sâu sắc về cuộc đời, giúp họ có thêm những trải nghiệm cuộc sống. Cảm nhận được từng cung bậc tình cảm đa dạng trong thế giới nội tâm con người, là tâm hồn con người sẽ phong phú hơn, bồi dưỡng cho con người những tình cảm cao đẹp. Có thêm những bài học, triết lí ý nghĩa sâu sắc mới mẻ về cuộc sống.
– “Tạo khả năng để con người lớn lên”: Sống tốt đẹp hơn, biết ứng xử một cách nhân văn.
– “Hiểu được con người nhiều hơn”: thấu hiểu bản chất của con người, qua đó thấu hiểu chính bản thân mình.
→ Ý nghĩa: văn học giúp con người có những trải nghiệm mới mẻ hơn, trưởng thành hơn, hiểu mình, hiểu người, hiểu đời hơn.
2. Vì sao nói “Văn học làm cho con người thêm phong phú ?”
– Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống, là cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống. Qua văn học, con người có được những hiểu biết sâu sắc hơn về tự nhiên, về xã hội, về chính bản thân mình.
– Mặt khác, văn học là “tiếng nói của tình cảm, là sự giãi bày và gửi gắm tâm tư” (Lê Ngọc Trà), qua văn học, con người tìm thấy mình trong đó, cảm nhận được những cung bậc tình cảm đa dạng trong thế giới nội tâm con người, được giãi bày, được đồng cảm, được sẻ chia, được gợi ra những tình cảm chưa có, được trui rèn những tình cảm sẵn có.
– Hơn thế nữa, mỗi tác phẩm văn học là một cuộc trải nghiệm, là cơ hội để ta du hành qua không gian và thời gian, vượt qua mọi bờ cõi và giới hạn, trải nghiệm nhiều hơn, sống nhiều hơn qua những cuộc đời khác nhau, được nhìn cuộc đời dưới nhiều lăng kính, được lắng nghe nhiều luồng tư tưởng, được đối thoại với nhà văn è Giàu có, phong phú hơn về trải nghiệm sống.
– Chính vì vậy, văn học “tạo khả năng giúp con người lớn lên”.
– Từ những trải nghiệm đó, văn học giúp con người lớn lên về mặt nhân cách, về mặt tâm hồn. Văn học, qua con đường tình cảm truyền đạt đến con người những bài học đạo đức, nhân sinh, những bài học tác động vào con đường tình cảm, trong quá trình chuyển từ giáo dục thành tự giáo dục è Văn học trở thành “cuốn sách giáo khoa của cuộc sống”.
-Thật vậy, tìm đến tác phẩm văn học, người đọc đâu chỉ mong chờ một vài giây phút giải trí bâng quơ. Trang sách đóng lại, tác phẩm nghệ thuật mới mở ra. “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu). Mỗi tác phẩm như một nấc thang nâng đỡ bước chân người đọc tách khỏi phần con để đi đến phần người, tiệm cận các giá trị Chân – Thiện – Mỹ mà họ hằng ngưỡng vọng.
– Hạt nhân của khả năng làm người đọc phong phú về tâm hồn đó, giúp họ lớn lên, chính là hiểu biết về con người.
– Đối tượng phản ánh của văn học chính là con người trong các mối quan hệ xã hội, soi chiếu dưới lăng kinh thẩm mỹ. “Cuộc đời và nghệ thuật là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” (Nguyễn Minh Châu), “Văn học là nhân học” (Maxim Gorki). Văn học khơi sâu tìm hiểu những vẻ đẹp, những “hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người” (Nguyễn Minh Châu), văn học khám phá những khát vọng muôn thuở của nhân loại, tìm lời giải đáp cho những trăn trở có tính nhân bản: vấn đề sống – chết, vấn đề chiến tranh – hòa bình, vấn đề ý nghĩa của cuộc sống…
– Mục đích của quá trình ấy chính là để cho người đọc hiểu thêm về con người – cũng là hiểu thêm về chính mình. Làm sao người đọc có thể có tâm hồn phong phú, nếu họ không hiểu biết về con người? Làm sao họ có thể trưởng thành, nếu không nhận ra những sự thật về con người, cũng là những sự thật về chính bản thân mình? è Chỉ khi hiểu biết sâu sắc về con người, mỗi cá nhân mới có thể trở thành một lực lượng vật chất tích cực, giúp văn học thực hiện sứ mệnh cải tạo cuộc sống.
– Văn học có thiên chức lớn lao như vậy, nên người nghệ sĩ cũng phải có sự kết hợp giữa cái tâm và cái tài:
+ Họ vừa là một nhà thám hiểm vừa là một nhà khoa học, dám can đảm vùi mình vào giữa cơn sóng lớn của thời đại, nhìn thẳng vào hiện thực cuộc sống để mổ xẻ, bóc tách và tìm ra được những hạt ngọt lấp lánh của cái đẹp và cái thật về con người, qua đó giúp người đọc hiểu hơn về con người, để từ đó trưởng thành hơn, tâm hồn phong phú hơn.
+ Họ phải là “người cho máu”, phải mở rộng tâm hồn ra đón nhận những vang vọng của cuộc đời, những cung bậc tình cảm đa dạng, sâu kín của con người. Họ giúp bạn đọc nhận ra những buồn vui yêu ghét, lời ca tụng hân hoan hay tiếng thét khổ đau, giúp họ thấu cảm được những ước vọng tha thiết nhất của con người thời đại mình…
+ Đồng thời, với tư cách là một con người sống trong thời đại, là một công dân có trách nhiệm trước xã hội, dân tộc, lịch sử, nhà văn cũng cần biết đặt ra những câu hỏi, và kiến giải một lối đi, một hướng phát triển cho lịch sử, thời đại. “Người nghệ sĩ không muốn ghi cái đã có rồi, mà muốn nói điều gì mới mẻ. Anh muốn gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn gửi”.
3. Chứng minh.
– Văn học làm cho con người thêm phong phú:
+ Văn học cung cấp cho con người tri thức về tự nhiên, xã hội. Văn học chính là cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống.
+ Văn học tạo cho con người những tình cảm mới mẻ mà họ chưa có, rèn luyện cho họ những tình cảm sẵn có.
+ Văn học giúp con người có thêm nhiều trả nghiệm sống thông qua việc nhập thân vào nhân vật.
– Văn học giúp người đọc lớn hơn.
+ Họ nhận ra được hiện thực cuộc sống để hình thành các phẩm chất tốt đẹp: đức hy sinh, sống có lý tưởng, sống dâng hiến, sống vì cộng đồng, sự dũng cảm, lòng căm ghét cái ác và sẵn sàng chiến đấu vì cái thiện…
– Văn học giúp người đọc hiểu thêm về con người
+ Vẻ đẹp của con người (trọng tâm là vẻ đẹp tâm hồn)
+ Bản chất của con người: khao khát sống, khao khát hòa bình, khao khát yêu thương, mong muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa…
– Khẳng định: Để đạt được những điều tác giả nhận định nói, mỗi nhà văn còn cần một hình thức nghệ thuật phù hợp và độc đáo để làm nên hình hài sắc vóc cho tác phẩm văn học, giúp tác phẩm đến gần hơn với bạn đọc. Vượt lên trên tất cả, “tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho người đọc sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng” và “cốt tủy của văn học chính là tình thương”
4. Đánh giá.
– Ý kiến trên đã khẳng định chức năng cao cả của văn học: phục vụ cho con người, hướng con người đến cái chân- thiện-mỹ.
– Từ nhận thức được chức năng của văn học cần ý thức vai trò quan trọng của học tác phẩm văn học, hình thành tình yêu, say mê học tập và trân trọng những giá trị văn học.
III. Kết bài:
– Khẳng định lại tính đúng đắn của nhận định.
– Để đạt được những điều tác giả nhận định nói, mỗi nhà văn còn cần một hình thức nghệ thuật phù hợp và độc đáo để làm nên đặc sắc riêng cho tác phẩm văn học, giúp tác phẩm đến gần hơn với bạn đọc.
Bài văn tham khảo 1:
Văn học là một trong những loại hình nghệ thuật có từ rất sớm, gắn bó thân thiết với đời sống tinh thần của con người. Dù dưới hình thức nào thì nó vẫn là sự phản ánh đời sống khách quan của người nghệ sĩ, Mỗi khi cảm xúc trỗi dậy đến mãnh liệt, người nghệ sĩ chân chính lại tìm đến văn chương như một cách để giãi bày, kí thác những dòng tâm trạng của mình. Sức ám ảnh của một sáng tác văn học chân chính là vô cùng lớn lao, mạnh mẽ. Sứ mệnh của người cầm bút cũng trở nên quan trọng. Như M.L.Kalinine đã từng phát biểu: “Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn”.
Văn học là tấm gương phản chiếu chân thực và cảm động hiện thực đời sống. Dù văn học viết về vấn đề gì, về những biến động lớn lao, bão táp, cách mạng hay chỉ diễn tả một tiếng chuông chùa, một con cò giang rộng đôi cánh trên nền trời xanh thì bao giờ ta cũng tìm thấy hình bóng, tâm sự nỗi lòng của người cầm bút. Trên từng ngõ hẻm của hiện thực đời sống là những “giọ tư tưởng” chất chiu được hình thành. Văn học là cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống. Qua văn học, con người ta sẽ có những hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống xung quanh và về chính bản thân mình.
Lê Ngọc Trà đã từng khẳng định “Văn học là tiếng nói của tình cảm, là sự giải lòng và gửi gắm tâm tư. Văn học giúp con người tìm thấy mình trong đó, cảm nhận được những cung bậc tình cảm đa dạng trong thế giới nội tâm con người, được giải bày, được đồng cảm, được sẻ chia, được gợi ra những tình cảm chưa có, được tu rèn những tình cảm sẵn có”. Việc đi khám phá một tác phẩm văn học giống như một cuộc trải nghiệm, là cơ hội để ta du hành qua không gian và thời gian, vượt qua mọi bờ cõi và giới hạn, trải nghiệm nhiều hơn, Sống nhiều hơn qua những cuộc đời khác nhau, nhìn được cuộc đời dưới nhiều lăng kính. Và rồi ta được lắng nghe nhiều luồng tư tưởng, được đối thoại với nhà văn, được đồng sáng tạo với tác giả để giàu có và phong phú hơn về trải nghiệm sống.
Từ những trải nghiệm mà văn học mang lại giúp con người lớn lên về mặt nhân cách tâm hồn. Văn học quan con đường tình cảm truyền đạt đến con người những bài học đạo đức, nhân sinh. Thật đúng đắn khi M.L.Kalinine khẳng định : “Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn”.. Ý kiến đã nêu bật lên chức năng của văn học cũng như đề cập đến thiên chức của người nghệ sĩ. Văn học làm nảy nở trong con người những tình cảm mới, rèn dũa những tình cảm cũ, khơi dậy trong con người những tình cảm mới, những nhận thức mới mẻ, sâu sắc về cuộc đời, giúp họ có thêm những trải nghiệm cuộc sông, Từ đó giúp họ có thêm những trải nghiệm cuộc sống. Từ đó giúp con người sống tốt đẹp hơn, biết ứng xử một cách đúng đắn, Văn học giúp con người thấu hiểu bản chất của con người, qua đó thấu hiểu chính bản thân mình.
M.L.Kaline muốn nhấn mạnh đến thiên chức của những người cầm bút. Văn học có vai trò lớn lao như cậy, nên người nghệ sĩ cũng phải có sự kết hợp giữa cái tâm và cái tài. Họ vừa là một nhà thám hiểu vừa là một nhà khoa học, dám can đảm vùi mình vào giữa cơn sóng lơn của thời đại, nhìn thẳng vào hiện thực cuộc sống để tìm ra những hạt ngọc lấp lánh của cái đẹp và cái thật về con người. Từ đó, làm giàu vốn hiểu biết của con người, để ta trưởng thành hơn, tâm hồn phong phú hơn. Những người nghệ sĩ chân chính phải là những “người cho máu”. Phải mở rộng tâm hồn ra để đón hận nhưng vang vọng của cuộc đời, những cung bậc tình cảm đa dạng, sâu lắng của con người, Họ giúp chúng ta nhận ra những buồn vui, yêu ghét, lời ca tụng hân hoan hay tiếng thét đau đớn. giúp ta thấu cảm được những ước vọng tha thiết của con người sống trong thời đại, là một cây bút có trách nhiệm, người nghệ sĩ chân chính cũng cần biết đặt ra những câu hỏi và kiến giải một lối đi, một hướng phát triển cho lịch sử thời đại.
Văn học thực sự có khả năng “nhân đạo hóa con người” giúp ích cho cuộc sống con người. Thế giới nghệ thuật đó đã giúp thanh lọc tâm hồn. Văn học luôn luôn là một thế giới đầy bí ẩn mà khi giải mã không phải lúc nào cũng tìm đến sự thống nhất và được tái hiện dưới nhiều góc nhìn khác nhau của nghệ thuật. Dù dưới hình thức nào thì chỉ có thể đánh giá khẳng địn một sáng tác có giá trị khi nó “làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn”. Và “Vợ nhặt” của Kim Lân là một minh chứng cho ý kiến trên.
Kim Lân là một nhà văn có nhiều trang viết gắn liền với hơi thở của vùng nông thôn Bắc Bộ Việt Nam “Vợ nhặt” tiêu biểu cho phong cách sáng tác nghệ thuật của ông. Đến với tác phẩm ta có thêm những hiểu biết mới mẻ về cuộc sống, xã hội lúc bấy giờ. Kim Lân đã dựng lên bối cảnh nhặt vợ. Đó là nạn đói khủng khiếp năm 1945 khi dân ta rèn xiết dưới ách Pháp và Nhật ,cái đói tràn về khắp nơi. Xóm ngụ cư tồi tàn, gây nên hậu quả thê thảm, đó là hình ảnh ngựa chết thây nằm còng queo bên đường, người sống chỉ còn là những cái bóng dật dờ lặng lẽ như những bóng ma. Đó là quang cảnh chung. Thật xót xa khi ta bắt gặp hình ảnh người đàn bà đói đến gần chết, gầy xộp đi, khuôn mặt xám xịt hay hay một gia đình phải ăn thứ cám đắng chát nghẹn ứ.
Thời gian, không gian trong truyện mỗi lúc một tối hơn. Bắt đầu là “mỗi chiều, chạng vạng mặt người” rồi “bóng chiều nhá nhem”, :cảnh sầm lại và cuối cùng là “tối om”. Cảnh nên vợ nên chồng cũng thảm thương, tội nghiệp. Khi nghe Tràng hò một câu chơi cho đỡ mệt, thị “ton ton chạy lại đẩy xe chô Tràng… cười tít mắt” Thị đẩy xe với hi vọng được ăn. Cũng là viết về cái đời, nỗi khổ của con người nhưng với Kim Lân , ông đã đem đến cho ta một góc nhìn mới mẻ. Nếu như Nam Cao thường viết về những cái chết đòi được sống thì Kim Lân lại cho rằng “Khi viết về nạn đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết truyện ngắn nhưng con người ấy không nghĩ đến cái chết mà văn chương hướng đến cuộc sống, vẫn hi vọng và tun tưởng vào tương lai, Họ vẫn sống, sống cho ra con người.”
“Vợ nhặt” – Kim Lân đem đến cho con người những thứ tình cảm mới mẻ và rèn luyện những tình cảm sẵn có. Đó là tình yêu thương, dù trong đói khổ vẫn sẵn sàng sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau dù đang cận kề cái chết , họ vẫn lạc quan nhìn về một ngày mai tươi sáng. ở đây, chính là sự sẵn lòng cưu mang người dồng cảnh ngộ trong nạn đói khủng khiếp của nhân vật Tràng trong truyện. thấy người đàn bà đói, rách rưới thảm hại, Tràng động lòng thương. Có ai ngờ rằng con người thô kệch ấy lại có một tấm lòng yêu thương cao cả, Thế rồi Tràng cho người đàn bà kia ăn “bốn bát bánh đúc”. Đó chính là lòng thương một con người đói khát hơn mình chứ Tràng cũng không hề có ý lợi dụng hay chọc ghẹo.
Cách ứng xử rất người của Tràng cũng chính là truyền thống tố đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Đó là “lá lành đùm lá rách” “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. ngay ở phần đầu tiên của truyện, người đọc đã có thêm dược những hiểu biết về cuộc sống đầy khốn khổ của con người trong nạn đói 1945 và tạo cho con người tình cảm mới mẻ, yêu thương, sẻ chia. Đồng thơi ta có thêm những trải nghiệm khi nhập thân vào con người trong truyện, vào nhân vật. Liệu rằng, nếu chúng ta là Tràng hay người đàn bà đáng thương kia thì ta có xử sự như thế? Đó chẳng phải là việc bồi đắp , tình cảm, làm cho con người thêm phong phú hay sao?
“Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con nguời nhiều hơn”. Quả đúng vậy! Đến văn học con người sẽ cảm thấy thoải mái, đó là hoạt động giải trí cao quý của tâm hồn. Vậy nên mỗi người nghệ sĩ chân chính có thiên chức vô cùng quan trọng, vai trò của văn học đối với con người cũng vô cùng lớn lao…
Bài văn tham khảo 2:
Cuộc sống này thật đa dạng muôn màu, muôn vẻ với bao bất ngờ và cũng có lúc thật bay bổng như một câu chuyện cổ thần tiên. Và văn chương đã góp một phần không nhỏ vào cái thế giới phong phú, nhiều màu sắc này. Vì vậy mà “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có”.
Đối với mỗi người văn chương có những ý nghĩa, cảm nhận khác nhau. Nhưng ai cũng hiểu rằng văn chương là một thứ trừu tượng, ta không thể nhìn thấy hay chạm vào nó mà chỉ có thể lắng nghe và cảm nhận thôi. Văn chương là nơi kết tụ cái tinh hoa của cuộc sống. Văn chương còn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng với đời sống con người. “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có” chính là công dụng của văn chương, Nghĩa là văn chương mở ra cho ta những “chân trời mới”, bồi đắp tình cảm tốt đẹp cho ta, làm giàu thêm cho thế giới tâm hồn ta. Và văn chương khai phá những tình cảm xưa nay ẩn sâu trong trái tim ta và bồi dưỡng những thứ tình cảm ấy thêm lớn hơn nữa.
Vì sao trong tác phẩm “Ý nghĩa văn chương”, nhà văn Hoài Thanh lại nói “Văn chương luyện những tình cảm ta sẵn có”. Vì văn chương dạy, giúp ta hiểu thêm được ý nghĩa, giá trị của tình cảm gia đình là to lớn, là quan trọng thế nào. Giúp cho mỗi lứa học sinh chúng ta thấm thía hơn công lao dưỡng dục của cha mẹ; sự vất vả, những giọt mồ hôi phải rơi xuống của cha mẹ để nuôi chúng ta lớn lên từng ngày. Qua câu ca dao ông cha ta nói ngày xưa: “Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, ta đã thấy được tình cảm của cha mẹ dành cho chúng ta là vô bến bờ, cha mẹ luôn luôn yêu thương ta, che chở ta mãi mãi.
Và qua những dòng văn thơ, văn chương cũng cho chúng ta biết ông bà, những người tuy không sinh ra chúng ta nhưng ông bà đã cùng bố mẹ nuôi nấng, chăm sóc chúng ta nên người. Và nhờ ông bà thì mới có bố mẹ, để rồi có chúng ta ngày hôm nay. Từ đó mà ta nhận ra một điều rằng càng phải biết ơn, kính yêu ông bà hơn nữa. Và cũng từ câu ca dao xưa đã giúp ta hiểu được đạo lí ấy: “Ngó lên nuộc lạt mái nhà / Bao nhiêu nuộc lát nhớ ông bà bấy nhiêu”.
Ông cha ta còn có câu: “Anh em như thể tay chân / Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”, để từ đó mà ta biết được, hiểu rõ sự quí giá của tình anh em ruột thịt. Để từ đó ta biết được rằng anh em luôn sát cánh bên chúng ta, luôn bên ta những lúc khó khăn và cả những giây phút hạnh phúc. Hiểu giá trị tình anh em để ta hiểu được ta phải làm gì để cho tình anh em ruột thịt thêm khăng khít, bền chặt.
Văn chương cho ta biết giá trị tình cảm gia đình, và văn chương còn cho ta biết ý nghĩa của tình bạn bè, bằng hữu. Văn chương ngày nay đã có bao nhiêu những tác phẩm nói lên tình bạn thực sự, đẹp đẽ, tri kỉ. Dưới ngòi bút tinh tế của nhà thơ Nguyễn Khuyến trong văn bản “Bạn đến chơi nhà”, tình bạn đã hiện lên thật giản dị mà cũng thật cao thượng. Tình bạn là một thứ tất yếu, tình bạn không cần của cải vật chất. Bạn bè luôn hiểu ta nhất, luôn bên ta, biết ta cần gì,…Qua bài thơ “Bạn đến chơi nhà” mà ta thêm trân trọng tình cảm bạn bè dành cho nhau, một thứ tình cảm tồn tại mãi mãi…
Văn chương giúp ta thấm thía được tình cảm gia đình, thêm trân trọng tình bạn thiêng liêng và giờ văn chương đẩy mạnh tình yêu nước trong tim mỗi con người. Những lời văn sinh động, chất chứa đầy tình cảm thúc đẩy niểm tự hào của ta về quê hương đất nước: vẻ đẹp tiềm ẩn, cảnh sắc quê hương, truyền thống văn hóa đặc sắc, một lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng,… Qua những lời văn miêu tả tinh tế, chân thật trong văn bản “Sài Gòn tôi yêu” hay Mùa xuân của tôi”,… ai mà chẳng tự hào, ngượng mộ vẻ đẹp tự nhiên tiềm ẩn của quê hương Việt Nam ta. Còn qua hai tác phẩm “Một thứ quà của lúa non: Cốm” và “Ca Huế trên sông Hương”, một lần nữa ta lại thêm tự hào về nền văn hóa đặc sắc lâu đời của dân tộc ta. Đến khi đọc những tác phẩm “Lòng yêu nước của nhân ta”, “Nam quốc sơn hà”,… ta lại phải khâm phục sức kiên cường, không lùi bước chiến đấu của dân tộc ta, để lại một trang sử hào hùng.
“Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có”. Đó là tác dụng tiếp theo của văn chương đem lại. “ Văn chương là bức tranh muôn màu của cuộc sống giúp cho ta hiểu thêm những sắc màu khác nhau của cuộc đời mà ta chưa từng trải qua”. Chắc bạn hẳn bạn còn nhớ văn bản “Tụng giá hoàn kinh sư” do Trần Quang Khải viết sau chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử và giải phóng kinh đô năm 1285. “Tụng giá hoàn kinh sư” như một khúc khải hoàn ca đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm và trong lịch sử văn học Việt Nam. những dòng thơ chân thật, thúc đẩy tinh thần bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm trong mỗi người, gợi cho ta một hào khí chiến đấu oai hùng của cha ông.
Ngược lại với sự mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần chiến đấu trong mỗi người, những lời tâm sự của người phụ nữ thời phong kiến đã chịu nhiều đau khổ, bất hạnh lúc bấy giờ lại làm ta cảm động; có một sự cảm thông, chia sẻ với thân phận thiệt thòi, khốn khổ của những người phụ nữ ấy. Những bài thơ “ Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương, “ Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn (bản dịch của Đoàn Thị Điểm),… đã gợi lên trong ta biết bao cảm xúc, những sự đồng cảm với nhân vật trữ tình, để rồi phê phán, lên án chế độ phong kiến xưa.
Trong những hoàn cảnh tuy ta có thể chưa bao giờ trải qua, những qua những lời văn giản dị mà chân thật thì ta cũng có thể hiểu được phần nào cảm xúc của những người rơi vào hoàn cảnh như vậy. Đầu năm lớp 7 này, ta đã được biết đến văn bản “Cuộc chia tay của những con búp bê”, một câu chuyện buồn mà mọi đứa trẻ đều không thể chịu đựng được, có thể đứng dậy một cách dễ dàng sau cú vấp này. Một tuổi thơ buồn bã sẽ kéo dài mãi trong tâm trí mỗi đứa trẻ đã phải trải qua sự chia li của gia đỉnh khi hôn nhân của bố mẹ bị đổ vỡ, mỗi người một nơi, anh chị em phải xa cách, thiếu đi tình cảm của cả bố và mẹ. Và từ đó ta vừa cảm thấy buồn thay cho những đứa trẻ vô tội, còn thơ dại kia mà đã phải chịu đựng nhiều như vậy, mà vừa chê chách những vị phụ huynh vô trách nhiệm với con cái như vậy.
Đọc lại những trang sử phong kiến xưa ,ta một lần nữa lại phải rơi nước mắt, cảm thương cho số phận những người nô lệ ngày ấy. Những gì họ phải trải qua chỉ là đau khổ, bị sai khiến, bóc lột,… không được hưởng những thành mình làm ra, có được một giây phút hạnh phúc,… Từ đó ta cũng phải cho đi một sự cảm thông, chia sẻ với họ, và lại lên án, chê trách chế độ phong kiến thối nát, tồi tàn.
Qua những dẫn chứng trên, ta thấy văn chương đã tạo ra những phép màu cho cuộc sống, tạo ra tình cảm giữa con người với con người. Văn chương đã bồi dương tâm hồn ta, mở rộng cánh cửa nhân ái của lòng ta, giúp ta hiểu thêm tình đời tình người. Văn chương khơi dậy lòng trắc ẩn trong mỗi người.
Văn chương thật quan trọng đối với cuộc sống. Văn chương là tấm gương phản chiếu cuộc đời thật của con người, giúp thế giới không còn vô tình, khô cằn vì thiếu đi tình thương giữa con người với nhau. Từ đó ta càng phải trân trọng từng dòng thơ, lời văn; yêu mến chúng; đọc nhiều hơn để tâm hồn ta thêm bay bổng, thêm nhiều những tình cảm từ văn chương ban tặng.