duc-tinh-khiem-nhuong

Nghị luận về đức tính khiêm nhường.

Nghị luận về đức tính khiêm nhường.

  • Mở bài:

Quan hệ tốt trong cuộc sống tùy thuộc vào nhân cách tốt của mỗi người. Nhân cách được hình thành từ giáo dục và môi trường xung quanh. Một trong những yếu tố cần để tạo nên sự hội nhập của mọi người là đức tính khiêm nhường.

  • Thân bài:

Thế nào là khiêm nhường?

Khiêm nhường là thái độ không tự đề cao mình, luôn học hỏi ở người khác, biết kính trên nhường dưới. Nghĩa của khiêm nhường còn được hiểu như một bản chất tốt phải có trong cách đối nhân xử thế giữa người và người.

Tại sao cần phải có đức tính khiêm nhường?

Khiêm nhường gây được thiện cảm với người xung quanh, tạo nên mối quan hệ gần gũi, thân thiện. Một học sinh khiêm nhường sẽ tập hợp được sức mạnh trí tuệ quanh bạn giúp việc học tập tốt hơn, đẩy mạnh các phong trào trong lớp.

Người biết khiêm nhường sẽ học tập được nhiều điều hay của người khác. Nghe nhiều hơn nói là hành động khéo léo của người khôn ngoan. Người không khiêm nhường, tự cao tự ái, khiêu ngạo sẽ khó thành công trong công việc, không chịu học hỏi bất cứ ai. Từ đó kiến thức sẽ bị thu hẹp nẩy sinh thành kiến, đố kị và dẫn đến thất bại.

Khiêm nhường là một những phẩm chất cao quý trong xã hội ngày nay mà Bác Hồ đã dạy thiếu niên Việt Nam: khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Đó là hướng phấn đấu của thế hệ chúng ta trong quá trình thế giới tiếp thu tri thức tiên tiến, nâng cao trình độ để xây dựng đất nước thành công, khiêm nhường không có nghĩa là tự ti, mặc cảm coi mình bé nhỏ tầm thường.

Rèn luyện đức khiêm nhường ta phải làm gì?

Luôn phải biết lắng nghe và học hỏi những điều hay và làm giỏi hơn nói. Sống chan hòa, cởi mở với mọi người, trân trọng việc làm của người khác dù đó không phải là những điều đáng học tập, dù là nhỏ bé. Luôn thấy mình chưa xứng đáng với sự cống hiến cho cả đời, cho công việc mà cần phải học tập và làm việc nhiều hơn nữa.

  • Kết bài:

Khiêm nhường là phẩm chất đáng quý của con người mà chúng ta phải rèn luyện thường xuyên để dễ thành công trên đường đời. Kính trên nhường dưới, luôn học hỏi ở mọi người là biểu hiện cụ thể của đức tính khiêm nhường.


Tham khảo:

  • Mở bài:

Đức khiêm nhường đến từ tri thức; sức mạnh đến từ sự hy sinh. Khiêm nhường không chỉ là nghệ thuật sống mà còn là nền tảng dẫn tới thành công.

  • Thân bài:

Khiêm nhường là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, những việc mình đã làm, không khoe khoang thành công, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ, luôn cố gắng, nỗ lực, không ngừng học tập và học hỏi. Khiêm nhường và lắng nghe cũng giúp ta có được sự tôn trọng, tin yêu của những người xung quanh.

Người khiêm tốn là người ham học hỏi những điều hay, lẽ phải từ người khác, không ngừng cố gắng vươn lên trong cuộc sống, những người như thế sẽ rèn luyện được cho bản thân mình những đức tính tốt đẹp khác như kiên trì, nỗ lực,… xứng đáng được người khác học tập theo. Nếu trong xã hội ai cũng có lòng khiêm tốn và ý chí vươn lên thì xã hội này sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, phát triển hơn. Người có lòng khiêm tốn sẽ được mọi người yêu quý, tôn trọng, tin tưởng và sẽ thành công rực rỡ hơn những người khác.

Khiêm nhường làm chúng ta cao quý hơn trong mắt mọi người và luôn luôn nhận được sự nể phục. Khiêm nhường còn làm chúng ta tự kiềm chế bản thân mình để không tự mãn khi thành công. Chính điều này làm chúng ta luôn thấy mình “thấp” hơn người khác để bản thân không ngừng cố gắng mỗi ngày. Chính đức tính ấy đã làm cho bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trở nên gần gũi, cao quý hơn đối với nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Vậy nhưng, trong xã hội hiện nay vẫn có không ít người quá đề cao chủ nghĩa cá nhân, mải khoe khoang tự mãn, đắm chìm trong những gì đã đạt được để rồi dần thụt lùi so với dòng chảy của văn minh nhân loại.

Hiểu được giá trị của đức tính khiêm nhường mỗi chúng ta cần nói không với cách sống tiêu cực và rèn luyện đức khiêm nhường từ những điều nhỏ bé hàng ngày. Bởi “khiêm nhường là lương tri của cơ thể”, thiếu nó ta đâu thể trở thành một con người đúng nghĩa cũng như hoàn thiện bản thân.

Ngạn ngữ Hy Lạp có câu: “Kiêu căng là đặc quyền của kẻ khờ dại”. Câu nói đó đã dạy cho chúng ta bài học luân lí làm người về lòng khiêm nhường. Đúng vậy, khiêm nhường không đơn thuần là bài học mà nó còn là thái độ sống, một nghệ thuật về cách đối nhân xử thế trên đường đời. Vậy khiêm tốn được hiểu như thế nào?

Khiêm nhường là thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân mình, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người khác. Người có lòng khiêm nhường luôn luôn thể hiện thái độ hòa nhã, nhún nhường trong văn hóa ứng xử, và quan trọng hơn, họ luôn tỏ ra tôn trọng bản thân mình và tôn trọng người khác. Trong công việc và trong cuộc sống, những người có thái độ khiêm nhường thường không thỏa mãn với những gì mình đạt được mà ngược lại, họ luôn cố gắng phấn đấu vươn lên để có thể đạt được những thành quả cao hơn và những thành công mĩ mãn. Có lòng khiêm nhường, con người ta mới có tinh thần cầu tiến, mới không ngừng học hỏi và tiến bộ.

Khiêm nhường chỉ cho ta thấy những thiếu sót của bản thân mình để sửa đổi, không tỏ thái độ kiêu căng tự mãn, và giúp ta biết bình tĩnh tiếp thu những ý kiến đóng góp của mọi người xung quanh. Sống khiêm nhường sẽ được mọi người yêu quý và bớt người ganh ghét đi. Đồng thời, khiêm nhường giúp con người ta không kiêu ngạo khi đứng trên đỉnh cao vinh quang, và người khiêm nhường sẽ lấy thành công đó làm động lực thúc đẩy họ tiến lên phía trước. Nếu tự mãn, đắm chìm trong thành công của mình mà quên mất rằng họ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để tạo lập nên những thành quả mới. Những người đó sẽ dễ gặp thất bại và bị người đời xa lánh. Thực chất thì chúng ta không có đủ tư cách để tỏ ra kiêu ngạo trước những người khác, trí tuệ của chúng ta chỉ là hạt cát nhỏ giữa một sa mạc trí thức rộng lớn. Mỗi chúng ta hãy tự ý thức và nuôi dưỡng cho mình một thái độ khiêm tốn, khiêm tốn trước người, khiêm tốn trước đời, để có thể đạt được những thành công trong cuộc sống.

Trong xã hội vẫn có không ít người có tính huênh hoang, tự cao tự đại, hay khoe khoang những thứ mà bản thân mình có, thậm chí có những người nói quá, làm lố để mong nhận được sự chú ý của người khác, khiến người khác phải trầm trồ, ngưỡng mộ bản thân mình,… → những người này cần bị phê phán, chỉ trích.

  • Kết bài:

Qua đây, chúng ta thấy rằng rèn luyện tính khiêm nhường đôi khi bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhặt trong đời thường. Tính khiêm nhường chính là bài học đạo đức đầu tiên và cần thiết cho mỗi con người. Nó còn là nhân tố thiết yếu tạo nên sự thành công và góp phần xây dựng những mối quan hệ bền vững trong xã hội.


Tham khảo:

Sống càng sâu càng phẳng lặng; lúa càng cao càng cúi đầu. Chính sự khiêm nhường làm nên sự vĩ đại trong vũ trụ này. Càng vĩ đại thì càng phải biết khiêm nhường hơn. Và để trở nên khiêm nhường, con người càng phải biết phấn đấu. Khiêm nhường có thể coi là một trong những phẩm đức cao quý nhất của con người.

Khiêm nhường là tính nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, tự khép mình vào những khuôn thước của cuộc đời, bao giờ cũng có ý chí học hỏi, hoài bão trọng đại của cá nhân là tiến mãi không ngừng, chủ đích là không khoe khoang, không tự đề cao cá nhân mình với người khác, đánh giá đúng mực về bản thân, luôn ham học hỏi người khác và biết kính trọng mọi người.

Những người khiêm nhường thường rất hòa nhã, biết nhún nhường, tôn trọng người khác và nghe nhiều hơn nói. Họ luôn tự giác nhìn nhận và sửa đổi các khuyết điểm của mình, học tập những cái hay, cái tốt từ người khác và không tự mãn với những gì mình đã đạt được.

Thực không thể nào phủ nhận được vai trò và tầm quan trọng của đức tính khiêm nhường đối với mỗi con người. Một trong những đức tính cần thiết nhất để có thể hòa nhập có được mối quan hệ tốt là đức tính khiêm nhường. Đức tính khiêm nhường không chỉ là nghệ thuật sống mà còn là nền tảng cho sự thành công.

Những người vốn có tính khiêm nhường thường hay tự cho rằng kiến thức của mình vẫn còn hạn hẹp, còn phải cầu tiến hơn nữa và cần phải trau dồi, học hỏi nhiều hơn nữa, không bao giờ chịu chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc nào cũng cho sự thành công của mình là tầm thường không đáng kể, luôn luôn tìm đủ mọi phương diện để học hỏi thêm lên.

Người có sẵn tính khiêm nhường không bao giờ chịu chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc nào cũng cho sự thành công của mình là tầm thường không có gì to tát, luôn luôn tìm đủ mọi phương diện để học hỏi thêm lên.

Người khiêm nhường cũng không bao giờ biểu lộ sự tự mãn về những gì mình có, mình biết, nhờ vậy dễ tạo được sự đồng cảm và mối quan hệ thân thiện với người khác trong giao tiếp,nên kết giao được với nhiều người hơn. Họ cũng không đề cao mình và hạ thấp người khác, nên bản thân luôn vui vẻ, an lạc và hạnh phúc. Đức tính khiêm nhường giúp con người thể hiện khả năng tự chủ cao trong mọi việc, chiến thắng “cái tôi” bản ngã của mình.

Nhờ biết sống khiêm nhường mà biết mở rộng tâm hồn đón nhận mọi cái tốt đẹp của mọi người như đón làn gió mát, luôn tươi mới và phóng khoáng. Khiêm nhường cho ta sức mạnh, là động lực nhân văn giúp ta tu dưỡng nhân cách, đạo đức ngày một thêm tốt đẹp hơn. Nhờ biết khiêm nhường mà ta không chỉ biết học thầy, những người giỏi hơn mình mà còn biết học hỏi những người như mình-học bạn, coi bạn là thầy, biết “học thầy không tày học bạn”. Người khiêm nhường luôn thấy ai xung quanh mình cũng có điều để đáng học hỏi.

Nhân dân ta có bao câu tục ngữ nêu lên bài học về đạo đức tính khiêm nhường: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe!” Câu tục ngữ khuyên con người phải ý thức đúng đắn năng lực của mình, tích cực học hỏi, không dấu giếm cái dốt vì sợ xấu hổ.

Sự hiểu biết của mỗi người rất hạn chế giống như hạt cát trong sa mạc mênh mông. Ai cũng phải khiêm nhường học tập, coi việc học tập là chuyện rèn luyện suốt đời. Kẻ kiêu ngạo khác nào sống trong ao tù: “Kiêu ngạo là biểu hiện cái ngu dốt của mình”. Kiêu ngạo chính là cách giết chết lòng ham học hỏi của mình Nhà bác học vĩ đại Einstein tâm sự với tuổi trẻ gần xa là phải biết khiêm nhường và nỗ lực học tập không ngừng, bởi “điều mà chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết mênh mông như đại dương”. Khiêm nhường là một trong nhiều đức tính mà tuổi trẻ chúng ta phải tu dưỡng, rèn luyện. Trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Khiêm nhường là một đức tính rất cần thiết và là thái độ sống đẹp trong xã hiện nay. Vì không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả, trí tuệ của mỗi chúng ta chỉ là một hạt cát bé nhỏ giữa sa mạc rộng lớn, khiêm nhường sẽ giúp chúng có thể hoàn thiện bản thân và mở rộng vốn hiểu biết của mình hơn. Khiêm nhường là thái độ cần có của mỗi chúng ta bất kể ta là ai, có chức vụ gì, tài giỏi nào vì đức tính ấy giúp ta có được thiện cảm với những người xung quanh có được những mối quan hệ gần gũi và cần thiết.

Nếu không có đức tính khiêm nhường, con người chúng ta sẽ ngủ quên trên chiến thắng, không biết vươn lên, không tự mình tiến bộ, hoàn thiện bản thân và sẽ trở nên tụt hậu so với những con người biết học hỏi. Thế nhưng vẫn có nhiều người không khiêm nhường, tự cao kiêu ngạo và khinh thường người khác.Trái ngược một số khác lại tự ti, xem nhẹ bản thân mình, rụt rè và nhút nhát, không dám thể hiện bản thân. Những con người như thế sẽ khó thành công trong công việc.

Một người kiêu ngạo luôn tự tiêu diệt mình trong kiêu ngạo. Ngược lại với đức tính khiêm nhường là sự tự cao, tự đại. Những người có tính tự cao hay tự đề cao mình, luôn coi thường người xung quanh, không nhận được sự yêu quý của mọi người, bị mọi người xa lánh. Cũng cần phải thấy rằng khiêm nhường không có nghĩa là tự ti, tự hạ thấp mình, rụt rè và không đánh đúng năng lực bản thân. Người tự cao tự đại thường chỉ dừng lại ở mức độ họ đang có vì họ luôn cho rằng bản thân đã quá giỏi giang và không cần học hỏi thêm nữa.

Khiêm nhường là đức tính góp phần nâng cao giá trị của con người. Đó là một trong những đức tính mà Bác Hồ đã dạy cho thiếu niên Việt Nam: Khiêm nhường, thật thà, dũng cảm. Chính vì vậy không ngừng học tập rèn luyện bản thân và không được tự mãn trước những thành quả mà ta đã đạt được. Đó chính là hướng phấn đấu của chúng ta để có thể tiếp thu tri thức nâng cao trình độ bản thân góp phần xây dựng xã hội ngày một văn minh, giàu đẹp.

Khó mà nhường trọng người khác nếu bản thân không tự khiêm nhường. Khó mà mở lòng tiếp thu tri thức quý báu từ người khác nếu bạn có thói kiêu ngạo. Sự khiêm nhường là chiến thắng của tâm trí đối với những lời xu nịnh và dục vọng thấp hèn của bản thân. Tử tế, lịch sự và khiêm nhường chứng tỏ con người có văn hóa thực sự.

Suy nghĩ về đức tính khiêm tốn, tự tin và sự kiêu căng, tự mãn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang