nghi-luan-gian-di-la-gi-bieu-hien-va-y-nghia-cua-loi-song-gian-di

Nghị luận về tính giản dị: Giản dị là gì? Biểu hiện và ý nghĩa của lối sống giản dị

Giản dị là gì? Biểu hiện và ý nghĩa của lối sống giản dị.

* Dàn bài gợi ý

I. Mở bài:

“Trang bị quý nhất của con người là đức tính giản dị “ ( Ang ghen )

II. Thân bài

1. Giải thích: Giản dị là gì?

– Giản dị : sơ sài, dễ dãi, không đòi hỏi, không rườm rà

– Có quan hệ chặt chẽ với tiết kiệm

– Cả câu có nghĩa là: giản dị là một thứ trang bị quý giá nhất làm nên vẻ đẹp con người

2. Phân tích mặt đúng, chỉ ra tác dụng, ý nghĩa

– Giản dị được biểu hiện rất phong phú:

+ Sống phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội

+ Giản dị là không xa hoa, lãng phí

+ Không chạy theo những nhu cầu vật chất và hình thức bên ngoài

– Giản dị là đức tính quý báu của con người:

+ Giản di giúp ta dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh.

+ Nhìn đúng bản chất của sự việc, con người là sự cao thượng và trong sáng.

+ Giản dị giúp ta hòa hợp được với người xung quanh, được yêu mến, giúp đỡ và tiến bộ.

* Những câu nói hay về tính giản dị:

“Giản dị là một cách trang điểm cho tâm hồn cao đẹp”.

“Thiên tài và đức hạnh giống như viên kim cương: đẹp nhất là được lồng trong chiếc gương giản dị”

“Không có sự vĩ đại nào lại không có sự giản dị, lòng tốt và sự thật”.

3. Phân tích mặt tích cực.

– Trái ngược với sự giản dị là cầu kì, xa hoa, đua đòi.

– Làm mất nhân cách của mình.

– Bị mọi người xa lánh, ghét bỏ.

4. Bài học nhận thức và hành động.

– Luôn có ý thức phải sống thật giản dị để hòa đồng với mọi người xung quanh….

– Không học đòi, không đòi hỏi người khác phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mình.

III. Kết bài:

– Khẳng đình lại ý nghĩa của câu nói.

– Liên hệ bản thân: Trong cuộc sống quanh ta, giản dị được biểu hiện ở nhiều khía cạnh. Giản dị là cái đẹp. Đó là sự kết hợp giữa vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong. Vậy chúng ta cần học tập những tấm gương ấy để trở thành người sống giản dị.

»»»Xem thêm:

Bài văn tham khảo:

Suy nghĩ về ý nghĩa của đức tính giản dị.

  • Mở bài:

Batle từng nơi: “Thiên tài và đức hạnh giống như viên kim cương: đẹp nhất là lồng trong chiếc khung giản dị”. Nếu nhân cách là một viên ngọc sáng thì tính giản dị là cái hộp giữ gìn và tỏa sáng nhân cách ấy. Bởi thế mà người xưa sau những tháng ngày bôn ba, sôi nổi, cống hiến sức mình cho nhân dân, cho đất nước, thường tìm về với vườn quê, thực hành lối sống giản dị là nhằm giữ lấy phẩm hạnh và đạo đức làm người; đồng thời cũng là để tận hưởng giá trị cuộc sống thanh nhàn.

  • Thân bài:

Giản dị là gì?

Sống giản dị là sống phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội, biểu hiện: Không xa hoa, lãng phí, không cầu kì kiểu cách, không chạy theo những nhu cầu vật chất và hình thức bề ngoài. Thẳng thắn chân thật, gần gũi với mọi người.

Biểu hiện và ý nghĩa của lối sống giản dị.

Người có lối sống giả dị không chạy theo nhu cầu vật chất tầm thường và hình thức hào nhoáng bề ngoài. Họ tính tình thẳng thắn, chân thật, chan hòa, vui vẻ, gần gũi, hoà hợp với mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Người giản dị thường thường ở nơi thanh tịnh, ăn uống đạm bạc, chẳng cần chi nhà cao của rộng, sơn hào hải vị. Họ là người yêu mến lao động, lấy công việc làm niềm vui, lý tưởng sống cống hiến vì cộng đồng. Sinh hoạt đơn sơ cốt giữ cho tâm hồn được thanh tịnh, thể chất cường kiện, trí tuệ minh mẫn, sáng suốt.

Người giản dị luôn biết quý trọng tiền bạc. Việc gì nên dùng thì dùng, không bao giờ họ phí phạn tài sản hay tư lợi cho bản thân. Họ không bao giờ mua nhiều hơn những gì họ cần, biết tiết kiệm tiền bạc, nghiêm khắc với bản thân nhưng lại rất hào phóng với người khác, không keo kiệt, ích kỉ, lúc nào cũng nghĩ đến tập thể, cộng đồng.

Nhìn vào đời sống của người giản dị cứ tưởng như họ có vẻ đang xa rời đối với thế giới xung quanh nhưng kì thực là gắn kết rất chặt chẽ. Chính hành động tách mình ra khỏi guồng quay của lợi danh và những cám dỗ tầm thường giúp họ có cái nhìn sâu sắc hơn về lẽ đời, tình đời và tình người. Họ giản dị để hòa mình vào cuộc sống chung của cộng đồng, gắn kết mình với cộng đồng rộng lớn. Mục đích của lối sống giản dị là tiết kiệm của cải, thanh lọc và di dưỡng, tâm hồn, đề cao đạo đức và văn hoá, hướng đến chân, thiện mĩ.

Người giản dị luôn ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn. Lời nói ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Thái độ thân tình, cởi mở với mọi người, không có khoảng cách trên dưới. Lúc nào ta cũng thấy ở họ một sự khiêm tốn và lễ độ mực thật hết sức đáng trân trọng.

Tại sao phải sống giản dị?

Con người lao động tạo ra vật chất là nhằm để phục vụ cho các nhu cầu sống của mình. Càng có nhiều nhu cầu thì cần phải lao động nhiều hơn. Vật chất dẫu cho con người có được nhiều thì cũng không phải là vô hạn. Sống giản dị giúp con người tiết kiệm được vật chất và sức lao động, từ đó có cơ hội để tận hưởng giá trị sống chân thực và ý nghĩa.

Con người là một phần của tự nhiên. Cuộc sống hiện đại và lòng tham khiến chúng ta ngày càng xa rời thiên nhiên ấy. Sống giản dị giúp con người ở gần hơn với thiên nhiên. Người sống giản dị thường gắn kết chặt chẽ mình và thiên nhiên, tận hưởng vẻ đẹp của đất trời, cây cỏ cùng những vật phẩm tầm thường nhưng thân thiện, hiền hòa.

Sống giản dị giúp con người hạnh phúc hơn. Khi không còn lòng tham, sự oán giận, ganh ghét lẫn nhau, chúng ta sẽ hạnh phúc. Thiên nhiên hài hòa, cuộc sống đơn sơ sẽ giúp tâm hồn ta thanh thản, thanh sạch, xóa bỏ những ưu tư, phiền muộn, tăng cường ở ta niềm vui và tình yêu cuộc sống. Chính nhờ sống đơn giản, bình dị giúp chúng ta có nhiều thời gian gần gũi với người thân, bạn bè, gắn kết tình cảm bền chặt hơn.

Đức tính giản dị là một trong những phẩm chất đáng quý của con người, lối sống không cầu kì, xa hoa, đòi hỏi quá mức. Người có đức tính giản dị sẽ luôn cảm thấy dễ chịu trong cuộc sống, biết trân trọng những thứ mình đang có và biết thân thiện, chan hòa với mọi người, có được niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Đức tính giản dị giúp con người sống thoải mái, dễ chịu hơn.

Làm thế nào để xây dựng lối sống giản dị?

Trước hết, sống giản dị là không nên phô trương hình thức. Dẫu có giàu có, muốn sống giản dị cũng không nên dùng tiền bạc mà trang hoàng xa hoa cuộc sống của mình. Vật chất khiến con người xa rời đời sống tự nhiên. Nơi ở chẳng cần gì nhà cao cửa rộng, miễn đủ ấm, đủ đẹp là được. Phương tiện đi lại chẳng cần gì đắt tiền, miễn đủ phục vụ việc đi đứng là được. Ăn uống nên đạm bạc để bảo vệ sức khỏe và di dưỡng tinh thần.

Sống giản dị thì không nên xa hoa, lãng phí. Việc gì cần chi phí tiền bạc thì chi dùng, không nhất thiết phải tùy tiện, phung phí. Vật gì cần sử dụng thì mua lấy, không cần thì không nên mua, không những tiết kiệm được tiền bạc mà còn tiết kiệm được sức lao động ủa con người.

Lối sống, sinh hoạt cần hòa hợp với thiên nhiên và mọi người ở xung quanh, không cần phải cầu kì, kiểu cách, không chạy theo nhu cầu vật chất và hình thức bề ngoài. Đã giản dị thì không hơn thua nhau ở chỗ tiền bạc, địa vị hay chức quyền. Trong tự nhiên, mọi thứ đều bình đẳng.

Trong lối sống phải chân thành với mọi người. Cần sống thẳng thắn, chân thật, chan hòa, vui vẻ, gần gũi, hòa hợp với mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Tôn trọng lẫn nhau giúp tăng cường tình cảm tốt đẹp, cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.

Bàn luận mở rộng (Ngợi khen và phê phán).

Trong cuộc sống, có biết bao tấm gương sáng về đức tính giản dị để chúng ta học hỏi. Nguyễn Trãi, một bậc quân sư thiên tài, cũng chọn lấy cuộc sống bình dị ở núi Côn Sơn lánh đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm, một bậc hiền triết, không chuộng địa vị, tiền bạc, đã chọn lấy lối sống giản dị gần gũi với thiên nhiên, dành hết tâm sức giáo dưỡng học trò thành tài. Hồ Chí Minh, lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, lúc nào cũng giản dị, thanh cao. Sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch là kết quả của khí phách phi thường.

Giản dị là phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi người. Người sống giản dị sẽ được mọi người xung quanh yêu mến, cảm thông và giúp đỡ. Thế nhưng, giản dị không có nghĩa là qua loa, đại khái, cẩu thả, tuỳ tiện trong nếp sống nếp nghĩ, nói năng cụt ngủn, trống không tâm hồn nghèo nàn, trống rỗng. Lối sống giản dị phù hợp với lứa tuổi, điều kiện gia đình, bản thân, xã hội. Bởi thế, không nên quá khắc nghiệt trong đời sống vật chất, không xem thường tiền bạc, không khắc kỉ. Cần đảm bảo nhu cầu sống tốt thì sức khỏe con người mới tốt, niềm vui sống mới được tăng cường và củng cố bền vững.

  • Kết bài:

Trong tất cả mọi thứ: trong tính cách, trong cung cách, trong phong cách, cái đẹp nhất là sự giản dị. Giản dị là phẩm chất tốt đẹp cần có ở mỗi con người. Sống giản dị dễ nhận được sự cảm thông và yêu mến của mọi người. Bởi thế, là học sinh, chúng ta phải biết sống giản dị phù hợp với điều kiện của mình, không nên phô trương, tốn kém. Đồng thời biết khiêm nhường để tiếp thu những điều mình chưa biết để ngày càng hoàn thiện hơn.

Bài văn tham khảo:

Nghị luận về ý nghĩa của lối sống giản dị.

  • Mở bài:

Dân tộc ta từ xưa đến nay luôn đề cao lối sống giản dị của con người. Nó không những là một phẩm chất cao quý mà còn là lối sống, lối ứng xử in đậm trong văn hóa của người Việt ta từ bao đời nay.

  • Thân bài:

Giản dị là gì?

Giản dị là một lối sống không trọng vật chất của con người. Giản dị biểu hiện ở lối sống đơn giản, không cầu kì, xa hoa, không phô trương hay lãng phí của cải vật chất. Giản dị còn thể hiện ở tinh thần yêu chuộng cuộc sống bình dị, gần gũi với thiên nhiên. Giản dị còn biểu hiện ở lời ăn tiếng nói hiền hòa, điềm đạm, có tình, có nghĩa của con người.

Người giản dị thường xây dựng một cuộc sống kín đáo, hiền hòa. Họ thích ở làng quê hơn ở phố. Người giản dị cũng yêu thích những cái gì nhỏ nhắn, mộc mạc, đơn sơ. Họ không thích cầu kì một chác hình thức hay lãng phí một cách không cần thiết.

Người giản dị không những giản dị trong cách xây dựng không gian sống. Họ còn giản dị cả trong lời nói, ăn mặc, công việc và ứng xử. Người giản dị thường ăn nói điềm đạm, ứng xử lịch sự, nhã nhặn. Họ ít khi có lời gắt gỏng hay xung đột với ai. Họ lấy nghĩa tình làm nguyên tắc ứng xử của mình. Những bất đồng ít khi trở thành xung đột, dĩ hòa vi quý.

Một người giản dị thường không khoa trương, không dùng lời lẽ xa hoa, bóng bẩy. Lời nới của họ đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, truyền đạt đúng và đầy đủ thông tin mà họ muốn nói.

Trong ăn mặc, họ ít khi cầu kì. Cuộc sống giản đơn như đồng quê cây cỏ. Ăn uống đối với họ cũng hết sức đạm bạc. Họ cũng không thích những bộ trang phục lòe loạt, kiểu cách. Trang phục của họ thường rất bình dị, hòa hợp với hoàn cảnh xung quanh.

Trong công việc, họ cầu tiến nhưng không quá tham vọng. Họ sẵn sàng đối đầu với khó khăn thử thách để hoàn thành tốt công việc. Ít khi nào ta thấy họ bỏ cuộc hay chấp nhận thất bại một cách dễ dàng.

Người giản dị có cách giải quyết sự việc nhanh chóng, không dây dưa. Họ quyết liệt trong công việc nhưng không yêu cầu điều gì thái quá. Một người giản dị là một người không bao giờ yêu cầu người khác phải tạo điều gì đó đặc biệt cho mình. Họ luôn bằng lòng với tất cả những gì họ sẵn có. Họ không đòi hỏi thứ vật chất lớn lao hay sự ưu tiên khác dành cho mình.

Sự giản dị không chỉ thể hiện trong sinh hoạt hàng ngày, từ cách ăn mặc, lời nói, cử chỉ, hành động, trong công việc, trong giao tiếp mà còn cả ngay từ trong suy nghĩ. Nhiều khi sự giản dị thể hiện ngay trong việc con người sống với những gì vốn có của mình, không hoa mĩ, lòe loẹt, chạy theo phong trào, chạy theo mốt, Giản dị ở đây có thể hiểu như là lối sống chân phương vậy.

Đối với mọi người xung quanh, họ hết sức niềm nở, thân ái. Bởi người sống giản dị rất quý trọng tình nghĩa. Một người biết suy nghĩ những điều giản dị sẽ biết phải làm gì để có được điều đó, biết cách sống gần gũi với những người xung quanh. Đối với họ, sự hòa hợp của bản thân với xung quanh quan trọng hơn là nổi bậc.

Người có tính giản dị thường sống tiết kiệm, sử dụng đồng tiền có mục đích đúng đắn. Họ nhìn nhận sự việc đúng mức, không quan trọng hóa vấn đề. Đó là tất cả những đặc điểm nổi bật mà bạn có thể tìm thấy ở một con người giản dị thật sự. Bởi thế mà từ xưa, giản dị luôn là lối sống của các bậc hiền nhân.

Nhưng sự giản dị không thể gò ép, giả dối. Giản dị phải bắt nguồn từ một sự chân thành và những biểu hiện cũng hết sức chân thành. Không thể sống giản dị một cách gượng ép, khiên cưỡng, giả tạo. Trước sau gì những người xung quanh cũng sẽ nhận ra điều đó. Giản dị có thể thuộc về bản tính sẵn có. Nhưng phần nhiều là do quá trình rèn luyện trong cuộc sống để có được.

Giản dị không chỉ là một cách sống, nó còn là một quan niệm sống. Từ xưa, lối sống “thanh bần lạc đạo” vốn được thực hành như một triết lí sống của con người. Nguyễn Bỉnh Khiêm xa rời vinh hoa quan trường về mở trường dạy học bên dòng sông Tuyết Giang (sông Hàn), sống an bần đến cuối đời. Nguyễn Khuyến cũng rời chốn phồn hoa về ẩn cư tại quê nhà, vui thú điền viên. Lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng là một tấm gương sáng ngời về lối sống giản dị, đáng để chúng ta kính trọng, học tập và làm theo.

Tại sao con người cần phải thực hành lối sống giản dị?

Sống giản dị là một lối sống hết sức lành mạnh và tích. Một lối sống không trọng vật chất, thích những điều đơn giản sẽ mang lại cho con người sự trong sạch trong tinh thần.

Lối sống giản dị mang lại cho con người một cuộc sống thanh bình, êm ả. Con người không bị ràng buộc bởi những tiện nghi. Tinh thần lúc nào cũng an nhàn, thoải mái.

Tính giản dị rất cần thiết trong cuộc sống. Tính giản dị khiến ta tiết kiệm thời gian, không mất thời gian vào các việc vô bổ mà cầu kì.

Tính giản dị khiến mọi người xung quanh tôn trọng ta. Sống giản dị giúp biết cách biết cách ứng xử hiền hòa trước cuộc sống. Ta trở nên gần gũi, chan hòa với cuộc sống, với mọi người xung quanh mình. Người có lối sống giản dị luôn được người khác yêu mến và kính trọng.

Phải làm gì để hình thành và rèn luyện lối sống giản dị?

Mục đích cuối cùng của quá trình học tập và lao động là tạo ra của cải và có được hạnh phúc. trong đó, được sống hạnh phúc là cái con người luôn khao khát có được. Muốn xây dựng và rèn luyện lối sống giản dị, trước hết phải hướng đến những giá trị chân thực ấy trong cuộc sống.

Biết quý trọng tình nghĩa, quý trọng những người xung quanh mình. Vật chất làm đẹp không gian sống nhưng chính tình cảm thân thiện, mến yêu mới làm đẹp con người.

Phải có nghị lực lớn mới dám sống cuộc sống giản dị, đơn sơ. Bởi con người luôn bị lôi cuốn bởi vật chất. Tâm lí xã hội cũng lấy vật chất làm thước đo giá trị cuộc sống con người. Vượt lên trên tâm lí ấy ta mới có đủ dũng khí để sống cuộc sống đúng nghĩa.

Phải có một tình yêu lớn đối với thiên nhiên. Yêu hoa mến cảnh là động lực thôi thúc con người tìm về với lối sống hòa hợp với đất trời. Lấy vẻ đẹp cỏ cây, sông núi làm đẹp cho cuộc sống và tâm hồn mình.

Quan trọng hơn tất cả, muốn hình thành và xây dựng lối sống giản dị trong cuộc sống này, con người phải có một tâm hồn cao đẹp, một trí tuệ uyên bác, một nghị lực mạnh mẽ để vượt lên trên mọi cám dỗ của cuộc đời, không tham cao sang, quyền quý, trọng tình cảm, thiết tha với các giá trị truyền thống của dân tộc mới có thể có được một lối sống giản dị đích thực. Các bậc hiền nhân luôn sống giản dị, hòa hợp với thiên nhiên là cuộc sống nhằm để di dưỡng và thanh lọc tinh thần.

Phê phán lối sống xa hoa, lãng phí.

Trong cuộc sống tiện nghi, nhiều người chỉ biết quý trọng vật chất xa hoa mà quên tình bạc nghĩa. Họ coi giá trị vật chất là trên hết, bất chấp đạo lí, sẵn sàng chà đạp lên tình người để có được nó. Có nhiều người khác lại phô trương, khoe mẽ quá mức hoặc xa hoa lãng phí của cải một cách không cần thiết. Những người như thế thật đáng chê trách.

Bài học nhận thức.

Lối sống giản dị mang lại cho con người thư thái trong tinh thần. Đủ nghị lực để vượt lên trên vật chất, đạt đến lối sống thanh cao, giản dị thể hiện vẻ đẹp cao quý của con người. Tuy nhiên, không nên khắt khe, hay xem thường giá trị của vật chất.

  • Kết luận:

Sống giản dị là sống như cha ông ta đã từng sống. Đó không phải là cách ứng xử của con người khi nghèo khổ mà đó là cách sống cao cả, nhằm hướng đến xây dựng một lối sống thắm đượm nghĩa tình, thể hiện sự quý trọng của con người đối với vật chất và sức lao động con người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang