loi-lam-va-su-biet-on

Nghị luận: Lỗi lầm và sự biết ơn

LỖI LẦM VÀ SỰ BIẾT ƠN

Hai người bạn cùng đi qua sa mạc. Trong chuyến đi, giữa hai người có xảy ra một cuộc tranh luận, và một người nổi nóng không kiềm chế được mình đã nặng lời miệt thị người kia. Cảm thấy bị xúc phạm, anh không nói gì, chỉ viết lên cát: “ Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”.

Họ đi tiếp, tìm thấy một ốc đảo, và quyết định đi bơi. Người bị miệt thị lúc nãy bây giờ bị đuối sức và chìm dần xuống. Người bạn kia đã tìm cách cứu anh. Khi đã lên bờ, anh lấy một miếng kim loại khắc lên đá: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”.

Người kia hỏi: “Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại khắc lên đá” ?

Anh ta trả lời : “Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xoá nhoà theo thời gian, nhưng không ai có thể xoá được được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người ”.

Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá.

(Dẫn theo Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr 160).

Từ câu chuyện trên, em hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 300 từ) bàn về sự tha thứ và lòng biết ơn của con người trong cuộc sống.

* Hướng dẫn làm bài:

  • Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: lỗi lầm và sự biết ơn.

  • Thân bài:

1. Ý nghĩa câu chuyện.

Câu chuyện về hai người bạn đi trên sa mạc nhắc nhở ta về cách ứng xử đúng đắn khi bị xúc phạm thì biết tha thứ và khi mang ơn người khác thì phải khắc ghi trong lòng. Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được những điều đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người.

2. Bàn luận về ý nghĩa câu chuyện.

+ Thế nào là sự tha thứ và lòng biết ơn: tha thứ là việc bỏ qua, không trách cứ, chấp nhặt, hay trừng phạt những sai trái, lỗi lầm của người khác; lòng biết ơn là sự thể hiện việc hiểu và nhớ công ơn của người khác đối với mình.

+ Vì sao trong cuộc sống con người cần có sự tha thứ và lòng biết ơn?: trong cuộc sống ai cũng có lúc gây ra những lỗi lầm, sai trái vì vậy cần phải nhận được sự tha thứ, bao dung của mọi người. Bởi chính sự tha thứ giúp cho người mắc lỗi có cơ hội được sửa chữa; giúp cho bản thân tìm thấy được sự thanh thản và làm cho cuộc sống bớt đi sự căng thẳng, xung đột và thêm đi sự hoà hợp, yêu thương, có nghĩa là phải biết viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát …

+ Phải biết khắc ghi những ân nghĩa vào lòng, phải biết ơn những người đã đem đến cho mình những điều tốt đẹp, và biết khắc ghi những ân nghĩa lên đá, như cách ứng xử giữa những con người trong câu chuyện trên.

3. Suy nghĩ của bản thân.

+ Sự tha thứ và lòng biết ơn là một trong phẩm chất cần thiết, cao đẹp để hình thành nên một con người chân chính, bởi bên cạnh việc thu nhận kiến thức thì việc tu dưỡng, rèn luyện cho bản thân những đức tính về sự tha thứ và lòng biết ơn có một ý nghĩa rất lớn trên con đường hoàn thiện nhân cách của mỗi con người

+ Sự tha thứ và lòng biết ơn không chỉ được thể hiện ở một cá nhân hay một bộ phận mà những đức tính đó cần phải được gắn kết và tạo thành những phẩm chất, đạo lí trong cuộc sống. Bởi đó chính là những nét đẹp truyền thống của con người Việt Nam.

4. Bài học nhận thức và hành động.

– Cần phải biết sống có tấm lòng bao dung, vị tha; biết ghi ơn những con người đã mang lại cho mình những điều tốt đẹp.

– Cần phải được thể hiện sự tha thứ và lòng biết ơn của mình trên cả nhận thức và hành động cụ thể.

– Phải biết quên đi nỗi đau buồn và sự thù hận, ghi nó lên bãi cát và luôn ghi nhớ ân nghĩa để nó được khắc ghi lên đá, trong lòng người. Và hãy nhớ rằng một trái tim khỏe mạnh là một trái tim luôn hướng về lòng nhân đạo, niềm vui và không có chỗ cho sự hận thù.

  • Kết bài:

Câu chuyện “Lỗi lầm và sự biết ơn” là thông điệp sâu sắc về sự tha thứ, lòng khoan dung trong cuộc sống này. Câu chuyện nhẹ nhàng nhắc nhở: Có thể sẽ khó khăn hơn nếu chúng ta sống vì người khác nhưng chắc chắn sẽ tốt đẹp và hạnh húc hơn.

Xem thêm:


Tham khảo:

  • Mở bài:

Trên đời có vô vàn điều không chắn chắn. Nhưng tôi biết chắc có một điều rất chắc chắn rằng không ai hoàn thiện cả. Dù có là một thiên thần, một bà tiên hay một ông Bụt cũng có lúc mắc sai lầm và chịu ơn người khác. Tuy vậy, nhưng mắc sai lầm rồi thì chán nản, chịu ơn người khác rồi thì thờ ơ như không có đúng không? Không, chắc chắn là không! Hãy nhớ rằng mỗi chúng ta cần học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá. Đó chính là bài học rút ra từ câu chuyện “Lỗi lầm và sự biết ơn”.

  • Thân bài:

Câu chuyện kể về, anh chàng bị miệt thị đã viết lên cát: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”. Và khi anh chàng kia cứu anh thoát chết, anh cũng đã khắc lên đá rằng: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”. Khi được hỏi vì sao, anh ta trả lời: “Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người”. Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá.

Quả thật như vậy, cát luôn là những hạt li ti, nhỏ bé, chỉ cần vài cơn sóng mạnh, những nỗi buồn sẽ bị xóa đi. Còn đá, đá là một vật thể cứng, bền chắc, dù thời gian có trôi qua thì đá vẫn còn nguyên vẹn. Khi khắc ghi những ân nghĩa lên đá, nó sẽ tồn tại mãi mãi và vĩnh viễn về sau. Con người ai mà chẳng có một lần lầm lỗi. Chúng ta nên học cách tha thứ để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn. Tâm hồn bạn sẽ thanh thản hơn khi không còn những lo toan, hận thù, ghen ghét. Thử hỏi, cuộc sống của bạn có thanh thản, nhẹ nhàng không khi trong đầu bạn chỉ toàn là sự thù hận? Cát một thứ vô tri vô giác nhưng nó có thể xóa đi dấu vết một cách nhanh chóng.

Đấy chính là lý do vì sao ta nên viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát. Thế nhưng qua những lỗi lầm ấy, ta tìm thấy được sự giúp đỡ từ mọi người. Ta cần phải biết ơn sự giúp đỡ ấy: Đó là truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Đó chính là một phương tiện để ta thực hiện việc biết ơn ấy. Đá luôn tồn tại và những ân tình ta khắc ghi trên đá cũng sẽ tồn tại và những ân tình ta khắc ghi trên đá cũng sẽ tồn tại mãi mãi. Cũng giống như câu: “Thêm một người bạn là bớt một kẻ thù”. Tất cả sẽ làm cho đời sống tinh thần của bạn trở nên thanh thản và bình yên hơn.

Tuy nhiên, cuộc sống quanh ta vẫn còn những thù hằn, ghen ghét, đố kị lẫn nhau. Đó chính là những người có lối sống nhỏ nhoi, ích kỉ. Họ thậm chí còn không biết được khái niệm của sự tha thứ và biết ơn. Đó quả là những hành động đáng bị phê phán.

  • Kết bài:

Nói tóm lại, chúng ta sẽ chẳng mất nhiều công sức để làm cho cuộc sống thêm đẹp hơn. Cuộc sống luôn có lỗi lầm và hãy học cách chấp nhận điều đó. Hãy trở thành những con người biết tha thứ và biết ơn. Vậy mỗi chúng ta nên học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá.

Nghị luận: Nên tha thứ cho kẻ khác nhưng đừng bao giờ tha thứ cho chính mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang