Suy nghĩ về đức tính kiên trì.
- Mở bài:
Chúng ta càng bền bỉ, chúng ta càng có nhiều cơ hội hay điều gì đó có lợi sẽ xảy ra. Cho dù có khó khăn đến bao nhiêu, chúng ta càng kiên trì lâu, chúng ta càng có nhiều khả năng để thành công hơn. Có những lúc, vì những khó khăn, chúng có dự định từ bỏ nhưng hãy nhớ rằng, thêm một chút nghị lực, một chút bền bỉ, thành công nhất định sẽ đến. Kiên trì là sức mạnh của mọi thành công.
- Thân bài:
Kiên trì là sự quyết tâm làm đến cùng dù có gặp khó khăn, gian khổ. Tính kiên trì, bền bỉ sẽ giúp cho con người vượt qua được khó khăn, trở ngại, chiến thắng nghịch cảnh, thành công trong công việc và trong cuộc sống.
Từ lúc sự sống mới xuất hiện, muốn sinh tồn, con người đã không ngừng đấu tranh với thế giới xung quanh để giành lấy điều kiện thuận lợi. Cuộc đấu tranh khốc liệt ấy, cho đến hôm nay và mãi mai sau cũng sẽ còn tiếp tục, không bao giờ dứt. Nếu không có đủ sự kiên trì, sự bền bỉ, ý chí sinh tồn mạnh mẽ, khát vọng sống mãnh liệt, có lẽ, loài người đã diệt vong từ bao giờ rồi. Kiên trì, bền bỉ, không bao giờ đầu hàng trước thử thách, lùi bước trước khó khăn, nghịch cảnh là nguồn sức mạnh lớn nhất của con người.
Công cuộc dựng nước và đấu tranh giữ nước của dân tộc ta trong mấy nghìn năm qua là minh chứng thuyết phục nhất sức mạnh của kiên trì. Trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, không phải lúc nào dân tộc ta cũng chiến thắng. Có những lúc ta bị kẻ thù đánh bại. Tuy nhiên, chúng có thể chiếm nước ta, biến nhân dân ta thành nô lệ nhưng không thể nào khuất phục được ý chí đấu tranh và tình yêu tự do của dân tộc ta.
Không có tính kiên trì, con người dễ bỏ cuộc trước khó khăn, trở ngại. Người thiếu kiên trì thường rất lười biếng, thường lảng tránh công việc, tìm cách thoái thác trong công việc, đẩy cái khó cho người khác, chọn việc dễ mà làm nhằm khỏi phải động tay động chân. Họ thường là kiểu người sống dựa dẫm vào người khác, muốn ngồi mát ăn bát vàng. Những người như thế đừng nói đến thành công mà ngược lại sớm muộn gì họ cũng bị loại bỏ ra khỏi tổ chức, bị mọi người khinh chê.
- Kết bài:
Có công mài sắt, có ngày nên kim. Hãy cứ kiên trì, bền bỉ, nhất định bạn sẽ đạt đến thành công. Đừng ham việc lớn mà chê việc nhỏ bởi những lâu đài đồ sộ đề được xây dựng từ những viên gạch nhỏ. Đường tuy gần, không đi không bao giờ đến; việc tuy nhỏ, không làm sẽ không bao giờ xong. Không có thành công nào hình thành trong ngày một ngày hai. Không có thành công nào to lớn mà không kết tinh một lượng công sức đủ lớn. Thành công lớn phải trải qua một thời gian đủ dài và tích lũy sức lao động đủ lớn, cộng thêm một chút may mắn. Điều đó, cần rất nhiều sự kiên trì. Kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại là bí quyết của những người thành công.
Pingback: Dàn bài nghị luận về ý kiến: “Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường” - Theki.vn