nghi-luan-nghe-thuat-bao-gio-cung-la-tieng-noi-cua-tinh-cam-con-nguoi-la-su-tu-giai-bay-va-gui-gam-tam-tu

Nghị luận: Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư.

Về nội dung của văn chương, Bielinxki cho rằng: Nhà thơ, ngay cả các nhà thơ vĩ đại nhất cũng phải đồng thời là những nhà tư tưởng. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà lại quan niệm: Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư.

Từ những ý kiến trên, anh chị có suy nghĩ gì về đặc trưng của văn học? Hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị bằng việc chọn phân tích hai trong số các tác phẩm sau: “Đồng chí”, “Bếp lửa”, “Đoàn thuyền đánh cá”, “Chiếc lược ngà”,”Lặng lẽ Sa Pa”, “Ánh trăng”.

GỢI Ý LÀM BÀI.

Giải thích ý kiến.

– Hai nhận định của Bielinxki và Lê Ngọc Trà đều bàn về đặc trưng nội dung của tác phẩm văn học.

+ Tư tưởng trong tác phẩm văn học chính là những suy tư, trăn trở của người nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống, là những câu hỏi day dứt, khắc khoải về con người và cuộc đời, là những câu trả lời, những kiến giải nhà văn đưa ra để cải tạo hiện thực cuộc sống…

→  Như vậy, qua nhận định của mình, Bielinxki khẳng định vai trò của nhà văn như một người “người thư kí trung thành của thời đại”, một “nhà tư tưởng” tạo ra các tác phẩm có giá trị nội dung sâu sắc, góp phần tác động, cải tạo hiện thực xã hội.

+ Lê Ngọc Trà lại đề cập đến khía cạnh tình cảm trong văn học. “Tình cảm” là những cung bậc cảm xúc, tâm tư rung lên từ các tác phẩm nghệ thuật, đó có thể là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, là niềm vui hay nỗi buồn, là khúc hoan ca hay lời tuyệt vọng… Tác phẩm nghệ thuật là nơi nhà văn “giãi bày”, bày tỏ tình cảm của mình. Hơn thế nữa, nhà văn còn “gửi gắm” tình cảm ấy tới bạn đọc, khơi gợi những tiếng nói tri âm, đồng vọng nơi người đồng sáng tạo.

Tóm lại, nhận định của Bielinxki và Lê Ngọc Trà bàn luận đến hai khía cạnh không thể tách rời trong nội dung của tác phẩm văn học: Tư tưởng và tình cảm.

Bàn luận.

– Cả Bielinxki và nhà phê bình Lê Ngọc Trà đều là những trí thức lớn, là những người dành nhiều tâm huyết cho văn học, nhận định của họ đã khái quát được những yêu cần cơ bản và quan trọng về nội dung của một tác phẩm văn học.

– Vì sao “nhà thơ, ngay cả các nhà thơ vĩ đại nhất cũng phải là những nhà tư tưởng?”

+ Vũ Trọng Phụng cho rằng, tiểu thuyết phải là “những sự thật ở đời”. Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu chỉ đơn thuần miêu tả cuộc sống, nếu nó không thể đặt ra được những câu hỏi nhức nhối về nhân sinh và cuộc đời, nó không thể neo đậu trong trái tim độc giả.

+ Sứ mệnh của văn chương rất cao cả, đó là tác động, cải tạo thực tại cuộc sống thông qua lực lượng vật chất tính cực nhất của nó là con người. Nếu không tác động và khơi gợi được trong người đọc những tư tưởng tích cực, tiến bộ, thì làm sao có thể khiến họ hành động để làm cuộc sống tốt đẹp hơn?

+ Trở thành “nhà tư tưởng” chính là yêu cầu tất yếu và cũng là sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ. Họ phải lách sâu vào biển hiện thực chắt lọc những gì tinh túy nhất, bản chất nhất để tạo ra được những vỉa quặng tư tưởng sâu sắc, ý nghĩa đặt vào tác phẩm của mình. Họ phải chỉ ra được sự thật của cuộc sống và sự thật trong tâm hồn con người. Họ phải khơi gợi được những vấn đề cơ bản của cuộc sống để đối thoại cùng người đọc. Mỗi nhà văn cần phải có một “trái tim Đanko” soi tỏa để mở đường cho dân tộc, cho thời đại, tìm ra con đường đi đến chân lý.

– Vì sao nói: Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư ?

+ Văn học là tấm gương phản ánh của cuộc sống, phải cho thấy được những sự thật của cuộc sống, của con người. Mà sự thật của con người, không gì đa dạng, phức tạp hơn sự thật của trái tim

+ Văn học trở thành sứ giả của trái tim, trở thành cây đàn muôn điệu tấu lên muôn vàn cung bậc rung động trong tâm hồn con người.

+  Khác với đạo đức học, triết học, quá trình tác động của văn học là quá trình đi từ trái tim tới khối óc, từ tình cảm tới lý trí, từ cảm tính tới lí tính. Văn học đi từ nhận thức đến tự nhận thức, giáo dục đến tự giáo dục.

+ Để con người có sức mạnh cải tạo xã hội và gánh vác lịch sử, văn học cần truyền cho họ nguồn cảm hứng sống, cho họ nhận ra bầu máu nóng sục sôi trong trái tim mình, cho họ nghe được và đồng cảm được với những tiếng cười hân hoan hay những tiếng khóc than đau khổ của thời đại, giúp họ nhận ra ước mơ, khát vọng của con người thời đại.

+ Văn học tác động vào trái tim bạn đọc để tiếp thêm cho họ tình yêu cuộc sống, để từ đó họ tác động, cải tạo, làm cuộc sống thêm tốt đẹp.

+ Nhà văn sáng tạo tác phẩm không phải chỉ để truyền tải những tư tưởng khô cứng, vô hồn. Như Goeth đã từng nói: “Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời mãi xanh tươi”. Tác phẩm văn học, do vậy, còn là một diễn đàn dân chủ nơi tác giả và bạn đọc đối thoại, và hơn thế, là cầu nối giữa tâm hồn với tâm hồn, giữa trái tim với trái tim, nơi nhà văn giãi bày tâm tư, và gửi gắm vào đó một tiếng lòng mong chờ sự đồng vọng.

+ Đến lượt mình, khi cảm nhận được tiếng lòng ấy, khi rung cảm với những cung bậc cảm xúc trong tác phẩm văn học, bạn đọc dường như cũng tìm thấy chính mình trong đó, cảm thấy được khích lệ hay được an ủi, cảm thấy được thấu hiểu.

Cảm xúc trong tác phẩm văn học là cảm xúc cá nhân đã được siêu thăng dưới lý tưởng của thời đại, là cảm xúc tích cực, hướng con người đến giá trị tốt đẹp.

Chứng minh.

Biểu hiện của “nhà tư tưởng” trong tác phẩm văn học.

– Thể hiện các vấn đề quan trọng mà xã hội quan tâm: chiến tranh/hòa bình, vấn đề nhân sinh, đạo đức…

– Nhìn nhận, phát hiện những quy luật tất yếu của xã hội, lịch sử.

– Khám phá ra những sự thật muôn thuở về bản chất của con người, hướng con người đến các giá trị chân – thiện – mỹ.

Biểu hiện của sự giãi bày và gửi gắm tâm tư trong tác phẩm văn học.

“Giãi bày”: Tác phẩm chứa đựng cảm xúc của nhân vật, của nhà văn.

“Gửi gắm tâm tư”: Tác phẩm tác động, gọi thức những cảm xúc tốt đẹp

Mở rộng, liên hệ.

– Tư tưởng và tình cảm trong tác phẩm văn học là các yếu tố không tách rời: Nếu tư tưởng là mảnh đất màu mỡ để tác phẩm văn học bắt rễ vững chãi và vươn mình xanh tươi thì tình cảm chính là tiết xuân ấm áp tạo cho cái cây – tác phẩm những hoa thơm, trái ngọt và đi vào lòng người.

– Tư tưởng và tình cảm ví như linh hồn của tác phẩm, thì linh hồn ấy cần một hình thức nghệ thuật phù hợp và độc đáo, để làm nên hình hài sắc vóc cho tác phẩm, giúp tác phẩm đến được với bạn đọc.

– Quả thật, nhận định của Bielinxki và Lê Ngọc Trà là vô cùng xác đáng, đã để lại cho chúng ta những bài học quý giá về quá trình sáng tạo và đồng sáng tạo.

+ Trong quá trình sáng tạo, nhà văn phải lao động miệt mài bằng cả trí óc lẫn con tim, bằng cả tâm lực lẫn trí lực, để cho ra đời những tác phẩm vừa sâu sắc về tư tưởng, vừa cảm động lòng người.

+ Bạn đọc khi đọc tác phẩm cũng không nền thơ ơ, hững hờ, hãy đọc bằng cả trái tim và trí tuệ để lĩnh hội được những điều nhà văn gửi gắm, để từ đó hoàn thiện nhân cách, sống tốt hơn, đẹp hơn, có những hành động cụ thể, thiết thực để cải tạo hiện thực cuộc sống.

Nghị luận: Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang