Nghị luận: “Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương?”
- Mở bài:
Tình yêu thương cũng như máu trong cơ thể của chúng ta là dòng chảy bất tận. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi nó được tưới mát bằng dòng nước của thương yêu. Không có thương yêu, thế giới này lập tức biến thành địa ngục. Thế nhưng, làm thế nào để yêu thương là điều khiến chúng ta không ngừng suy nghĩ. “Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương?”
- Thân bài:
Những điều ngọt ngào là những lời nói ngọt, những cử chỉ thái độ cư xử dịu dàng, âu yếm…, những hành động mang ý nghĩa tích cực như: Động viên, khen ngợi, tán dương, chiều chuộng, cưng nựng. Yêu thương là tình cảm yêu mến, ưu ái, gắn bó giữa người với người.
Ý kiến này đã gợi ra cho mỗi chúng ta suy ngẫm về cách thể hiện tình yêu thương trong cuộc sống: Người ta thường nghĩ những điều ngọt ngào mới là biểu hiện của tình yêu thương, nhưng thực ra có nhiều cách biểu hiện tình yêu thương…
Những điều ngọt ngào luôn đem lại cho người ta cảm giác vui sướng, hạnh phúc. Nó làm ta thấy hài lòng, thích thú, đôi khi khiến ta có thêm niềm say mê, quyết tâm. Người ta đã chứng minh rằng càng nhận được nhiều sự ngợi khen, người ta càng hạnh phúc. Mỗi lời khen ngợi của người khác làm thức dậy niềm tin tưởng, tăng cường nghị lực và ý chí ở người khác. Nhất là trong hoàn cảnh khó khăn, một lời động viên đúng lúc sẽ giúp người khác có đủ sức mạnh vượt qua.
Câu chuyện của nhà bác học Edison đáng để chúng ta suy nghĩ về giá trị và vai trò của những điều ngọt ngào đối với con người. Edison vì quá kém cỏi đã bị nhà trường đuổi học. Ngày đến nhận thông báo từ giáo viên chu nhiệm, mẹ Edison hết sức đau buồn. Thấy mẹ lo lắng, Edison hỏi thầy đã viết gì trong ấy. Lấy hết bình tĩnh, người mẹ đọc dõng dạc: “Con của bà là một thiên tài. Chúng tôi không đủ sức để dạy cậu bé. bà hay cho cậu ấy về nhà tự nghiên cứu”. Edison tưởng thật, từ ngày đó cậu miệt mài tự học. Chỉ mấy năm sau cậu đã có nghiên cứu gửi lên viện hàn lâm. Sau này, ông trở thành nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại với hàng nghìn phát kiến quan trọng. Khi mẹ mất, lúc dọn nhà, ông tình cờ bắt gặp bức thư năm xưa. Ông giở ra xem và vô cùng kinh ngạc, lời bức thư hoàn toàn trái ngược với những gì mẹ đã đọc. Lúc ấy, ông đã khóc rất nhiều.
Những điều ngọt ngào kết tinh thành tình yêu thương, có sức mạnh nâng đỡ con người. Thế nhưng, không phải lúc nào những điều ngọt ngào cũng làm nên yêu thương. Những người mẹ luôn dành cho con mình quá nhiều điều ngọt ngào cũng có thể khiến con trở nên hư hỏng, không biết nghe lời. Điều ngọt ngào mà không đi cùng giáo dục sẽ làm con người ta trở nên yếu đuối và sa ngã.
Nhiều khi sự khắt khe, nghiêm khắc, thậm chí những điều cay đắng… cũng là biểu hiện của tình yêu thương. Những điều ấy có thể khiến ta cảm thấy khó chịu, nhưng nó lại xuất phát từ sự chân thành, từ mong muốn những điều tốt cho ta…, đó cũng chính là biểu hiện của yêu thương thật sự. Tình yêu thương nhất định phải được chuyển tải bằng kỉ luật. Chỉ có kỉ luật mới đảm bảo thực hiện tình yêu thương một cách hiệu quả nhất, biến nó thành tình cảm có giá trị, được trân trọng, gìn giữ và phát huy. Một người thầy dễ dãi sẽ khiến học trò lười biếng; một người mẹ dẽ dãi sẽ khiến con hư hỏng. Một người bạn dễ dãi sẽ khiến cả hai sai lầm.
Trong thực tế cuộc sống, có những ngọt ngào không xuất phát từ yêu thương. Loài sư tử sẽ đuổi con của nó đi khi con của nó đã đủ sức tự săn mồi. Không bao giờ nó bao bọc quá lâu. Việc làm ấy nhằm giúp con non tự biết hoàn thiện bản thân trong điều kiện không có mẹ dẫn dắt và sẽ sớm trưởng thành. Sự nghiêm khắc đầy trách nhiệm của người thầy sẽ giúp học trò vượt qua hạn chế của bản thân, không ngừng cố gắng để đạt tới thành công. Kết quả ngọt ngào mà học trò có được khẳng định tình yêu thương chân thành và biết yêu thương đúng cách của người thầy.
Ngược lại, có những điều cay đắng không làm nên yêu thương. Nhiều người lạm dụng chức quyền, địa vị hạch sách, gây khó dễ cho người khác. Lúc nào họ cũng cho rằng họ đại diện cho tình yêu thương cao cả để thực hiện trách nhiệm với người khác.
Cuộc sống phong phú và muôn màu muôn vẻ, nếu chúng ta có cái nhìn phiến diện, đơn giản về tình yêu thương như vậy, nếu chỉ biết đón nhận tình yêu thương thông qua những ngọt ngào thì nhiều khi ta sẽ bỏ lỡ nhiều yêu thương thực sự, cũng như phải nhận những yêu thương giả dối. Hãy thấu hiểu hơn là chỉ cảm nhận bề ngoài. Đọc truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao ta nhìn thấy tấm lòng yêu thương con vô hạn của lão Hạc. Dù cơ hội trở về của con là rất mong manh, dù lão phải chết đi, lão cũng quyết giữ lấy mảnh vườn cho con. Tấm lòng vĩ đại của người cha khiến cho ta vô cùng cảm phục và trân trọng.
Để sống biết yêu thương và nhận về tình yêu thương đúng nghĩa, cần nhận thức đúng đắn về tình yêu thương. Không phải chỉ ngọt ngào mới làm nên yêu thương. Và những điều không ngọt ngào chưa hẳn là không có yêu thương. Cần biết lắng nghe, trân trọng cả những điều “không ngọt ngào”, nếu những điều ấy xuất phát từ sự chân thành, nếu những điều ấy là cần thiết để giúp ta hoàn thiện hơn bản thân mình…
Biết trân trọng những tình yêu thương chân thành mà bản thân nhận được từ mọi người xung quanh. Có ý thức và hành động cụ thể để đem sự yêu thương đến cho mọi người và cho chính bản thân mình.
- Kết bài:
Tình yêu thương chân thành nhất luôn được giấu kín nhất, nó ở trong sau thẳm trái tim và ít khi ở trên miệng. Hãy yêu thương và giúp đỡ một cách kín đáo, đừng khoe cho mọi người biết. Khi chúng ta tự hào về lòng tốt của mình thì tình nhân ái chân thật đã biến mất mà niềm kiêu hãnh đã chiếm chỗ mất rồi.
- Nghị luận về lòng nhân ái
- Suy nghĩ về vấn đề “cống hiến” và “hưởng thụ” trong cuộc sống
- Suy nghĩ về vấn đề “cho” và “nhận” qua câu chuyện “Người ăn xin”
- Chứng minh: “Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài…” (Hoài Thanh)
- Nghị luận: “Nhà văn chân chính là người suốt đời chỉ truyền bá một thứ tôn giáo: “Tình yêu thương con người”
Văn hay