su-hen-nhat-dung-khi.png

Nghị luận: Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình

Nghị luậ: Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình.

  • Mở bài:

Con người trở nên mạnh mẽ, từng trải và tự tin nhờ từng trải nghiệm mà chúng ta thực sự đã trải qua và dám nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi để nhắc nhở mình phải làm điều mà chúng ta nghĩ mình không thể. Hầu hết mọi thành công đều được xây nên bởi lý tưởng, ý chí và lòng dũng cảm. Bởi thế, có người cho rằng: “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”.

  • Thân bài:

1. Giải thích.

Sự hèn nhát là gì?

Hèn nhát là khiếp nhược trước khó khăn thử thách, là trang thái luôn sợ hãi, nhút nhát, không dám đối mặt với những biến động của cuộc sống, những khó khăn nảy sinh trong nghịch cảnh mà chỉ co mình trong sự an toàn. Kẻ hèn nhát dễ bị người khác khuất phục hoặc mua chuộc.

Sự hèn nhát được thể hiện ở những hành động như chọn việc dễ, tránh việc khó, thoái thác trách nhiệm, chạy trốn sự khó khăn, không dám đấu tranh với cái xấu, cái ác, không dám bảo vệ chính nghĩa và cái đúng, lẽ phải, đùn đẩy những nguy hiểm cho bạn bè, người thân và đồng loại. Kẻ hèn nhát thường luôn sẵn lòng tham và mưu lợi. Vì lợi ích cá nhận, họ sẵn sàng dẫm đạp lên đạo đức, hãm hại đồng loại.

Dũng khí là gì?

Dũng khí là sự can đảm, gan dạ, không sợ gian khổ nguy hiểm, sẵn sàng đối mặt với khó khăn thử thách để làm việc nên làm, cần làm. Dũng khí chính là bản lĩnh, khí chất, nội lực và sức mạnh bên trong của con người. Nó thể hiện ở khát khao vươn đến những điều lớn lao và chinh phục những khó khăn của cuộc sống. Người có dũng khí luôn biết chiến thắng nỗi sợ hãi của mình, hướng đến mục đích cao thương trong cuộc sống.

Thế nào là đánh mất chính mình?

Đánh mất chính mình là sống không đúng với những gì mình có. Kẻ đánh mất chính mình sống bằng hình bóng của người khác, không dám chịu trách nhiệm về những gì mình làm, luôn phủ nhận bản thân và khao khát những gì mà mình không thể có được. Họ dễ dàng chấp nhận cuộc sống mờ nhạt, không khẳng định được dấu ấn cá nhân, năng lực bản thân và không có sự đóng góp cho xã hội.

Thế nào là sống là chính mình?

Ngược lại, sống là chính mình là sống với bản chất của chính mình, chấp nhận và hài lòng những gì bản thân mình có và không ngừng làm cho nó ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Người biết sống đúng với chính mình luôn sống đúng với khả năng, khát vọng, ước mơ của bản thân và phát huy được sở trường, sức mạnh của cá nhân, có được những đóng góp tích cực cho xã hội.

Câu nói chỉ ra hậu quả của sự hèn nhát và vai trò, sức mạnh của dũng khí, từ đó nhắn nhủ chúng ta cần chiến thắng được sự hèn nhát và sống mạnh mẽ, bản lĩnh để khẳng định dấu ấn cá nhân của mình trong cuộc đời. Đây là một ý kiến đúng đắn, sâu sắc và đáng để suy ngẫm.

2. Bàn luận:

Hậu quả của lối sống bằng sự hèn nhát.

Sự hèn nhát sẽ dẫn đến những hậu quả đáng sợ. Sống hèn nhát khiến người ta đánh mất chính mình, đánh mất bản chất tốt đẹp của con người, đánh mất những ước mơ, những hoài bão, những hy vọng mà bản thân từng ấp ủ. Hèn nhát còn khiến người ta trở nên tha hóa. Thậm chí, còn có thể trở nên kẻ phản bội.

Khi hèn nhát, con người sẽ không dám thể hiện năng lực cá nhân, từ đó sẽ mất đi nhiều cơ hội để thành công trong cuộc sống. Kẻ hèn nhát sẽ không dám bày tỏ ý kiến của cá nhân mà thường im lặng trong sự an toàn. Điều đó khiến con người dễ bị dụ dỗ, sa ngã hoặc tiếp tay cho cái xấu, cái ác.

Những người hèn nhát thường không có ước mơ, khát vọng nên cuộc sống sẽ tẻ nhạt, tầm thường. Sống hèn nhát sẽ khiến con người thiếu đi sức mạnh, bản lĩnh để đối mặt và vượt qua những chông gai, thử thách và dễ bị gục ngã, thất bại.

Sự hèn nhát đã bị xã hội lên án và khinh bỉ. Có câu: “thà chết vinh còn hơn sống nhục”. Tuy nhiên cũng có quan điểm: “thà sống nhục còn hơn chết vinh” bởi vì chết thì còn biết gì nữa mà vinh. Để đả phá quan điểm đó, mỗi dân tộc đều có nhiều hình thức để tôn vinh những người dũng cảm hy sinh vì đất nước, vì nhân dân.

Sức mạnh của dũng khí.

Trái ngược với sự nhu nhược của kẻ hèn nhát, người có dũng khí dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hiểm nguy; dám bảo vệ chân lý, chính nghĩa; dám đấu tranh chống lại điều ác, điều xấu bằng chính mạng sống, cuộc sống của chính mình.

Sống có dũng khí giúp con người sống mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin, tìm thấy được chính mình và cuộc sống mà mình mong muốn. Tức là tìm lại được, giữ được bản chất tốt đẹp của bản thân, giữ được ước mơ, hoài bão, hy vọng giữa những giông tố của cuộc sống và giúp người ta dành lấy sự thành công, chiến thắng.

Người có dũng khí sẽ chủ động đối diện với khó khăn, thử thách và luôn tìm được cách để chiến thắng hoàn cảnh, từ đó đạt đến thành công. Dám dương dầu với khó khăn, thử thách, xây dựng phẩm chất cao quý, lối sống trong sạch, vững mạnh sẽ giúp họ vươn đến những điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống, thực hiện được ước mơ và khát vọng của bản thân, đủ sức mạnh và niềm tin vượt qua những cám dỗ của cuộc sống để giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của bản thân, không bị tha hoá vì hoàn cảnh.

Người dũng khí dám đấu tranh với cái xấu, cái ác, sự bất công để bảo vệ lẽ công bằng, lẽ phải trong cuộc sống, có những đóng góp tích cực cho xã hội. Xã hội càng có nhiều người dũng khí sẽ được yên bình, công lí được giương cao, công bàng và lẽ phải được bảo vệ, đời sống hạnh phúc tràn ngập khắp mọi nơi.

Dũng khí còn là một nét đẹp của loài người, của dân tộc nói chung và của từng cá nhân nói riêng. Dũng khí của nhiều cá nhân hợp thành nguyên khí của một quốc gia. Chính cái nguyên khí đó đã giúp cho một dân tộc khỏi sự diệt vong, được trường tồn cùng lịch sử. Chính vì vậy, dũng khí và những người có dũng khí, sẵn sàng chấp nhận “không thành công thì thành nhân” luôn được sự ngưỡng mộ, ca ngợi của mọi người. Lịch sử của dân tộc ta nói riêng và nhiều dân tộc khác trên thế giới nói chung đã chứng minh cho điều đó.

Trong lịch sử dân tộc ta, có biết bao nhiêu người sống tràn đầy dũng khí. Dũng tướng Phạm Ngũ lão trước uy quyền không run sợ, trước quân giặc tàn bạo không khiếp đảm đã làm nên biết bao chiến công hiển hách, góp công lớn trong hai lần đánh thắng quân Mông – Nguyên xâm lược của quan và dân nhà Trần, tiến thơm còn lưu danh đời đời. Trần Quốc Toản tuổi nhỏ chí lớn, khí phách phi thường, dũng khí, can đảm hơn người, đã cùng quân đội nhà Trần làm nên những trang sử vẻ vang. Tấm gương ấy đến nay còn tỏa sáng. Trần Bình Trọng trước khi bị kẻ thù sát hại, đã khảng khái nói lớn “Thà làm ma nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”. Dũng khí ấy thật đáng kính phục. Chị Võ Thị Sáu trước họng súng của kẻ thù còn ca vang bài ca cuộc sống. Dũng khí ấy khiến dân tộc ngưỡng mộ đời đời. Những con người sống tràn đầy dũng khí ấy, họ đã làm nên những điều vĩ đại.

Bnaf luận mở rộng.

Sự hèn nhát hoàn toàn khác với thái độ trầm tĩnh, cẩn thận, đắn đo, suy nghĩ thấu đáo và dũng khí cũng hoàn toàn khác với thái độ nóng nảy, hấp tấp, ồn ào, khoa trương theo kiểu anh hùng rơm. Có những sự can đảm không cần thiết mà người đời gọi là sự liều lĩnh, dại dột, hành động nông nổi, thiếu suy tính. Những con người như thế thường gây ra những việc làm tai hại trong cuộc sống này. Bởi thế, để trầm tĩnh chứ không hèn nhát; dũng khí mà không liều lĩnh, người ta cần phải có sự hiểu biết về bản thân, về xã hội, về cuộc đời; phải có niềm tin vào lẽ phải, lý tưởng sống.

Bài học nhận thức và hành động.

Đối với lứa tuổi học sinh cần phải có dũng khí từ bỏ con đường sai trái như chọn lầm ngành học để bắt đầu lại từ đầu. Phải có dũng khí đứng lên làm lại từ đầu sau những vấp ngã và thất bại nặng nề. Tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự và sẵn sàng ra chiến trường khi tổ quốc lâm nguy. Quan trọng nhất là sống trung thành với sự thật, nêu cao tinh thần nghĩa khí, hướng đến chân – thiện – mĩ.

  • Kết bài:

Để sống tốt đẹp và hạnh phúc, chúng ta phải tranh đấu không ngừng để chống lại sự hèn nhát và tăng cường dũng khí. Mỗi người hãy vượt qua nỗi sợ hãi, sự yếu đuối, lòng tham của bản thân và cách sống hèn kém, mờ nhạt để mạnh mẽ, dũng cảm, dấn thân và trải nghiệm những điều kỳ diệu của cuộc sống. Can đảm và dũng khí không sẵn có nhưng có thể rèn luyện được. Hãy tin tưởng điều đó. Chỉ cần có ước mơ đủ lớn, ý chí sẽ đưa bạn đến thành công.


Gợi ý làm bài:

Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình.

  • Mở bài:

– Vai trò của dũng khí.

– Dẫn câu nói: Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình

– Đặt vấn đề: cuộc sống cần có dũng khí.

  • Thân bài:

1. Giải thích:

– Thế nào là sự hèn nhát ?

– Thế nào là dũng khí ?

– Thế nào là sự đánh mất mình ?

– Thế nào là được là chính mình ?

2. Bàn luận:

– Sự hèn nhát được thể hiện ở những hành động: chạy trốn sự khó khăn, không dám đấu tranh với cái xấu, cái ác, không dám bảo vệ chính nghĩa và cái đúng, đùn đẩy những nguy hiểm cho bạn bè, người thân và đông loại.

– Sự hèn nhát sẽ dẫn đến hậu quả khiến người ta đánh mất chính mình, đánh mất bản chất tốt đẹp của con người, đánh mất những ước mơ, hoài bão, những hi vọng mà bản thần từng ấp ủ. Hèn nhát còn khiến người ta trở nên tha hóa. Thậm chí, còn có thể trở thành kẻ phản bội.

– Sự hèn nhát đã bị xã hội lên án và khinh bỉ. Có câu: “Thà chết vinh còn hơn sống nhục”. Tuy nhiên, cũng có quan điểm: “Thà sống nhục còn hơn chết vinh”, bởi vì đã chết thì còn biết gì nữa mà vinh. Để đả phá quan điểm đó, mỗi dân tộc đều có nhiều hình thức để tôn vinh những người dũng cảm hi sinh vì đất nước, vì nhân dân.

– Trái ngược với sự hèn nhát là người có dũng khí dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hiểm nguy; dám bảo vệ chân lí, chính nghĩa; dám đấu tranh chống lại điểu ác, điều xấu bằng chính mạng sổng, cuộc sống của mình.

– Dũng khí giúp người ta tìm lại được chính mình. Tức là tìm lại được, giữ được bản chất tốt đẹp của bản thân, giữ được ước mơ, hoài bão, hi vọng giữa những giông tố của cuộc đời và giúp người ta giành lấy sự thành công, chiến thắng.

– Dũng khí là một nét đẹp của loài người, của dân tộc nói chung và của từng cá nhân nói riêng. Dũng khí của nhiều cá nhân hợp thành nguyên khí của một quốc gia. Chính cái nguyên khí đó đã giúp cho một dân tộc khỏi sự diệt vong, được trường tổn cùng lịch sử.

– Cẩn phân biệt sự hèn nhát khác với thái độ trầm tĩnh, cẩn thận, đắn đo, suy nghĩ thấu đáo và dũng khí cũng khác với thái độ nóng nảy, hấp tấp, ồn ào, khoa trương theo kiểu anh hùng rơm. Có những sự can đảm không cần thiết mà người đời gọi là sự liều lĩnh và dại dột.

– Để trầm tĩnh chứ không hèn nhát, dũng cảm mà không liều lĩnh, người ta cần phải có sự hiểu biết về bản thân, về xã hội, về cuộc đời; phải có niềm tin vào lẽ phải, có lí tưởng sống.

– Đối với lứa tuổi học sinh cần phải có dũng khí từ bỏ con đường sai trái. Phải có bản lĩnh đứng lên làm lại từ đầu sau những vấp ngã và thất bại nặng nề. Tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự và sẵn sàng ra chiến trường khi Tổ quốc lâm nguy.

  • Kết bài:

Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang