Thơ ca bắt rễ ở lòng người, nở hoa nơi từ ngữ.
- Mở bài:
Từ xưa đến nay, từ cổ chí kim, đông sang tây, thơ không chỉ là sự lặng giữa các từ mà là tiếng nói của tâm hồn hơn và nhịp thở con tim… Thơ làm lay động triệu triệu trái tim con người, giúp nhận loại sống phong phú và tinh tế hơn. Có thể sức mạnh ấy của thơ ca đã được khởi nguyên từ vấn đề đặt ra trong ý kiến sau: “Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”.
- Thân bài:
Nguyễn Văn Thạc cũng đã nói: “bắt đầu từ cuộc sống, từ đó sẽ nảy ra thơ”. Hiện thực cuộc sống muôn hình vạn trạng đã tác động vào giác quan của người nghệ sĩ, khiển họ phấn khích, buồn, đau, hờn giận, căm tủi… và thơ ra đời. Họ đã chọn cây đàn thi ca kì diệu để tấu lên khúc nhạc lòng với bao bao trăn trở, day dứt của minh. Bi-bơ-lây từng khẳng định: “Thơ là thư kí trung thành của trái tim”.
Đó chính là đặc trưng của thơ, bắt nguồn và đơm hoa kết trái từ cảm xúc, tình cảm con người. Làm sao có thể đến với thơ, khi con tim chai cứng, không hồn, khi trái tim không đập những nhịp đập với đồng loại, khi đôi mắt, đôi tai không lắng nghe những thanh âm của cuộc sống dội vào. Song song với cảm xúc mãnh liệt, cháy bỗng, nhà thơ phải có trong mình một tài năng văn chương để có thể giãi bày qua từ ngữ.
Nhà thơ với chất liệu từ ngữ trong tay phải viết nên tác phẩm văn chương có sức làm rung động trái tim người đọc. Ngôn ngữ thi ca phải như muối từ biển, một thứ kim loại không lẫn tạp chất thì mới có thể thể hiện trọn vẹn cảm xúc thăng hoa của người nghệ sĩ. Hành động sáng tạo trong thơ ca là một sự giải toả những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn nhà thơ. Lí Bạch cũng đã nói: “Trong thơ, tình là gốc, lời là ngọn ”. Vì vậy nhà văn không chỉ có một trái tim mẫn cảm, sống sâu với cuộc đời mà còn phải có một tài năng văn chương tuyệt vời.
Bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt chiếm được cảm tình của người đọc bởi người đọc thấy trong đó cả một tình yêu tha thiết, cháy bỏng của đứa cháu xa quê giành cho người và kính yêu cả một đời tần tảo hi sinh để giữ cho ngọn lửa lòng của cháu cháy mãi. Phải chăng vì thế, bài thơ đã có những lời thơ thật hay:
“Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niêm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chăng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”
Ngôn ngữ thơ bình dị, biết bao mà cũng chan chứa nghĩa tình biết bao. Đứa cháu của bà giờ đây đã lớn, đã trưởng thành, được chắp cánh tay vào chân trời cao rộng. Nơi ấy “ngọn khói trăm tàu”, “lửa trăm nhà”, “niềm vui trăm ngả”, vật, chất đầy đủ, dư dả nhưng cháy vẫn không quên bếp củi của bà, bếp củi của một thời thơ ấu. “Chẳng lúc nào quên nhắc nhở” tức là nỗi nhớ bà luôn thường trực và khôn nguôi trong tim tác giả. Ngọn lửa bà truyền cho cháu, đã sưởi ấm cháu nơi xứ Nga lạnh lẽo, là động lực để cháu bước tiếp trên những chặng đường dài và rộng của cuộc đời dù lúc đó bà không còn nữa nhưng bếp lửa vẫn cháy sáng. Hơi ấm từ ngọn lửa lan tỏa cả bài thơ. Từng lời thơ, vần thơ như từng đốm lửa nhen lên trong lòng người đọc. Tình yêu là vô hạn của nhà thơ với ngôn ngữ bình dị đã truyền cho ta ngọn lửa yêu thương, ấm nóng, thăng hoa cảm xúc cùng nhà thơ. Nếu không có một tình yêu bà cháy bỏng, một tài năng văn chương tuyệt vời thì làm sao có một “bếp lửa” làm xao động người đọc đến thế. Bởi thế, nhậ định “Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ” là hoàn toàn có lí.
“Thơ ca bắt rễ ở lòng người”, ý thơ, hình thơ trải qua sự thanh lọc của tâm hồn người nghệ sĩ, thơ “nở hoa nơi từ ngữ”. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ ta lại thấy được cả sự say mê, ngất ngây của Thanh Hải trước cảnh đất trời vào xuân. Thiên nhiên đẹp tuyệt diệu đã chấp cánh cho tâm hồn thi nhân bay cao, ông như chìm trong men say nồng nàn của xuân:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời?
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.
Cử chỉ “tôi đưa tay tôi hứng” thể hiện sự nâng niu, trân trọng của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời lúc với xuân với cảm xúc say sưa, xốn xang, rạo rực. Nhà thơ như muốn ôm trọn vào lòng tất cả sức sống của mùa xuân, của cuộc đời. Cả một bức tranh xuân như dệt bằng tơ lụa vời từng đường nét sống động hiện lên dưới ngòi bút tài hoa của nhà thơ. Bức tranh xuân ấy có sự mềm mại duyên dáng của dòng sông Hương hiền hòa, sự dịu dàng của sắc tím biếc của bông hoa vươn minh bung nở giữa dòng, có tiếng hót chim chiền chiên vang tận trời xanh. Đã thế màu sắc còn vô cùng hài hòa tươi tắn. Giữa khung cảnh bao la thoáng đãng, vang lên tiếng chim đã làm nhà thơ thăng hoa xúc cảm, nhà thơ cất lên tiếng gọi đầy thiết tha:
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời?”
Từ cái niềm cảm xúc ấy nhà thơ đã có một sáng tạo thật độc đáo: “Từng giọt long lanh rơi. Tôi đưa tay tôi hứng”. Âm thanh vốn là vô hình nay đã kết tinh lại thành từng giọt óng ánh, long lanh sắc màu để nhà thơ đưa tay hứng lấy. Hành động hứng lấy đã cho thấy tình yêu tha thiết của nhà thơ giành cho thiên nhiên, cho quê hương xứ Huế mộng mơ. Những vần thơ chứa chan xúc cảm, mang hơi thở của mùa xuân đất trời chỉ có thể bắt nguồn từ một tâm hồn nghệ sĩ, từ một kĩ sư ngôn từ điêu luyện. Nhưng khi tác phẩm ra đời, nó không còn là của riêng tác giả nữa, nó được người đọc thấu hiểu, chia sẻ, đồng điệu. Lúc này mỗi bài thơ trở thành cầu nối giữa thi nhân và độc giả. Nó không còn nằm im trên trang giấy mà đi vào lòng – người đọc, đốt lên ngọn lửa nồng đượm, hình thành trong mỗi người những suy nghĩ, lẽ sống và khơi gợi để ta sống tốt hơn.
Đọc Ánh trăng của Nguyễn Duy, mỗi người chúng ta ai cũng thấy có minh trong đó. Đó không còn là câu chuyện của riêng Nguyễn Duy mà đã trở thành câu chuyện của mỗi chúng ta. Mỗi người đọc bài thơ không chỉ trào dâng niềm xót xa thương cảm, thổn thức mà còn “giật mình”, nhìn lại chính mình:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng.
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”.
Sau bao tháng năm xa cách, trăng cũng đã gặp lại người, làm sống dậy bao kí ức đẹp đẽ mà lâu nay đã chìm vào quên lãng.Từ láy “vành vạnh” đã diễn tả sự tràn đầy viên mãn của vầng hăng. Trăng chính là hiện thân cho quá khứ, thiên nhiên, đất nước, nhân dân bao dung độ lượng không lên án, chê trách con người nhưng đó lại là lời nhắc nhở có sức nặng khiến con người “mình”, “giật mình” để nhận ra sự ích kỉ nông nổi của bản thẫn, để thấy cần phải thay, đổi cách sống…
Cấu trúc song hành của hai câu thơ, nhịp điệu dồn dập cùng biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ và liệt kê như muốn khắc họa rõ hơn kí ức về thời gian gắn bó chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỉ. Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm như “có cái gì rưng rưng”,đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc.
Giọng thơ bùi ngùi xúc động, thấm đẫm nhưng suy tư. Không phải ai sống trong hòa bình sung sướng cũng nhớ về quá khứ như Chế Lan Viển đã băn khoăn: “Đôi khi sống trong ánh nắng chan hòa/ Người ta dễ quên đi cơn mộng dữ đêm qua”. Sau khi đọc Ánh trăng, ta lại tự nhìn lại bản thân minh để sống ân tình hơn, thủy chung hơn. Như vậy, chả phải bài thơ đang khiến ta phải tự bước lên con đường làm đẹp bản thân hay sao?
- Chứng minh: Văn học có khả năng giúp con người hóa giải những áp lực trong cuộc sống
- Cảm nhận bài học từ đoạn thơ sau: “Khi vấp ngã đừng lo bạn nhé. Hãy đứng lên bạn sẽ kiên cường…”
Nhận định trên đã đề cập đến đặc trưng của thơ ca “bắt rễ ở lòng người” và “nở hoa nơi từ ngữ”. Và cũng đề ra nhiệm vụ đối với người nghệ sĩ: Phải sống sâu với đời, phải trầm vào ngòi bút của bản thân vào bể khổ cuộc đời, cho con tim rung lên trước những nỗi đau của con người…, và nhiêu đó thôi chưa đủ. Xuân Diệu tưng nói: “Một bài thơ hay là phải hay cả hồn lẫn xác”.
Nhà thơ phải biết gieo vào kho ngôn từ vốn không hương sắc dấu ấn của riêng mình, phải biết chọn lọc để mỗi từ, mỗi chữ là tinh túy nhất, đẹp nhất, thì cảm xúc kia mới đến Với trái tim của người đọc. Nếu anh chỉ có cảm xúc chân thành mà không có tài năng văn chương thì làm sao thơ anh được chắp cánh bay đến trái tim người đọc, làm cho tâm hồn họ thực được sống. Ngoài ra, nhãn quan của người nghệ sĩ sẽ phải như đóa hướng dương luôn hướng về mặt trời chân lí, không tô hồng cũng không bôi đen cuộc sống.
Nhà thơ là người phát ngôn, người đặt tên, người đại diện cái đẹp. Không phải chỉ có cảm xúc thăng hoa, từ ngữ phong phú mà người nghệ sĩ phải có riêng cho mình một phong cách. Tức là phải sáng tạo, không rập khuôn, sáo mòn, phải “khơi những gì chim ai khơi, sáng tạo những gì chưa có” (Nam Cao). Có thể tác phẩm ấy mới đi sâu vào quần chúng nhân dân, neo đậu lại lòng người “một thứ ánh sáng riêng không bao giờ nhòa” nếu không thì sẽ bị đào thải, hoa chăng chỉ tồn tại ở mỗi người.
Gamzatov đã nêu ý kiến: “Như ngọn lửa bốc lên từ những cành khô, tài năng bắt khởi phát mạnh mẽ từ tình cảm”. Vì vậy thơ sẽ chả bao giờ có nếu không có cảm xúc nhưng cũng không bao giờ được thể hiện ra nếu người nghệ sĩ không là một “phù thủy ngôn từ”. Thơ khởi phát từ những tình cảm chân thật và càng tha thiết hơn qua lời thơ óng ả, trau chuốt, tinh tế như viên ngọc đã được mài giũa hết sức có thể.
- Kết bài:
“Thơ ca bắt rễ ở lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”. Nhận định đã nêu bật đặc trưng của thơ, thơ bắt nguồn từ đâu và được truyền tải đến người đọc bằng phương tiện gì. Muốn làm được bài thơ hay, nhà thơ phải có cả “tâm” làm “tài”, phải biết khóc trong lúc vui, đau buồn, khi vui sướng có thể sinh ra những tác phẩm lắng đọng cùng cuộc sống. “Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”, hơn thế, thơ ca phải bắt rễ vào và nở hoa trong lòng người đọc để đi trọn hành trình tận hiến của mình.
Tài liệu tham khảo:
– Bằng Việt, tên khai sinh Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941, Quê ở Thạch Thất, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Làm thơ từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX và thuộc lớp nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ Bằng Việt trong trẻo, mượt mà, tràn đầy cảm xúc, đề tài thơ thường đi vào khai thác những kỉ niệm, những kí ức thời thơ ấu và gợi những ước mơ tuổi trẻ.
– Bài thơ “Bếp lửa” được sáng tác năm 1963, lúc nhà thơ Bằng Việt đang học năm thứ hai tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Kiev (Ukraina, hồi đó còn thuộc Liên Xô, in trong tập “Hương cây – Bếp lửa” – tập thơ đầu tay của Bằng Việt in chung với Lưu Quang Vũ. Bài thơ là lời của người cháu ở nơi xa nhớ về bà và những kỉ niệm với bà, nói lên lòng kính yêu và những suy ngẫm về bà. Bài thơ đã bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ.
1. Giải thích ý kiến, nhận định:
– Thơ ca bắt rễ từ lòng người: Thơ ca là tiếng nói chân thành của tình cảm. Thơ do tình cảm mà sinh ra. Thơ luôn thể hiện những rung cảm tinh tế, thẳm sâu của tác giả.
– Nở hoa nơi từ ngữ: Lời thơ bao giờ cũng chắt lọc, giàu hình tượng, có khả năng gợi cảm xúc của người đọc. Vẻ đẹp ngôn từ chính là yêu cầu bắt buộc đối với thơ ca.
– Thơ ca khởi nguồn từ cảm xúc của tác giả trước cuộc sống và tình cảm ấy thăng hoa nơi từ ngữ biểu hiện.
→ Nhận định của đề bài bàn về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật; về đặc trưng của văn học, đặc trưng của thơ; đề cao vai trò của yếu tố tình cảm, cảm xúc trong thơ, đồng thời yêu cầu tình cảm ấy phải được diễn tả bằng ngôn từ đẹp đẽ, giàu tính thẩm mĩ. Đây là một quy luật, cũng là một yêu cầu trong sáng tạo nghệ thuật.
2. Lí giải vì sao thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ?
– Xuất phát từ đặc trưng của văn học: Nghệ thuật là lĩnh vực sáng tạo để phản ánh hiện thực, trong đó phản ánh tâm tư, tình cảm của chủ thể sáng tạo. Xuất phát từ đặc trưng về đối tượng, nội dung của văn học, có thể thấy: văn học không phản ánh hiện thực một cách bàng quan, lạnh lùng mà bao giờ cũng gắn chặt với tình cảm, ước mơ, khát vọng của nhà văn. Điều đó tạo nên quy luật tình cảm trong phản ánh nghệ thuật.
– Xuất phát từ đặc trưng của thơ, đặc biệt là thơ trữ tình: Tiếng nói trữ tình bao giờ cũng được bộc lộ trực tiếp, trở thành bình diện thứ nhất của sáng tác.
– Tiếng nói của tình cảm, tâm tư con người được gửi gắm trong tác phẩm nghệ thuật như thế nào? Nhu cầu được giãi bày những gì chất chứa trong lòng (niềm vui, nỗi buồn ). Là lời nhắn gửi, sự cảm thông; là tiếng lòng đến với tiếng lòng (tiếng nói tri âm). Nghệ thuật chân chính còn chứa đựng trong nó chiều sâu của tư tưởng tiến bộ, các giá trị đối với cuộc sống, làm đẹp và phong phú hơn cho tâm hồn con người.
– Vẻ đẹp của tình cảm, cảm xúc trong thơ phải được kết tinh ở hình thức nghệ thuật, được biểu hiện bằng những biện pháp nghệ thuật độc đáo mà trước hết là nghệ thuật sử dụng ngôn từ. + Nếu thơ chỉ bắt rễ từ lòng người, chỉ có tình cảm, cảm xúc mãnh liệt mà không nở hoa nơi từ ngữ thì tình cảm, cảm xúc trong thơ sẽ không tìm được hình thức biểu hiện độc đáo, hấp dẫn; do đó khó tạo nên vẻ đẹp, sức lôi cuốn của tác phẩm. Ngược lại, nếu chỉ trau chuốt, đẽo gọt ngôn từ mà xem nhẹ tình cảm, cảm xúc thì tác phẩm sẽ trở nên khô khan, nghệ thuật không sao cất cánh lên được.
3. Phân tích, chứng minh nhận định:
a. Bài thơ “Bếp lửa” là tiếng nói từ tình cảm, chân thành, những rung cảm tinh tế của người cháu:
– Hồi tưởng về bà và tình bà cháu – Sự hồi tưởng được khơi nguồn từ hình ảnh bếp lửa thân thương ấm áp.
+ Điệp từ “một bếp lửa” nhấn mạnh hình ảnh quen thuộc trong mọi gia đình Việt Nam như một ấn tượng da diết của tuổi thơ.
+ Bếp lửa “chờn vờn sương sớm” vừa là bếp lửa thực. Từ láy “chờn vờn” còn là trong nỗi nhớ của nhà thơ.
+ Bếp lửa “ấp iu nồng đượm”: Từ “ấp iu” được chắt lọc từ “ấp ủ” và “nâng niu” vừa gợi sự chính xác của công việc nhóm bếp vừa gợi ra được đôi bàn tay khéo léo, kiên nhẫn và tấm lòng chi chút nhọc nhằn của người bà khi nhóm bếp.
– Tình cảm chân thành, những rung cảm tinh tế gợi về những kỉ niệm cả một thời thơ ấu sống bên bà.
+ Kỉ niệm tuổi thơ gian khó thiếu thốn nhọc nhằn: Nạn đói năm 1945: “Đói mòn đói mỏi” gợi sự ám ảnh về nạn đói khủng khiếp và quá khứ khổ đau của dân tộc. Mối lo giặc giã xóm làng: giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi – chiến tranh gây đau thương cho con người. Hoàn cảnh chung của mọi gia đình Việt Nam: Mẹ cùng cha công tác bận không về, cháu sống trong sự nuôi nấng, cưu mang dạy dỗ của bà.
+ Kỉ niệm về bà và tình bà cháu gắn liền với bếp lửa: Tuổi thơ cháu đã gắn liền với bếp lửa từ khi “lên 4 tuổi cháu đã quen mùi khói 8 năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa”. Vì vậy nhớ về bếp lửa ấn tượng nhất là cảm giác “khói hun nhèm mắt cháu – sống mũi còn cay”.
→ Cảm giác chân thực sống động. Cay đâu chỉ vì khói bếp của quá khứ mà còn là cái cay của cồn cào thương nhớ bà ở hiện tại. Nhớ về bà người cháu nhớ nhất là hình ảnh bà ngồi bên bếp lửa mỗi sớm chiều. Bà kể chuyện cho cháu nghe, bà bảo cháu, dạy cháu làm, chăm cháu học – dặn cháu đinh ninh
→ Hiện lên hình ảnh bà với sự chăm sóc, lo toan vất vả và tình yêu thương trìu mến dành cho cháu. Bà không chỉ nuôi cháu lớn lên về thể chất mà còn là chỗ dựa tinh thần cho cháu khi cha mẹ vắng nhà. Hiểu được những vất vả cực nhọc và tình cảm yêu thương của bà dành cho mình nên cháu trân trọng kính yêu bà và sống thật hiếu thảo: cháu làm, cháu học, cháu nghe, thương bà khó nhọc. Tình bà cháu ấm áp hơn bên bếp lửa hồng.
+ Kỉ niệm về tiếng chim tu hú: Là một kỉ niệm không thể thiếu trong thơ Bằng Việt. Tiếng chim tu hú gợi không gian mênh mông vắng vẻ và hoàn cảnh côi cút nhớ thương vời vợi của hai bà cháu. Nhưng quan trọng hơn, tiếng chim tu hú là tiếng lòng đồng vọng quê hương của người cháu.
→ Hình ảnh bếp lửa, kỉ niệm tuổi thơ, hình ảnh người bà, tình bà cháu hay tiếng chim tu hú đều là những hình ảnh cụ thể của quê hương, đất nước. Nhớ về những điều đó là nhớ về quê hương, đất nước.
b. Những suy ngẫm về bà và bếp lửa.
– Suy ngẫm về cuộc đời vất vả, cực nhọc gian truân lận đận của bà và những phẩm chất đáng quý của bà: sự tần tảo, chịu thương chịu khó, giàu đức hi sinh, sáng chói đức tin yêu. Những phẩm chất của bà là phẩm chất người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống đời thường và trong chiến tranh.
– Suy ngẫm về bếp lửa kì lạ thiêng liêng:
+ Bếp lửa không chỉ được nhen nhóm bằng nhiên liệu của than, củi, rơm rạ mà còn được nhen nhóm từ tấm lòng bà – ngọn lửa của sức sống: lòng yêu thương, đức hi sinh và niềm tin. Từ ngọn lửa của bà cháu hiểu được linh hồn của dân tộc: vất vả gian lao nhưng vẫn yêu thương chia sẻ, tình làng nghĩa xóm nồng đượm. Bà là người nhóm lửa – giữ lửa – truyền lửa cho cháu – thế hệ mai sau. (Phân tích từ láy “lận đận”, “nắng mưa”, “thói quen dậy sớm”, điệp từ “nhóm”, từ cảm thán “ôi” và đảo ngữ “kì lạ thiêng liêng bếp lửa!” để làm nổi bật ý thơ suy ngẫm về bà và bếp lửa).
c. Nỗi nhớ khôn nguôi trong hiện tại xa cách.
– Lời tự bạch của đứa cháu khi hiện tại đã khôn lớn trưởng thành được tiếp xúc với khung trời rộng lớn, với tiện nghi hiện đại nhưng vẫn không quên bếp lửa và hình ảnh bà.
– Câu hỏi cuối bài thơ: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?” là câu hỏi tu từ vừa để nhắc bà vừa là để khẳng định một chân lí không bao giờ thay đổi: cháu không bao giờ quên bà và bếp lửa. Bởi bà và bếp lửa là hiện thân của quê hương, đất nước – triết lí thầm kín trong thơ Bằng Việt đã lan toả tới tất cả mọi người.
2. Tình cảm ấy “nở hoa” nơi từ ngữ – nghệ thuật đặc sắc của bài thơ.
– Thể thơ 8 chữ kết hợp với 7 chữ, 9 chữ phù hợp với việc diễn tả dòng cảm xúc miên man về sự hồi tưởng, suy ngẫm về bà, tình bà cháu, kỉ niệm tuổi thơ
– Giọng điệu tâm tình, thiết tha, tự nhiên, chân thành.
– Kết hợp miêu tả, biểu cảm, tự sự, nghị luận phù hợp với dòng hồi tưởng và tình cảm của cháu.
– Sáng tạo hình ảnh thơ: bếp lửa – ngọn lửa mang ý nghĩa biểu tượng. Sử dụng thành công các biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp từ, đảo ngữ, câu hỏi tu từ
3. Đánh giá, tổng hợp:
– Ý kiến đã khẳng định: Thơ bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ – đó là đặc trưng và cũng là phẩm chất của thơ. Một tác phẩm chân chính phải khởi phát từ tình cảm dạt dào của tác giả và được thể hiện bằng ngôn từ chắt lọc, trau chuốt. Bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt là bài thơ như thế.
– Người nghệ sĩ phải có trái tim nhạy cảm, tinh tế và khả năng lao động nghệ thuật nghiêm túc thì mới tạo được những vần thơ trác tuyệt. Để làm nên phẩm chất đó, gốc rễ lòng người phải sâu sắc, chân thành; từ ngữ phải có giá trị mới có thể “nở hoa”.
– Người đọc cũng phải rèn luyện tâm hồn và vốn hiểu biết để cảm, hiểu chiều sâu tâm hồn nhà thơ và thưởng thức vẻ đẹp từ ngữ.
Xem thêm:
- Nghị luận: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” (Bêlinxki)
- Chứng minh: “Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó”
- Chứng minh: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.”