su-im-lang-dang-so-cua-nguoi-tot

Nghị luận: Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt (Martin Luther King)

Nghị luận: Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt (Martin Luther King)

  • Mở bài:

Kẻ xấu thì luôn xấu cả trong hành động và lời nói. Thế nhưng, người tốt cùng có thể xấu nếu như họ thờ ơ và im lặng trước những sự việc cần nói, cần hành động. Sự im lặng của họ có thể xuất phát bởi một lí do nào đó, ta ít khi hiểu được. Sự im lặng của họ có thể khiến ta bực bội hay oán giận. Bàn về điều đó, nhà thần học người Đức Martin Luther King đã từng nói: Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt.

  • Thân bài:

Im lặng là gì?

Sự im lặng là không có hành động gì trước một sự việc đáng lẽ phải có thái độ, phải có phản ứng. Sự im lặng còn được hiểu với nhiều biểu hiện và nguyên nhân khác nhau. Im lặng là không tham gia tranh luận, không can thiệp vào sự việc nào đó. Im lặng còn có thể được hiểu là thái độ thờ ơ, vô cảm, lạnh lùng với những gì đang xảy ra xung quanh.

Tại sao trong một vài tình huống, người tốt lại im lăng?

Nguyên nhân của sự im lặng cũng được lí giải phức tạp. Có thể nó xuất phát từ sự vô cảm của con người. Cũng có thể nảy sinh từ quan điểm sống “im lặng là vàng” của một số người.

Trong câu nói của Martin Luther King, sự im lặng của người tốt chính là thái độ bàng quan, hững hờ của họ đối với sự việc đáng ra họ phải có hành động hoặc thái độ can thiệp, xử lí để hỗ trợ, bênh vực kẻ yếu đuối, bảo vệ công lí, công bình. Cách biểu hiện của họ không có gì xấu nhưng nó vô tình tiếp tay cho cái xấu, cái ác, khiến cho con người hiền lương mất dần niềm tin tưởng ở nơi họ. Im lặng không phải là xấu. Nhưng nó cũng chẳng khác gì hơn hành động lỗ mãn và lời nói cay nghiệt của kẻ xấu. Nó khiến ta xót xa, hối tiếc khi đã đặt niềm tin và lòng kính trọng ở họ.

Thái độ im lặng của người tốt trong một hoàn cảnh nào đó khiến ta có cảm giác bị phản bội. Ta trong chờ ở họ một phản ứng tích cực nhưng chỉ nhận được sự im lặng đáng sợ. Ta hụt hẫng tự mình xử lí lí sự việc và nhận ra không phải người tốt lúc nào họ cũng tốt.

Tại sao khi người tốt tỏ thái độ im lặng trước sự việc cần can thiệp lại làm ta xót xa?

Người tốt không chỉ là người không gây hại cho người khác. Người được coi là người tốt là người hội tụ đủ những phẩm chất tốt đẹp ở đời và có đóng góp hữu ích đối với cuộc sống của mọi người xung quanh họ. Họ luôn biết làm những điều nên làm và không làm những điều không nên làm. Họ biết tôn trọng các nguyên tắc chung, bênh vực và bảo vệ công lí, biết đồng cảm và chia sẻ trước nỗi đau của người khác. Họ luôn sống vì người khác và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ hay bênh vực kẻ yếu thế hơn mình trong khó khăn hoạn nạn. Bởi thế, người tốt luôn được người khác kính trọng, yêu thương và tin tưởng.

Sự im lặng của người tốt trước một sự việc đáng lẽ ra họ phải có thái độ khiến ta hụt hẫng. Trong hoàn cảnh này, người tốt ấy đã không có những hành động thường thấy ở họ. Sự im lặng của họ như ủng hộ, đồng tình với cái xấu, kẻ xấu. Không những người yếu thế bị tổn hại mà kẻ xấu còn được nước lấn tới.

Sự im lặng đáng sợ của người tốt như biểu hiện một phần giả dối và tối tăm của họ mà bấy lâu họ giấu kín. Có vẻ như họ sống là kẻ hai mặt, lòng dạ phản trắc. Và khi thời cơ đến, cái bản chất đáng khinh ấy lại biểu lộ ra ngoài xấu xa và tàn nhẫn. Điều đó khiến ta thấy xót xa bởi niềm tin của chúng ta đã bị lợi dụng. Sự tôn quý bấy lâu ở họ là không có thật. Cái đáng sợ nhất đó là ta lại tin tưởng và đặt cả cuộc sống của mình ở con người ấy.

Thế nhưng, sự im lặng của người tốt chưa thể khẳng định họ là người xấu xa.

Ai cũng có một cuộc sống riêng trong một tập thể thống nhất. Ai cũng cần phải lo cho bản thân và người thân của mình. Sự nhìn nhận của chúng ta trước sự im lặng của người tốt đôi khi hơi quá đáng và vô cảm bởi thói ích kỉ. Có thể họ vì một lí do nào đó mà tỏ ra im lặng. Hãy thấu hiểu hơn nữa và cảm thông với họ.

Đôi khi cũng phải nhìn lại, sự việc xảy ra có cần phải can thiệp hay không. Người tốt luôn có cái nhìn đúng đắn của họ. Họ luôn bình tĩnh, trí tuệ và tự tin. Họ có lí do để im lặng. Và khi sự việc qua đi, sự im lặng của họ sẽ có ý nghĩa.

Đến cả đức Phật vĩ đại cũng phải im lặng trước những đau khổ của trần gian. Không phải người không muốn cứu vớt tất cả. Không phải người nhẫn tâm đứng nhìn chúng sinh lầm than. Cuộc sống luôn có những quy luật của nó. Làm việc tốt cũng cần đạt được sự tự nhiên luôn là cách làm của các bậc vĩ nhân. Làm việc tốt cũng cần phải kham nhẫn.  Đừng bao giờ ta có cái nhìn kì thị đối với bất kì ai có hành động không hợp ý mình. Vì có thể, ở họ, có một lí do nào đó, rất khó nói ra.

Phải làm gì để không phải im lặng một cách tàn nhẫn trước những sự việc cần làm?

Không thể phủ nhận sự im lặng của người người tốt trước những việc cần phải can thiệp là một phản ứng tiêu cực, cần phải lên án. Trước những việc cần làm, ta nên làm một cách mạnh mẽ. Bởi ta đã xuất hiện ở đó và cần có trách nhiệm đối với những gì đang xảy ra. Người yếu thế rất cần ta giúp đỡ để vượt qua khó khăn. Không ai khác trong lúc này, ta chính là người được họ kì vọng nhất.

Hãy luôn đứng về phía chân lý, lấy tình thương con người làm động lực cho bản thân, không ngại ngần gian khó, không tính toán hơn thua. Hãy sống vì người khác thì người khác cũng vì mình mà không ngại sẻ chia giúp đỡ.

Làm việc tốt, hy vọng người khác cảm ơn thì ân đức mất đi một nửa. Làm việc tốt mà dương dương tự đắc, khoe khoang đắc chí thì ân đức chẳng thể tạo thành. Mọi sự việc muốn làm đều phải để tự nhiên. Tự nhiên mới là cảnh giới cao nhất khi làm một người tốt. Sự tự nhiên ấy phải đạt được cái lí cái tình ở đời thì mới có ý nghĩa.

  • Kết bài:

“Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt” của Martin Luther King thật đáng để chúng ta suy nghĩ. Cuộc sống không nên im lặng theo kiểu của nhà tu hành. Hãy luôn hồ hởi trước cuộc sống và sống mãnh liệt. Đừng sợ! Đừng tính toán hơn thua. Cũng đừng kiêu căng, tự mãn. Hành động tốt đẹp thể hiện và khẳng định những phẩm chất tốt đẹp vốn có bên trong. Không nên vì một lí do nào đó mà bỏ mặc người khác trong khó khăn hoạn nạn.

Nghị luận: Đối xử với bản thân bằng lí trí, đối xử với người khác bằng tấm lòng (Ngạn ngữ Nga).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang