nghi-luan-truyen-thong-yeu-nuoc-cua-nhan-dan-ta-qua-cac-tac-pham-van-hoc

Nghị luận: Làm rõ truyền thống yêu nước của nhân dân ta qua các tác phẩm văn học

Nghị luận: Làm rõ truyền thống yêu nước của nhân dân ta qua các tác phẩm văn học

  • Mở bài:

Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó không phải là tinh thần trong một thời đoạn mà là một truyền thống được duy trì, gìn giữ lâu bền và phát triển qua thời gian. Điều đó được minh chứng qua những trang sử hào hùng của dân tộc. Tinh thần đó cũng in dấu trong nền văn học.

  • Thân bài:

Lòng yêu nước là tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần sẵn sàng đem hết khả năng của mình phục vụ lợi ích của Tổ quốc. Lòng yêu nước trong thời đại phong kiến gắn liền lí tưởng “trung quân ái quốc” (trung với vua là yêu nước, yêu nước là trung với vua).

Lòng yêu nước thể hiện rõ nét ở ý thức độc lập tự chủ, tự cường, tự hào dân tộc; lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược; niềm tự hào trước chiến công thời đại, tự hào trước truyền thống lịch sử; biết ơn, ca ngợi những người hi sinh vì đất nước. Lòng yêu nước còn thể hiện ở tình yêu thiên nhiên đất nước, cảnh trí non sông và cuộc sống binh dị của dân tộc.

Trong văn học trung đại, lòng yêu nước thể hiện trước hết ở lòng tự hào dân tộc. Chúng ta đã từng thấy dõng dạc vang lên trong bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt là tiếng nói đầu tiên như âm vang từ khí thiêng sông núi dội về: đất nước Việt Nam do vua Nam làm chủ. Nước là của vua, vua là tượng trưng cho chủ quyền của nước:

“Sông núi nước Nam vua Nam
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”

Đến với Nam quốc sơn hà, người đọc không khỏi ngỡ ngàng như đứng trước một công trình nhỏ bé, bền chắc mà tài hoa. Bài thơ hoàn toàn không có vũ khí binh đao mà kì lạ thay ta vẫn nhận ra tiếng quân reo, ngựa hí… Sự liên tưởng nhiều tầng ấy phải chăng được gợi lên từ tiếng nói tự hào dân tộc của một con người giàu lòng yêu nước và tinh thần tự chủ. Ở đây, ý thức tinh thần độc lập, tự chủ khá rõ nét. Bài thơ xứng đáng là một bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta. Nếu không có lòng tự hào dân tộc thì khó có thể viết ra được những câu thơ đầy xúc cảm như thế.

Yêu nước thể hiện ở tinh thần quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược. Chúng ta có thể nhận thấy rõ điều này qua thơ các thi sĩ thời Trần, thơ Nguyễn Trãi…Một trong những thành tựu quan trọng của thơ thời Trần là đã thể hiện được chủ nghĩa yêu nước, ý chí quật cường chống quân xâm lược của dân tộc ta. Chính cảm hứng này đã tạo ra Hào khí Đông A trong lịch sử chống xâm lược của dân tộc. Hào khí ấy vang lên hùng tráng mà tha thiết qua khúc ca khải hoàn“Tụng giá hoàng kinh sư” của Trần Quang Khải:

“Chương Dương cướp giáo gặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu.”

Bài thơ làm sống dậy một không gian trận mạc chiến trường, đao kiếm với ngựa thét quân reo ngất trời tráng khí. Một trong hai trận ấy do đích thân Trần Quang Khải chỉ huy. Chương Dương, Hàm Tử nằm trong hệ thống chiến thắng mở màn có ý nghĩa chiến lược cho cuộc phản công thắng lợi, mạnh và nhanh, cường độ lớn và tốc độ phi thường đã tạo cho lời thơ khí thế hùng tráng, thiêng liêng.

Yêu nước là tự hào về truyền thống lịch sử. Trong thơ Trung đại Việt Nam dường như vẫn còn văng vẳng tiếng mài giáo dưới ánh trăng của Đặng Dung:

“Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày”.

(Thuật hoài – Đặng Dung)

Yêu nước là ca ngợi những người hi sinh vì đất nước. Không thể cầm gươm tham gia nghĩa quân như các sĩ phu yêu nước khác, Nguyễn Đình Chiểu đã đánh giặc bằng ngòi bút:

“…Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà…”

Nỗi lo lắng và niềm đau xót cho ách nước, nạn dân ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Mỗi bữa thấy, mỗi ngày trông kẻ thù trước mắt lấn thêm một bước, Đồ Chiểu đau đớn như bị cắt đi một phần máu thịt. Cảm hứng bao trùm bài Chạy Tây là sự xửng sốt, nỗi bàng hoàng, lo lắng cho vận nước nạn dân:

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế phút sa tay….”

(Chạy Tây – Nguyễn Đình Chiểu)

Yêu nước là thể hiện tình yêu thiên nhiên đất nước, cảnh trí tươi đẹp của non sông. Trong thơ, thiên nhiên đất nước Việt Nam hiện lên thật đẹp đẽ, tráng lệ giàu đường nét, màu sắc.Với thơ thời Trần, qua cảnh trí thiên nhiên các thi sĩ đã gửi vào đó tình yêu quê hương đất nước của mình. Nguyễn Trung Ngạn khi đi sứ cũng đã viết nên những vần thơ xúc động về tình yêu quê hương đất nước với những phong vị riêng của một vùng đồng bằng Bắc Bộ:

“Dâu già lá rụng tằm vừa chín
Lúa sớm bông thơm cua béo ghê
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dẫu vui đất khách chẳng bằng về ”

(Quy Hứng – Nguyễn Trung Ngạn)

Còn Nguyễn Trãi, cảnh đẹp thiên nhiên, khí trời lúc sang xuân thật huyền hồ đầy âm thanh, màu sắc. Xuân về mang theo sự tươi tốt với những làn mưa. Cỏ ở bến xanh như màu khói bao la bát ngát:

“…Cỏ xanh như khói bến xuân tươi
Lại có mưa xuân nước vỗ trời…”

(Bến đò xuân đầu trại – Nguyễn Trãi)

Như vậy cảm hứng yêu nước trong thơ trung đại Việt Nam đã thể hiện ở nhiều khía cạnh phong phú và sâu sắc. Đất nước, dân tộc là nỗi niềm khắc khoải không nguôi trong tâm hồn con người Việt Nam nói chung và các thi sĩ nói riêng. Vậy nên, ở mỗi nhà thơ có cách khai thác, cảm nhận khác nhau song lại là vẫn sự thống nhất và làm nên một cảm hứng yêu nước lớn. Chính cảm hứng ấy đã làm nên cái độc đáo riêng và giá trị của thơ Việt Nam thời Trung đại.

Tiếp nối truyền thống yêu nước của dân tộc, tuổi trẻ ngày nay cần biết nỗ lực học tập, tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện bản thân mình theo các chuẩn mực của thời đại. Biết sống hòa thuận, đoàn kết, thương yêu đồng bào, đồng loại “thương người như thể thương thân”, nhất là với những người gặp hoạn nạn, khốn khổ. Tình cảm mặn nồng đó thể hiện ở vô vàn hành vi ứng xử trong quan hệ cộng đồng của người Việt Nam. Biết chống lại âm mưu thù địch của các thế lực phản động luôn đe dọa đến nền hòa bình của đất nức; căm thù giặc ngoại xâm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Biết sống thuỷ chung, biết ơn, tôn kính, noi gương những anh hùng, nghĩa sĩ có công đức với dân, với nước. Người Việt Nam luôn hướng về tương lai nhưng không bao giờ lãng quên quá khứ, quên tổ tông, vong ơn, bội nghĩa. Từ ngàn đời nay nhân dân ta luôn ghi nhớ những câu răn dạy như: “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.

  • Kết bài:

Tổ quốc là linh hồn của con người. Không có gì cao thượng bằng tình yêu tỏ quốc. Lòng ái quốc là nguồn hy sinh, chính bởi lẽ ấy mà không cần phải có một sự biết ơn nào khi ta làm tròn nhiệm vụ. Những trang sử vẻ vang của dân tộc là kết tinh của mấy ngàn năm truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, đến hôm nay vẫn còn nguyên gái trị. Kế tục tinh thần ấy, tuổi trẻ hôm nay cần phải sống xứng đáng với những gì mà cha ông đã gìn giữ và kì vọng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang