»» Nội dung bài viết:
Nghị luận: Vai trò và giá trị của ca dao trong cuộc sống hôm nay?
1. Giải thích vấn đề:
– Ca dao là lời thơ trữ tình dân gian, thường kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của của con người.
– Nội dung các sáng tác ca dao dân ca Việt Nam rất phong phú, nhiều cung bậc tình cảm, cảm xúc bởi ca dao là tiếng hát cất lên từ cuộc sống sinh hoạt và lao động, diễn tả đời sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các mối quan hệ với quê hương, đất nước, con người,…Mỗi cung bậc tình cảm, cảm xúc lại có những sắc thái biểu cảm rất khác nhau, cách diễn tả khác nhau tạo nên những khúc hát trầm bổng đa dạng, phong phú.
– Trong ca dao, cảm xúc về tình yêu đôi lứa là cung bậc chất chứa nhiều cảm xúc hơn cả bởi tình yêu đôi lứa vốn đã đa dạng với những biểu hiện muôn màu muôn vẻ. Hơn nữa, trong xã hội cũ, tư tưởng trọng nam khinh nữ là nguyên nhân khiến người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ trong tình yêu và hôn nhân. Vì thế, trong ca dao bên cạnh tiếng hát yêu thương tình nghĩa, còn có tiếng hát than thân,…
– Về nghệ thuật, ca dao thường ngắn, phần lớn theo thể thơ lục bát, truyền thống, ngôn ngữ giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, lối diễn đạt mang đậm sắc thái dân gian nên có khả năng diễn tả chính xác, tinh tế, sinh động
từng cung bậc trong đời sống nội tâm của mỗi người.
2. Ca dao chứa đựng giá trị nhân văn cao cả:
– Chất nhân văn trong ca dao gắn với quan niệm về con người của người bình dân, thể hiện ý thức và tình cảm của người bình dân, gắn với một quan niệm khoẻ khoắn, lành mạnh, trong sáng của chính người lao động. Là quá trình tự nhận thức bản thân của người bình dân trong hoàn cảnh cuộc sống vất vả, chịu đựng nhiều nỗi bất bình, tủi nhục, đắng cay vẫn giữ được bản chất tốt đẹp, tình nghĩa đậm đà.
– Nội dung các sáng tác ca dao dân ca Việt Nam rất phong phú, nhiều cung bậc tình cảm, cảm xúc như: tình yêu quê hương, gia đình, làng xóm, tình yêu đôi lứa, tình bạn, tình nghĩa thầy trò….
+ Tình yêu quê hương: niềm tự hào, thiết tha trước vẻ đẹp độc đáo, sự giàu có của mọi miền quê từ cảnh Tây Hồ, xứ Nghệ, Đồng Tháp đến xứ Lạng,…Gió đưa cành trúc la đà…./Đường vô xứ Nghệ quanh quanh…/Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa…./Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh….
+ Nỗi nhớ tha thiết quê nhà và người thương, tình làng nghĩa xóm: Anh đi anh nhớ quê nhà…
+ Tình cảm gia đình với nhiều mối quan hệ, nhiều cung bậc tình cảm: biết ơn, kính trọng phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, chung thủy keo sơn gắn bó trọn đời giữa vợ chồng, tình cảm anh em như thể tay chân, yêu thương đùm bọc,…
+ Kính trọng, biết ơn thầy cô; tình nghĩa bạn bè chia ngọt sẻ bùi, giúp nhau trong hoạn nạn,…Muốn sang thì bắc cầu Kiều….Bạn bè là nghĩa tương tri,…
⇒ Ca dao dân ca như bản đàn mà mỗi cung đàn là một cung bậc trong đời sống nội tâm vốn đã rất phong phú, đa dạng của người bình dân xưa.
– Trong kho tàng ca dao, những lời ca về tình yêu đôi lứa để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả hơn cả bởi nó chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc như: tình cảm ngọt ngào, niềm hạnh phúc, nỗi nhớ nhung, đau khổ,
hờn giận, oán trách và nuối tiếc,…..
+ Tình cảm ngọt ngào, niềm hạnh phúc trong tình yêu: niềm ước mong được ngả cành hồng, được bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi; cuộc sống tuy nghèo và thiếu thốn nhưng vui vẻ, hạnh phúc, hòa thuận, có sự đồng cảm, sẻ chia (qua lời dẫn cưới của chàng trai và lời thách cưới của cô gái,…); hạnh phúc vì gắn bó trọn đời: Muối ba năm muối….
+ Nỗi nhớ nhung vừa là dấu hiệu vừa là biểu hiện của tình yêu: nỗi nhớ trong ca dao được dân gian diễn tả vô cùng tinh tế, thiết tha, nhiều sắc thái, cung bậc: Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ/Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai, Gió sao gió mát sau lưng/Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này, Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/Như đứng đống lửa như ngồi đống than,…;nỗi nhớ luôn đi liền với lo âu, phiền muộn: Khăn thương nhớ ai…
+ Đau khổ, hờn giận, oán trách và nuối tiếc: tiếng than vì không được quyền quyết định tình yêu, hạnh phúc qua các câu/bài cùng mô típ “Thân em”, “Em như”; đau đớn, xót xa vì tình duyên dang dở khiến nhân vật trữ tình phải ngậm ngùi, nuối tiếc: môtíp “Trèo lên cây khế nửa ngày/Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Trèo lên cây gạo cao cao/….Đêm qua ra đứng bờ ao…”
– Các cung bậc tình cảm, cảm xúc trên được thể hiện tài tình qua các hình thức nghệ thuật độc đáo như: lối nói ngắn gọn, hàm súc; thể thơ dân tộc (lục bát, lục bát biến thể, song thất lục bát); những hình ảnh so sánh, ẩn dụ, biểu tượng, mô típ quen thuộc; từ ngữ gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân.
– Giá trị của chất nhân văn trong ca dao: giúp người đọc khám phá những vẻ đẹp hiện thực cuộc sống bình thường, làm phong phú nhận thức của con người, nâng cao đời sống tinh thần và bồi đắp tâm hồn con người ngày càng tốt đẹp hơn. Chất nhân văn là kết tinh, hội tụ giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc, tạo nên sức cuốn hút, hấp dẫn mọi thế hệ, là sự gắn kết mạch nguồn dân tộc từ quá khứ đến tương lai.
3. Giá trị của ca dao trong đời sống hiện nay:
– Các cung bậc tình cảm, cảm xúc trong ca dao phản chiếu vẻ đẹp tâm hồn, khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của người dân lao động.
– Tình cảm, cảm xúc trong ca dao thường gắn liền với nghĩa tình, thủy chung son sắt,… Đó cũng chính là tấm gương phản chiếu truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc từ ngàn đời nay.
– Hiện nay, cuộc sống trên đà hội nhập kinh tế quốc tế, không tránh khỏi lối sống thực dụng, chạy theo vật chất. Người phụ nữ ngày càng được bình đẳng với nam giới song vẫn chưa hết những cảnh ngộ éo le. Những cung bậc tình cảm, cảm xúc nói chung, tình yêu đôi lứa nói riêng trong các bài ca dao luôn hiện diện và chảy trong huyết mạch của những người dân Việt là lời nhắc nhở thấm thía về tình yêu thương, lối sống trọng tình nghĩa, thủy chung, ý thức trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
– Ca dao còn là nguồn mạch, cơ sở nuôi dưỡng văn học viết và các loại hình nghệ thuật (đặc biệt là thơ ca, âm nhạc).
4. Khẳng định giá trị của vấn đề:
Ca dao Việt Nam bắt nguồn từ tinh thần ham sống, ham đấu tranh, vui vẻ, tế nhị, có duyên nhưng cũng không kém phần dồi dào tình cảm, mạnh mẽ sức lực, nảy nở tự do để đón ánh sáng trời hòa hợp với cỏ cây, hoa lá. Nó như một nguồn nhựa sống để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, chắp cánh cho thế hệ tương lai những hoài bão lớn lao về cuộc sống, thiên nhiên và con người.
Như vậy có thể nói ca dao và dân ca Việt Nam là kho tàng văn hóa, tri thức dân gian, phản ánh những phong tục, tạp quán, tâm tư nguyện vọng của con người Việt Nam, tạo thành một hệ thống hình ảnh thiên nhiên, con người và lao động cùng hoà quyện vào nhau, tạo dựng nên cách nghĩ, cách cảm về cuộc sống, thiên nhiên và con người rất Việt Nam.
5. Liên hệ rút ra bài học và định hướng hành động cho bản thân:
– Ca dao chứa đựng vẻ đẹp đời sống tâm hồn của mỗi con người Việt Nam.
– Cần giữ gìn và phát huy vai trò và giá trị của ca dao trong thời địa mới. Hiện đại nhưng không đánh mất đi các giá trị tốt đẹp của truyền thống.