Văn học là phương cách an toàn nhất để vượt qua mọi ranh giới (Olga Tokarczuk).
Anh/chị có đồng ý với quan điểm trên hay không? Hãy viết bài văn trình bày câu trả lời của mình.
1. Giải thích:
– “Ranh giới”: là những giới hạn, hạn định, rào cản. “Ranh giới” ở đây có thể hiểu là những giới hạn về tri thức, trải nghiệm, kinh nghiệm, vốn sống hoặc những rào cản trong cuộc sống của con người.
– “An toàn”: yên ổn, bình an, không gặp tai họa.
– Ý nghĩa toàn bộ câu nói: nhà văn Olga Tokarczuk cho rằng văn chương là cách thức để con người có thể giải phóng khỏi những xiềng xích giới hạn của bản thân, khai phá những hiểu biết mới.
→ Nhận xét: Nhận định bàn luận về chức năng của văn học. Câu nói khẳng định rằng văn chương là phương cách an toàn nhất để đập tan những giới hạn của con người. Văn học giúp con người vượt qua rào cản về tri thức, về nhận thức, về thân phận… mà không phải gặp bất kì tai ương nào.
2. Bàn luận.
a. Vì sao văn học có khả năng giúp con người vượt qua ranh giới?
– Đặc trưng văn học phản ánh đa diện con người và đời sống, giúp con người “sống nhiều cuộc đời khác nhau thông qua mối tương giao tinh thần của nhân loại” (Huỳnh Như Phương). Văn chương không chỉ viết về những câu chuyện ở thực tại mà còn là quá khứ hoặc tương lai. Đó là câu chuyện nằm ngoài những gì “ở đây và bây giờ”.
– Đọc văn thơ, hóa thân vào nhiều nhân vật khác nhau, ta được trải nghiệm đa chiều kích. Văn học cho con người sống một cuộc đời khác, một thân phận khác mà có thể ta chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành. Từ đây, đọc tác phẩm văn học sẽ giúp con người khai mở tri thức, trải nghiệm nhiều hơn, tri nhận được nhiều điều mới mẻ, thú vị hơn bao giờ hết, phá vỡ được giới hạn sống của mình.
b. Vì sao văn học là phương cách an toàn nhất để vượt qua ranh giới?
– Nếu những trải nghiệm cuộc đời đòi hỏi con người phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt hoặc thậm chí là mạng sống mới có được thì văn chương cho ta hiểu được những điều đó bằng tâm hồn. Những hành động vượt qua “chướng ngại vật” của nhân vật sẽ cho ta bài học về cách thức vượt qua khó khăn trong đời sống. Từ đó, chúng ta có thêm kinh nghiệm quý báu cho cuộc hóa sinh muôn hình vạn trạng của chính mình.
3. Dẫn chứng:
– Học sinh chọn phân tích dẫn chứng tiêu biểu để làm bật lên các luận điểm nêu ở trên. Sau đây là một vài gợi ý:
+ Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh): Tác phẩm cho ta thấy được những thiệt hại của chiến tranh không chỉ là phép cộng của các con số người chết mà còn là những nỗi đau di căn đến hậu chiến tranh. Đối với những người may mắn sống sót trở về, chiến tranh có thể buông tha cho sinh mạng con người nhưng không chối từ việc tước đoạt đi ý chí để sống tiếp tục.
– Văn chương giúp con người vượt khỏi giới hạn về tri thức, cảm xúc.
– Hiểu biết về nỗi đau chiến tranh của bạn đọc được khai mở. Đó không chỉ là những thương tổn vật lý mà còn là nỗi ám ánh về tinh thần, là sự băng hoại nhân tính. Ta không cần phải trải qua hiện thực chiến tranh tàn khốc mới nhận ra được những đau đớn ấy.
+ Người trong bao (Chekhov): Văn chương không chỉ nói về vẻ đẹp của cuộc sống, những lần anh dũng hay hân hoan của con người mà còn khắc họa nên những điều đi ngược lại đời sống. Khi đã nhận ra được những nghịch lý ấy thì cũng là lúc ta hiểu được mình không thể hành động như thế. Dù là tác phẩm nói về cái chết, có nội dung như đi ngược lại với cuộc đời nhưng thông qua cái chết của Belikov, ta thấy được sự bảo thủ và cổ hủ của nhân vật, từ đó, ta nhận ra được mình không thể sống như thế.
– Văn chương giúp con người vượt qua ranh giới về thân phận, về nhận thức.
– Văn chương tác động đến hành động của bạn đọc, thúc đẩy con người thay đổi nhận thức và hành động để tiến đến một sự phá vỡ những điều cũ kỹ trong bản thân. Ta không cần phải chờ đợi đến lúc chúng ta chết đi như Belikov mới ngộ ra được những chân lý ấy.
4. Mở rộng, bổ sung.
– Vượt qua ranh giới không chỉ là “hướng ra thế giới bên ngoài” mà còn là “hướng vào nội tâm bên trong”, vượt thoát khỏi những chênh vênh tâm trong tâm hồn để hiểu chính mình cần gì.
– Văn chương không chỉ giúp bạn đọc vượt qua ranh giới mà còn giúp cả nhà văn. Bởi khi hoàn kết một tác phẩm nghĩa là tự vượt qua chính mình để nói lên bao tâm tư ủ kín bấy lâu, hiểu nỗi lòng của mình hơn. Ngoài ra, khi kết thúc tác phẩm thì trình độ, năng lực viết lách của nhà văn cũng tiến bộ hơn so với trước đó.
– Văn chương cũng giúp chính nó vượt qua ranh giới. Bởi lẽ, văn chương lấy chất liệu là ngôn ngữ. Viết văn là hoạt động cấu trúc hóa ngôn từ một cách nghệ thuật và nhà văn là một phu chữ. Khi con chữ được sắp xếp thì sẽ tạo nên những nét nghĩa mới, vượt ra khỏi giới hạn biểu đạt của ngôn từ. Bản thân chữ đã có ý nghĩa, nhưng khi được cấu trúc hóa một cách nghệ thuật thì sẽ làm gia tăng nét nghĩa mới.
5. Bàn luận mở rộng.
– Trong bối cảnh văn hóa nghe-nhìn đang được đưa lên hàng đầu, vị thế của những áng văn thơ và nhà văn dường như “lép vế”. Các loại hình nghệ thuật khác như: hội họa, điện ảnh, điêu khắc… cũng có khả năng giúp con người mở rộng hiểu biết của mình, phá vỡ những lằn ranh tư duy, hành động lạc hậu. Do vậy, văn chương không thể là phương cách an toàn nhất.
– Có thể xem văn chương là một phương cách an toàn để vượt qua mọi ranh giới nhưng chưa chắc là phương cách hiệu quả nhất. Theo lẽ thường, con người phải trải qua gian khó mới có thể thay đổi. Bên cạnh đó, văn chương đôi khi chỉ có “ma lực” lúc con người đặt cuốn sách ấy trên tay. Lúc đối diện với thực tế đời sống, những điều mà ta học được từ tác phẩm có thể biến mất đi trong ý thức.
→ Trong thời đại ngày nay, văn chương cũng còn nhiều hạn chế và bất lực.
6. Liên hệ.
– Bài học cho nhà văn và bạn đọc trong quá trình sáng tạo.