chung-minh-lao-dong-la-nguon-goc-cua-van-nghe

Nghị luận: Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực đời sống

Nghị luận: Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực đời sống.

Thực tại đời sống là cội nguồn sáng tạo nghệ thuật.

– Không có cuộc sống sẽ không có sáng tạo nghệ thuật. Đối tượng phản ánh của văn học là con người trong không gian, thời gian, thiên nhiên, vũ trụ và trong các mối quan hệ xã hội. Văn học phản ánh đời sống của con người và nhận thức về con người với ước mơ tâm tư nguyện vọng.

– Thực tại đời sống là đề tài vô tận cho văn chương khai thác và phản ánh, là chất liệu vô cùng phong phú sinh động cho nhà văn lựa chọn và sử dụng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Hiện thực chính là cái nôi nuôi dưỡng nhà văn, là mảnh đất nhà văn sống hình thành cảm xúc. “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học”, “Nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại”. Bởi vậy văn học là cuốn “bách khoa toàn thư” về đời sống và con người. Nhà văn lấy chất liệu là cuộc sống hiện thực, từ đó cung cấp cho con người nhưng tri thức về xã hội, làm giàu vốn tri thức của con người.

– Văn học là tấm gương phản ánh đời sống, không bám sát đời sống nhà văn sẽ không thể cho ra đời những tác phẩm văn học giàu chất sống, có giá trị. Nếu thoát li thực tại, văn chương sẽ rơi vào siêu hình, thần bí.

Không thể đánh đồng thực tại với văn chương.

– Văn học phản ánh đời sống nhưng không bê nguyên xi hiện thực vào trong tác phẩm. Nếu đánh đồng thực tại với văn chương thì lúc đó văn chương không phải là sáng tạo nghệ thuật. Nếu văn chương chỉ và ghi chép lại những điều đã có trong hiện thực thì người đọc cũng chỉ nhìn thấy trong tác phẩm những gì họ nhìn thấy ngoài đời và như vậy văn chương không còn cần thiết và không có giá trị gì, tác phẩm sẽ trở nên nhạt nhẽo, vô hồn.

– Thực tại trong văn học không phải là sự phản ánh máy móc, rập khuôn mà được thể hiện qua chủ quan của người nghệ sĩ. Nó được phản chiếu qua tâm hồn, trí tuệ, cảm xúc mãnh liệt của nhà văn trước hiện thực. Nếu nhà văn chỉ chụp ảnh cuộc sống thì không cần đến vai trò của nhà văn. Sứ mệnh của nghệ sĩ là phản ánh hiện thực theo cái mới, qua tác phẩm kí thác những thông điệp tinh thần muốn gửi đến bạn đọc, hướng con người đến vẻ đẹp chân- thiện- mĩ. Để đạt được hiệu quả nghệ thuật, trong tác phẩm hiện thực đôi khi được hư cấu, tô đậm hơn.

– Thực tại trong tác phẩm văn chương bao gồm cả những điều mà mọi người đều đã thấy và cả vấn đề người khác chưa thấy, những điều sâu sắc mới mẻ mà chỉ nhà văn mới thấy.

– Hiện thực đời sống được người nghệ sĩ sắp xếp, tái hiện một cách sáng tạo thành chỉnh thể nghệ thuật. Tuy nhiên sự lựa chọn, sắp xếp hiện thực trong tác phẩm văn chương cần phải tạo cho nhà văn, nhà thơ một tiếng nói riêng, một phong cách riêng, tạo nên sự hấp dẫn với bạn đọc.

Có thể nói, tác phẩm văn học đích thực phải là sự phản ánh, sáng tạo, kiến giải hay về con người và đời sống.

Thực tại trong tác phẩm văn chương là cơ sở tạo nên giá trị hiện thực của tác phẩm.

– Biểu hiện của tính hiện thực của tác phẩm văn học là:

+ Phản ánh đúng thực tại, bản chất của đời sống và chức năng của văn học là giúp con người nhận thực đời sống xã hội.

+ Sự chân thực của cảm xúc, đánh giá, bày tỏ thái độ của người nghệ sĩ trước hiện thực, sự thể hiện bản lĩnh, nhân cách, cá tính độc đáo, tài năng của họ.

– Bản chất của tính hiện thực trong tác phẩm văn học:

+ Đối tượng phản ánh của văn học là toàn bộ thế giới khách quan, có nghĩa là phạm vi phản ánh của văn học bao gồm tất cả những gì có trong thực tế khách quan. Hiện thực là cội nguồn sản sinh ra các sáng tác văn học và đồng thời là chìa khóa giải thích những hiện tượng phức tạp trong văn học. Cho nên có thể nói tính hiện thực là thuộc tính tất yếu của văn học.

+ Giá trị hiện thực của tác phẩm văn học là toàn bộ hiện thực được nhà văn phản ánh trong tác phẩm văn học, tùy vào ý đồ sáng tạo mà hiện thực đó có thể đồng nhất với thực tại cuộc sống hoặc có sự khúc xạ ở những mức độ khác nhau. Hiện thực trong các tác phẩm văn chương có thể là hiện thực được hư cấu.

– Văn học không tách rời tư tưởng nhưng chính tư tưởng cũng bắt nguồn từ hiện thực, bởi ý thức con người chính là sự phản ánh đời sống xã hội. Vì thế có thể khẳng định, bất kì nền văn học nào cũng được hình thành trên một cơ sở hiện thực nhất định. Cho dù là một tác phẩm lãng mạn hay một tác phẩm viễn tưởng thì văn học vẫn bắt nguồn từ một hiện thực đời sống nhất định, mang dấu ấn của một thời đại nhất định.

– Tuy nhiên, tính hiện thực trong các tác phẩm văn học được thể hiện đậm nhạt khác nhau. Chỉ khi nào nhà văn phản ánh đúng bản chất hay một vài khía cạnh của bản chất đời sống thì hiện thực của tác phẩm ấy mới đạt đến tính chân thật.

– Tác phẩm có tính hiện thực cao là tác phẩm phản ánh được quy luật phổ biến, những tất yếu khách quan, những chân lí đời sống, những kiểu người và những quan hệ hiện thực cơ bản của đời sống thể hiện qua những điển hình văn học.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang