»» Nội dung bài viết:
Ý nghĩa của tính lịch sự và tế nhị trong giao tiếp.
- Mở bài:
Giao tiếp là một hoạt động chỉ xảy ra ở con người. Để giao tiếp đạt được mục đích, làm tăng cường mối gắn kết của con người, một trong những yếu tố cần phải tuân thủ đó là tính lịch sự và tế nhị.
- Thân bài:
Lịch sự là gì?
Lịch sự là những cử chỉ, hành vi ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của xã hội. Lịch sự còn là tôn trọng người khác trong giao tiếp, không có thái độ thô lỗ hay to tiếng với người đối thoại với mình.
Tế nhị là gì?
Tế nhị trong giao tiếp là tránh nói thẳng vào những điều khó nói, nhạy cảm, dung tục hay điều có thể gây đau buồn hoặc kinh sợ ở người khác.
Người có tính lịch sự và tế nhị thường có lời nói nhỏ nhẹ, điềm đạm. Cử chỉ và hành động luôn đúng chuẩn mực. Ở họ thể hiện sử hiểu biết những phép tắc, những quy định chung của xã hội trong quan hệ giữa con người với con người. Họ luôn biết tôn trọng người khác trong giao tiếp. Người lịch sự không bao giờ cướp lời hay nói tranh lời khi người khác đang nói. Khi nhắc nhở hay khuyên bảo ai, họ cũng ôn tồn, bình tĩnh tránh xúc phạm đến người đối diện.
Tại sao phải lịch sự và tế nhị trong giao tiếp?
Biết lịch sự và tế nhị trong giao tiếp tạo nên một môi trường giao tiếp thân mật để học hỏi lẫn nhau. Người đối thoại với mình luôn cảm thấy được tôn trọng. Từ đó chân thành, cởi mở hơn trong lời nói và hành động. Họ thường được mọi người yêu mến, tôn trọng, tin tưởng và giúp đỡ trong cuộc sống. Giao tiếp văn hóa, chuẩn mực, hiệu quả sẽ khiến bản thân tự tin hơn trong cuộc sống
Tính lịch sự và tế nhị trong giao tiếp thể hiện bản lĩnh giao tiếp của mỗi con người. Không phải lớn tiếng hơn thua mới là người mạnh mẽ. Người mạnh mẽ luôn cân nhắc lời nói của mình. Hãy nên chiến thắng bằng sức mạnh của sự thật chứ không phải bằng sức mạnh của thái độ lỗ mãng. Càng trong gian khó, ta càng cần phải điềm tĩnh, giữ vững thái độ lịch sự và tôn trọng.
Học sinh cần rèn luyện như thế nào?
Mỗi học sinh phải rèn luyện được cho mình tính lịch sự và tế nhị trong giao tiếp. Trước hết là phải ra sức phấn đấu học tập tốt. Học tập tốt để có kiến thức, có hiểu biết. Từ đó có bản lĩnh sống hiền hòa và tích cực phục vụ cuộc sống.
Học sinh phải có ý thức rèn luyện cử chỉ, hành vi, sử dụng ngôn ngữ sao cho lịch sự, tế nhị. Luôn tôn trọng đề cao những người lịch sự, tế nhị. Lấy họ làm tấm gương để rèn luyện và phấn đấu.
Tránh dùng lời nói tục tĩu, thô lỗ, bạo lực trong giao tiếp. Thái độ khi giao tiếp phải hòa nhã, cởi mở hướng đến tôn trọng và đề cao người khác. Nên “xưng khiêm tôn hô tôn” (tôn vinh người khác và khiêm nhường khi nói về bản thân) trong giao tiếp. Đặc biệt với người lớn tuổi hơn mình.
Dũng cảm phê phán, lên án những hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, không phù hợp với lứa tuổi và văn hóa của dân tộc, đồng thời giúp đỡ họ cùng rèn luyện. Cần xây dựng một văn hóa giao tiếp tốt đẹp trong cộng đồng. Làm lan tỏa phẩm chất ấy đến mọi con người.
Bài học nhsanj thức và hành động:
Lịch sự và tế nhị là đức tính cần có ở mỗi học sinh. Cần phải chú trọng rèn luyện năng lực giao tiếp để gắn kết mối quan hệ giữa mình với cộng đồng.
- Kết bài:
Người xưa từng dạy rằng: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Để thành công trong giao tiếp con người phải biết lịch sự và tế nhị trong lời nói và hành vi ứng xử. Phẩm chất ấy không những giúp ta đạt được mục đích giao tiếp mà còn làm cho người khác thêm tôn trọng và yêu mến. Bởi thế, mỗi người cần tự mình hình thành đức tính này cho bản thân mình.