»» Nội dung bài viết:
Ngôn từ là chất liệu của văn chương nghệ thuật
1. Ngôn từ, chất liệu duy nhất để xây dựng hình tượng của văn chương
Tất cả các loại hình nghệ thuật, kể cả văn chương, đều thống nhất ở một điểm cơ bản là phản ánh cuộc sống bằng hình tượng. Nhưng sở dĩ các loại hình nghệ thuật đều song song tồn tại, và dường như là để bổ sung cho nhau là vì đặc trưng hình tượng của các loạt hình nghệ thuật đó khác nhau trên nhiều điểm cơ bản. Chẳng hạn, hình tượng của nghệ thuật hội họa, điêu khắc, kiến trúc là có tính chất tĩnh và chiếm một khoảng không gian nhất định; hình tượng của nghệ thuật âm nhạc, điện ảnh… có tính chất động và diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định v.v… Vậy, cái gì đã khiến cho hình tượng các loại hình nghệ thuật có đặc điểm riêng biệt đó? Lí do trên hết và trước hết chính là ở đặc trưng của chất liệu xây dựng nên hình tượng nghệ thuật của chúng. Chất liệu màu sắc, đường nét của hội họa khác hẳn chất lượng âm thanh của âm nhạc, hình khối của điêu khắc. Chất liệu ngôn từ của hình tượng văn chương khác xa với màu sắc, âm thanh, đường nét, hình khối của các nghệ thuật kia.
Ðiều đáng lưu ý trong bức tranh này là văn chương được xếp ở một vị trí đặc biệt: nó vừa mang tính chất của nghệ thuật tĩnh, không gian, lại vừa mang tính chất nghệ thuật động, thời gian; vừa là nghệ thuật biểu hiện, lại vừa có mặt trong nghệ thuật tạo hình; lại nữa, nó như là cầu nối giữa nghệ thuật tổng hợp với các nghệ thuật riêng rẽ.
Chính ngôn từ, chất liệu cấu tạo nên các hình tượng văn chương đã quy định tính độc đáo và đặc biệt đó của văn chương. Vì vậy, để tìm hiểu về văn chương nghệ thuật, không thể không tìm hiểu đặc trưng bản chất liệu đã tạo nên hình tượng văn chương.
2. Phân biệt ngôn ngữ và ngôn từ.
Cần thiết phải phân biệt khái niệm ngôn ngữ với ngôn từ để đi tới nắm bắt đặc trưng chất liệu xây dựng hình tượng văn chương dễ dàng hơn. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, một sản phẩm tập thể được ra đời trong quá trình lao động sản xuất xã hội. Nó cũng là hệ thống ký hiệu tồn tại trong ý thức của những người cùng một dân tộc. Ngôn ngữ ra đời đồng thời với tư duy và chức năng quan trọng của nó là giao tế – giao lưu giữa người này với người kia. Ngôn ngữ là nguồn dự trữ các từ và nguyên tắc kết hợp ngữ pháp, là một pho tự điển chung cho mọi người, mỗi cá nhân không thể sáng tạo ra ngôn ngữ. Còn lời nói là hình thức tồn tại thực tế của ngôn ngữ, là ngôn ngữ trong hành động, là bản thân quá trình giao tiếp bằng ngôn ngữ giữa người và người cụ thể, nảy sinh trong một hoàn cảnh cụ thể và bao giờ cũng biểu đạt những tư tưởng nhất định, mang màu sắc tình cảm và khuynh hướng tư tưởng nhất định. Lời bao gồm lời nói và lời viết, đồng nghĩa với hoạt động ngôn từ.
Như vậy, không phải ngôn ngữ là chất liệu xây dựng hình tượng văn chương mà là ngôn từ – lời được sử dụng với tất cả phẩm chất và khả năng thẩm mĩ của nó. Ngôn ngữ là tổng thể các yếu tố của phương tiện giao tiếp là cơ sở của ngôn từ. Chỉ có ngôn từ – yếu tố vật chất mang tính hình tượng mà cơ sở là câu – cái có khả năng phản ánh các yếu tố của hiện thực trong một tương quan nhất định mới là chất liệu văn chương.
3. Khả năng nghệ thuật của ngôn từ
Tính độc đáo của các loại hình nghệ thuật là do tính chất của chất liệu đã cấu tạo nên hình tượng nghệ thuật của chúng. Tức là các loại nghệ sĩ đã tìm thấy cho mình khả năng nghệ thuật ở trong từng loại chất liệu nhất định, cũng có nghĩa là các loại hình nghệ thuật tồn tại dựa trên cơ sở khả năng nghệ thuật của chất liệu. Vậy khả năng nghệ thuật của chất liệu cấu tạo hình tượng văn chương là như thế nào?
Nếu nghệ thuật, tính hình tượng là thuộc tính của chúng thì nghệ sĩ ngôn từ đã có một lợi thế là tính hình tượng văn chương đã có cơ sở ngay từ trong chất liệu. Ngôn từ mang tính hình tượng tự trong bản chất của nó. Bởi vì, ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư duy và ý thức không thể tồn tại ngoài ngôn ngữ được. Các từ câu của lời nói là hình ảnh của hiện thực. Ngôn ngữ thực hiện chức năng giao tế trên 3 phương diện: định danh (lời nói gọi tên các sự vật – chức năng định danh), biểu ý (lời nói trao đổi ý kiến với nhau) biểu cảm (lời nói biểu hiện và truyền đạt tình cảm). Như vậy lời nói gợi lên các sự vật, đưa con người thâm nhập vào thế giới của ấn tượng, cảm xúc.
Khi tín hiệu ngôn ngữ tác động đến thị giác hay thính giác của con người, thì lập tức bằng thói quen và kinh nghiệm, các sự vật được gợi đến hiện lên trong đầu óc chúng ta. Sự vật, hiện tượng nào chúng ta tiếp xúc nhiều thì hiện lên càng rõ. Chính vì vậy mà ngôn ngữ tuy là vỏ vật chất nhưng có khả năng biểu đạt được một cách hình tượng cuộc sống xã hội cùng những cảm xúc, suy tư, thái độ của con người trước cuộc sống.
Âm thanh trong âm nhạc, màu sắc trong hội họa, gỗ đá trong điêu khắc, trước hết chúng chỉ là vật vô tri, vô giác của tự nhiên, có sẵn trong tự nhiên. Trong lúc đó, ngôn ngữ là của cải của xã hội, nó không vô tri mà bất cứ đơn vị nào cũng là yếu tố của tư tưởng. Vì vậy mà rất thường khi trong tác phẩm văn chương ta bắt gặp những câu như là những lời nói bình thường với những từ chỉ có nghĩa đen – gợi lên sự vật bình thường nhưng nó vẫn mang tính hình tượng. Chỉ bởi các từ đó đã gợi ra các sự vật. Có người thắc mắc rằng, ví dụ, câu sau đây trong một cuốn tiểu thuyết nọ thì nghệ thuật ở đâu: Bà bá tước ra đi lúc 5 giờ sáng?
Trước hết phải thấy rằng tiểu thuyết có những lời văn bình thường như lời nói ngoài đời là bình thường. Còn tính nghệ thuật của chúng ở đây là chỗ gọi ra đúng tên, sự việc cần gọi (nghĩa đen) và như vậy là gợi lên hình ảnh hiện thực – đạt được tính hình tượng. Hơn nữa, không thể hiểu hết lời văn đó, khi tách nó ra khỏi văn cảnh.
Tính hình tượng của ngôn từ tồn tại trong bản thân nó mà người ta dễ nhận ra ở loại từ tượng hình, tượng thanh, mô tả cảm giác và tâm trạng. Chẳng hạn:
Chị ấy năm nay còn gánh thóc.
Dọc bờ sông trảng nắng chang chang
Kẽo cà, kẽo kẹt,
Kẽo cà, kẽo kẹt
Tay em đưa đều,
Ba gian nhà nhỏ
Ðầy tiếng võng kêu.
Tính hình tượng của ngôn từ còn thể hiện ở các phương thức chuyển nghĩa: tỷ dụ, ẩn dụ, hoán dụ…
Nghe như cưa xe, tiếng ve rít dài
Nghìn tay than chảy rạch máu trời xanh
Vì sao trái đất nặng ân tình
Nhắc Mãi tên người Hồ Chí Minh
Lời nói là hình thức tồn tại cụ thể của ngôn ngữ, là hành động cá nhân mang tư tưởng, tình cảm, ý chí nguyện vọng cá nhân. lời nói không bao giờ vô chủ cả, má bao giờ cũng là phát ngôn của một chủ thể. Như thế qua lời nói mà ta nhận ra người nói, ở đây, ngôn từ bộc lộ khả năng nghệ thuật của mình ở giác độ cá thể hóa. Khả năng nghệ thuật của ngôn từ là cơ sở của ngôn từ nghệ thuật.