»» Nội dung bài viết:
Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người, đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời.
- Mở bài:
Thơ ca là chiều sâu, là sự chắc lọc, kết tinh của tâm hồn. Thuở ban đầu, thơ ca xuất hiện từ nỗi rung động mãnh liệt của người nghệ sĩ trước cuộc đời. Về sau, thơ ca còn là kết tinh của tư tưởng, trết lí, suy niệm của con người. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều đó trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt. Bếp lửa là biểu hiện một triết lý thầm kín: những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người, đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời.
- Thân bài:
Triết lí thầm kín là gì?
Triết lí thầm kín là những gì có ý nghĩa, mang tính quy luật được biểu hiện một cách thầm kín, không thổ lộ ra bên ngoài. Cần có một sự suy nghiệm sâu sắc mới có thể nhận thấy được.
Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người là gì?
“Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ” mỗi người đó là những gì tồn tại và gắn bó, có tác động sâu sắc lên đời sống và hình thành nên các giá trị trong tuổi thơ con người. Đó có thể là những người thân trong gia đình, bạn bè, những kỷ niệm, một cây lược, một chiếc bút… gắn bó sâu sắc với ta. Những giá trị ấy có sức mạnh làm tỏa sáng và nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời. Các giá trị ấy trở thành điểm tựa, nguồn động lực, cho ta sức mạnh trong mỗi bước đường đời.
Biểu hiện của “triết lí thầm kín” trong bài thơ bếp lửa của Bằng Việt:
Bằng Việt viết bài thơ Bếp lửa khi ở xa tổ quốc. Càng ở xa người ta càng mong nhớ và trân trọng những tháng ngày vất vả và khổ đau đã đi qua để có ngày hạnh phúc. nhà thơ nhớ về tuổi thơ, nhớ lại kỉ niệm và thêm trân quý bởi nó như viên ngọc sáng có sức mạnh thanh lọc và nâng đỡ tâm hồn.
Trong bài thơ Bếp lửa, những gì thân thiết của tuổi thơ người cháu là bà, là bếp lửa, là những hình ảnh của quê hương…Những hình ảnh đó đã in đậm trong cháu từ thuở ấu thơ. Đó là hình ảnh “một bếp lửa chờn vờn sương sớm” với khói bếp “hun nhèm mắt cháu”, “nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”. Bếp lửa với sự ấm nồng, thân thiết đã là chỗ dựa cho cháu, nhen lên trong cháu những tâm tình, những niềm tin, là nơi chắp cánh ước mơ cho cháu.
Đó là người bà tảo tần, đã trải qua “biết mấy nắng mưa”. Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ, bà vẫn giữ thói quen dậy sớm, từng ngày nhóm lên ngọn lửa ấm. Bà với tình yêu thương, đức hy sinh, niềm tin yêu cuộc sống. .
Những kỉ niệm còn tươi nguyên trong trí nhớ. Từng khoảnh khắc thời gian được tái hiện rõ ràng. Đó là những năm đầu kháng chiến:
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy.
Đó là những năm ở cùng bà: Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa, bố mẹ đi kháng chiến cứu nước, cháu ở cùng bà, tuy đơn chiếc nhưng vẫn ấm áp tình thương:
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha công tác bận không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc
Rồi năm giặc tràn về làng. Chúng hủy diệt tất cả nhưng không thể nào hủy diệt được niềm tin trong lòng bà. Dẫu mọi thứ có bị “cháy tàn cháy rụi” thì bà “vẫn vững lòng”, “dặn cháu đinh ninh” không kể chuyện nhà khi viết thư cho bố. Bà chấp nhận cam chịu khổ đau, vượt qua nghịch cảnh để người nơi mặt trận an lòng mà chiến đấu cứu nước. Lời bà dặn nghe sao mà mạnh mẽ kiên cường đến thế. Hình ảnh ấy mãi mãi in sâu vào tâm trí, trở thành nguồn sức mạnh chiến đấu của người cháu sau này.
Khi cháu lớn lên, học tập và công tác nơi xa, bà và bếp vẫn là điểm tựa, là nguồn động viên là nơi nâng đỡ. Trong lòng cháu vẫn không thôi nhắc nhở mình rằng: “sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?…”. ngọn lửa ấy đã thức dậy chưa để sưởi ấm tâm hồn người cháu nơi xa Tổ quốc.
Suy rộng ra, điều tạo ra sức tỏa sáng, sự nâng đỡ người cháu trong bài thơ còn là quê hương, đất nước. Dù hoàn cảnh sống đã có nhiều đổi thay và kỉ niệm quá khứ bị che phủ bởi lớp thời gian đằng đẵng nhưng nó vẫn tỏa sáng và nồng ấm trong kí ức con người. Ngọn lửa nhóm lên từ bàn tay tảo tần của bà, bởi tình yêu thương thiết tha của bà là “những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ” của nhà thơ, vẫn mãi “tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời”.
Đánh giá nghệ thuật biểu hiện:
Bài thơ kết hợp trữ tình, tự sự vừa tâm tình thủ thỉ, vừa tha thiết, dặt dìu. nhiều hình ảnh thơ đẹp, gây ấn tượng và sức ám ảnh sâu sắc. Thành công của Bằng Việt đó là kể chuyện bằng thơ rất tự nhiên. Chuyện nhóm lên ngọn lửa mỗi ngày của bà thôi mà trong đó còn có cả ngọn lửa đấu tranh, sức sống mãnh liệt của dân tộc trong trận chiến sinh tử với kẻ thù.
Những hình ảnh, kỉ niệm thân thiết nhất của tuổi thơ người cháu đã có sức tỏa sáng, nâng đỡ cháu, là chỗ dựa, là nguồn cổ vũ động viên cháu trên hành trình dài rộng của cuộc đời cháu. Bài thơ còn ca ngợi vẻ đẹp của người bà, người phụ nữ Việt Nam, gợi lòng biết ơn, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước.
- Kết bài:
Quá khứ là nơi gìn giữ sự sống đã trải qua của mỗi chúng ta. Nó tuy vô hình nhưng luôn hiện hữu trong tâm hồn mỗi người. Hãy trân trọng và giữ gìn nó như giữ gìn sự sống trong hiện tại và khát vọng ở tương lai. Không có quá khứ, sự tồn tại của con người cũng trở nên vô nghĩa. “Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người, đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời”. Bếp lửa là một sự hồi nhớ mang đầy tính nhân văn cao cả về tình yêu gia đình và quê hương đất nước.
hay. Rát bổ ích. Cảm ơn tác giả bài viết