nhung-nhan-dinh-van-hoc-hay-ve-bai-tho-mua-xuan-nho-nho-va-nha-tho-thanh-hai

Những nhận định hay về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ và nhà thơ Thanh Hải

Những nhận định văn học hay về bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” và nhà thơ Thanh Hải

– “Mùa xuân nho nhỏ” là một trong những bài thơ tiêu biểu trong gia tài thơ xuân Việt Nam, được nhà thơ Thanh Hải viết trên giường bệnh, trước khi mất chỉ vài ngày. Đó là lời tự bạch chân thành với những tâm niệm đầy tính nhân văn về lẽ sống và đời thơ.

– Bài thơ thể hiện tình yêu cuộc sống thiết tha và nguyện ước cống hiến chân thành, tha thiết của Thanh Hải.

– Bức tranh xuân của thiên nhiên đất nước được tạo nên từ các chi tiết tiêu biểu, được vẽ bằng cả màu sắc lẫn âm thanh.

– Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước hóa thân thành mùa xuân của con người. Đẹp biết bao nhiêu là những mùa xuân của con người. Nhưng so với thiên nhiên, đất nước bao la, mãi mãi trường tồn thì cuộc đời một con người mới nhỏ bé, ngắn ngủi làm sao. Cho nên nhà thơ chỉ khiêm nhường nhận mình là một mùa xuân nho nhỏ, hi vọng cùng với triệu triệu những con người khác trên khắp mọi miền đất nước góp phần mình làm đẹp thêm cho mùa xuân đất nước. Cao quý biết bao cái ước muốn được lặng lẽ hiến dâng ấy!

– Mùa xuân thiên nhiên là sự hòa điệu của sắc màu và âm thanh. Sắc xanh của dòng sông, của chồi non lá biếc, sắc tím của bông hoa, và một chút long lanh của những giọt sương mai. Đó vốn là những gam màu quen thuộc trong những bức tranh xuân trên mọi miền đất nước mà như vẫn vương vương một chút gì dịu dàng, kín đáo, mộng mơ của xứ Huế.

– Chỉ một thanh âm duy nhất vút lên, lảnh lót, vang xa của con chim báo tin xuân-chim chiền chiện. Cái âm thanh ấy trở thành khúc nhạc dạo đầu cho một bản hòa ca của đất nước và con người ở những câu tiếp sau. Bản hòa ca của mùa xuân đất nước được diễn tấu bằng những nhịp mạnh, nhanh, dồn dập, khẩn trương. Nó vang lên từ nơi những nương mạ gọi người ra đồng nhanh tay cấy cho kịp thời vụ; từ nơi những chiến trường xa gọi người cầm súng nắm chắc tay súng canh giữ biên cương.

– Đất nước, lịch sử như đang chuyển động, đang cùng với mùa xuân “đi lên phía trước”. Bản hòa ca thể hiện sức sống của một dân tộc, không gì ngăn cản được sức mạnh ấy bởi đó là sức mạnh của mùa xuân. Trong bản hòa ca ấy có một nốt trầm xao xuyến. Nó chính là tiếng lòng của người thi sĩ, là ước nguyện chân thành và cảm động, mong ước được đóng góp, được cống hiến cuộc đời mình cho đất nước: “Ta làm con chim hót/Ta làm một nhành hoa/Ta nhập vào hòa ca”. Nếu như con chim chiền chiện cất tiếng hót gọi mùa xuân về thì Thanh Hải cũng mong muốn mượn tiếng thơ của mình để ca ngợi đất nước: “Mùa xuân tôi xin hát…”

– Đó là khúc ca xuân, khúc ca yêu cuộc sống được cất lên từ chính khát vọng sống mãnh liệt, bằng lòng tin yêu vào con người và cuộc đời của nhà thơ.

– Những mầm non mùa xuân-dấu hiệu của một sự sống mới bắt đầu có ở khắp mọi nơi: mầm non trên cành lá ngụy trang giắt quanh lưng người chiến sĩ, mầm non trải dài trên nương mạ của những người nông dân. Mùa xuân gieo sức sống trên mọi vật. Cả thiên nhiên đất trời đang hòa mình cùng hơi thở mùa xuân. Không khí thật náo nức, giục giã: “Tất cả như hối hả/Tất cả như xôn xao”. Cái náo nức, xôn xao ấy có lẽ không chỉ của cảnh vật khi mùa xuân về mà còn chính là tâm hồn nhà thơ. Tâm hồn ấy cũng đang hồ hởi, náo nức chào đón mùa xuân. Trong tâm trạng ấy, nhà thơ viết nên những dòng thơ ngợi ca Tổ quốc.

– “Vất vả và gian lao” là những từ ngữ cô đúc nói lên được những khó nhọc và hi sinh của nhân dân ta trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Tổ quốc sẽ như vì sao tiến lên phía trước. Sức sống của thiên nhiên đất trời lúc vào xuân tiếp thêm sức sống cho đất nước.

– Về những câu thơ thể hiện khát vọng của tác giả: Những câu thơ giống như lời tổng kết của tác giả về cuộc đời mình-một cuộc đời đã cống hiến trọn vẹn cho đất nước. Tuổi trẻ đi theo cách mạng, phục vụ đất nước, đến thời điểm Thanh hải viết bài thơ này, cuộc đời ông đã ở những ngày cuối cùng, vậy mà con người ấy vẫn ước nguyện chân thành: được góp mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của cuộc đời, đất nước. Khát vọng cao đẹp đó của nhà thơ khơi gợi được ở bạn đọc những suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống của mình. Điều thiêng liêng nhất mà tạo hóa ban cho con người chính là cuộc sống nhưng phải sống như thế nào để cuộc sống ấy có ý nghĩa? Phải chăng đó là cuộc sống mà nhà thơ Thanh Hải đã sống: dâng hiến tất cả sức lực, trí tuệ, nhiệt tình cho đất nước.

– Thiên nhiên, đất trời, cây cỏ… tất cả bừng sáng lên trong những sắc màu, âm thanh: hoa tím biếc, vang trời, từng giọt long lanh, lộc giắt đầy, lộc trải dài, chim hót, hòa ca… Bằng thị giác (quan sát), bằng thính giác (lắng nghe), bằng xúc giác (tôi đưa tay tôi hứng), bằng sự hóa thân (làm chim, làm hoa, làm nốt nhạc trầm), nhà thơ đã thể hiện hết mình lòng tin yêu cuộc sống và khiêm tốn hiến dâng cho đất nước, nhân dân (Một mùa xuân nho nhỏ/Lặng lẽ dâng cho đời).

– Bài thơ không chỉ hay về ý tứ mà còn hay về nhạc điệu. Câu thơ 5 tiếng ngắt nhịp 3/2 xen với 2/3 linh hoạt…Không chỉ ngắt nhịp linh hoạt, nhà thơ còn chú ý dùng vần trắc cuối năm khổ thơ, tạo một âm vang giòn giã như thể nhịp phách tiền. Đó là các câu cuối khổ thứ nhất, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu…

– Cuộc đấu tranh bền bỉ, anh dũng của nhân dân miền Nam, của nhân dân Thừa Thiên, là nguồn cảm hứng chủ yếu của thơ Thanh Hải. Sau năm 1975, thơ ông càng chín hơn. Bài “Mùa xuân nho nhỏ” (1980, làm trên giường bệnh trước khi mất không lâu) là thành công tiêu biểu hơn cả.

– Thanh Hải chưa phải là một nhà thơ lớn. Nhưng một khi tiếng nói của cách mạng vút lên được thành thơ thì dẫu chưa phải một nhà thơ lớn vẫn rất quý.

– Tình yêu quê hương đất nước là cảm hứng thiết tha trong mỗi nhà thơ. Thanh Hải cũng như vậy. Ông viết về quê hương bằng những vần thơ giản dị, tự nhiên, nhưng vẫn không kém phần thơ mộng. Huế trong thơ Thanh Hải hiện lên một vẻ đẹp dịu dàng

– Có thể thấy rằng cảm hứng quê hương đất nước là cảm hứng chủ đạo, xuyên suốt trong thơ Thanh Hải. Chính với cảm hứng này, Thanh Hải đã tạo được một dấu ấn cho mình trong lòng bạn đọc yêu thơ, đặc biệt là bạn đọc miền Bắc khi thơ của các nhà thơ miền Nam được gửi ra Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Với cảm hứng quê hương, đất nước Thanh Hải đã hoà cùng mạch thơ chung của cả nước để làm nổi bật được tinh thần yêu quê hương, yêu đất nước, ý chí căm thù giặc, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

– Thanh Hải đã sử dụng một hệ thống từ vựng khá phong phú, đa số là các từ thuần Việc kết hợp một cách nhuần nhuyễn với các động từ, tính từ chỉ tình thái. Bản chất từ thuần Việt chứa đựng những sắc thái biểu cảm vừa cụ thể, vừa sinh động. Chính vì vậy việc sử dụng và kết hợp các từ thuần Việt trong thơ, Thanh Hải đã làm cho bài thơ của mình giàu hình ảnh và trở nên gần gũi hơn.

– Thanh Hải là một trong những nhà thơ tiêu biểu của miền Nam ruột thịt trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Hầu hết những bài thơ của ông đều hướng về miền Nam, hướng vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mỗi tập thơ của ông, có vẻ như khác nhau, nhưng đều nhất quán một hồn thơ, một phong cách thơ.

– Người đọc cũng yêu cái giọng mộc mạc, tự nhiên, chân chất, bình dị nhưng vô cùng trong sáng, dịu hiền, chan chứa mến thương trong thơ ông. Và phải chăng, “hồn thơ” tự nhiên ấy đã xuất phát từ một tâm hồn lúc nào cũng lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống.

–  Thơ Thanh Hải chân thật, bình dị, đôn hậu và chân thành. Tuy nhiên, ông ít đổi mới trong phong cách, nhiều khi có hiện tượng tự lập lại mình. Đối với nền thơ chống Mỹ của miền Nam, Thanh Hải là một trong những cây bút có nhiều đóng góp…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang