noi-den-chi-pheo-trong-tac-pham-cung-ten-cua-nha-van-nam-cao-nguoi-ta-nghi-ngay-den-mot-ten-say-ruou-da-huy-hoai-nhan-hinh-lan-nhan-tinh-hay-phan-tich-nhung-cai-tinh-trong-con-say-trien-mien-tu-luc

Nói đến CHÍ PHÈO trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, người ta nghĩ ngay đến một tên say rượu đã huỷ hoại nhân hình lẫn nhân tính. Hãy phân tích những cái tỉnh trong cơn say triền miên từ lúc ra khỏi tù của CHÍ PHÈO .

Nói đến CHÍ PHÈO trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, người ta nghĩ ngay đến một tên say rượu đã huỷ hoại nhân hình lẫn nhân tính.

Hãy phân tích những cái tỉnh trong cơn say triền miên từ lúc ra khỏi tù của CHÍ PHÈO .

* Hướng dẫn làm bài:

Chỉ vì sự ghen tuông vớ vẩn của Bá Kiến mà Chí Phèo đã bị đẩy vào tù. Nhà tù thực dân đã biến Chí Phèo từ một anh nông dân hiền lành thành gã nát rượu, bặm trợn gớm ghiếc. Từ khi ra khỏi tù, CHÍ PHÈO say triền miên, hầu như chỉ có một lần tỉnh, một lần gọi là nhạt rượu và một lần tỉnh trong cơn say. Cái tỉnh trong cơn say triền miên của Chí Phèo tạo nên kết cấu nghệ thuật độc đáo của tác phẩm.

Một lần gọi là nhạt rượu:

+ Là lần CHÍ PHÈO ra khỏi tù, đến nhà Bá Kiến rạch mặt kêu làng. Lúc đó, nhờ men rượu, Chí Phèo trở nên hùng hổ lắm. Nhưng đến khi đối thoại với Bá Kiến là lúc đã nhạt rượu, CHÍ PHÈO lại cảm thấy sợ. Có thể thấy hành vi của Chí hoàn toàn liều lĩnh và mang tính bột phát. Chí sợ cái uy của Bá Kiến. Đó là nỗi sợ hãi cố hữu của người nông dân trước cường quyền. Từ trong sâu xa bản chất của Chí cũng chỉ là một nông dân thật thà đến mức gần như ngây thơ. Chí làm sao qua được kẻ khôn róc đời như Bá Kiến. Bá Kiến là kẻ tinh ma xảo quyệt, lắm mưu nhiều kế nên đối phó với Chí chẳng lấy gì là khó khăn.

+ Chỉ thoáng nhìn qua là Bá Kiến đã hiểu được ý đồ của đối phương và nhanh chóng khuất phục bằng những lời đường mật ngọt tai. Từ một vị trí là kẻ đi hỏi tội kẻ thù chỉ thoắt một cái ván cờ đã lật ngược: kẻ có tội lại ung dung như một kẻ ra ơn còn người hỏi tội lại thành tay sai phục dịch cho kè thù mà không hay biết.

Lần tỉnh táo thứ nhất là sau khi ăn bát cháo hành của Thị Nở:

+ Bát cháo hành của thị Nở làm thức tỉnh lương tri đã mất từ lâu của Chí. Nếu như trước đây, Chí chỉ biết uống rượu, chửi bới, dọa nạt, cướp giật, nằm vạ… thì giờ đây khi được ăn bát cháo hành miễn phí của thị Nở, hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ổi sao mà hắn hiền…? Bát cháo có gì đâu, một chút cháo, vài cọng hành và ba hạt muôi mà hiệu quả thật không ngờ, bát cháo hành quả là liều thuốc giải độc. Nó vừa giúp Chí Phèo thoát ra khỏi cơn ốm sau khi say rượu vừa khơi dậy bản chất ý thức con người ở Chí. Phải chăng bát cháo hành đơn sơ chân quê đó đã được nấu bằng tất cả tấm lòng yêu thương chân thật của thị Nở? Đúng vậy, “bát cháo hành” tượng hình cho tình cảm của thị Nở với Chí Phèo, một tình cảm dịu dàng, giản dị nhưng đong đầy ân tình, nhân nghĩa…

+ Đó là thứ tình cảm thiêng liêng giữa con người với con người, thứ tình cảm đó có thể cảm hóa được con người, khiến họ từ bỏ những cái xấu xa để sống đúng với bản chất vốn có của một con người. Một sự tỉnh tao kì diệu, đã chuyển Chí từ một con quỹ dữ trở thành người khao khát sống cuộc đời lương thiện.

Lần tỉnh thứ hai là trong cơn say:

+ Là lần CHÍ PHÈO cầm giao đến giết Bá Kiến. Trong cơn say, ý định ban đầu của Chí là đến đâm chết bà cô Thị Nở và Thị Nở. Xong, bước chân quen thuộc lại đưa Chí đến nhà Bá Kiến, đâm chết Bá Kiến và kết liễu cuộc đời mình. Chí nhận ra rằng kẻ thù lớn nhất, độc ác nhất trong cuộc đời Chí luôn luôn chỉ có một mà thôi đó chính là tên Bá Kiến, tiềm thức đã ngủ yên biết bao năm nay của hắn bỗng được thức tỉnh.

+ Chí Phèo hoàn toàn thức tỉnh. Những lời đối thoại trước khi giết Bá Kiến là lời đối thoại tỉnh táo nhất trong lúc CHÍ PHÈO say nhất. Chí Phèo giết Bá Kiến để trả thù, để xả hết bao nỗi khốn nhục uất ức mà hắn phải chịu bấy lâu nay, để trả thù cho cái lương thiện mà tên Bá Kiến đã cướp mất của hắn.

Nhận xét:

Có thể nói, viết về cái tỉnh trong cơn say triền miên của Chí Phèo là một trong những dụng công nghệ thuật sâu sắc của nhà văn, thể hiện ý nghĩa nhân văn….và giá trị nhân đạo của tác phẩm. Nhà văn miêu tả số phận bất hạnh và cảm thông sâu sắc với bi kịch của người nông dân. Đồng thời ông còn khẳng định sức sống bất diệt của thiên lương. Lương thiện, khát khao hạnh phúc là bản tính tự nhiên, tốt đẹp và mạnh mẽ của con người. Không thế lực bào tàn nào có thể hủy diệt. Từ đó, nhà văn kêu gọi mọi người hãy luôn tin vào con người, tin vào bản chất tốt đẹp của mỗi người và cùng nhau xây đắp phần Người trong mỗi con người để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Phân tích truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang