Đề cương ôn tập giữa học kỳ 1 (Ngữ văn 7, Chân trời sáng tạo).

on-tap-giua-hoc-ky-1-ngu-van-7-chan-troi-sang-tao

Đề cương ôn tập giữa học kỳ 1.

Phần 1: Tri thức ngữ văn.

a. Nhận biết:

– Nhận biết được từ ngữ, vần, nhịp, các biện pháp tu từ trong bài thơ.

– Nhận biết được bố cục, những hình ảnh tiểu biểu, các yếu tố tự sự, miêu tả được sử dụng trong bài thơ.

– Nhận biết được đặc điểm và chức năng của  phó từ.

– Nhận biết đặc điểm và công dụng của dấu chấm lửng.

b. Thông hiểu:

– Hiểu và lí giải được tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình được thể hiện qua ngôn ngữ văn bản.

– Rút ra được chủ đề, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc.

– Phân tích được giá trị biểu đạt của từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, biện pháp tu từ.

– Giải thích được ý nghĩa, tác dụng của thành ngữ, tục ngữ; nghĩa của từ trong ngữ cảnh; công dụng của dấu chấm lửng.

c. Vận dụng:

– Trình bày được những cảm nhận sâu sắc và rút ra được những bài học ứng xử cho bản thân.

– Đánh giá được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua cách nhìn riêng về con người, cuộc sống; qua cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu.

Phần 2: Làm văn.

* Chủ đề:

– Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.

– Biểu cảm về sự vật, con người.

* Yêu cầu:

– Viết được bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử; bài viết có sử dụng các yếu tố miêu tả.

– Viết được bài văn biểu cảm về sự vật, con người.


* Nội dung cụ thể:

I. TRI THỨC NGỮ VĂN.

BÀI 1:

I. Thơ bốn chữ, năm chữ.

1. Đặc điểm.

+ Thơ bốn chữ là thể thơ mỗi dòng có bốn chữ, thường có nhịp 2/2.

+ Thơ năm chữ là thể thơ mỗi dòng có năm chữ, thường có nhịp 3/2 hoặc 2/3.

+ Thơ bốn chữ, năm chữ không hạn chế về số lượng dòng thơ trong một khổ thơ, số khổ thơ trong một bài thơ và thường được sử dụng đan xen vần chân với vần lưng.

2. Hình ảnh trong thơ.

– Hình ảnh trong thơ là những chi tiết, cảnh tượng từ thực tế đời sống, được tái hiện bằng ngôn ngữ thơ ca, góp phần diễn tả cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ về thế giới và con người.

3. Vần và vai trò của vần trong thơ.

Vần  những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Cách gieo vần trong thơ bao gồm:

+ Vần chân (hay cước vận) là vần được gieo vào cuối dòng thơ, nghĩa là các tiếng ở cuối dòng vần với nhau. Vần chân là hình thức gieo vần phổ biến nhất trong thơ.

+ Vần lưng (hay yêu vận): là vần được gieo ở giữa dòng thơ, nghĩa là tiếng cuối của dòng trên vần với một tiếng nằm ở giữa dòng dưới hoặc các tiếng trong cùng một dòng thơ hiệp vần với nhau.

+ Vai trò của vần trong thơ: vần có vai trò liên kết các dòng và câu thơ, đánh dấu nhịp thơ, tạo nhạc điệu, sự hài hòa, sức âm vang cho thơ, đồng thời làm cho dòng thơ, câu thơ dễ nhớ, dễ thuộc.

4. Nhịp thơ và vai trò của nhịp trong thơ.

+ Nhịp thơ được biểu hiện ở chỗ ngắt chia dòng và câu thơ thành từng vế hoặc ở cách xuống dòng (ngắt dòng) đều đặn cuối mỗi dòng thơ.

+ Nhịp có tác dụng tạo tiết tấu, làm nên nhạc điệu của bài thơ, đồng thơi cũng góp phần biểu đạt nội dung thơ.

5. Thông điệp.

– Thông điệp (của văn bản) là ý tưởng quan trọng nhất, là bài học, cách ứng xử mà văn bản muốn truyền đến người đọc.

6. Kinh nghiệm đọc thơ 4 chữ, 5 chữ.

– Vận dụng kĩ năng đọc tưởng tượng, theo dõi, kĩ năng đọc lướt, đọc diễn cảm.

– Tìm và nhận xét hiệu quả của những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ, vần và nhịp được sử dụng trong bài thơ.

– Xác định tình cảm, cảm xúc của tác giả thể hiện qua bài thơ.

– Xác định chủ đề, thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc.

II. Tiếng Việt.

1. Phó từ.

– Phó từ là những từ chuyện đi kèm với danh từ, động từ, tính từ. Có thể chia phó từ thành hai nhóm sau:

– Nhóm phó từ chuyên đi kèm trước danh từ, bổ sung ý nghĩa về số lượng cho danh từ, chẳng hạn: những, các, mọi, mỗi, từng,…

– Nhóm phó từ chuyên đi kèm động từ, tính từ, thường bổ sung nghĩa mức độ, khả năng, kết quả và hướng, chẳng hạn như: rất, lắm, quá, ra, đi, mất,…

– Khi đứng trước động từ, tính từ, phó từ thường bổ sung cho hành động, trạng thái, đặc điểm, tính chất được nêu ở động từ, tính từ một số ý nghĩa như: quan hệ thời gian, mức độ, sự tiếp diễn tương tự, sự phủ định, sự cần khiến,…

– Khi đứng sau động từ, tính từ, phó từ thường bổ sung cho động từ, tính từ đó một số ý nghĩa như: mức độ, khả năng, kết quả và phương hướng,…

2. Các biện pháp tu từ.

– Nhân hoá: gọi hoặc tả loài vật, đồ vật, cây cối… bằng những từ vốn gọi hoặc tả con người, làm cho các sự vật ấy trở nên sinh động, gần gũi, mang suy nghĩ, tình cảm như con người.

VD:

– Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta. (Ca dao)

Tre hy sinh để bảo vệ con người. (“Tre Việt Nam” – Thép Mới)

– So sánh: đối chiếu sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng, giúp làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

VD:

– Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con. (“Mẹ” – Trần Quốc Minh)

→ So sánh không ngang bằng.

– Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

(Ca dao)
→ So sánh ngang bằng.

– Điệp từ/ điệp ngữ: lặp lại một từ hoặc một cụm từ nhằm nhấn mạnh sự biểu đạt, cảm xúc hoặc ý nghĩa nào đó, giúp tăng sức gợi hình, gợi cảm trong câu.

VD:

– Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. (“Tre Việt Nam” – Thép Mới)

BÀI 2:

I. Truyện ngụ ngôn.

Truyện ngụ ngôn là những truyện kể ngắn gọn, hàm súc, bằng văn xuôi hoặc văn vần. Truyện thường đưa ra bài học về cách nhìn sự việc, cách ưng xử của con người trong cuộc sống.

Đề tài trong truyện ngụ ngôn: thường là những vấn đề đạo đức hay những cách ứng xử trong cuộc sống.

Nhân vật trong truyện ngụ ngôn có thể là loài vật, đồ vật hoặc con người. Các nhân vật hầu như không có tên riêng, thường được người kể chuyện gọi bằng danh từ chung như: rùa, thỏ, sói, cừu, cây sậy, thầy bói, bác nông dân, …Từ suy nghĩ, hành động, lời nói của nhân vật ngụ ngôn, người nghe, người đọc có thể rút ra những bài học sâu sắc.

Sự kiện (hay sự việc) là yếu tố quan trọng góp phần làm nên câu chuyện. Trong truyện ngụ ngôn, một câu chuyện thường xoay quanh một sự kiện chính. Chẳng hạn, ở truyện Thỏ và rùa, sự kiện chính là cuộc chạy thi giữa hai nhân vật thỏ và rùa.

Cốt truyện của truyện ngụ ngôn thường xoay quanh một sự kiện (một hành vi ứng xử, một quan niệm, một nhận thức phiến diện, sai lầm, … ) nhằm đưa ra bài học hay lời khuyên nào đó.

Tình huống truyện là tình thế làm nảy sinh câu chuyện khiến nhân vật bộc lộ đặc điểm, tính cách của mình. Qua đó, ý nghĩa của câu chuyện được một khơi sâu. Chẳng hạn, tình huống truyện trong Thỏ và rùa là cuộc chạy đua giữa hai con vật và kết quả có tính bất ngờ, làm lộ rõ đặc điểm của mỗi nhân vật và bài học từ câu chuyện.

Không gian trong truyện ngụ ngôn là khung cảnh, môi trường hoạt động của nhân vật ngụ ngôn, nơi xảy ra sự kiện, câu chuyện (một khu chợ, một giếng nước, một khu rừng … )

Thời gian trong truyện ngụ ngôn là một thời điểm, khoảnh khắc nào đó mà sự việc, câu chuyện xảy ra, thường không xác định cụ thể.

II. Tóm tắt văn bản và yêu cầu của việc tóm tắt văn bản.

– Văn bản có thể được tóm tắt bằng lời hoặc bằng sơ đồ, bằng đoạn văn hoàn chỉnh hay bằng một dàn ý. Nhưng dù theo cách nào thì văn bản tóm tắt phải ngắn gọn, cô đúc. Khi tóm tắt văn bản, ta phải lược bỏ các yếu tố phụ, ý phụ, giữ lại những yếu tố chính, ý chính của văn bản.

III. Dấu chấm lửng.

– Dấu chấm lửng được kí hiệu bởi ba dấu chấm ( … ), còn gọi là dấu ba chấm, là một trong những loại dấu câu thường gặp trong văn viết.

– Dấu chấm lửng có các công dụng:

+ Biểu đạt ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết khi kết hợp với dấu phẩy đứng trước nó.

Ví dụ:

– Khi tiếng trống hiệu vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội thoăn thoắt leo lên thân cây chuối rất trơn vì đã bôi mỡ. Có người leo lên, tụt xuống, lại leo lên … (Minh Nhương, Hội thổi cơm thi ở Đồng Văn)

+ Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngùng, ngắt quãng.

Ví dụ:

– Bởi vì …bởi vì …(San cúi mặt và bỏ tiếng Nam, dùng tiếng Pháp) người ta lừa dối anh. (Nam Cao, Sống mòn)

+ Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ hay hài hước, châm biếm.

Ví dụ:

Thầy Lí cũng xòe năm ngón tay trái úp lên trên ngón tay mặt nói:

– Tao biết mày phải …nhưng nó lại phải …bằng hai mày.

(Trương Chính – Phong Châu, Nhưng nó phải bằng hai mày)

+ Biểu thị lời trích dẫn bị lược bớt.

Ví dụ:

Nước từ trên núi Tiên giội như thác, trắng xóa, qua suối Cộc xóm Đông tràn sang suối xóm Tây rồi dồn về suối xóm Trại chúng tôi [ …] Trẻ con chúng tôi la ó, té nhau, reo hò. (Duy Khán,Tuổi thơ im lặng)

+ Mô phỏng âm thanh kéo dài, ngắt quãng:

Ví dụ:

Ò …ó …o …

(Ò …ó …o – Trần Đăng Khoa)  

II. LÀM VĂN.

* Dàn bài:

Dàn bài kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.

  • Mở bài:

– Nêu được sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà văn bản sẽ thuật lại.

– Nêu lí do hay hoàn cảnh người viết thu thập tư liệu liên quan.

  • Thân bài:

a. Gợi lại bối cảnh, câu chuyện, dấu tích liên quan đến nhân vật/sự kiện.

– Câu chuyện, huyền thoại liên quan

– Dấu tích liên quan

b. Thuật lại nội dung, diễn biến của sự việc có thật liên quan đến nhân vật/sự kiện lịch sử.

– Bắt đầu → diễn biến → kết thúc.

– Sử dụng được một số bằng chứng (tư liệu, trích dẫn… ), kết hợp kể chuyện, miêu tả.

c. Ý nghĩa, tác động của sự việc đối với đời sống hoặc đối với nhận thức về nhân vật/sự kiện.

  • Kết bài:

– Khẳng định ý nghĩa của sự việc hoặc nêu cảm nhận của người viết về sự việc.

Dàn bài biểu cảm về sự vật, con người.

  • Mở bài:

– Giới thiệu đối tượng biểu cảm (ai) và tình cảm chung với đối tượng ( yêu quý, tự hào, biết ơn..)

  • Thân bài:

a. Biểu cảm cụ thể về người đó.

– Biểu cảm về vẻ đẹp ngoại hình, tính tình, tài năng (nét tiêu biểu), qua đó thể hiện sự yêu, quý, khâm phục…

– Biểu cảm về đối tượng ở những kỉ niệm sâu sắc (một vài kỉ niệm), qua đó hiểu rõ hơn, yêu quý hơn, khâm phục…

– Biểu cảm về vai trò, tầm quan trọng của người đó đối với mình (quan trọng thế nào, nếu có, nếu không…)

  • Kết bài:

– Khẳng định lại tình cảm yêu quý của mình với đối tượng.

– Liên hệ mình cần làm gi để thự hiện tình cảm trên.


Tham khảo:

Kể lại sự việc liên quan đến một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em yêu thích.

Kể về buổi lễ truyền thống nhà trường Nguyễn Tri Phương.

Vào năm học trước, khi mới là học sinh lớp 6, em đã được thạm dự ngày lễ truyền thống nhà trường được tổ chức rất trang trọng. Ngày 20 tháng 12 âm lịch hằng năm, trường em lấy đó là ngày Truyền thống nhà trường, cũng là để tưởng niệm ngày mất của vị danh tướng Nguyễn Tri Phương, một đại thần mà ngôi trường em vinh dự được mang tên.

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, toàn thể thầy cô và học sinh toàn trường hướng về sân khấu chính có tượng đài ông và bàn thờ cúng được chuẩn bị đầy đủ lễ vật với long thành kính, biết ơn. Em thấy thật tự hào và xúc động vô cùng khi nghe thầy hiệu trưởng đọc điếu văn tưởng nhớ, gợi lại những chiến công vẻ vang của vị danh tướng.

Bài diễn văn vang lên, em như được sống lại trong những giây phút lịch sử hào hùng và hình ảnh về vị anh hung lẫy lừng của của dân tộc. Nguyễn Tri Phương sinh năm 1800, tại làng Ðường Long, tổng Chánh Lộc, huyện Phong Ðiền, phủ Thừa Thiên. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã tỏ rõ là một cậu bé thông minh, ham học và có năng khiếu cả văn lẫn võ. Nhờ có học vấn và tư chất đạo đức tốt mà năm 1823, ông được vua Minh Mạng nhiều lần bổ nhiệm chức quan to và bắt đầu bộc lộ tài năng quân sự

Ngày 20-11-1873, sau nhiều lần gửi tối hậu thư không kết quả, quân Pháp chia làm hai mũi bất ngờ nổ súng đánh chiếm thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương đã bình tĩnh chỉ huy quân và dân Hà Nội kiên cường chống trả. Ông cùng người con trai là phò mã Nguyễn Lâm đích thân lên mặt thành chỉ huy cuộc chiến đấu. Trong khi đang chỉ huy, ông bị một mảnh đạn đại bác găm vào bụng và bị thương nặng. Cửa thành bị đạn đại bác công phá, quân Pháp tràn vào trong thành và bắt được ông. Chúng băng bó vết thương và chạy chữa để lợi dụng ông về sau này, song Nguyễn Tri Phương đã kiên quyết cự tuyệt. Sau nhiều ngày tuyệt thực, Nguyễn Tri Phương đã trút hơi thở cuối cùng ngay trong dinh Tổng đốc thành Hà Nội, bình thản về với tổ tiên vào ngày 20-12-1873 .Con trai ông là Nguyễn Lâm cũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội. Như vậy, với hơn 50 năm phụng sự việc nước, phò tá 3 đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, trải qua nhiều cương vị, Nguyễn Tri Phương đã dốc toàn bộ tâm trí và tinh lực lo cho nước, cho dân.

Phần điếu văn kết thúc trong sự xúc động và thán phục của không chỉ em mà là tâm trang chung của mọi người tham sự lễ. Sau đó là phần dâng hương của thầy cô và các bạn học sinh trong khúc nhạc Hành khúc Nguyễn Tri Phương thật hung tráng.

Người anh hùng dân tộc Nguyễn Tri Phương, ông không chỉ là một danh tướng có tài cầm quân và biết thu phục nhân tâm để đương đầu với một đạo quân xâm lược có tiềm lực kinh tế và quân sự vượt trội, mà còn là một vị quan thanh liêm biết lo cho dân, đau với từng nỗi đau của dân. Đây quả đúng là một danh tướng đáng quý, ông đã sống và hi sinh thật khẳng khái và oanh liệt lắm thay! Em thấy vinh dự khi được tham gia buổi lễ và càng tự hào khi được học tập dưới ngôi trường mang tên ông.


Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.

Mạc Đĩnh Chi sinh ra ở xã Lũng Động, huyện Chí Linh, nay là thôn Lũng Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo, hai mẹ con phải đi vào rừng sâu hái củi để kiếm sống hàng ngày. Bà mẹ đã chịu hy sinh tất cả để cố nuôi con, cho con đi học. Trong những năm tháng nhọc nhằn, tủi nhục, mẹ vẫn cắn răng chịu đựng, chỉ ao ước con mình sẽ có ngày đỗ đạt để giúp ích cho đời, thoát khỏi cảnh nghèo, niềm tin ấy đã giúp mẹ vượt qua mọi gian khổ. Hiểu được lòng mẹ, Mạc Đĩnh Chi càng ra sức học tập.

Vốn là cậu bé có tư chất thông minh lại phải sống trong cảnh mồ côi nghèo khổ, bị người đời khinh rẻ, nên Mạc Đĩnh Chi sớm nhận ra rằng chỉ có học tập, học thành tài mới là con đường đưa cậu bé thoát khỏi cảnh nghèo khổ và cũng là để thể hiện phẩm chất thanh cao của con người từ sự đỗ đạt mà đi lên. Vì vậy, không mấy lúc Mạc Đĩnh Chi ngơi đọc sách, nghiền ngẫm nghĩa sách, kể cả lúc vai gánh củi đi bán. Không có sách học thì mượn thầy mượn bạn. Mạc Đĩnh Chi cố học nhiều cuốn sách quý. Không có tiền mua nến để đọc sách, Mạc Đĩnh Chi đốt củi, hết củi thì lấy lá rừng đốt lên mà học, thật là vô cùng gian khổ nhưng chú bé không hề nản chí. Do có nghị lực phi thường, cộng với tính thông minh trác việt, chẳng bao lâu Mạc Đĩnh Chi đã nổi tiếng thần đồng nho học xứ Hải Đông. Vì văn hay chữ tốt nên được Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc nhận làm môn đồ, chu cấp tiền cho ăn học. Từ đó, Mạc ĐĨnh Chi càng có điều kiện nghiền ngẫm kinh sử.

Khoa thi Giáp Thìn (1304), thi hội, Mạc Đĩnh Chi đỗ Hội nguyên, thi Đình, ông được chấm đỗ Trạng Nguyên, nhưng khi vào ra mắt nhà vua, vua Trần Nhân Tông thấy ông tướng mạo xấu xí, có ý không muốn cho ông đỗ đầu. Biết ý, ông đã làm bài “Ngọc tỉnh liên phú”. Đó là bài phú bằng chữ Hán để gửi gắm chí khí của mình. Bài phú đề cao được phẩm chất trác việt và phong thái cao quý của một người khác thường, vượt xa người khác về mọi mặt. Song không muốn ganh đua với người tầm thường để mong cho đời biết đến ông dùng hình tượng một bông sen sinh ra trong giếng ngọc ở núi Hoa Sơn do một vị đạo sĩ kỳ dị hái mang xuống cõi trần. Vua Trần Anh Tông xem xong khen là thiên tài mới cho đậu Trạng nguyên, ban cờ hiển vinh quy bái tổ.

Sau khi trở về kinh đô, nhà vua cho vời Trạng vào bệ kiến, hỏi việc chính trị, Trạng nói đâu ra đấy, vua rất hài lòng, ban cho Trạng chức Hàn lâm học sĩ, sau thăng dần đến chức Thượng thư, rồi Đại Liêu ban Tả Bộc Xạ (tương đương chức Tể tướng).

Năm Đại Khánh triều vua Trần Minh Tông (1314 – 1329), vua nhà Nguyên sai sứ sang phong vương cho nhà vua, Mạc Đĩnh Chi được cử làm Chánh sứ sang nhà Nguyên đáp lễ. Trong quá trình đi sứ của ông đã biểu hiện rất xuất sắc tài năng ngoại giao và tầm trí tuệ vĩ đaị của ông khiến cho vua tôi nhà Nguyên vô cùng kính phục.

Mạc Đĩnh Chi làm quan trải 3 triều vua nhà trần, được phong đến chức Đại Liêu ban Tả bộc xạ (Tể tướng). Khi làm quan thì ông nổi tiếng là trung thực và thanh liêm, hết lòng vì dân vì nước, đến lúc già về hưu chỉ có nếp từ đường (thờ tổ tiên) nhỏ bé mà thôi, thường ngày ông vẫn ra ngồi nơi quán lá uống bát nước vối, chuyện trò thân mật với dân làng. Ông sống thanh bạch, giản dị như những người dân quê.

Tinh thần tự học và tài năng, đức độ của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi mãi mãi là tấm gương sáng ngời để chúng em học tập và noi theo.


Nhà bác học Lê Quý Đôn.

Lê Quý Đôn quê ở Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.Ông là vị quan thời Lê trung hưng, cũng là nhà thơ và được mệnh danh là “nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến”

Ngay từ nhỏ Ông đã nổi tiếng thông minh, chăm học. Năm 14 tuổi, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Lúc ấy Ông đã học xong toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia. 18 tuổi, Lê Quý Đôn thi Hương đỗ Giải Nguyên. 27 tuổi đỗ Hội Nguyên, rồi đỗ Đình Nguyên Bảng nhãn.

Sau khi đã đỗ đạt, Lê Quý Đôn được bổ làm quan và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều Lê – Trịnh. Ông là người học rộng, tài cao, am thông nhiều lĩnh vực, luôn được triều đình kính nể và giao cho nhiều trọng trách. Năm 1760, ông được cử đi sứ Trung Quốc. Tại Yên Kinh (Bắc Kinh ), ông được gặp gỡ các sứ thần và các trí thức nổi tiếng của nhà Thanh, bàn luận với họ về triết học, sử học, … Học vấn sâu rộng của ông được các học giả Trung Quốc rất khâm phục. Nhờ quá trình đi, thấy và nghe nhiều nên kiến thức của ông rất phong phú. Ông cũng có dịp đọc nhiều sách mới lạ, kể cả sách của người phương Tây nói về địa lý thế giới, thủy văn học, ngôn ngữ học, … Có thể nói ông là tinh hoa của thời kỳ ấy.

Lê Quý Đôn không chỉ là một nhà bác học mà ông còn là một người thầy xuất sắc nhất trong số các thầy giáo ở nước ta hồi thế kỷ XVIII. Ông từng mở trường dạy học, có nhiều học trò theo học, và còn lưu được ân tình đằm thắm đối với học sinh. Ông phụ trách các kỳ thi, lo lắng quan tâm tới việc đào tạo và tuyển dụng các nhân tài. Khác với nhiều nho sĩ cùng thời, Ông đã có những quan niệm giáo dục rõ ràng. Ông phê phán cách học đương thời, căn cứ vào kết quả đào tạo theo nho học trong những thế kỷ rối ren.

Lê Quý Đôn luôn mong mỏi có một nền học thuật đúng đắn. Trái với những nho sĩ chỉ biết nhồi nhét những lí luận kinh điển xa xôi mà coi thường, thậm chí không biết gì đến các môn học khác thì ông lại đòi phải học tập toàn diện.

Lê Quý Đôn đã nêu lên một số ý kiến về phương châm học tập. Ông chủ trương học nhiều để cách vật trí tri, nhưng phải biết nắm lấy cái chính: “Không thể vu vơ theo việc ngọn ở ngoài mà không tìm tòi đến chỗ gốc ở trong. Nếu không thể mà cứ vật gì cũng xét cho đến cùng, cho đủ cả thì chẳng hoá ra vì đường có nhiều lối rẽ mà đến nỗi lạc mất dê ư?” Ông đòi hỏi phải có óc suy luận, không chỉ nệ vào sách vở: “Sách không hết lời, lời không hết ý… Phải hiểu ngầm ý của thánh nhân ở ngoài lời sách mới được”.

Ông cũng chủ trương học để hành, sự học phải trở thành phương tiện giúp người ta có năng lực làm nên công ích cho xã hội.

Về phương pháp học tập, Lê Quý Đôn đã đưa ra một số lời khuyên cụ thể cho học sinh và sĩ phu rèn luyện nết tốt trong khi học. Ông khuyên: “Dù ngu dốt đến đâu, cũng nên kính giấy, tiếc chữ, dù keo bẩn đến đâu cũng tìm mua sách vở”. Ông cho rằng biết học thì không thể biện lẽ thiếu thì giờ.

Không chỉ là một người thầy mẫu mực, Lê Quý Đôn còn là nhà sử học đại tài, nghiên cứu sâu về triết học, nhà phê bình văn học, nhà thơ lỗi lạc.

Lê Quý Đôn mất ngày 1-5-1784 tại quê mẹ, làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên (nay thuộc Hà Nam). Thi hài ông được đưa về mai táng ở quê nhà.

Có thể nói, Lê Quý Đôn xứng đáng là vị thầy xuất sắc nhất trong các thầy giáo ở nước ta hồi thế kỷ thứ XVIII. Hình ảnh người thầy tận tình truyền dạy phương pháp học tấp tiến bộ và kiến thức cho học trò đã là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ noi theo. Thầy giáo Lê Quý Đôn xứng đáng với danh hiệu Người thầy mẫu mực và luôn được người đời tôn kính.

Nhận xét tổng quát về thơ Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú viết: “Ông là người học vấn rộng khắp, đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng. Lời văn hồn nhiên…, không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài biển cả, không chỗ nào không đạt tới, thật là phong cách đại gia”.  “Lê Quý Đôn đã nắm được tất cả các tri thức mà con người Việt Nam hồi thế kỷ XVIII có thể có được. Có thể nói, Lê Quý Đôn là cái tủ sách tổng hợp biết nói của nước Việt Nam hồi thế kỷ XVIII. Trên thì thiên văn, dưới thì địa lý, giữa là con người, không gì Lê Quý Đôn không biết. Hiểu biết của ông rất rộng, lại rất sâu” (Văn Tân)


Kể về một lần viếng lăng chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 5 năm ngoái, em có dịp ghé thăm lăng Bác tại thủ đô Hà Nội cùng gia đình nhân dịp sinh nhật Bác ngày 19/05. Vào dịp này, hàng nghìn người dân ở khắp nơi đến thăm và viếng lăng Bác để tưởng nhớ đến Bác, một vị lãnh tụ vĩ đại. là người cha của dân tộc Việt Nam.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì hòa bình và công lý trên thế giới.

Khi đứng trước lăng Bác, trong lòng tôi dâng trào một nỗi xúc động, tự hào. Lăng Bác được hoàn thành vào ngày 29 tháng 8 năm 1975. Quần thể lăng Bác bao gồm cả quảng trường Ba Đình, phủ chủ tịch, nhà sàn Bác Hồ. Trước mặt chính lăng có dòng chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đá hồng ngọc màu mận chín. Lăng Bác mở cửa vào các buổi sáng trong tuần, trừ thứ 2 và thứ 6. Nếu các ngày lễ như mồng Một Tết, lễ Quốc Khánh, sinh nhật Bác,… trùng vào thứ 2 hoặc thứ 6 thì lăng Bác vẫn mở cửa bình thường. Không những là các ngày lễ lớn mà ngay cả những ngày thường, lăng Bác lúc nào cũng ồ ạt dòng người ghé thăm. Đến đây, tất cả mọi người đều phải xếp hàng ngay ngắn và nghiêm trang, lần lượt đi vào bên trong lăng Bác. Bước chân vào lăng mà lòng nghẹn ngào rưng rưng trước thi hài của Bác, sống mũi cay, nước mắt em tuôn rơi trên má.

Trong không khí trang nghiệm khi đứng trước lăng Bác, hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gợi lên thật oai hùng và vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều bí danh, bút danh khác) sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 ở Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mất ngày 2 tháng 9 năm 1969 tại Hà Nội.Người sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên ở một địa phương có truyền thống yêu nước anh dũng chống giặc ngoại xâm. Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thời niên thiếu và thanh niên của Người đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân. Người sớm có chí đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

Với tình cảm yêu nước thương dân vô hạn, năm 1911 Người đã rời Tổ quốc đi sang phương Tây để tìm con đường giải phóng dân tộc. Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Người về nước sau hơn 30 năm xa Tổ quốc. Bao nhiêu năm thương nhớ đợi chờ khi qua biên giới, Người vô cùng xúc động. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người đứng đầu trong các hội nghị quan trọng và thành lập các tổ chức để phục vụ cho cách mạng, cho giải phóng dân tộc.

Tháng 8 năm 1945, Người lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, Người đọc “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Người trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người đứng đầu trong các hội nghị quan trọng và thành lập các tổ chức để phục vụ cho cách mạng, cho giải phóng dân tộc.

Cứ mỗi độ tháng 5 về, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác với tấm lòng trân trọng, thành kính và biết ơn sâu sắc. Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, hy sinh vì nước, vì dân, Người đã để lại cho dân tộc ta di sản vô cùng quý báu là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Đó chính là sự kết tinh của những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại; là tấm gương sáng ngời để mọi người Việt Nam học tập và noi theo. Thế hệ học sinh chúng em sẽ gìn giữ và phát huy tinh thần yêu nước của Người. Chúng em sẽ phấn đấu học tập thật tốt, lao động tốt để xứng đáng trở thành cháu ngoan Bác Hồ.


Kể về trận đánh đại phá quân Thanh của vua Quang Trung.

Dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm dưới sự xâm lược của triều đại phong kiến phương Bắc. Nhiều vị anh hùng đã đứng lên lãnh đạo nhân dân chống lại kẻ thù. Trong đó em ngưỡng mộ nhất là anh hung áo vải Quang Trung

Nghe tin quân Thanh đã chiếm Thăng Long, Nguyễn Huệ các tướng sĩ bàn việc đem quân ra đánh. Các tướng sĩ đều xin vua dẹp giặc để yên lòng dân. Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân 1788, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung.Vua Quang Trung liền đó tự đem quân thủy bộ tiến ra Bắc. Đến Nghệ An lại 10 ngày tuyển thêm binh, cả thảy được 10 vạn và hơn 100 con voi.

Ngày 20 tháng Chạp ra tới núi Tam Điệp, Quang Trung an ủi mọi người rồi truyền cho tướng sĩ ăn Tết Nguyên Đán để ngày 30 tháng Chạp thì cất quân, định ngày mùng 7 tháng Giêng Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Nửa đêm ngày mồng 3 tháng Giêng năm Kì Dậu (1789), vua Quang Trung vây kín đồn Hà Hồi, rồi bắc loa gọi hàng. Quân Thanh sợ hãi xin hàng, cả quân lương, khí giới. Mờ sáng ngày mồng 5, vua Quang Trung cho lệnh tiến đánh đồn Ngọc Hồi Quân Thanh bán súng ra như mưa. Vua Quang Trung sai lấy ván ghép lại thành mảnh to và quấn rơm cỏ ướt, cứ 20 người khiêng một mảnh, mang dao nhọn, lại có 20 người cầm khí giới núp theo sau. Đến trước cửa đồn, quân sĩ bỏ ván xuống rút dao xông vào chém. Quân đi sau cũng lăn xả vào đánh. Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn. Quân ta thừa thế đánh tràn tới lấy được các đồn.

Quân thanh đại bại, tranh nhau qua cầu, cầu đổ, chết đuối thây đầy sông. Nước song Nhị Hà như biển máu.

Trưa hôm ấy, mùng 5, vua Quang Trung áo ngự bào đẫm đen thuốc súng, hiên ngang tiến vào Thăng Long giữa muôn tiếng hoan hô của quân sĩ và dân chúng. Quân ta chiến thắng, đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi đất nước.

Quang Trung là một vị vua vì dân với sự dũng cảm, can trường của mình. Noi gương vị anh hùng, em sẽ cố gắng học tập thật giỏi, để khi lớn lên góp sức mình xây dựng đất nước vững mạnh hơn.


ĐỀ KIỂM TRA THAM KHẢO:

I. Đọc – hiểu văn bản: (5 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Những ngày em đi xa
Tim mẹ luôn… làm tính
Không dùng trừ, nhân, chia
Mẹ chỉ làm phép cộng.

Mẹ cộng thêm nỗi nhớ
Rụng đầy một canh khuya
Mẹ cộng thêm lời hát
Lặng buồn lời ru xa.

(Trích Bài thơ tặng mẹ, Đỗ Nhật Nam)

a. Cho biết đoạn thơ trên thuộc thể thơ gì. (0,5 điểm)
b. Xác định một phó từ trong câu thơ sau đây: (0,5 điểm)

“Những ngày em đi xa
Tim mẹ luôn… làm tính”

c. Tìm một biện pháp tu từ có trong đoạn thơ trên. (0,5 điểm)

d. Chỉ ra những hình ảnh thể hiện nỗi nhớ của mẹ khi con đi xa. (0,5 điểm)

e. Xác định chủ đề của văn bản trên. (1 điểm)

f. Em hãy viết một đoạn văn (5-7 dòng) nêu suy nghĩ của em về tình mẹ. (2 điểm)

II. Tập làm văn: (5 điểm)

Kể lại một câu chuyện ngụ ngôn mà em yêu thích.

*Hết*

MỘT SỐ ĐỀ LUYỆN TẬP PHẦN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN:

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…

(Trích Hạt gạo làng ta, Trần Đăng Khoa)

a. Cho biết đoạn thơ trên thuộc thể thơ gì?
b. Tìm một phó từ trong đoạn thơ trên và cho biết phó từ đó bổ sung ý nghĩa gì, cho từ nào?
c. Tìm câu thơ có biện pháp so sánh có trong đoạn thơ trên?
d. Tìm những hình ảnh thể hiện cảm xúc của tác giả xót xa cho nỗi cực nhọc khi làm ra hạt gạo?
e. Em hãy viết đoạn văn (5-7 dòng) nêu suy nghĩ của em về chủ đề của văn bản gợi lên.

ĐỀ BÀI 2:

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Chót trên cành cao vót
Mấy quả sấu con con
Như mấy chiếc khuy lục
Trên áo trời xanh non…
Trái con chưa đủ nặng
Để đeo oằn nhánh cong.
Nhánh hãy giơ lên thẳng
Trông ngây thơ lạ lùng…
Mấy hôm trước còn hoa
Mới thơm đây ngào ngạt,
Thoáng như một nghi ngờ,
Trái đã liền có thật…
Một ngày một lớn hơn
Nấn từng vòng nhựa một
Một sắc nhựa chua giòn
Ôm đọng tròn quanh hột…
Trái non như thách thức
Trăm thứ giặc, thứ sâu,
Thách kẻ thù sự sống
Phá đời không dễ đâu!…

(Trích trong tập“Tôi giàu đôi mắt” (1970), trong “Những tác phẩm thơ tiêu biểu và nổi tiếng”, Xuân Diệu)

a. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
b. Xác định chủ đề của bài thơ?
c. Tìm phó từ trong câu “Mấy quả sấu con con”. Phó từ đó bổ sung ý nghĩa cho từ nào? Bổ sung ý nghĩa gì?
d. Xác định 1 biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ sau.
“Trái non như thách thức
Trăm thứ giặc, thứ sâu,
Thách kẻ thù sự sống
Phá đời không dễ đâu.”
e. Viết đoạn văn 5 đến 7 dòng nêu suy nghĩ của em về điều mà tác giả muốn nhắn nhủ tới người đọc.

ĐỀ BÀI 3:

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

MẸ VẮNG NHÀ NGÀY BÃO

Mấy ngày mẹ về quê
Là mấy ngày bão nổi
Con đường mẹ đi về
Cơn mưa dài chặn lối.
Hai chiếc giường ướt một
Ba bố con nằm chung
Vẫn thấy trống phía trong
Nằm ấm mà thao thức.
Nghĩ giờ này ở quê
Mẹ cũng không ngủ được
Thương bố con vụng về
Củi mùn thì lại ướt.
Nhưng chị vẫn hái lá
Cho thỏ mẹ, thỏ con
Em thì chăm đàn ngan
Sớm lại chiều no bữa
Bố đội nón đi chợ
Mua cá về nấu chua…

Thế rồi cơn bão qua
Bầu trời xanh trở lại
Mẹ về như nắng mới
Sáng ấm cả gian nhà.

(Trích “Hồ trong mây”, Đặng Hiển)

a. Xác định thể loại và nêu chủ đề của văn bản trên?
b. Tìm phó từ trong câu thơ “Nhưng chị vẫn hái lá / Cho thỏ mẹ, thỏ con” ? Nêu ý nghĩa của phó từ vừa tìm được?
c. Dựa vào văn bản, em hãy chỉ ra một việc làm của các thành viên trong gia đình khi mẹ vắng nhà ngày bão.
d. Tìm biện pháp tu từ trong đoạn thơ in đậm? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó?
e. Qua văn bản trên, hãy viết đoạn văn ngắn (6-8 câu) trình bày cảm nhận của em vể tình cảm gia đình hoặc hình ảnh của mẹ trong lòng em?

ĐỀ BÀI 4: 

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới :

Trăng thấp thoáng cành cây
Tìm con ngoài cửa sổ
Cửa nhà mình bé quá
Trăng lặn trước mọi nhà
Vai mẹ thành võng đưa
Theo con vào giấc ngủ
Trăng thành con thuyền nhỏ
Đến bến bờ tình yêu.

(Duy Thông)

a. Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

b. Nêu chủ đề của đoạn thơ.
c. Xác định một biện pháp tu từ có trong 4 câu đầu của đoạn thơ trên.
d. Xác định một phó từ có trong các câu thơ sau :
Cửa nhà mình bé quá
Trăng lặn trước mọi nhà.
e. Trong đoạn thơ, tác giả liên tưởng và so sánh trăng với hình ảnh nào?
f. Viết đoạn văn (5 – 7 dòng) nêu suy nghĩ của em sau khi đọc đoạn thơ.

ĐỀ BÀI 5: 

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

TRĂNG ƠI… TỪ ĐÂU ĐẾN? (Trần Đăng Khoa)

Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ cánh rừng xa
Trăng hồng như quả chín
Lửng lơ lên trước nhà

Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay biển xanh diệu kì
Trăng tròn như mắt cá
Chẳng bao giờ chớp mi
Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ một sân chơi
Trăng bay như quả bóng
Bạn nào đá lên trời

Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ lời mẹ ru
Thương Cuội không được học
Hú gọi trâu đến giờ
Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ đường hành quân
Trăng soi chú bộ đội
Và soi vàng góc sân

Trăng ơi… từ đâu đến?
Trăng đi khắp mọi miền
Trăng ơi có nơi nào
Sáng hơn đất nước em…

1968
(Trần Đăng Khoa, Góc sân và khoảng trời,
NXB Văn hóa dân tộc)
Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?
………………………………………………………………………………………
Nêu chủ đề của văn bản?
………………………………………………………………………………………
Xác định một biện pháp tu từ có trong 4 câu đầu của văn bản trên.
………………………………………………………………………………………
d. Xác định một phó từ có trong các câu thơ sau, cho biết phó từ ấy bổ sung cho từ nào, ý nghĩa gì?
Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ lời mẹ ru
Thương Cuội không được học
Hú gọi trâu đến giờ
……………………………………………………………………………………………….………………………………………………………………………………
e. Chỉ ra những hình ảnh trả lời cho câu hỏi “Trăng ơi… từ đâu đến?”
……………………………………………………………………………………………….………………………………………………………………………………
f. Viết đoạn văn (5 – 7 dòng) nêu suy nghĩ của em sau khi đọc bài thơ.
……………………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………………………………….………………………
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
NƠI TUỔI THƠ EM
Có một dòng sông xanh
Bắt nguồn từ sữa mẹ
Có vầng trăng tròn thế
Lửng lơ khóm tre làng

Có bảy sắc cầu vồng
Bắc qua đồi xanh biếc
Có lời ru tha thiết
Ngọt ngào mãi vành nôi

Có cánh đồng xanh tươi
Ấp iu đàn cò trắng
Có ngày mưa tháng nắng
Đọng trên áo mẹ cha

Có một khúc dân ca
Thơm lừng hương cỏ dại
Có tuổi thơ đẹp mãi
Là đất trời quê hương.
(Nguyễn Lãm Thắng, Giấc mơ buổi sáng – Tuyển tập thơ thiếu nhi, NXB Văn học, 2017 )
Văn bản được viết theo thể thơ nào?
………………………………………………………………………………………
Nêu chủ đề của văn bản?
………………………………………………………………………………………
Xác định một biện pháp tu từ có trong bài?
………………………………………………………………………………………
d. Thiên nhiên được khắc họa trong hai dòng thơ gợi nét đẹp nào của quê hương?
“Có vầng trăng tròn thế
Lửng lơ khóm tre làng”
………………………………………………………………………………………
f. Viết đoạn văn (5 – 7 dòng) nêu suy nghĩ của em sau khi đọc văn bản.
……………………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………………………………………………….

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.