»» Nội dung bài viết:
Ôn tập luyện thi nội dung kiến thức các văn bản truyện lớp 9.
Chuyện Người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.
1. Tóm tắt:
Vũ Thị Thiết là người con gái thùy mị, nết na, xinh đẹp, lấy chồng là Trương Sinh, con một nhà hào phú. Hạnh phúc chưa được bao lâu triều đình bắt Trương Sinh đi đánh giặc Chiêm, lúc ấy nàng đang có mang. Chồng đi vừa đầy tuần, nàng xinh được một đứa con trai. Bà mẹ chồng vì thương nhớ con lâm bệnh rồi mất. Nàng lo ma chay chu đáo như với cha mẹ đẻ của mình.
Sau ba năm đi lính, Trương Sinh trở về vô cùng đau khổ khi hay tin mẹ qua đời. Khi bồng con đi thăm mộ mẹ, chỉ vì một lời nói ngây thơ của đứa con mà Trương Sinh nổi cơn ghen, nghĩ là vợ thất tiết, nên sỉ nhục, đánh đập thậm tệ và xua đuổi Vũ Nương đi. Không thể giãi bày được nỗi oan của mình, Vũ Nương nhảy xuống song tự vẫn.
Nàng đã được Linh Phi, chủ nhân động rùa cứu sống và cho ở chốn thủy cung. Còn Trương Sinh sau nhờ đứa con chỉ vào cái bóng nói là cha nó chàng mới hiểu được nỗi oan của vợ nhưng việc trót đã qua rồi.
Phan Lang người cùng làng, được Linh Phi cứu sống khi trôi dạt trên biển đã gặp Vũ Nương trong buổi yến tiệc. Nhờ Phan Lang, Trương Sinh làm theo ước nguyện thì nàng chỉ đa tạ tình nghĩa vợ chồng và từ chối không trở về nhân gian nữa.
2. Nội dung:
a. Nhân vật Vũ Nương:
– Vũ Nương là người phụ nữ thuỷ chung, son sắc trong tình nghĩa vợ chồng.
– Vũ Nương còn là người con dâu hiếu thảo với mẹ chồng, là một người mẹ hiền tận tụy, đầy tình yêu thương con.
– Vũ Nương mang lấy số phận oan nghiệt, bất hạnh, quá đớn đau.
→ Tuy có những phẩm chất tâm hồn đáng quý nhưng Vũ Nương đã phải chịu một số phận cay đắng,oan nghiệt. Nghịch lí ấy tự nó đã là tiếng nói tố cáo xã hội phong kiến bất công phi lí đương thời chà đạp lên hạnh phúc của con người.
b. Các chi tiết kì ảo:
– Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa.
– Phan Lang lạc vào động rùa của Linh Phi, được đãi yến và gặp, trò chuyện với Vũ Nương; được trở về dương thế.
– Vũ Nương hiện về sau khi Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng ở bến Hoàng Giang.
* Ý nghĩa:
– Làm tăng sức hấp dẫn bằng sự li kì và trí tượng tượng phong phú.
– Giúp nhà văn xử lí cốt truyện một cách hoàn chỉnh, hợp lí.
– Hoàn thiện phẩm chất của Vũ Nương, một người dù đã ở thế giới khác, vẫn quan tâm đến chồng con, nhà cửa, phần mộ tổ tiên, khao khát được phục hồi danh dự.
– Tạo nên một kết thúc phần nào có hậu, thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân ta về sự công bằng: người tốt dù có phải trải qua bao oan khuất, cuối cùng sẽ được minh oan.
– Khẳng định niềm cảm thương của tác giả đối với sự bi thảm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
c. Ý nghĩa chi tiết cái bóng:
– Cái bóng là một chi tiết đặc sắc, là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo làm cho câu chuyện hấp dẫn hơn so với truyện cổ tích.
– Cái bóng là đầu mối, điểm nút của câu chuyện. Thắt nút là nó, mà mở nút cũng là nó.
– Cái bóng góp phần thể hiện tính cách nhân vật: bé Đản ngây thơ, Trương Sinh hồ đồ, đa nghi, Vũ Nương yêu thương chồng con.
– Cái bóng góp phần tố cáo xã hội phong kiến xung tàn, khiến hạnh phúc của người phụ nữ hết sức mong manh.
3. Giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm:
– Chuyện phản ánh hiện thực xã hội phong kiến bất công với chế độ nam quyền, chà đạp số phận người phụ nữ (đại diện là nhân vật Trương Sinh).
– Phản ánh số phận con người chủ yếu qua số phận phụ nữ: chịu nhiều oan khuất và bế tắc.
– Phản ánh xã hội phong kiến với những cuộc chiến tranh phi nghĩa làm cho cuộc sống của người dân càng rơi vào bế tắc.
– Phản ánh hiện thực xã hội phong kiến đương thời bất công (trọng nam khinh nữ, phân hóa giàu nghèo, chiến tranh phi nghĩa,…).
– Khắc họa rõ nét bức tranh về cuộc đời – số phận bi đát của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
– Thể hiện sự trân trọng của nhà văn đối với những ước mơ chính đáng, khát vọng cao đẹp như: khát vọng được hạnh phúc, ước mơ về sự công bằng trong xã hội,….
– Thể hiện niềm xót thương, cảm thông sâu sắc của tác giả đối với số phận của người phụ nữ thông qua nhân vật Vũ Nương.
– Lên án, phê phán, tố cáo xã hội phong kiến đã chà đạp lên quyền sống của con người.
– Khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ thông qua nhân vật Vũ Nương.
→ Tác phẩm ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, lên tiếng bênh vực quyền được sống hạnh phúc của con người, tố cáo lễ giáo xã hội phong kiến khắc khả, bất công, tàn bạo chà lên lên số phận con người, đẩy con người vào bước đường cùng không lối thoát.
4. Nghệ thuật:
– “Chuyện người con gái Nam Xương” không chỉ thành công về mặt nghệ thuật như: nghệ thuật xây dựng tình huống truyện, nhân vật độc đáo; cốt truyện sáng tạo; sử dụng tốt các yếu tố trữ tình; đối thoại của nhân vật… mà còn mang giá trị, ý nghĩa sâu sắc.
– Xây dựng tình huống truyện độc đáo, đặc biệt là chi tiết chiếc bóng. Đây là sự khái quát hoá tấm lòng, sự ngộ nhận và sự hiểu lầm của từng nhân vật. Hình ảnh này hoàn thiện thêm vẻ đẹp nhân cách của Vũ Nương, đồng thời cũng thể hiện rõ nét hơn số phận bi kịch của Vũ Nương nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.
– Nghệ thuật dựng truyện. Dẫn dắt tình huống truyện hợp lý. Chi tiết chiếc bóng là đầu mối câu chuyện lại chỉ xuất hiện một lần duy nhất ở cuối truyện, tạo sự bất ngờ, bàng hoàng cho người đọc và tăng tính bi kịch cho câu chuyện.
– Có nhiều sự sáng tạo so với cốt truyện cổ tích “Vợ chàng Trương” bằng cách sắp xếp thêm bớt chi tiết một cách độc đáo.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật được xây dựng qua lời nói và hành động. Các lời trần thuật và đối thoại của nhân vật sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ nhưng vẫn khắc hoạ đậm nét và chân thật nội tâm nhân vật.
– Sử dụng yếu tố truyền kỳ (kỳ ảo) làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm. Yếu tố kỳ ảo, hoang đường làm câu chuyện vừa thực vừa mơ, vừa có hậu vừa không có hậu, làm hoàn chỉnh vẻ đẹp của Vũ Nương.
– Kết hợp các phương thức biểu đạt: Tự sự + biểu cảm (trữ tình) làm nên một áng văn xuôi tự sự còn sống mãi với thời gian.
Hồi thứ 14
(trích “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái.
1. Tóm tắt:
Nguyễn Huệ nghe tin quân Thanh đến Thăng Long giận lắm liền họp các tướng sĩ định thân chinh cầm quân đi ngay. Tướng sĩ xin Bắc Bình Vương lên ngôi để làm yên lòng người.Nguyễn Huệ cho đắp đàn trên núi tế cáo trời đất lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung. Ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân hạ lệnh xuất quân.
Đến Nghệ An, Quang Trung cho tuyển thêm hơn 1 vạn lính mở cuộc duyệt binh.Đến Tam Điệp mở tiệc khao quân, chia quân sĩ làm 5 đạo. Đúng tối 30 tết lập tức lên đường.
Trên đường tiến quân ra Bắc, những toán quân Thanh do thám bị bắt sống. Ngày 03 tháng giêng năm Kỉ Dậu, đồn Hà Hồi bị hạ. Mờ sáng ngày 05 tiến đánh đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh đại bại. Thái thú Sầm Nghi Đống thắt cổ tự vẫn. Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt cuống cuồng chạy mất mật. Quân Thanh tranh nhau qua cầu tháo chạy rơi xuống nước nhiều không kể xiết. Vua tôi Lê Chiêu Thống dìu dắt nhau chạy trốn sang đất Bắc.
2. Nội dung:
a. Hình tượng người anh hùng Nguyễn Huệ:
– Một con người yêu nước thiết tha, căm ghét bọn bán nước và cướp nước.
– Một con người mạnh mẽ, quyết đoán, hành động quyết liệt.
– Một con người có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén trước thời cuộc.
– Một con người có ý chí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng.
– Một thiên tài quân sự, dụng binh như thần.
– Một anh hùng lẫm liệt trong chiến trận.
b. Chân dung bọn cướp nước và bán nước:
– Quân tướng nhà thanh: Kéo quân vào Thăng Long rất dễ dàng, như “đi trên đất bằng”, quân Thanh đã quá chủ quan, cho là vô sự, không đề phòng gì. Khi bị quân Tây Sơn tiến công bất ngờ đúng vào thời điểm Tết Âm lịch, quân Thanh ở các thành đã không kịp trở tay, “rụng rời sợ hãi”,chống không nổi “bỏ chạy toán loạn,giày xéo lên nhau mà chết”,”thây chất đầy đồng, máu chảy thành suối” đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa. Nhục nhã nhất là hình ảnh Tôn Sĩ Nghị “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, dẫn bọn lính kị mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy”…
– Bè lũ vưa quan bán nước: Số phận những kẻ bán nước là Lê Chiêu Thống và những kẻ bề tôi của hắn cũng không kém phần thảm hại. Vì mưu lợi ích riêng của dòng họ, vua Lê Chiêu Thống đã làm cái trò bỉ ổi “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi giày mả tổ”, cúi đầu chịu đựng nỗi nhục của kẻ đi cầu cạnh, van xin. Để rồi khi quân Thanh tan rã, cả bọn vội vã chạy bán sống, bán chết, chịu đói, chịu nhục, chỉ biết “nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt”.
- Ý nghĩa:
Có thể thấy rõ chất hiện thực trong bức tranh miêu tả của các tác giả. Dù là những kẻ tôi trung với nhà Lê và trong cách miêu tả cảnh khốn quẫn của vua Lê Chiêu Thống, các tác giả vẫn thể hiện sự ngậm ngùi, thương cảm, nhưng quan điểm tôn trọng lịch sử và ý thức dân tộc của những trí thức đã giúp họ phản ánh đúng diễn biến lịch sử, làm nổi bật hành động “cõng rắn cắn gà nhà” của ông vua phản nước Lê Chiêu Thống cũng như tô đậm chiến công lẫy lừng của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn.Đó chính là một trong những yếu tố tạo nên giá trị tác phẩm.
3. Nghệ thuật:
– Cách trần thuật đặc sắc. Ghi lại chân thực những sự kiện lịch sử diễn biến gấp gáp, khẩn trương qua từng mốc thời gian.
– Miêu tả cụ thể từng hành động, lời nói của nhân vật chính,từng trận đánh và những mưu lược tính toán, thế đối lập giữa hai đội quân ( một bên thì xộc xệch, trễ nải, nhát gan; một bên thì xông xáo dũng mãnh, nghiêm minh).
– Hình ảnh người anh hùng Nguyễn Huệ được khắc họa khá đậm nét, có tính cách quả cảm, mạnh mẽ, có trí tuệ sáng suốt, có tài dụng binh như thần, là người có tổ chức và là linh hồn của những chiến công vĩ đại.
– Một sự mâu thuẫn: Nhan đề mang ý nghĩa ca ngợi nhà Lê,nhưng nội dung tác phẩm lại vạch rõ sự thối nát, mục ruỗng của triều đình nhà Lê, và ca ngợi người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ.
Truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân.
1. Tóm tắt:
Truyện viết về nhân vật ông Hai, một người nông dân quê ở làng Dầu. Ông Hai yêu cái làng của mình tha thiết nhưng vì Cách mạng, vì cuộc kháng chiến, ông phải rời làng đi tản cư. Xa làng, ông cảm thấy nhớ da diết cái làng của mình. Ông thường say mê nói chuyện và khoe với mọi người về cái làng Dầu ấy.
Một lần hỏi thăm những người tản cư mới lên, nghe nói làng Dầu theo Tây, ông buồn khổ, căm tức bọn Việt gian ở làng theo giặc và thấy nhục nhã vô cùng. Ông ở luôn trong nhà mấy hôm, cáu gắt với cả vợ con và biết tâm sự với đứa con nhỏ về tắm lòng chung thủy đối với cuộc kháng chiến và cụ Hồ.
Nhưng sau đó, ông chủ tịch xã lên cải chính tin đồn nhảm đó, cho biết làng Dầu vẫn kháng chiến, dân Chợ Dầu kiên cường chống giặc, ông Hai vui mừng khấn khởi, cảm thấy mình được minh oan. Ông đem tin đó khoe với mọi người, khoe cả việc Tây đốt nhà ông.
2. Nội dung:
+ Ông Hai là người nông dân có tính tình vui vẻ, chất phác, có tấm lòng gắn bó với làng quê và cuộc kháng chiến.
+ Yêu thương, gắn bó với làng quê, tự hào và có trách nhiệm với cuộc kháng chiến của làng.
+ Khi nghe tin xấu ông Hai sững sờ,xấu hổ, uất ức.
+ Từ lúc ấy trong tâm trí ông Hai chỉ còn có cái tin dữ ấy xâm chiếm,nó thành một nỗi ám ảnh day dứt.
+ Ông Hai rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng khi nghĩ tới tương lai. Cuối cùng, ông đã quyết định: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.
→ Tình yêu làng dẫu có thiết tha, mãnh liệt đến đâu cũng không thể mãnh liệt hơn tình yêu đất nước. Đó là biểu hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của con người Việt Nam, khi cần họ sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để hướng tới tình cảm chung của cả cộng đồng.
+ Để ông Hai vợi bớt nỗi đau đớn,dằn vặt trong lòng và yên tâm về quyết định của mình, tác giả đã cho nhân vật trò chuyện với đứa con út(thằng cu Húc), giúp ông bày tỏ tình yêu sâu nặng với làng Chợ Dầu (nhà ta ở làng Chợ Dầu),bày tỏ tấm lòng thủy chung son sắt với kháng chiến, với Cụ Hồ(chết thì chết có bao giờ dám đơn sai).
→ Đau khổ tột cùng khi nghe tin làng mình theo giặc nhưng tấm lòng thủy chung, son sắt với cuộc kháng chiến thì vẫn không hề thay đổi. Tình quê và lòng yêu nước thật sâu nặng và thiêng liêng.
+ Đúng lúc ông Hai có được quyết định khó khăn ấy thì cái tin làng Chợ Dầu phản bội đã được cải chính. Sự đau khổ của ông Hai trong những ngày qua nhiều bao nhiêu thì niềm phấn khởi và hạnh phúc của ông lúc này càng lớn bấy nhiêu.
- Ý nghĩa:
Từ một người nông dân yêu làng, ông Hai trở thành người công dân nặng lòng với kháng chiến. Tình yêu làng, yêu nước đã hòa làm một trong ý nghĩ, tình cảm, việc làm của ông Hai. Tình cảm ấy thống nhất, hòa quyện nhưng tình yêu nước được đặt cao hơn, lớn rộng lên tình làng. Đây là nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Sự chuyển biến tình cảm của nhân vật ông Hai cũng là sự chuyển biến tình cảm của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng.
3. Nghệ thuật:
– Tác giả sáng tạo tình huống truyện có tính căng thẳng, thử thách.
– Khắc họa nhân vật đậm nét, điển hình, có chiều sâu tâm lí bằng cốt truyện tâm lí đầy mâu thuẫn, xung đột (đó là chú trọng vào các tình huống bên trong nội tâm nhân vật).
– Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tự nhiên mà sâu sắc, tinh tế.
– Ngôn ngữ đặc sắc, sinh động, mang đậm chất khẩu ngữ, gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của người nông dân.
Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long.
1. Tóm tắt:
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được xây dựng xoay quanh một tình huống truyện khá đơn giản mà tự nhiên. Đó chính là cuộc gặp gỡ tình cờ của mấy người khách trên chuyến xe lên Sa Pa với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Rời cầu cây số 4, chiếc xe chở hành khách đi Sa Pa trèo lên núi. Bác lái xe ông họa sĩ và cô kỹ sư trò chuyện về Sa Pa, về nghề họa, về tình yêu…xe dừng lại lấy nước, bác lái xe giới thiệu với ông họa sĩ và cô kĩ sư về anh thanh liên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu khi anh xuống tặng bác gói củ tam thất.
Tranh thủ 30 phút hành khách nghỉ ngơi, anh thanh niên mời ông họa sĩ và cô kĩ sư lên thăm nơi ở và làm việc của anh, về cuộc sống… Ông họa sĩ tranh thủ vẽ anh thanh niên, nhưng anh từ chối và xin giới thiệu các đồng chí khác cũng đang ngày đêm hăng say làm việc, lo lắng làm việc cho khoa học, cho đời sống và hạnh phúc của xã hội. Sắp hết ba mươi phút ông họa sĩ và cô gái tạm biệt anh thanh niên với món quà chính là làn trứng mà anh thanh niên trao tặng.
* Ý nghĩa:
Chỉ 30 phút nhưng cũng đủ để những người tiếp xúc kịp ghi một ấn tượng – kịp để ông họa sĩ thực hiện bức kí họa chân dung, kịp để cô kỹ sư bàng hoàng và có những cái gì đó như hàm ơn về anh.Rồi dường như anh lại khuất lấp vào trong mây mù bạt ngàn và cái lặng lẽ muôn thuở của núi cao Sa Pa. Và mọi người thấm thía điều mà nhà văn muốn nói: Trong cái im lặng của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.
2. Nội dung:
a. Tình huống truyện độc đáo.
– Đó chính là cuộc gặp gỡ tình cở của mấy người khách trên chuyến xe lên Sa Pa với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn.
– Tình huống gặp gỡ này là cơ hội thuận tiện để tác giả khắc họa “bức chân dung” nhân vật chính một cách tự nhiên và tập trung, qua sự quan sát của các nhân vật khác và qua chính lời lẽ, hành động của anh.
– Qua “bức chân dung” (cả cuộc sống và những suy nghĩ) của người thanh niên, qua sự cảm nhận của các nhân vật khác ( chủ yếu là ông họa sĩ) về anh và những người như anh, tác giả đã làm nổi bật được chủ đề của tác phẩm: Trong cái lặng lẽ, vắng vẻ trên núi cao Sa Pa, nơi mà nghe tên người ta chỉ nghĩ đến sự nghỉ ngơi, vẫn có bao nhiêu người đang ngày đêm làm việc miệt mài, say mê cho đất nước.
b. Vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên Sa Pa:
– Hình ảnh: Nắng đốt cháy rừng cây, mạ bạc con đèo; cây hoa tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng; mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe.
Nhận xét: Vài nét chấm phá điểm xuyết, nghệ thuật nhân hóa, so sánh, tác giả đã khắc họa bức tranh thiên nhiên Sa Pa với vẻ đẹp trong trẻo, thơ mộng, hữu tình. Miêu tả bức tranh thiên nhiên bằng ngôn ngữ trong sáng, mỗi chữ, mỗi câu như có đường nét,hình khối, sắc màu. Văn xuôi truyện ngắn mà giàu nhịp điệu mang âm hưởng một bài thơ về thiên nhiên đất nước.
c. Nhân vật anh thanh niên.
– Nhân vật xuất hiện ngay từ đầu mà chỉ gián tiếp qua lời giới thiệu rất ấn tượng của bác lái xe
– Anh làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu, có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với công việc.
– Anh biết tạo ra một cuộc sống nền nếp văn minh và thơ mộng.
– Anh là người chân thành, cởi mở và lòng hiếu khách.
– Anh là người khiêm tốn, thành thật, không khoe khoang.
* Nhận xét: Chỉ bằng một số chi tiết và anh thanh niên chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc của truyện, nhưng tác giả đã phác hoạ được chân dung nhân vật chính với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa của công việc. Anh thanh niên là hình ảnh tiêu biểu cho những con người ở Sa Pa, là chân dung con người lao động mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
3 Nghệ thuật:
– Cốt truyện đơn giản, xoay quanh một tình huống đó là có cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa ông họa sĩ già,cô kĩ sư trẻ và một anh thanh niên làm công tác khí tượng. Cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong chốc lát nhưng đã để lại mộtấn tượng gợi nhiều suy nghĩ và dẫn chúng ta tới những nhân vật mới: kĩ sư vườn rau, nhà nghiên cứu sét.
– Xây dựng nhân vật chân dung, nhân vật được ghi lại được đánh giá qua những cảm nhận trực tiếp nhưng không hề nhạt nhòa bởi được khắc họa qua nhiều điểm nhìn và miêu tả tinh tế.
– Chất thơ của “Lặng lẽ Sa Pa” cũng phụ trợ đắc lực cho bài ca, ca ngợi con người bình dị mà cao quý: trong tình huống trữ tình, trong bức tranh thiên nhiên, trong lời đối thoại, nhưng quan trọng nhất đó là những ý nghĩ, cảm xúc của người trong cuộc và vẻ đẹp rất đỗi nên thơ, nên hoa, nên nhạc của lối sống mà nhân vật chính gợi ra.
Truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
1. Tóm tắt:
Vì nhiệm vụ cách mạng, ông Sáu xa nhà đi kháng chiến khi con gái đầu lòng chưa được một tuổi. Mãi đến khi con gái lên tám tuổi, ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Bé Thu, con gái ông Sáu, không nhận ra cha vì vết sẹo trên mặt làm ba em không giống với người cha trong bức ảnh mà em biết. Em đối xử với ba như người xa lạ, quyết không chịu gọi ông là cha.
Đến khi Thu nhận ra cha nhờ bà ngoại giải thích, tình cha con thức dậy mãnh liệt trong em thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường trở về khu căn cứ. Buổi chia tay trên bến sông đẫm đày nước mắt. Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn hết tình cảm yêu quý, nhớ thương đứa con vào việc làm một chiếc lược bằng ngà voi để tặng con. Trong một trận càn, ông Sáu hi sinh.
Trước lúc ra đi mãi mãi, ông đã kịp trao cây lược cho bác Ba, nhờ bạn chuyển cho con gái. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, mãi đến mười mấy năm sau, trong một lần đi công tác ở trạm giao liên, bác Ba – người đồng đội của ông Sáu đã gặp một cô giao liên dũng cảm, gan dạ và thông minh. Hỏi chuyện bác Ba nhận ra đó chính là Thu – con của người bạn chiến đấu đã hi sinh. Bác Ba đưa cho Thu kỉ vật thiên liêng của người cha. Họ chia tay lưu luyến và trong lòng bác Ba một tình cảm mới đã nãy nở- đó là tình cha con với cô giao liên.
* Ý nghĩa:
Truyện “Chiếc lược ngà” đã thể hiện một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng và cao đẹp của cha con ông Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Truyện còn gợi cho người đọc nghĩ đến và thấm thía những mất mát đau thương, éo le mà chiến tranh gây ra cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình. Tình yêu thương con của ông Sáu còn như một lời khẳng định: Bom đạn của kẻ thù chỉ có thể hủy diệt được sự sống của con người, còn tình cảm của con người – tình phụ tử thiêng liêng thì không bom đạn nào có thể giết chết được.
2. Nội dung:
a. Tình huống truyện gây cấn, kịch tính:
– Tình huống 1: Đó là cuộc gặp gỡ của hai cha con ông Sáu sau tám năm xa cách, nhưng thật trớ trêu là bé Thu không nhận cha, đến lúc em nhận ra và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu lại phải lên đường.
– Tình huống 2: Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương và lòng mong nhớ đứa con vào việc làm cây lược ngà để tặng con, nhưng ông đã hi sinh khi chưa kịp trao món quà ấy cho con gái.
⇒ Đặt các nhân vật của mình vào các tình huống ấy, nhà văn muốn khẳng định và ngợi ca:tình cha con thiêng liêng, sâu nặng như một giá trị nhân bản sâu sắc. Tình cảm ấy càng cao đẹp trong hoàn cảnh chiến tranh.
b. Nhân vật bé Thu.
– Là một cô bé gan lì, bướng bỉnh: quyết liệt không chịu nhân ông Sau là cha vì vết sẹo khác lạ trên mặt. Bị đánh vẫn không khóc, một mình chèo suồng sang nhà ngoại.
– Có tình yêu thương cha tha thiết: khao khát được gặp cha nhưng má không cho đi theo mỗi khi lên cứ thăm cha. Gìn giữ hình bóng cha trong trái tim, quyết liệt không gọi ông Sáu là ba vì không giống (bởi vết sẹo trên mặt ông Sáu). Được ngoại giải thích, nó vỡ ra mọi điều, thấy hối hận và càng yêu thương ba hơn. Trên bến sông, nó ôm ba thắm thiết, quyết không cho ba đi.
→ Qua những biểu hiện tâm lí và hành đông của bé Thu,người đọc cảm nhận được tình cảm sâu sắc, mạnh mẽ nhưng cũng thật dứt khoát,rạch ròi của bé Thu. Sự cứng đầu, tưởng như ương ngạnh ở Thu là biểu hiện của một cá tính mạnh mẽ ( cơ sở để sau này trở thành một cô giao liên mưu trí, dũng cảm). Tuy nhiên, cách thể hiện tình cảm của em vẫn rất hồn nhiên, ngây thơ.
c. Nhân vật ông Sáu.
– Là người chiến sĩ kiên trung: sẵn sàng rời bỏ gia đình đi kháng chiến. Dù rất yêu nhớ con nhưng không tự ý trở về cho đến khi được phép. Hết ngày phép, dù rất yeu con nhưng ông quyết liệt lên đường, mang theo tình yêu con.
– Là người cha có tình yêu con tha thiết: bao năm xa con, ngày nào ông cũng mong nhớ. Mấy lần chị sáu lên thăm, không mang theo con được, ông rất buồn. Ngày trở về, ông han hoan, hồ hởi vô cùng. Gặp con, ông xúc động rưng rưng. Bé Thu không chịu gọi ông là ba, dù rất giận, ông vẫn cố kìm nén trong lòng. Khi bé Thu gọi “ba”, ông xúc động nghẹn ngào. Ở chiến khu, ông dành hết tình yêu thương con làm chiếc lược ngà tặng con.
→ Qua nhân vật ông Sáu, người đọc không chỉ cảm nhận tình yêu con tha thiết sâu nặng của người cha chiến sĩ mà còn thấm thía bao đau thương mất mát đối với những em bé, những gia đình. Tình yêu thương con của ông Sáu còn như một lời khẳng định: Bom đạn của kẻ thù chỉ có thể hủy diệt được sự sống của con người, còn tình cảm của con người – tình phụ tử thiêng liêng thì không bom đạn nào có thể giết chết được.
3. Nghệ thuật:
– Xây dựng tình huống truyện bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí
– Xây dựng cốt truyện khá chặt chẽ, lựa chọn nhân vật kể chuyện thích hợp. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất,đặt vào nhân vật bác Ba, người bạn chiến đấu của ông Sáu và cũng là người chứng kiến, tham gia vào câu chuyện. Với ngôi kể này, người kể chuyện xen vào những lời bình luận, suy nghĩ,bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với nhân vật, và câu chuyện vẫn mang tính khách quan.
– Miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế và sâu sắc, nhất là đối với nhân vật bé Thu.
– Ngôn ngữ truyện mang đậm chất địa phương Nam Bộ, tình cảm thắm thiết, dạt dào.
Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.
1. Tóm tắt:
Chuyện kể về ba nữ thanh niên xung phong làm trinh sát mặt đường tại một cao điểm trong vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Họ ở trong một cái hang dưới chân cao điểm, tách xa đơn vị. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do bom định gây ra, đánh dấu vị trí trái bom chưa nổ và phá bom.
Công việc của họ hết sức nguy hiểm vì phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày và máy bay địch có thể ẩm đến bất cứ khi nào, đặc biệt họ phải đối mặt với thần chết trong mỗi lần phá bom – mà công việc này diễn ra hàng ngày, thậm chí mấy lần trong một ngày.
Cuộc sống của ba cô gái ở giữa chiến trường, dù khắc nghiệt và nguy hiểm nhưng vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh nhàn, mơ mộng và đặc biệt rất gắn bó yêu thương nhau trong tình đồng đội, dù mỗi người một cá tính. Trong một lần phá bom, Nho đã bị thương, hai người đồng đội đã hết sức lo lắng và chăm sóc cho cô. Tình cảm đồng đội gắn bó khăng khít đã giúp họ đứng vũng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
* Ý nghĩa:
Truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó chính là hình ảnh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.
Qua nhân vật Phương Định và các cô thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã có cái nhìn thật đẹp, thật lãng mạn về cuộc sống chiến tranh, về con người trong chiến tranh.Chiến tranh là đau thương mất mát song chiến tranh không thể hủy diệt được vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi trẻ, của con người. Chính từ những nơi gian lao, quyết liệt ta lại thấy ngời sáng vẻ đẹp của tuổi trẻ, của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam.
2. Nội dung.
a. Hình ảnh ba nữ thanh niên xung phong.
* Nét chung:
– Sống và chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, khắc nghiệt: sống trong một cái hang đá dưới chân cao điểm, trong vùng trọng điểm, nơi kẻ thù tập trung đánh phá thường xuyên (vô cùng nguy hiểm). Đó là hiện thực đầy mùi chiến tranh, không có màu xanh của sự sống, chỉ thấy thần chết luôn rình rập.
– Công việc của các cô đặc biệt nguy hiểm. Họ phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch để đo và ước tính khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom.
– Họ là những cô gái còn rất trẻ, tuổi đời mười tám đôi mươi, tâm hồn đầy mơ mộng, hồn nhiên.
– Qua thực tế chiến đấu, cả ba cô gái đều có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, lòng dũng cảm, gan dạ, bình tĩnh, can trường, không sợ gian khổ, hi sinh. Lúc nào, họ đã đặt công việc lên trên cả tính mạng của mình.
– Ở họ có tình đồng đội gắn bó, thân thiết như chị em.
– Cuộc sống chiến đấu ở chiến trường thật gian khổ, hiểm nguy nhưng họ luôn lạc quan, yêu đời.
* Nét riêng:
– Nho là một cô gái trẻ, xinh xắn, dễ thương, hồn nhiên như trẻ con.
– Chị Thao, tổ trưởng, ít nhiều có từng trải hơn, mơ ước và dự tính về tương lai có vẻ thiết thực hơn, nhưng cũng không thiếu nhưng khát khao và rung động của tuổi trẻ. Chị hát không hay nhưng rất hay hát và chép bài hát. Trong nhiệm vụ, chị bình tĩnh hết sức. Điểm yếu nhất của chị là dù không sợ chết nhưng rất sợ nhìn thấy vết máu.
– Phương Định cũng trẻ trung như Nho, là một cô học sinh thành phố, nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng và hay sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư về gia đình và về thành phố của mình. Phương Định xinh đẹp, nhận thức rõ về bản thân, có lý tưởng sống cao đẹp.
→ Mỗi người có một cá tính riêng nhưng ở họ đều ngời sáng vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, của tuổi trẻ Việt Nam. Viết về ba cô thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã không tô vẽ, không mĩ lệ mà miêu tả hết sức cụ thể, chân thực bằng cách cá thể hóa nhân vật với những hình ảnh rất đời thường. Họ đã từ cuộc đời bước vào trang sách, trở thành những anh hùng – những ngôi sao trên bầu trời Trường Sơn.
c. Nhân vật Phương Định:
– Phương Định là cô gái Hà Nội có tâm hồn trong sáng, nhạy cảm, giàu mơ mộng, rất hồn nhiên và yêu cuộc đời.
– Nét điệu đà, hồn nhiên, duyên dáng của một cô gái càng tôn thêm vẻ đáng yêu của cô thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm.
– Có tinh thần trách nhiệm với công việc, rất dũng cảm, gan dạ, bình tĩnh, tự tin và rất tự trọng.
– Sống gắn bó và hết lòng thương yêu những người đồng đội của mình.
– Qua dòng suy tư của Phương Định, người đọc không chỉ thấy sự toả sáng của phẩm chất anh hùng mà còn hình dung được thế giới nội tâm phong phú ở cô. Sự khốc liệt của chiến tranh đã tôi luyện tâm hồn vốn nhạy cảm yếu đuối thành bản lĩnh kiên cường của người anh hùng cách mạng.
– Phương Định (cũng như Nho và Thao) là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước.
→ Qua nhân vật Phương Định và các cô thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã có cái nhìn thật đẹp, thật lãng mạn về cuộc sống chiến tranh, về con người trong chiến tranh.Chiến tranh là đau thương mất mát song chiến tranh không thể hủy diệt được vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi trẻ, của con người. Chính từ những nơi gian lao, quyết liệt ta lại thấy ngời sáng vẻ đẹp của tuổi trẻ, của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam.
3. Nghệ thuật:
– Lựa chọn ngôi kể phù hợp, cách kể chuyện tự nhiên.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật, nhất là miêu tả tâm lí.
– Ngôn ngữ giản dị, vừa mang tính khẩu ngữ vừa đậm chất trữ tình.
– Câu văn ngắn, nhịp điệu dồn dập, gợi không khí chiến trường.
Cảm nghĩ về nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê