Suy nghĩ về ý nghĩa câu chuyện “Phần quan trọng nhất trên cơ thể”.
Mẹ tôi đã ra một câu đố: “Con yêu, phần nào là quan trọng nhất trên cơ thể hả con?” . Ngày nhỏ, tôi đã nói với mẹ rằng âm thanh là quan trọng đối với con người nên tai là bộ phận quan trọng nhất. Mẹ lắc đầu: “không phải đâu con. Có rất nhiều người trên thế giới này không nghe được đâu, con yêu ạ. Con tiếp tục suy nghĩ về câu đố đó đi nhé, sau này mẹ sẽ hỏi lại con.” Vài năm sau, tôi đã nói với mẹ rằng hình ảnh là quan trọng nhất, vì thế đôi mắt là bộ phận mà mẹ muốn đố tôi. Mẹ lại nhìn tôi âu yếm nói: “Con đã học được nhiều điều rồi đấy, nhưng câu trả lời của con chưa đúng bởi vi vẫn còn nhiều người trên thế gian này chẳng nhìn thấy gì”. Đã bao lần tôi muốn mẹ nói ra đáp án, và vì thế tôi toàn đoán lung tung. Mẹ chỉ trả lời tôi: “Không đúng. Nhưng con đang tiến bộ rất nhanh, con yêu của mẹ”.
Rồi đến năm 1991, bà nội yêu quý của tôi qua đời. Mọi người đều khóc vì thương nhớ bà. Một mình tôi đã vừa đạp xe vừa khóc trên suốt chặng đường 26 km từ thị xã về quê trong đêm mưa rào ngày 4/5 âm lịch của năm đó. Tôi đạp thật nhanh về bệnh viện huyện để mong được gặp bà lần cuối. Nhưng tôi đến nơi thì đã muộn mất rồi. Tôi đã thấy bố tôi gục đầu vào vai mẹ tôi và khóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc như tôi. Lúc liệm bà xong, mẹ đến cạnh tôi thì thầm: “Con đã tìm ra câu trả lời chưa?” Tôi như bị sốc khi thấy mẹ đem chuyện đó ra hỏi tôi lúc này. Tôi chỉ nghĩ đó là một trò chơi giữa hai mẹ con thôi.
Nhìn vẻ sững sờ trên khuôn mặt tôi, mẹ liền bảo cho tôi đáp án: “Con trai ạ, phần quan trọng nhất trên cơ thể con chính là cái vai.” Tôi hỏi lại: “Có phải vì nó đỡ cái đầu con không hả mẹ?” Mẹ lắc đầu: “Không phải thế, bởi vì đó là nơi người thân của con có thể dựa vào khi họ khóc. Mỗi người đều cần có một cái vai để nương tựa trong cuộc sống. Mẹ chỉ mong con có nhiều bạn bè và nhận được nhiều tình thương để mỗi khi con khóc lại có một cái vai cho con có thể ngả đầu vào.”
Từ lúc đó, tôi hiểu rằng phần quan trọng nhất của con người không phải là “phần ích kỷ”, mà là phần biết cảm thông với nỗi đau của người khác. Đã nhiều năm rồi, những lời mẹ nói vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi: “Vì cuộc sống là tình yêu, con hãy là bờ vai để người khác tựa vào. Cuộc sống bận rộn, nhịp đời hối hả, càng ngày con người càng xa cách nhau hơn, nhưng suy cho cùng, tất cả mọi sự cố gắng của con người đều nhằm mục đích cải thiện cuộc sống mình.
- Mở bài:
Chuyện kể về người mẹ đã ra một câu đố: “Con yêu, phần nào là quan trọng nhất trên cơ thể hả con?”. Ngày nhỏ, người con bảo đôi tai là bộ phận quan trọng nhất. Vài năm sau, người con lại cho rằng đôi mắt là bộ phận quan trọng nhất. Đã bao lần người con muốn mẹ nói ra đáp án nên toàn đoán lung tung. Và sau lần trả lời ấy mẹ đều bảo là không đúng nhưng cũng khéo léo khen con đã lớn và tiến bộ. Khi người bà qua đời mọi người đều khóc vì thương nhớ. Người con vừa đạp xe vừa khóc. Tôi đạp thật nhanh về bệnh viện huyện để mong được gặp bà lần cuối. Nhưng đến nơi thì đã muộn mất rồi. Người con thấy bố gục đầu vào vai mẹ và khóc. Lúc liệm bà xong, người mẹ đến cạnh người con và bảo phần quan trọng nhất trên cơ thể chính là cái vai, bởi vì đó là nơi người thân có thể dựa vào khi họ khóc. Mỗi người đều cần có một cái vai để nương tựa trong cuộc sống. Từ câu chuyện trên ta rút ra bài học ý nghĩa phần quan trọng nhất của con người không phải là “phần ích kỷ”, mà là phần biết cảm thông với nỗi đau của người khác.
Quả thật như vậy, cuộc sống sẽ chẳng là gì nếu không có tình yêu thương. Đó là đích đến cuối cùng, khát vọng yêu và được yêu mà từ muôn đời nay con người vẫn luôn tìm kiếm. Nội tâm con người là một thế giới rất đỗi huyền bí, người ta mạnh mẽ đấy, nhưng cũng dễ yếu đuối, dễ nản lòng, và ngay chính lúc đó, người ta cần lắm một bờ vai để tựa vào, để những tâm hồn yếu mềm được mạnh mẽ, để những khổ đau được yên nghỉ, để những vấp ngã có thể đứng lên bước tiếp…
“Đôi vai” là hiện thân của sự sẻ chia, là biểu tượng của sự nâng đỡ. Chính những điều ấy là chất keo gắn kết con người với con người, đưa con người vượt qua mọi rào cản mà xích lại gần nhau hơn. Đôi vai thật quan trọng biết bao, nó không chỉ đơn thuần là sự sẻ chia mà còn là sự giúp đỡ. Người lữ hành trên chuyến xe đò về Tết cần lắm một bờ vai để ngả đầu chợp mắt, lại sức cho cuộc hành trình dài. Người vừa đánh mất tình yêu cần lắm một bờ vai để khóc cho vơi đi tổn thương đổ vỡ trong lòng. Người vừa trải qua tai nạn thập tử nhất sinh cần lắm một bờ vai để biết rằng sự sống là quý giá và đáng trân trọng biết bao. Đối với những người con xa gia đình thì có điều gì ấm áp hơn bờ vai của cha mẹ khi được trở về nhà. Đôi vai đối với con người thật ý nghĩa biết mấy! Đó là biểu hiện của sự cho đi, và đôi khi cũng là sự nhận lại.
Thông thường, người ta hay tựa vào vai của những người mà ta thân thuộc, nhưng đôi lúc ta cũng nhận được một bờ vai xa lạ, để biết rằng trên đời này còn lắm tình yêu thương. Và khi gặp một ai đó nản lòng, hãy để bờ vai ta làm điểm tựa cho họ, để ta không những chia sẻ tâm tư tình cảm với họ, mà còn nhận được từ họ sự tin tưởng và niềm vui khi giúp đỡ người khác. Phần quan trọng nhất của con người không phải là phần “ích kỉ”, mà là phần biết cảm thông với nỗi đau của người khác.
Chúng ta đã sống như vậy, sống để yêu mình và yêu người. Mỗi buổi sáng thức dậy chúng ta vẫn có thói quen nhìn vào gương để cám ơn tạo hóa đã ban cho chúng ta một đôi vai để có thể làm điểm tựa cho người khác, để chung ta thể hiện tình yêu thương của mình đối với mọi người. Để rồi mỗi khi có một ai đó hỏi rằng: “Phần nào là quan trọng nhất trên cơ thể?”, hãy mỉm cười nhẹ nhàng trả lời họ rằng: “chính là đôi vai!”.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, nhiều lúc con người sống cô độc khép chặt mình trong những ngôi nhà kín mít, sống mà không cần đến nhau, chỉ cần một chiếc ti vi, một chiếc máy vi tính… là có thể tách ra cuộc sống của mọi người xung quanh. Và khi đó con người phải chăng đang bị cầm tù trong sự cô đơn của chính mình? Rõ ràng thiếu đi sự sẻ chia, thiếu đi đôi vai làm điểm tựa con người sẽ rơi vào trạng thái chông chênh, vô định.
Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp, người có “đôi vai” vững chắc dễ tự đắc, ảo tưởng về vai trò của mình đối với người khác dẫn đến lối sống ích kỉ, lợi dụng kiếm chác, đầy toan tính với những người cần bờ vai của mình, cần hiểu rằng: “kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên đôi vai của người khác. Kẻ mạnh là kẻ nâng đỡ người khác trên đôi vai của chính mình”. Đây là một hành vi đáng lên án và cần loại bỏ.
- Kết bài:
Nói tóm lại, xã hội ngày càng phát triển con người càng có thêm nhiều mối quan hệ song ai cũng cần cho mình một bờ vai để tựa, một bờ vai để gánh vác trách nhiệm của mình trong cuộc đời và những lỗi lầm mình đã gây ra. Hãy trân trọng những bờ vai quanh ta sẵn sàng để ta tựa vào dù trong bất cứ hoàn cảnh nào và xây dựng cho mình một “đôi vai” cứng cáp, có sức chịu đựng bạn nhé!