phan-tich-bai-tho-cau-ca-mua-thu-cua-nguyen-khuyen-duoi-goc-do-thi-phap

Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến (dưới góc độ thi pháp)

Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến (dưới góc độ thi pháp)

Đặc sắc của Thu điếu nhìn từ thi pháp học chính là việc xây dựng kết cấu nghệ thuật thể hiện cái nhìn về con người trong mối quan hệ với thiên nhiên. Nói cách khác, chân dung con người được đặt lọt thỏm trong không gian thiên nhiên, vũ trụ.

Do vậy, muốn hiểu con người trong bài thơ thì phải hiểu không gian nghệ thuật của bài thơ, vì tâm lý, cảm nghĩ và tư tưởng con người không được diễn tả trực tiếp mà được thể hiện trong các sắc màu, dạng thái của thiên nhiên. Không gian nghệ thuật của Thu Điếu là sự phối kết của ba mảng chính: vũ trụ, thiên nhiên cảnh vật và con người. Một góc tiếp cận khác thì đó là không gian mà con người là tâm cảnh, mà tâm trạng và mĩ cảm được thể hiện qua các tình tiết, vũ trụ và thiên nhiên, nghĩa là trữ tình gián tiếp.

Từ đó, cấu trúc thẩm mỹ của không gian nghệ thuật được thể hiện trong mối quan hệ của hai đối tượng là con người với thiên nhiên, vũ trụ. Tiêu đề bài thơ nói về hành vi của con người, hành vi câu cá trong mùa thu, nhưng dung lượng bài thơ phần lớn nói về vũ trụ và thiên nhiên, nghĩa là những đối tượng thuộc ngoại vi của hành động câu cá. Đó là màu trời, sắc thu, dáng ngõ, điệu lá rơi, ao thu, sóng nước.

Vũ trụ và thiên nhiên được nhìn trong nhiều điểm: Xa là trời xanh ngắt, gần là ngõ trúc, lá vàng rơi, và gần nữa là chân bèo. Mỗi đối tượng có đặc điểm biểu vật riêng nhưng đều có chung tình điệu thẩm mỹ của sự vắng, cái buồn. Đặc biệt, tình tiết trời xanh ngắt là một yếu tố nghệ thuật lặp lại trong cả chùm ba bài thơ Thu của Tam Nguyên: Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao (Thu vịnh), Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt (Thu ẩm), và Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt (Thu điếu).

Thế nhưng, đấy không phải là sự ngợi ca sắc thu xanh đẹp, mà là điểm nhấn làm phông của bức tranh bằng cái không gian vũ trụ xanh đến vô cùng, gợi sự rợn ngợp và tương phản với con người cô lẻ đang tựa gối buông cần, mà dường như không mấy chú tâm vào việc câu được cá hay không. Liên quan đến hành vi câu cá của con người chỉ có thuyền câu, cần câu, cá đớp động. con người như lọt thỏm, chìm khuất trong cái vũ trụ mênh mông diệu vợi và thiên nhiên của thu lạnh, vắng, buồn.

Mặt khác, các thủ pháp chính để kiến trúc không gian thơ là đối lập và tương phản. Mảng lớn là Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt, và mảng bé là Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Cái lớn được đẩy tới vô cùng bằng không gian trời xanh ngắt không giới hạn. Đó là màu xanh vị liễu (xanh không rồi), với mục tiêu không phải ca ngợi bầu trời đẹp mà là nhắm vào tính vô cùng vô tận của nó, cùng với mỹ cảm là tạo ra sự rợn ngợp. Không gian còn là sự tương phản giữa tĩnh và động: Ngõ trúc quanh co khách vắng teo,/ Sóng biếc theo làn hơi gợn tí;/ Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo…, Cá đâu đớp động dưới chân bèo; và thậm chí là bất động giữa một trời tĩnh lặng: Tựa gối buông cần lâu chẳng được,/ Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Không gian nghệ thuật của bài thơ được kiến tạo như thế tạo nên có đặc tính vừa là hiện thực, vừa là gợi mở bức tranh tâm trạng của chủ thể trữ tình. Con người ông quan Nguyễn Khuyến tài hoa, nhân cách cao đẹp nhưng lại lạc điệu giữa thế cuộc đảo điên, xã hội hỗn loạn, nhố nhăng. Ông cáo quan về ở ẩn và giấu mình giữa thiên nhiên. Chính cái không gian thẩm mỹ này hé lộ tâm trạng buồn, cô độc, u tĩnh của bậc chính nho, một thi nhân tài hoa và thiên lương.

Về mặt ngôn từ, bài thơ sử dụng trường từ ngữ giàu tính miêu tả và gợi hình, vẽ nên bức tranh thu mang nét riêng, rất riêng của Việt Nam. Các từ láy, từ ghép trong bài thơ như lạnh lẽo, trong veo, tẻo teo, vèo, xanh ngắt, vắng teo, đã cá biệt hóa sắc thái của các nét thu miền Bắc Việt Nam, mang lại cho bài thơ những sắc màu ấn tượng và sức biểu cảm cao.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang