Phân tích thi pháp trung đại qua ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến

thi-phap-trung-dai-qua-ba-bai-tho-thu-cua-nguyen-khuyen

Thi pháp trung đại qua ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến

  • Mở bài:

Có thể nói, Nguyễn Khuyến là lớp nhà Nho cuối cùng còn vận dụng triệt để thi pháp văn học vào trong tác phẩm thi ca. Thơ ông nhuần nhị, uyển chuyển, thể hiện được sức mạnh của thi pháp trung đại mà không làm mất đi tính bình dị, gần gũi và thân thuộc của đời sống nông thôn Việt Nam. Ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến (Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm) thể hiện tinh tế, sâu sắc và hiệu quả thi pháp ấy.

  • Thân bài:

Nhắc đến một nền văn học trước tiên là đề cập đến thi pháp của nền văn học ấy. “Thi pháp” được hiểu là phép tắc làm thơ. “Thi pháp trung đại” là thuật ngữ chỉ lĩnh vực nghiên cứu văn học với tư cách là một nghệ thuật, nghiên cứu cấu tạo của tác phẩm văn học và tác giả của một thời kì từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX. Nó nêu ra rạch ròi những nguyên tắc mà bất kì người nghệ sĩ nào trong thời đại đó cũng phải tuân theo.

Văn học trung đại có tính ước lệ, cao quý và thanh nhã. Trong tính ước lệ lại bao gồm tính uyên bác, sùng cổ và tính phi ngã. Mỗi đặc tính như một phần của cây cổ thụ – thiếu đi sẽ mất đi vẻ cổ kính, uyên thâm của một nền văn học. Tất cả những đặc điểm được tổng hòa để cùng được chạm trổ lên những bức tượng đài vĩ đại – những tác phẩm kinh điển ghi dấu tinh hoa một thời tưởng như đã qua nhưng mãi vàng son trong đời sống văn học; ghi dấu tài hoa, ý chí của người nghệ sĩ với cuộc đời.

Đặc điểm của một nền văn học phản ánh nhu cầu thẩm mỹ, quan niệm về cuộc sống của những giai cấp làm chủ trong xã hội. Văn học trung đại mang tính uyên bác vì đối tượng sáng tác và đối tượng thưởng thức đều là những người có vốn học vấn uyên thâm “làu thông Đông Tây kim cổ”. Thi thánh Đỗ Phủ từng nói: “Năm mươi sáu chữ trong một bài thờ Đường luật phải là những ông thánh hiền tuyện nhiên không lọt một chú buôn thịt”. Chính vì thế mà thể loại thơ quy định rất chặt chẽ, nghiêm ngặt: đề – thực – luận – kết rõ ràng và cách gieo vần, ngắt nhịp cũng phải nhịp nhàng, đúng theo khuôn khổ.

Ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến được viết bằng chữ Nôm, theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Mỗi bài là một phác thảo với nét bút hội họa phương Đông, không rườm rà, sặc sỡ mà cũng không gò bó, khuôn sáo. Nhà thơ – họa sĩ họ Nguyễn đã đưa chúng ta về một vùng quê quanh năm ngập nước của đất Hà Nam đầu thế kỉ XIX vào độ thu sang. “Thu vịnh” là những đường nét phác họa khái quát những đặc điểm nổi bật về mùa thu. “Thu điếu” dừng lại ở không gian và thời gian cụ thể đó là trên một ao thu, vào một chiều thu có ngư ông trên thuyền hả mồi đợi cá. Sang đến “Thu ẩm” là sự quan sát cảnh thu trong nhiều thời điểm khác nhau để thâu tóm những nét nên thơ nhất.

Thiên nhiên trong thơ trung đại được ví như người tình không thể thiếu trong cuộc yêu đương. Sơn thủy hữu tình là đề tài ưa chuộng của nghệ thuật phương Đông, nó như một bức tranh thủy mặc với những đường nét thanh cao, màu sắc thanh đạm, hướng đến những điều thanh sạch trong đời thường. Cảnh thu trong “Thu vịnh” đã được cụ Tam Nguyên phác họa như thế nào?

Phần lớn dung lượng bài thơ (6/8 câu) là thơ tả cảnh. Biên độ không gian và thời gian không hạn chế: một buổi sáng, một cảnh chiều, một đêm trăng đượm màu mùa thu. Ta bắt gặp “trời” (câu 1, câu 2), “nước” (câu 3), “hoa” (câu 5) có điểm xuyết âm thanh vọng lại từ không trung cao vút nhưng điệu thơ, hồn hơ thì đã vượt khỏi khuôn sáo kiểu tứ thời, tứ thú, tứ quý… của nét bút thơ và họa cổ điển. Nét thu quán xuyến tất cả là bầu trời thu không ủ dột, quẩn quanh tù túng mà cao vời vợi, cao ngất mấy tầng, cao hút tầm mắt:

“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”

Chỉ một nét điểm xuyết, phác họa cùng một cây cọ màu xanh mà vẫn thấy được tầng tầng lớp lớp màu xanh da trời. Tầng tầng lớp lớp mà vẫn chan hòa với nhau để tạo thành vòm trời vừa cao rộng, vừa sâu lắng. Sang đến “Thu điếu”, cảnh vật cũng được phác họa bởi trời thu:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”

Màu xanh gợi nhắc lại như cái điệp khúc của bầu trời một độ vào thu, “tầng mây lơ lừng trời xanh ngắt” là màu xanh phân vân trước cái cao rộng của bầu trời dường như những áng mấy thưa thớt quá nên chẳng thể phủ kín bầu trời xanh ngắt thênh thang.  Bầu trời được phân làm hai lớp: phần trên là màu xanh rộng rãi bao la, phần dưới lãng đãng màu mây trắng. Cả hai màu sắc hợp hòa bên nhau, làm nổi bật lên nhau tạo nên những đường nét thật trong sáng. Chính cái màu xanh ngắt – một màu xanh, rất xanh – có tác dụng nâng bầu trời lên cao hơn, rộng hơn, lại hiện diện một lần nữa trong bài “Thu ẩm”:

“Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”

Da trời không ai nhuộm mà xanh. Đúng là trời thu Việt Nam – nhất là ở vùng Bắc Bộ bao giờ cũng đẹp đẽ trong sáng như viên ngọc giữa lòng đại dương. Màu trời ấy lồng ánh qua tâm hồn rất hữu tình của Nguyễn Khuyến càng xanh biếc, càng đẹp như sắc ngọc lưu ly xuyên suốt ba bài thơ thu.

Giữa trời thu bao la như nới rộng cả không gian ấy, một khóm tre xa xa từ thôn vắng lả ngọn theo gió thu nhẹ nhàng uyển chuyển càng tô thêm sắc thu:

“Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”

Cái vẻ “lơ phơ” của trúc còn gợi lên nét gì rất tỉ mỉ như những nét bút lồng của họa sĩ. Trúc được xem như là một trong tứ bình của loài hoa “tùng – trúc – cúc – mai”, bởi nét thanh tao, mảnh khảnh của nó. “Gió hắt hiu” gợi đúng cái gió heo may se lạnh của miền Bắc. Giữa trúc và gió hình như có sự chan hòa, thấm quyện vào nhau. Cành trúc còn gợi cái hồn vìa của làng cảnh Việt Nam tự ngàn đời:

“Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Trên là trời xanh bát ngát, dưới là ngõ trúc trầm mặc quạnh quẽ, hai chữ ‘quanh co” như một nét vẽ linh hoạt tạo nên một đường uốn lượn chuyển động, đồng thời cũng gợi cảm giác heo hút cô đơn. Thơ trung đại thường “tả cảnh ngụ tình”, đem cái buồn trong lòng người mà trút ra thành thơ. “Khách vắng teo” – càng làm tăng thêm sự tĩnh mịch tột cùng của cảnh: không một bóng người, không một tiếng động. Cảnh vật như lặng thinh, thời gian như ngưng đọng nhường chỗ cho một ý thu mênh mông bát ngát.

Đối xứng với trời thu là ao thu vào sáng tinh mơ, lúc màn đêm đã vén hay vào buổi chiều tà, lúc bóng ô vừa ngậm non đoài, thời điểm “long lanh đáy nước in trời”; nước biếc dội lên màu xanh thơ mộng tạc nên ảo ảnh màn khói mênh mông mà các nhà thơ cổ điển thường gọi là “yên ba giang thượng”. Trời thu và nước thu: “Nước biếc trông như tầng khói phủ” hay “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí” tựu chung đều là những vẻ đẹp mơ hồ, rất khẽ khàng của cảnh sắc mùa thu. Nước thu vẫn “trong veo” nhưng màu trong xanh bây giờ dường như đã trộn lẫn với màu nhàn nhạt của sương chiều. Màu chiều xuống thấp đọng trên làn sương nhẹ bay là trên mặt nước tạo nên cảm giác kì lạ khó phân biệt được ranh giới giữa làn nước xanh và màu sương nhạt.

Sau thu thiên, thu thủy là thu nguyệt. Trăng thu sáng dịu dàng trong trẻ tuyệt trần xưa nay vốn là bạn của thi nhân. Trăng là kẻ đồng hành: “Chè trên, nước ghín, nguyệt đeo về” (Nguyễn Trãi), “Một trong một bóng một người hóa ba” (Nguyễn Huy Tự). Nguyễn Khuyến không cài song để đón trăng và ngắm trăng, chẳng biết trăng ở đây có vào đòi thơ Tam Nguyên Yên Đổ hay không mà sao thơ mộng đến thế:

“Song thưa để mặc ánh trăng vào”

Có một sự chuyển động rất khẽ khàng của thời gian và bóng trăng bước vào thơ như một người tri kỉ. “Song thưa”  – một khung cửa mở rộng thênh thang. Thời gian bước nhẹ từng bước làm không gian cũng chuyển mình, cảnh vật như mờ dần và tựa hồ như “bóng trăng loe” in hằn trên “làn ao lóng lánh”, ánh trăng chậm rãi bước vào song cửa, người và trăng như ùa vào nhau, chan hòa lẫn nhau. Cảnh vật im ắng chứa một chiều sâu vừa tĩnh mịch, vừa khoáng đạt bao la lạ thường. Bây giờ lại đến hoa thu:

“Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái”

Phải chăng vì người xưa quan niệm thời gian tuần hoàn “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại” nên thời gian trong thơ Nguyễn Khuyến chầm chậm êm trôi thậm chí dừng lại trong suy tưởng. Dưới bóng trăng “mấy chùm trước giậu” bước vào cảnh vật như một nỗi gợi nhớ, nhắc nhở; tác giả nhắc đến hoa nhưng không phải để tả cảnh nên hoa không có màu sắc, hoa chỉ làm minh chứng cho sự tuần hoàn của năm tháng và hoa chỉ thấm đượm màu sắc của thời gian. Giữa thực và hư không có ranh giới nên chùm hoa trước giậu bỗng mang bóng dáng của “chùm hoa năm ngoái…”. Bóng trăng không chỉ soi tỏa con nước mà còn phủ thứ ánh sáng bàng bạc trên những giậu hoa gợi nên những màn “khói nhạt” giăng mắc giữa không trung.

Cảnh vật càng hữu tình tựa như bức tranh thủy mặc được chấm phá bởi một tâm hồn tự tại, ung dung đằm mình trong thiên nhiên. Nguyễn Khuyến – nhà thơ của làng cảnh Việt Nam đã đem cả non sông nước biếc với bao nhiêu phong cảnh hữu tình vào thơ như một kho tàng quý báu. Như người nghệ sĩ chấm phá bức tranh bằng cây cọ trăng đen truyền thống, thi pháp trung đại được Tam Nguyên Yên Đổ sử dụng như một cây cọ thần phủ lên cảnh vật màu sắc tươi tắn, sinh động, mà cũng rất đỗi nhẹ nhàng, nên thơ.

Văn học trung đại cũng mang đậm sự cao quý và thanh nhã như cốt cách con người thuở xưa. Xã hội phong kiến là xã hội với nhiều lễ nghi chính vì thế mà văn chương có mục đích quan trọng là giáo hóa, người sáng tác nghiêm trang, dù viết ra để chơi vui, thù ứng thông thường cũng không thể nói càn, mà gần hay xa đều nhắm đến xúc cảm, suy nghĩ của mình, ngày xưa cho đó là cái chí, cái tình, cái tam của người làm thơ. Cái tâm ấy hương theo một cái đạo nhất định. Trong thơ cụ Nguyễn, cái “đạo” ấy là nỗi niềm yêu nước khôn nguôi của người sống trên quê hương nhưng lại thiếu vắng quê hương:

“Một tiếng trên không ngỗng nước nào”

Câu thơ 5 – 6 trong bài “Thu vịnh” này cùng một mạch liên tưởng với nhau: chùm hoa xưa gợi nhớ nỗi niềm nước nhà; tiếng chim kêu càng làm tâm trạng u hoài, sầu cổ. Giữa bầu trời cao rộng, im ắng chợt vang lên một tiếng kêu thê thảm của một con ngỗng lạc bầy.  Trong khoảnh khắc, âm thanh dường như xé cả không gian rồi chìm đắm, mất hút… Cảnh lại càng cô tịch như vết kéo dài của tiếng trống canh hằn lên trong tâm hồn nhà thơ.

Ngỗng trời là loại di điểu bay xa, mỗi cuối mùa thu, tời sắp lập đông, chim phải rời miền Bắc đề xuôi về miền Nam trốn rét. “Ngỗng nước nào” gợi lên cảm giác man mác, quạnh quẽ trong tâm hồn thi nhân. Hỏi “Ngỗng nước nào?” phải chăng nhà thơ thấy mình như cánh chim lạc bầy, như vùng trời này không còn là của đất nước mình nữa. Nhớ chùm hoa năm ngoái và đau xót khi nhìn lại đất nước của mình hôn nay. Tả cảnh thù mà lòng người cũng mênh mang, chan chứa tình người, ắp đầy những tâm sự. Tâm sự dù chẳng buông một lời nhưng người ta nghe có tiếng thở dài của người quá tuổi tìm đến rượu như thứ men tráng lấp những nỗi niềm:

“Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy
Độ năm ba chén đã say nhè”

Câu thơ trước đọng lại trong mạch thơ như giọt lệ lưng tròng “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe” – giọt lệ như sương của tuổi già rơm rớm như một nỗi đau âm ỉ. Một bầu trời tâm sự nước non chỉ còn cách mượn rượu để giải sầu. Uống rượu tiêu sầu mà sầu có đứt, ở ẩn tìm quên mà nỗi nước nhà có lúc nào nguôi? Càng uống thi nhân càng “say nhè”. Thế là một mình nhà thơ đối diện với bầu rượu trong đêm thu. Sau “năm ba chén”, tâm tư đã nhòa ra, thẩm thấu vào cảnh vật khiến cho sắc thu, dáng thu, hồn thu đều cùng lảo đảo trong cơn say. Người đã “khấp khểnh ba chân dở tỉnh dở say” thế mà nỗi buồn vận nước vẫn bứt rứt mãi trong lòng.

Cụ Tam Nguyên từng mượn rượu để giải khuây, bây giờ lại mượn thú câu cá cho vơi bớt nỗi niềm mất nước:

“Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

Cả bài thơ “Thu điếu” là một nốt nhạc trầm lặng chỉ duy nhất một thanh cao chen ngang giữa bản nhạc êm ắng nơi cuối bài. Nhà thơ dường như đang giật mình trước tiếng cá “đớp động dưới chân bèo”. Từ “cá đâu” là cách hỏi vừa tạo sự mơ hồ trong không gian vừa gợi sự ngỡ ngàng của lòng người. Nhà thơ dường như mất cảm giác về không gian thực tại mà chìm đắm trong không gian suy tưởng. Câu cá chẳng phải để bắt cá. Người xưa có kẻ lấy câu cá làm việc đời thời, đợi người hay để câu nhàn, “lánh đục về trong”. Trong văn thơ truyền thống, người xưa lấy việc câu cá để từ chối việc làm quan và coi câu cá là việc “câu người”, “câu quạnh”, “câu lười”.

Nhà thơ Nguyễn Khuyến lấy cớ đau mắt bỏ quan về làng năm 49 tuổi và không muốn hợp tác với triều đình bất lực bán nước. Bài thơ “Thu điếu” không chỉ chất chứa nỗi buồn thế sự của một tấm lòng yêu nước mà còn thể hiện khát vọng câu thanh, câu vắng cho tâm hồn của một thi nhân có phẩm chất thanh cao.

Thi pháp trung đại còn mang tính chất sùng cổ, nghĩa là đề cao cái cổ, cái xưa. THời tốt đẹp nhất phải là thời Nghiêu, Thuấn; quá khứ bao giờ cũng là mẫu mực cho văn chương, cho con người soi vào. Người ta quan niệm “xưa sao nay vậy”, “không ai mặc áo qua khỏi đầu”. Con người phải tự hạ mình đến mức tối đa, xem mình là tài hèn sức mọn. Chẳng vì thế mà ta thấy Phạm Ngũ Lão đã từng khiêm nhường: “Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu” – thể hiện một chữ “thẹn” đầy thanh cao.

Nguyễn Khuyến cũng vậy:

“Nhân hứng cũng vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”

Nếu chúng ta hiểu thái độ của Nguyễn Khuyến trong tư cách là kẻ sĩ, trước quyết định xuất -xử đầy tỉnh táo, dứt khoát của Đào Tiềm, thì ta không những sẽ hiểu mà càng trân trọng và kính ngưỡng nỗi hổ thẹn đáng quý của ông. Một con người đâu chỉ vẹn trọn một lòng yêu nước mà còn thanh sạch, đầy nhân phẩm, cốt cách cao đẹp. Nguyễn Khuyến là một trong những cây cổ thụ của văn học dân tộc. Tuy bóng mát của cây đại thụ ấy không rợp bóng thời gian suốt bao thế kỉ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du nhưng gốc rễ của nó ăn sâu vào đất Việt, góp phần tạo nên tâm hồn Việt bởi thơ ông vẹn đầy những đường nét thi pháp của một thời và con người ông mang tầm vóc của con người thời đại bởi cốt cách thanh cao, trong sạch. Ba bài thơ mùa thu của Nguyễn Khuyến vẽ nen bức tranh quê hương bình dị, đằm thắm tình người, tình đời.

  • Kết bài:

Thành thơ văn để đời, vượt qua sự đào thải khắc nghiệt của thời gian, người nghệ sĩ cần phải có cái tài, cái trải nghiệm, cái cảm sâu sắc; phải hội tụ hùng tâm tráng chí của thời đại để làm nên những tác phẩm bất hủ. Có được như vậy, văn chương mới bất tử cùng thời gian. Thi pháp trung đại dẫn cho người đọc đương thời và thế hệ sau con đường đi đến cách cảm, cách nghĩ, những đường nét văn hóa và đặc biệt là chạm vào hồn cốt con người một thời. Đi sâu vào các đặc điểm tính uyên bác, tính ước lệ, tính sùng cổ, tính phi ngã, ta càng thấy một bầu trời văn chương như nới rộng ra bởi cảm quan của người xưa trước thiên nhiên, ta thấy được tầm vóc con người cũng như nhân cách, khí tiết và nỗi lòng miên man của tiền nhân ẩn sau từng con chữ. Dòng văn học trung đại chẳng những làm nền tàng cho văn học dân tộc mà còn làm giàu thêm tinh thần nhân bản, tình yêu nước và có tác dụng như tiếng nói mở đầu cho văn học viết của dân tộc.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.