Phân tích bài thơ Ngắm trăng lớp 8 (ngắn gọn, dễ hiểu)
- Mở bài:
Hồ Chí Minh là một lãnh tụ vĩ đại, nhà cách mạng lỗi lạc, nhà quân sự tài ba, nhà ngoại giao kiệt xuất, nhà văn, nhà thơ xuất sắc, danh nhân văn hóa thế giới. Tuy Người chỉ xem văn chương là một thú vui khi nhàn hạ nhưng đã để lại một sự nghiệp văn học vô cùng to lớn. Bài thơ Ngắm trăng in trong tập Nhật kí trong tù, là tác phẩm tiêu biểu nhất phong cách sáng tác của Bác. Qua việc ngắm trăng trong tù, bài thơ giúp người đọc hiểu hơn ý chí, nghị lực phi thường và tâm hồn lạc quan của Bác luôn hướng về ánh sáng ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
- Thân bài:
Bài thơ thuộc chủ đề vịnh cảnh, một trong những chủ đề quen thuộc trong thơ xưa. Nhưng ở bài thơ Ngắm trăng, Bác đã khéo léo vận dụng cách thể hiện rất hiện đại. Sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa cảnh và người khiến cho bài thơ có sức lôi cuốn, hấp dẫn mạnh mẽ.
Mở đầu bài thơ, Bác khắc họa hoàn cảnh hiện tại của mình:
“Trong tù không rượu, cũng không hoa”.
Người xưa khi ngắm trăng thường có hoa, có rượu. Hoa để hòa sắc cùng trăng, rượu để làm say tâm hồn. Thế nhưng ở đây, điều kiện tối thiểu ấy, Bác cũng không thể có được. Tuy nhiên, những thiếu thốn ấy không thể ngăn cản tâm hồn Bác hướng đến cái đẹp, ánh mắt dõi theo ánh trăng:
“Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”
Câu thơ thể hiện một chút bối rối và nuối tiếc trong tâm hồn Bác. Trước mắt Bác là một cảnh đẹp hiếm có. Nếu không ngắm nhìn thì quả thực là đáng tiếc. Nhưng nếu ngắm nhìn thì chẳng đúng với văn hóa của người xưa.
Bỏ qua hình thức thưởng trăng truyền thống, Bác vẫn thả hồn mình theo ánh trăng đang vằng vặc sáng:
“Người ngắm trăng soi ngoài của sổ
Trăng nhòm của sổ ngắm nhà thơ”.
Từ phòng giam tăm tối, Bác hướng tới vầng trăng, nhìn về ánh sáng, tâm hồn thêm thư thái. Có thể nói, ở đây, bác đã làm một cuộc vượt thoát bằng tinh thần. Song sắt nhà tù không thể nào ngăn cách được người tù và vầng trăng.
Giữa trăng và người giờ đây đã không còn khoảng cách. Trăng được nhân hóa như một người bạn tri âm, tri kỉ từ viễn xứ đến chốn ngục tù tăm tối thăm Bác. Trong phút chốc, Bác đã quên đi hoàn cảnh thực tại của mình. Xung quanh Bác chỉ có thiên nhiên hiền hòa, tuyệt đẹp. Điều đó cho thấy ở Bác một tinh thần mạnh mẽ, một ý chí sắt đá, một tâm hồn lạc quan, yêu đời, một phong thái ung dung, tự tại đến phi thường.
Hai câu thơ được cấu trúc đăng đối tạo nên sự cân xứng hài hòa giữa người và trăng, giữa ngôn từ, hình ảnh và ý thơ như ý chí của người tù cộng sản luôn vững chãi trước muôn vàn trắc trở, hiểm nguy.
Bài thơ tứ tuyệt giản dị mà hàm sức, đầy đầy vị, thi đề cổ điển nhưng tinh thần là của thời đại, kết hợp hài hòa giữa yếu tố hiện thực khốc liệt của nhà tù và chất lãng mạn trong tình yêu cái đẹp của Bác. Bài thơ khẳng định sau sắc tình yêu trăng, yêu thiên nhiên tha thiết, phong thái ung dung, tự tại, tinh thần lạc quan, yêu đời Bác Hồ ngay cả trong hoàn cảnh ngục tù tối tăm.
- Kết bài:
Ngắm trăng là một trong những tác phẩm viết về trăng xuất sắc nhất của Bác và của nền thơ hiện đại Việt Nam. Ý chí kiên định và phong thái ung dung, tự tại của Bác là bài học sâu sắc cho mỗi chúng ta. Muốn làm nên những việc lớn lao, cần phải có một tinh thần mạnh mẽ, một niềm tin mãnh liệt, không bao giờ gục ngã trước thử thách, gian nan.