Phân tích bài thơ Nhớ đồng của Tố Hữu
I. Mở bài:
– Giới thiệu đôi nét về tác giả Tố Hữu và bài thơ Nhớ đồng.
– Nêu khái quát nội dung, chủ đề bài thơ.
II. Thân bài:
1. Người tù cộng sản nhớ đến cuộc sống tự do, thoải mái bên ngoài nhà tù
– Tiếng hò được lặp đi lặp lại nhiều lần. Giữa trời trưa, tiếng hò ấy vang lên một cách đơn độc, lẻ loi. Âm thanh ấy khiến cho nhân vật trữ tình cảm nhận được sự lạnh lẽo, hiu quanh của cảnh vật xung quanh.
– Tiếng hò dường như cũng đồng cảm và hoà điệu cùng với nỗi cô đơn, lạnh lẽo. Nỗi nhớ nhung da diết về quê hương và cuộc sống tự do, tươi sáng bên ngoài nhà tù tăm tối tràn đầy trong tâm trí.
– Những tiếng than khắc khoải mà da diết. Đó là cõi lòng cô đơn, lẻ loi của người chiến sĩ khi bị giam giữ, sống trong một nơi tối tăm, không ai bầu bạn, bị cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Câu thơ thể hiện nỗi hiu quạnh, buổi tủi của một người tha thiết yêu đời.
– Lặp lại nhấn mạnh liền ý đồng thời liên kết nhiều nội dung khác với nhau qua đó đã làm tô đậm cảm xúc, khắc sâu nối nhớ tha thiết.
– Quê hương yêu dấu hiện lên trong nỗi nhớ thương của tác giả.
– Các hình ảnh gần gũi, giản dị, thân thuộc hiện lên gợi sự nhớ thương da diết không cách nào quay trở về được.
– Nhớ tới những con người thân thương:
+ Một giọng hò gợi nhớ tới bố mẹ gia xa đơn chiếc khiến nhà thơ nhớ đến những linh hồn đã khuất. Nỗi nhớ chân thành, thương mến
+ Nhớ đến bản thân mình, nhớ về những ngày tháng tụ do được hoạt động cách mạng: Say mê lý tưởng, sôi nổi, nhiệt huyết, càng cảm thấy tủi nhục, cô đơn với cuộc sống bị giam cầm, mất tự do.
2. Diễn biến tâm trạng của nhà thơ Tố Hữu.
– Nỗi nhớ được biểu hiện rõ nét qua tâm trạng của nhà thơ:
+ Từ tiếng hò đã gợi nỗi nhớ về quê hương tha thiết: Cảnh đồng quê hiện rõ nét, được tác giả khắc họa qua những hình ảnh : cồn thơm, ruộng trẻ mát, xóm làng, khoai ngọt sẵn bùi, con đường thân thuộc, mạ xanh mơn mởn, chiều sương phủ bãi đồng. Đây là những hình ảnh gần gũi, thân thuộc, thân thương nơi quê nhà nhưng nay đã trở nên xa cách biết bao.
+ Nỗi nhớ về những con người thân quen: từ cảnh sắc gợi tới bóng dáng con người, rồi nhớ về hình ảnh người mẹ già và cuối cùng là nhớ đến bản thân mình khi còn được tự do, được hoạt động cách mạng.
Nỗi nhớ bao trùm dàn trải từ hiện tại trở lại những ngày ở.
→ Nhà thơ bất bình với cuộc sống hiện tại, nhớ về nơi quê hương yêu dấu, nhờ về những người bạn, người quen, người mẹ già và cả chính bản thân mình. Nỗi nhớ tràn ngập bao trùm trong tâm trí tác giả, ông yêu đời, khao khát được tự do.
III. Kết bài:
– Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
– Cảm nghĩ của em sau khi học xong bài thơ Nhớ đồng.
Bài văn tham khảo 1:
- Mở bài:
Tố Hữu là cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam thế kỉ 20. Thơ Tố Hữu quy tụ và kết tinh truyền thống nhân văn cùng sức mạnh tinh thần của dòng giống Lạc Hồng bất khuất. Bài thơ Nhớ đồng sáng tác trong hoàn cảnh tác giả bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) tháng 7 năm 1939 vì “tội” tuyên truyền thanh niên, học sinh chống Pháp. Tác phẩm là một trong số những bài thơ tiêu biểu phản ánh tâm trạng cô đơn, buồn nhớ của người tù trẻ tuổi bị tách biệt khỏi môi trường hoạt động sôi nổi, phải xa đồng bào, đồng chí. Những tâm tư ấy được thể hiện trong bài thơ Nhớ đồng một cách thâm trầm, da diết. Qua bài thơ, tác giả đã góp phần cụ thể hóa thành nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân, nhớ những ngày được sống trong tình cảm yêu thương, nồng ấm.
- Thân bài:
Những ngày bị giam hãm trong tù, tâm hồn nhà thơ luôn hướng ra cuộc sống bên ngoài với tất cả nỗi nhớ thương và tình yêu mến. Tiếng hò ngân dài trên sông nước, văng vẳng lúc gần lúc xa đã làm sống dậy bao hình ảnh của cuộc sống mến thương trong tâm tưởng nhà thơ. Nhiều nhất là hình ảnh của mảnh đất cắt rốn chôn nhau cùng với những người dân quê lao động lam lũ, vất vả trên đồng ruộng:
Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!
Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi
Đâu ruộng tre mát thở yên vui
Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn
Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi?
Đâu những đường con bước vạn đời
Xóm nhà tranh thấp ngủ im hơi
Giữa dòng ngày tháng âm u đó
Không đổi, nhưng mà trôi cứ trôi…
Nhớ đồng là cách nói để cụ thể hóa đối tượng của nỗi nhớ. Tuy trong nỗi nhớ có hiện lên những hình ảnh quen thuộc của đồng ruộng, xóm làng, nhưng mở rộng ra đó chính là nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân, nhớ những ngày được sống trong tình cảm yêu thương, nồng ấm.
Câu thơ mở đầu mỗi khổ thơ được lặp lại nhiều lần nhấn mạnh mức độ mãnh liệt của nỗi nhớ thương. Gì sâu bằng là cấu trúc có ý khẳng định không gì sâu xa hơn, mạnh mẽ hơn; những trưa thương nhớ là những ngày nhà thơ phải sống trong xà lim biệt giam.
Nỗi nhớ trải dài suốt bài thơ được tác giả thể hiện bằng nhiều biện pháp nghệ thuật khác nhau. Trước hết, những câu hỏi tu từ được sử dụng làm điệp khúc: Gì sâu bằng những trưa thương nhớ, Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh. Đây là những câu thơ mang sắc thái nghệ thuật hiện đại của Thơ mới đã thể hiện nỗi nhớ da diết, khắc khoải và tâm trạng cô đơn tột cùng của người thanh niên giữa chốn ngục tù đế quốc.
Tất cả những gì gần gũi, thân quen của đời sống đều được Tố Hữu trân trọng miêu tả trong thơ. Tác giả cố gắng bắt lấy những hình ảnh, âm thanh của đời thường nhưng xiết bao gợi cảm đối với bản thân trong chốn lao tù. Giờ đây, nhà thơ chi có thể nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy khung cảnh quê hương trong tưởng tượng bằng trái tim chất chứa nhớ thương.
Giọng điệu thơ da diết, thổn thức thể hiện nỗi nhớ khôn cùng đang cuộn xoáy, trào dâng trong lòng thi sĩ. cảm xúc dâng trào thốt lên thành lời thơ chân thành, xúc động:
Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh,
Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!
Những người nông dân hiền như đất, quanh năm dãi nắng dầm sương, vất vả sớm trưa được nhà thơ nhắc đến với tình thương mến dạt dào. Cuộc sống cơ cực không thể làm mất đi vẻ đẹp khỏe khoắn, đáng yêu trong hình dáng và tâm hồn họ. Những hình dáng thân thương, bình dị với vẻ lam lũ cực nhọc lần lượt hiện về trong nỗi nhớ của nhà thơ:
Đâu những lưng cong xuống luống cày
Mà bùn hi vọng nức hương ngây
Và đâu hết những bàn tay ấy
Vãi giống tung trời những sớm mai?
Đâu những chiều sương phủ bãi đồng
Lúa mềm xao xác ở ven sông
Vẳng lên trong tiếng xe lúa nước
Một giọng hò đưa hố não nùng.
Hình ảnh mẹ già và những người thân đã khuất cũng từ từ hiện lên trong dòng hồi ức khiến nỗi nhớ càng thêm da diết và trái tim thổn thức vô hạn, vô hồi:
Đâu dáng hình quen, đâu cả rồi
Sao mà cách biệt, quá xa xôi
Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ
Ôi mẹ già xa đơn chiếc ơi!
Đâu những hồn thân tự thuở xưa
Những hồn quen dãi gió dầm mưa
Những hồn chất phác hiền như đất
Khoai sắn tình quê rất thiệt thà!
Điệp từ nghi vấn “đâu” đặt ở đầu câu cùng với một loạt từ cảm thán đã diễn tả một cách tự nhiên và chân thực tình cảm gắn bó máu thịt của nhà thơ đối với cuộc sống và con người quê hương. Dường như người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi đang chìm đắm trong nỗi nhớ nhung, trong dòng hồi ức miên man không dứt. Người đọc cảm nhận rất rõ tâm trạng cô đơn, đau khổ của người tù lúc này.
Sau nỗi nhớ đồng không thể nguôi ngoai, nhà thơ nhớ về những ngày đầu tiên được giác ngộ lí tưởng cách mạng. Mạch cảm xúc phát triển rất đúng với logic tâm lí. Hai giai đoạn trong chặng đường tìm kiếm chân lí đã được nhà thơ khái quát trong hai khổ thơ:
Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi
Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời
Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn
Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời.
Đó là những ngày người thanh niên học sinh yêu nước đang băn khoăn trước bao ngã rẽ của cuộc đời, muốn thoát khỏi cuộc sống tù túng, ngột ngạt mà chưa tìm được lối ra bởi chưa được ánh sáng lí tưởng cộng sản soi đường. Nhớ lại những ngày tăm tối ấy là để cảm nhận rõ hơn niềm hạnh phúc lớn lao khi Mặt trời chân lí chói qua tim.
Nhớ lại những ngày đầu hăng say bước đi trên con đường cách mạng với bao nhiêu hi vọng, lạc quan, tin tưởng là để nhận thức rõ hơn cảnh ngộ đáng buồn của mình hiện tại. Nhà thơ như chợt bừng tỉnh sau những ngày dài đắm chìm trong nỗi nhớ thương dằng dặc, trở về với niềm say mê lí tưởng, với khao khát tự do và hành động. Âm điệu thơ đang buồn bã đột nhiên chuyển sang vui vẻ, phấn chấn:
Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi
Nhẹ nhàng như con chim cà lơi
Say đồng hương nắng vui ca hát
Trên chín tầng cao bát ngát trời…
Mạch cảm xúc trong bài thơ được triển khai từ nỗi nhớ đồng, nhớ những bóng hình quen thuộc của quê hương, gia đình, nhớ mẹ già, nhớ những người đã khuất, nhớ những ngày đã qua và cuối cùng được cô đúc lại trong từ tất cả có ý nghĩa khái quát:
Cho tới chừ đây, tới chừ đây
Tôi mơ qua cửa khám bao ngày
Tôi thu tất cả trong thầm lặng
Như cánh chim buồn nhớ gió mây.
Hình ảnh so sánh: Như cánh chim buồn nhớ gió mây đã thể hiện thần tình nỗi nhớ đồng, thực chất là nỗi nhớ quê hương, đồng bào, đồng chí, đồng thời là khao khát tự do mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng đang chịu cảnh tù đày.
Hai câu kết là sự lặp lại của hai câu thơ đầu, tạo nên kết cấu vòng tròn. Bài thơ khép lại nhưng cảm xúc thơ vẫn tiếp tục mở rộng như nhiều vòng sóng đồng tâm, mỗi lúc một lan xa, tỏa rộng không giới hạn;
Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh
Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!
- Kết bài:
Bài thơ Nhớ đồng đã diễn tả thành công tâm trạng của người tù cộng sản. Những nỗi nhớ thương cứ lặp đi lặp lại thể hiện khao khát tự do cháy bỏng và tình yêu quê hương sâu sắc của người thanh niên yêu nước đang sục sôi nhiệt huyết. Đó cũng là động lực thúc đẩy người chiến sĩ – thi sĩ dấn thân vì sự nghiệp cách mạng giải phóng quê hương đất nước.
Xem thêm:
Bài văn tham khảo 2:
- Mở bài:
Tố Hữu là nhà thơ lớn của nền thơ hiện đại Việt Nam. Với bảy tập thơ lớn, thơ ông được xem là biên niên sử bằng thơ của cách mạng Việt Nam. Đối với Tố Hữu, con đường thơ ca cũng là con đường cách mạng. Thơ ông song hành với con đường cách mạng và phản ánh những chặng đường cách mạng quan trọng của dân tộc. Bài thơ Nhớ đồng là nỗi niềm thương nhớ đồng quê, cảnh vật con người, đồng bào đồng chí của người tù cộng sản trẻ tuổi trong những ngày tháng bị giam ở nhà lao Thừa Thiên Huế.
- Thân bài:
Tháng 7 năm 1939 Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt và giam tại nhà tù Thừa Thiên Huế. Tuy bị giam cầm trong tù ngục nhưng ông vẫn làm thơ. Bài thơ Nhớ đồng được sáng tác trong hoàn cảnh đó và được trích trong tập thơ: Từ ấy trong phần xiềng xích. Đây là một bài thơ tiêu biểu của tập thơ Từ ấy.
“Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!
Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi
Đâu ruồng tre mát thở yên vui
Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn
Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi?”
Về mặt hoàn cảnh trữ tình, khi nghe một tiếng hò vọng lên lẻ loi, đơn độc giữa trời trưa, thi sĩ cảm nhận tất cả sự hiu quạnh, và bỗng thấy nhớ thương đồng quê, con người nhọc nhằn trên đồng quê ấy. Đó là sự đồng cảm, hòa điệu của nhiều nỗi hiu quạnh: hiu quạnh của không gian đồng vắng, của thời gian trưa vắng, của cuộc đời buồn tủi nhọc nhằn và hiu quạnh ngay trong lòng người đang bị giam cầm giữa bốn bức tường đá, cách biệt với cuộc sống bên ngoài.
Về mặt nội dung, hai câu thơ vang lên một tiếng than. Tiếng kêu xác nhận về nỗi quạnh hiu thăm thẳm mà mình đang trải nghiệm. Cũng là tiếng kêu của một triết lí về nỗi quạnh hiu cùng cực, không gì có thể sánh nổi này! Qua đó, người ta thấy được một cõi lòng hoang vắng vì cách biệt và thiếu vắng cảnh sắc cuộc sống bên ngoài. Cho nên nổ là nỗi quạnh hiu của một người tha thiết yêu đời mà bị cách li khỏi cuộc đời.
Âm thanh tiếng hò gợi nhớ về quê hương. Thế giới bên ngoài là đồng quê, hình ảnh con người, mùi hương, màu sắc, âm thanh. Đó là những hình ảnh thân thuộc, da diết của quê hương, xứ sở. Trong xa cách, nỗi nhớ của nhà thơ dường như da diết hơn. Trong xa cách, hình ảnh, mùi vị, âm thanh, màu sắc của quê hương càng trở nên gần gũi lạ thường.
“Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh
Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!
Đâu những lưng cong xuống luống cày
Mà bùn hy vọng nức hương ngây
Và đâu hết những bàn tay ấy
Vãi giống tung trời những sớm mai?”
Hiệu quả nghệ thuật của việc lặp lại trước hết có tác dụng liên kết. Lặp và điệp từ là một cách liên kết các mảng nội dung khác nhau, thậm chí xa nhau trở nên liền mạch ý. Nhưng quan trọng hơn là tác dụng biểu cảm. Việc lặp lại này bao giờ cũng có tác dụng như một điệp khúc, nó nhấn mạnh, tô đậm cảm xúc, khắc sâu ý tưởng. Lặp lại, điệp từ tạo ra một nhịp điệu luân hồi, triền miên khiến cho một nỗi niềm trở nên da diết khôn nguôi, thậm chí càng lúc càng nặng trĩu.
Đồng quê hiện lên rất đậm nét qua nỗi nhớ của tác giả. Đó là những cảnh sắc như đồng ruộng với những cồn thơm, ô mạ xanh mơn mởn, nương khoai sắn ngọt bùi; xóm nhà chìm lặng, con đường mòn mỏi theo năm tháng. Tất cả đều là những cảnh sắc đơn sơ quen thuộc mà rất đỗi thân thương. Là những bóng dáng người lao động lam lũ, nhọc nhằn, và nhất là bóng dáng người mẹ già đơn chiếc – những kiếp người muôn đời gắn bó với đất đai. Họ chất phác và bền bỉ như đất đai.
“Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi
Nhẹ nhàng như con chim cà lơi
Say hương đồng vui ca hát
Trên chín tầng cao bát ngát trời”
Hình ảnh con chim sơn ca như là một biểu tượng cho ước muốn được tung bay trên bầu trời tự do bát ngát, được trở lại với hoạt động trong lòng dân, được trở về với cuộc sống con người tự do. Đây là tâm trạng vui nhất của người chiến sĩ trong tù.
Diễn biến tâm trạng của tác giả trong bài thơ được thể hiện khá chân thực, trọn vẹn và liền mạch. Nỗi nhớ được đánh thức từ một “tiếng hò đưa hố não nùng“. Tiếng hò gợi dậy thế giới đồng quê bên ngoài từ cảnh sắc đến những dáng hình quen thuộc. Rồi nhớ về những ngày còn được thỏa sức hoạt động cho cách mạng, cuối cùng lại trở lại thực tại đau thương của cảnh nhà tù và khát vọng muốn được tự do, được cống hiến. Cả bài thơ thấm đượm nỗi nhớ thương da diết, khôn nguôi; khiến độc giả thêm cảm phục hình ảnh người chiến sĩ cách mạng – nhà thơ Tố Hữu.
- Kết bài:
Nhớ đồng là bài thơ góp phần diễn tả thành công tâm trạng của người tù cộng sản, đó là những cảm xúc hết sức chân thực, những nỗi nhớ thương cứ lặp đi lặp lại thể hiện khao khát tự do cháy bỏng cùng với đó là tình yêu quê hương sâu sắc của người thanh niên yêu nước đang sục sôi nhiệt huyết. Từ chính những cảm xúc đó càng thôi thúc tác giả quyết tâm nung nấu ý chí để vượt lên khó khăn thách thức.
Bài tham khảo 3:
- Mở bài:
Bài thơ “Nhớ đồng” của Tố Hữu là một trong những tác phẩm tiêu biểu của phong trào Thơ Mới và cách mạng, phản ánh sâu sắc những tâm trạng và khát vọng của người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh tù đày. Tác phẩm mang trong mình sức mạnh nghệ thuật độc đáo với cấu tứ chặt chẽ, logic, thể hiện được sự giằng xé, nhớ nhung, và đồng thời khơi gợi những cảm xúc tự do mãnh liệt. Cấu tứ bài thơ được xây dựng theo một trình tự cảm xúc rõ ràng, từ sự nhớ nhung đến khát vọng tự do, từ cảm giác bất lực đến lòng quyết tâm chiến đấu.
- Thân bài:
Mở đầu bài thơ là hình ảnh người tù cách mạng trong cảnh ngục tù tối tăm và ngột ngạt. Không gian giam cầm được miêu tả một cách u ám, với “bốn bên bưng bít” và “một mảnh trời con con.” Không gian tù đày này trở thành một biểu tượng của sự cô lập và ngột ngạt, khiến cho tâm hồn người chiến sĩ cách mạng bị bức bối và giam hãm. Đây là điểm khởi đầu của bài thơ, nơi mà tâm trạng của người tù vừa trĩu nặng, vừa u uất.
Tuy nhiên, từ trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, xuất hiện một ánh sáng rực rỡ của ký ức, đó là hình ảnh của đồng quê – một biểu tượng của tự do và thiên nhiên khoáng đạt. Hình ảnh này được gợi lên mạnh mẽ trong tâm trí người tù, như một phản ứng tự nhiên trước sự giam cầm. “Gió thổi phương nào, lên nhớ nhung” – cơn gió như một chất xúc tác, mang theo những ký ức về quê hương, về những cánh đồng rộng lớn và tự do, nơi mà người chiến sĩ từng được sống và chiến đấu. Từ đây, bài thơ chuyển từ trạng thái hiện tại ngục tù sang một không gian quá khứ tự do và thanh bình, mở ra một dòng cảm xúc mãnh liệt về nỗi nhớ.
Trong dòng ký ức ấy, hình ảnh đồng quê được khắc họa chi tiết và sinh động, với “cánh đồng mênh mông”, “lúa xanh mướt” và “trời rộng thênh thang.” Những hình ảnh này gợi lên một không gian khoáng đạt, đối lập hoàn toàn với không gian tù ngục. Cấu tứ của bài thơ lúc này được xây dựng trên sự đối lập giữa hai không gian: không gian tù đày chật hẹp, tù túng và không gian đồng quê rộng lớn, tự do. Qua đó, nỗi nhớ về đồng quê không chỉ là sự nhớ nhung đơn thuần mà còn là biểu tượng của khát vọng tự do, của niềm mong mỏi được thoát khỏi gông cùm, trở về với cuộc sống đầy ý nghĩa.
Cấu tứ bài thơ tiếp tục phát triển với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nếu như ở đoạn đầu, nỗi nhớ về đồng quê được gợi lên từ sự giam cầm, thì ở đoạn giữa, cảm xúc ấy trở nên mãnh liệt hơn, mang tính chất phản kháng. Người tù bắt đầu nhận ra sự bất lực của mình trước hoàn cảnh thực tại. Những hình ảnh đồng quê giờ đây không còn là những ký ức êm đềm nữa, mà trở thành nỗi đau, nỗi day dứt: “Nay ta ôm bó xích này, Cắn tay mà nghĩ rằng đời đáng sống.” Tâm trạng giằng xé, nỗi đau bị kìm nén trong cảnh tù đày đã biến thành sự phản kháng trong tư tưởng, thể hiện qua việc người chiến sĩ tự nhủ rằng cuộc sống vẫn đáng sống, dù cho có bị áp bức hay giam cầm.
Điểm sáng nhất trong cấu tứ bài thơ nằm ở khát vọng và ý chí chiến đấu không bao giờ lụi tàn của người chiến sĩ. Dù bị kìm kẹp trong nhà tù tối tăm, hình ảnh quê hương và cánh đồng vẫn luôn hiện diện như một niềm hy vọng, khơi dậy khát khao tự do mãnh liệt. Đoạn kết của bài thơ thể hiện rõ tinh thần lạc quan, bất khuất của người cách mạng: “Còn gì vui hơn là sống chiến đấu / Trả nợ non sông những tháng năm dày.” Đây không chỉ là khát vọng trở về với đồng quê, mà còn là khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, cho lý tưởng cao đẹp.
Như vậy, bài thơ “Nhớ đồng” của Tố Hữu có một cấu tứ chặt chẽ, được xây dựng trên sự đối lập giữa không gian tù ngục và không gian đồng quê, giữa nỗi nhớ và khát vọng tự do. Từ nỗi nhớ nhung ban đầu, người tù đã vượt qua sự tuyệt vọng, bế tắc để tìm thấy ánh sáng của lý tưởng và niềm tin vào tương lai. Chính cấu tứ này đã tạo nên sự hấp dẫn và chiều sâu cho bài thơ, không chỉ là một bản tình ca về quê hương mà còn là một tiếng nói của niềm tin và khát vọng giải phóng.
- Kết bài:
Với câu từ đầy chân thực và mộc mạc, sử dụng các phép điệp từ, so sánh, những hình ảnh thơ đầy màu sắc qua từng chi tiết, bài thơ Nhớ đồng thể hiện rõ tâm sự của một người thanh niên yêu nước giàu nhiệt huyết, khao khát tự do, nôn nóng muốn trở về sát cánh với đồng chí, đồng bào lúc phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đang phát triển mạnh mẽ. Tác phẩm đã cho chúng ta thấy một khát vọng tự do, khát vọng hòa bình, yêu quê hương và đất nước sâu nặng của tác giả.