phan-tich-bai-tho-qua-deo-ngang-ngu-van-8-chan-troi-sang-tao

Phân tích bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan Lớp 8

  • Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về Bà Huyện Thanh Quan: những nét chính về con người, cuộc đời, sự nghiệp sáng tác,….

– Giới thiệu khái quát bài thơ Qua Đèo Ngang: là tác phẩm xuất sắc của bà Huyện Thanh Quan và của nền văn học trung đại Việt Nam.

– Khái quát nội dung bài thơ: Bài thơ cho thấy cảnh tượng Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng của sự sống con người nhưng còn hoang sơ. Đồng thời thể hiện nỗi nhớ nước, thương nhà và nỗi cô đơn thầm lặng của tác giả khi ở nơi đất khách quê người.

  • Thân bài:

1. Phân tích giá trị nội dung:

Mở đầu bài thơ là bức tranh cảnh vật nơi đèo Ngang:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Thời gian là lúc “bóng xế tà”. Thời gian ấy gợi lên trong mỗi người nỗi buồn man mác với sự trống vắng, cô đơn. Không gian là nơi đèo Ngang rộng lớn, mênh mông. Cảnh vật với những hình ảnh nhỏ bé “cỏ cây chen lá đá chen hoa” chen chúc lẫn nhau gợi lên hoang sơ, cằn cõi, không có trật tự của cảnh vật.

Buổi chiều tà là lúc con người trở về nhà đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng lúc này, tác giả lại đang ở nơi rừng núi hoang vu, đầy hiểm nguy, trác trở. Sự rộng lớn của không gian và hiu hắt của thời gian càng làm tăng thêm nỗi buồn và sự trống vắng của con người.

– Tiếp đến là bức tranh cuộc sống của con người (Hai câu thơ tiếp theo):

Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.

Từ treo đèo cao, phóng tầm mắt ra xa, hình ảnh cuộc sống con người hiện lên. Từ láy “lom khom”, “lác đác” thể hiện sự nhỏ bé, thưa thớt, thầm lặng của con người. Nghệ thuật đảo ngữ đưa động từ “lom khom”, tính từ “lác đác” lên đầu câu nhằm nhấn mạnh sự hoang vắng của cảnh vật, cuộc sống thầm lặng, buồn bã. Cảnh ở gần mà lại rất xa. Cách sử dụng các từ ngữ “vài”, “mấy” đã làm tăng thêm sự nhỏ bé của bóng hình con người và sự thưa thớt, ít ỏi, hoang vắng, tiêu đìu của cảnh vật.

Qua 4 câu thơ đầu, bức tranh cảnh vật đèo Ngang lúc chiều tà rộng lớn, mênh mông, thấp thoáng hiện bóng hình của con người, của sự sống nhưng vẫn còn hoang vắng, đìu hiu, gợi lên cảm giác man mác buồn và sự vắng lặng, cô đơn. Người lữ khách lúc cuối ngày muốn tìm một nơi để trú ngụ đã nhìn thấy thôn bản. Đó là một tín hiệu tốt đẹp. Thế nhưng, nơi đó xa quá, khiến người lữ khách không kịp tìm đến nương trú trước khi màn đêm buông xuống. Điều đó khiến cho nỗi buồn càng thêm buồn hơn.

– Nỗi niềm, tâm trạng của nhà thơ trước cảnh đèo cao:

Nhớ nước, đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà, mỏi miệng cái da da.

Nỗi nhớ nước, thương nhà của thi sĩ thể hiện qua nghệ thuật chơi chữ. Chữ “quốc” có nghĩa là nước. Đây là từ đồng âm với từ “cuốc” – chỉ một loài chim. Chữ “gia” có nghĩa là nhà. Đây là từ có âm gần giống với loài chim đa đa nhằm thầm kín thể hiện nỗi nhớ nước thương nhà của mình.

Nghệ thuật đảo ngữ: đưa hai từ “nhớ nước”, “thương nhà” lên đầu hai câu thơ nhằm nhấn mạnh nỗi nhớ quê hương với cuộc sống yên bình và những người thân yêu.

Hai câu thơ thể hiện tâm trạng của tác giả khi xa quê hương và gia đình. Việc miêu tả Đèo Ngang và cuộc sống ở đó không chỉ là sự diễn đạt về cảnh vật mà còn là cách tác giả thể hiện tình cảm sâu sắc với quê hương và những người thân yêu.

– Nỗi cô đơn, bơ vơ, lạc lõng giữa không gian bao la, rộng lớn: 

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Hình ảnh: “Dừng chân đứng lại” thể hiện sự mệt mỏi trước không gian bao la. Sử dụng các dấu phẩy, tách các sự vật “trời”, “non”, “nước” gợi lên sự chia lìa, ly biệt.

Hình ảnh “Một mảnh tình riêng ta với ta” có sức gợi mạnh mẽ. Đại từ “ta” thường dùng để chỉ cái chung cho cả cộng đồng, tập thể thì giờ đây nó chỉ còn là cái cá nhân, cái riêng của tác giả.

Câu thơ  khắc họa nỗi buồn thầm lặng và cảm giác cô đơn của tác giả khi nhớ về quê nhà. Sự trầm lặng và cô đơn này được thể hiện qua những từ ngữ và hình ảnh tĩnh lặng trong bài thơ, tạo nên một tình cảm sâu sắc và thâm trầm.

Có thể thấy, bài thơ “Qua Đèo Ngang” không chỉ là một bức tranh tươi đẹp về cảnh vật mà còn chứa đựng những cảm xúc và tâm trạng sâu xa của tác giả, mang đến cho độc giả một trải nghiệm tinh thần đầy ý nghĩa và giá trị.

2. Phân tích giá trị nghệ thuật đặc sắc:

Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường, một hình thức thơ truyền thống của văn học cổ điển Việt Nam. Điều này thể hiện sự tôn trọng và lưu giữ truyền thống văn hóa của tác giả. Thể thơ này đặc biệt thích hợp để diễn đạt sự giàu cảm xúc và ý nghĩa tinh tế. Bài thơ “Đường luật” không chỉ có giá trị văn học về thể loại và nội dung mà còn đem đến trải nghiệm ngôn ngữ và nghệ thuật tinh tế, làm cho nó trở thành một tác phẩm văn học đáng trân trọng trong văn chương Việt Nam

Bà Huyện Thanh Quan sử dụng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình một cách tinh tế. Cảnh vật và tâm trạng của nhân vật thường được mô tả thông qua việc tương ứng hóa chúng với những hình tượng tượng trưng. Điều này làm cho bài thơ trở nên sâu sắc và thú vị hơn, cho phép độc giả tận hưởng không chỉ vẻ đẹp của cảnh vật mà còn cảm nhận được cảm xúc tinh tế của nhân vật.

Tác giả khéo léo sử dụng từ láy, tính từ miêu tả để gợi hình và gợi cảm cảnh vật, cảm xúc, và tâm trạng. Bằng cách này, bài thơ trở nên sống động và tạo nên hình ảnh mạnh mẽ trong tâm trí độc giả. Ngoài ra, bà cũng sử dụng nghệ thuật đối lập và đảo ngữ để làm cho bài thơ thêm phong cách và sâu sắc, tạo ra sự tương phản giữa các yếu tố trong bài thơ.

  • Kết bài:

– Khẳng định: Qua Đèo Ngang không chỉ khắc họa thành công ảnh vật mà trong đó còn chưa đựng cả tâm hồn, tình cảm, nỗi lòng nhớ nước, thương nhà và tài năng của một cây bút tuyệt vời.

– Suy nghĩ bản thân: Gấp trang sách lại mà trong lòng mỗi chúng ta vẫn còn bâng khuâng bao nỗi niềm cùng nữ sĩ. Bài thơ sẽ còn sống mãi với thời gian với những gì tươi đẹp nhất.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang