Phân tích bài thơ “Sông núi nước Nam”
- Mở bài:
Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) là bài thơ nổi tiếng, được lưu truyền từ xư tới nay. Tương truyền, năm 1077, hơn 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược Đại Việt. Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến tại sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn địch. Quân của Quách Quỳ đánh đến sông Như Nguyệt thì bị chặn. Nhiều trận chiến ác liệt đã xảy ra tại đây nhưng quân Tống không sao vượt được phòng tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ viện binh. Đang đêm, có tiếng đọc bài thơ vang vọng trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát, ở phía nam bờ sông. Nhờ thế tinh thần binh sĩ lên rất cao, đã tiến lên tiêu diệt kẻ thù.
- Thân bài:
Bài thơ chỉ với 4 câu thơ thất ngôn ngắn gọn, xúc tích nhưng có sức truyền tải lớn. Hai câu thơ đầu khẳng định mạnh mẽ chủ quyền dân tộc:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
(Núi sông Nam Việt vua Nam ở,
Vằng vặc sách trời chia xứ sở.)
Sông núi nước Nam, vua Nam ở, điều đó cũng có nghĩa là ở phương Bắc thì vua Bắc ở. Đất nào vua ấy. Đó là sự hiển nhiên tất yếu không ai được xâm phạm của ai. Đó vốn là chân lí cuộc đời.
Trong đời sống tinh thần của người Việt Nam và Trung Quốc. Trời là oai linh tối thượng, sắp đặt và định đoạt tất cả mọi việc ở trần gian. Cương vực lãnh thổ của vua Nam, của người Nam đã được định phận tại sách trời – có nghĩa là không ai được phép đi ngược lại đạo trời. Đó là chân lí của đất trời.
Như vậy tuyên bố chủ quyền dựa trên chân lí cuộc đời, chân lí đất trời, dựa trên lẽ phải. Chủ quyền nước Nam là không thể chối cãi, không thể phụ nhận.
Ở hai câu tiếp theo, tác giả nêu cao quyết tâm bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ biên cương đất nước, khẳng định hành động phi nghĩa và thất bại tất yếu của kẻ thù:
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm là lời hỏi tội kẻ đã dám làm điều phi nghĩa “nghịch lỗ”, dám làm trái đạo người, đạo trời. Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời là lời cản cáo đối với kẻ phi nghĩa – gieo gió tất yếu sẽ gặp bão.Thảm bại là điều không thể tránh khỏi đối với những kẻ xấu, tàn bạo, đồng thời đó còn là sự quyết tâm sắt đá để bạo vệ chủ quyền của đất nước đến cùng. Chính điều này đã tạo nên được niềm tin sự phấn khích để tướng sĩ xông lên diệt thù.
Bố cục rất chặt chẽ giống như một bài nghị luận. Hai câu đầu nêu lên chân lí khách quan, hai câu sau nêu vấn đề có tính chất hệ quả của chân lí đó.
Bài thơ tuy chủ yếu thiên về biểu ý song không phải vì thế mà trở thành một bài luận lí khô khan. Có thể nhận thấy rằng, sau cái tư tưởng độc lập chủ quyền đầy kiên quyết ấy là một cảm xúc mãnh liệt ẩn kín bên trong. Nếu không có tình cảm mãnh liệt thì chắc chắn không thể viết được những câu thơ đầy chí khí như vậy.
Qua các cụm từ “tiệt nhiên” (rõ ràng, dứt khoát như thế, không thể khác), “định phận tại thiên thư” (định phận tại sách trời) và “hành khan thủ bại hư” (chắc chắn sẽ nhận lấy thất bại), chúng ta có thể nhận thấy cảm hứng triết luận của bài thơ đã được thể hiện bằng một giọng điệu hào sảng, đanh thép, đầy uy lực.
- Kết bài:
Với lời lẽ hùng hồn, lập luận chặt chẽ, đanh thép, bài thơ Sông núi nước Nam có ý nghĩa như một bản tuyên ngôn của dân tộc. Bài thơ khẳng định rõ ràng chủ quyền không thể bàn cãi của dân tộc ta và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và nền độc lập ấy trước mọi kẻ thù xâm lược.
- Cảm nhận ý nghĩa bài thơ “Nam Quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt
- Vì sao bài thơ “Sông núi nước Nam” được xem như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta?