phan-tich-but-phap-uoc-le-trong-doan-trich-chi-em-thuy-kieu

Phân tích bút pháp ước lệ trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

Phân tích bút pháp ước lệ, tượng trưng trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”

  • Mở bài:

Quan niệm về cái đẹp của người xưa chính là cơ sở thẩm mỹ của tính ước lệ trong văn chương trung đại. Thời trung đại, con người có tinh thần sùng cổ và quan niệm rằng ở người xưa có những lý tưởng thẩm mỹ không thể nào đạt tới. Những gì cao đẹp của người xưa đều đạt đến chuẩn mực, đáng tôn thờ, học hỏi. Vì vậy, nắm bắt cái xưa, phục cổ đã trở thành một thói quen, một khuôn sáo cho nếp nghĩ, cách sống của con người thời trung đại. Tính ước lệ trong văn thơ bắt đầu từ đó. Nguyễn Du với đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” đã vận dụng triệt để sức mạnh của thủ pháp ước lệ, tượng trưng nhằm khắc họa đậm nét bức chân dung tuyệt sắc của hai nhân vật Thúy Kiều và Thúy Vân. Mỗi người một vẻ nhưng cả hai đều mười phân vẹn mười.

  • Thân bài:

Ước lệ là biện pháp sử dụng những qui ước trong biểu hiện nghệ thuật như dùng hình ảnh thiên nhiên đẹp (trăng, hoa, tuyết) để nói về vẻ đẹp của con người. Bút pháp ước lệ nghiêng về gợi hình ảnh, không miêu tả cụ thể tỉ mỉ và thường được dùng trong văn chương cổ. Ví dụ: “lá vàng”, “hoa cúc” chỉ mùa thu, “giọt châu” chỉ giọt nước mắt, hay “khuôn trăng” chỉ khuôn mặt đẹp của người con gái.

Tượng trưng là biện pháp diễn đạt cái trừu tượng bằng một hình ảnh cụ thể, mang những nét đặc trưng, tiêu biểu của sự vật trong những chuẩn mực tuyệt đối, siêu phàm.Hình ảnh tượng trưng thường lấy từ cây cỏ, chim muông… Ví dụ hình ảnh “cây trúc” tượng trưng cho người quân tử, cây tùng với tán lá xanh tươi, quanh năm đứng vững chãi trên dốc núi cheo leo, bất chấp bão bùng, sương tuyết tượng trưng cho nhân cách cứng cỏi, bản lĩnh vững vàng, hiên ngang, không nghiêng ngả trước uy quyền danh lợi. Còn “tuyết” tượng trưng cho tâm hồn trong sáng…

Ước lệ và tượng trưng giống nhau ở chỗ cả hai đều là hình ảnh ẩn dụ và khác nhau ở chỗ: tượng trưng là một hình ảnh hoàn chỉnh, ước lệ phần nhiều chỉ là một chi tiết của hình tượng.

Hình ảnh ước lệ, tượng trưng là sáng tạo nghệ thuật độc đáo của mĩ học phong kiến nên nó có giá trị thẩm mĩ nhất định, làm cho lời thơ thêm bóng bẩy, súc tích, tao nhã và thâm thúy. Song, nếu dùng biện pháp này không khéo rất dễ gây sáo mòn, công thức.

Nhưng với đại thi hào Nguyễn Du, thủ pháp ước lệ, tượng trưng được dùng một cách đắc địa, đầy sáng tạo. Từ những hình ảnh quen thuộc, nhà thơ đã có sự chọn lọc tài tình, miêu tả được bức chân dung với nhiều vẻ đẹp khác nhau và để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Đoạn trích là những vần thơ tuyệt bút, là bức tranh con người được vẽ bằng ngôn ngữ Tiếng Việt đạt đến mức hoàn chỉnh. Chỉ bằng 24 câu thơ lục bát, Tố Như đã miêu tả trọn vẹn và hoàn hảo tài năng, sắc đẹp, đức hạnh của chị em Thuý Kiều, Thuý Vân, hai tuyệt thế giai nhân, bằng tất cả tấm lòng cảm mến và sự nâng niu, trân trọng.

Nói đoạn thơ là bức tranh, bởi lẽ ngôn từ trong văn bản không chỉ tác động đến cảm xúc, mà nó còn gợi nên hình ảnh sống động về con người một cách rõ nét. Gấp trang sách lại, người đọc hình dung được Thuý Kiều, Thuý Vân từ dáng vẻ bên ngoài đến tâm hồn bên trong. Trong họa pháp cổ điển, chuẩn mực của nghệ thuật cốt ở cái tinh. Cho nên, nhà họa sĩ thường chú trọng đến cái thần của tác phẩm. Khi vẽ rồng nhất định chú ý đến đôi mắt, vẽ mùa thu nhất thiết phải có lá vàng… Người xưa lấy thiên nhiên là chuẩn mực của cái đẹp. Cái đẹp của thiên nhiên vượt lên mọi giới hạn, bất biến với thời gia, là cơ sở để con người nghĩ về cái đẹp, nói về cái đẹp.

Nguyễn Du tả Thuý Kiều, Thuý Vân trên cơ sở bút pháp ước lệ cổ điển nhưng được soi chiếu và trình diễn đạt đến độ vi diệu. Chất liệu của nó không phải là màu sắc và âm thanh mà bằng ngôn từ. Qua bàn tay tài hoa của Nguyễn Du ta có cảm giác các con chữ vừa được đánh bóng lại và thổi vào đó sức sống mới. Bốn câu thơ đầu là lời giới thiệu, khái quát chung về hai cô gái đầu lòng của nhà Viên ngoại họ Vương:

“Đầu lòng hai ả tố nga
Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười”.

Hình ảnh mang ý nghĩa ước lệ, tượng trưng, kết hợp với phép ẩn dụ: hai nàng có “cốt cách” thanh cao như mai, “tinh thần” trong trắng như tuyết. Miêu tả như thế cho thấy sự nâng niu, quý trọng của nhà thơ với các nhân vật. Họ đẹp một cách lộng lẫy, đẹp “mười phân vẹn mười”. Thật khó để nói được vẻ đẹp riêng của hai ả tố nga nhà họ Vương. Chỉ có thể nói là vẻ đẹp của họ đã đạt đến bực hoàn hảo. Nếu quan niệm đoạn trích là một bức tranh, thì đây là phần nền của hai bức chân dung chị em Thuý Kiều. Chưa tả nhưng hai nàng hiện lên thật nổi bật. Đó là cái tài đặc biệt của Nguyễn Du: giới thiệu nhưng mang yếu tố tả, kể nhưng như vẽ.

Trên cái phong nền ấy đại thi hào lần lượt cho các nhân vật của mình xuất hiện hết sức tự nhiên, đầy thần thái. Sau lời giới thiệu chung, là bức chân dung của Thuý Vân:

“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười, ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”.

Vẫn bút pháp ước lệ, kết hợp với hệ thống từ ngữ chọn lọc, Thuý Vân hiện lên với những gì đẹp đẽ nhất, đặc sắc nhất, thiêng liêng nhất của tinh hoa đất trời: “hoa”, “trăng”, “ngọc”, “mây”, “tuyết”. Đó là sự quy tụ của vẻ đẹp trời đất, của thiên nhiên vạn vật. Đó cũng là chuẩn của vẻ đẹp con người cần hướng đến trong thi pháp văn học trung đại. Mỗi câu thơ, là một nét vẽ tài hoa về bức chân dung giai nhân. Cử chỉ, dáng đi đứng rất trang trọng, quý phái. Cách xử sự rất đúng mực, đoan trang. Đây là vẻ đẹp toàn bích của một thiếu nữ trong sáng, dịu hiền, không vướng một chút bụi trần.

Tác giả miêu tả khuôn mặt của Thuý Vân đầy đặn, sáng trong như khuôn trăng tròn vành vạnh. Tiếng nói trong như ngọc. Miệng cười tươi như hoa. Tóc mềm bóng mượt đến nỗi “mây thua”. Da trắng làm cho tuyết phải “nhường”. Rõ ràng, ở nàng Vân là cái đẹp phúc hậu, đoan trang, cái đẹp chinh phục được xung quanh.

Với một loạt hình ảnh ước lệ, tượng trưng được sử dụng khi tả Thúy Vân, Nguyễn Du gợi cho ta hình dung rõ từng nét đẹp của nàng từ khuôn mặt tròn trịa, sáng đẹp như mặt trăng, mày ngài đậm, sắc nét, miệng cười tươi như hoa…đến làn da, mái tóc.Tất cả gợi nên vẻ đẹp của một cô gái đoan trang, phúc hậu, dịu dàng, cao quý.

Nhưng nhà họa sĩ hình như không dụng công nhiều trong miêu tả Thuý Vân. Bút lực của ông chủ yếu khắc họa bức chân dung nhân vật Thuý Kiều. Tưởng Thúy Vân là một trang quốc sắc thiên hương không ai sánh kịp nữa, nào ngờ đâu, sau đó Thuý Kiều xuất hiện thì Thuý Vân chỉ làm nền tôn thêm vẻ đẹp của Kiều. Bằng cách tạo dựng tình huống theo kiểu đòn bẫy, Nguyễn Du chứng tỏ mình là bậc thầy trong việc miêu tả nhân vật. Thuý Vân đã đẹp đến mức thiên nhiên cũng nhường bước nhưng Kiều còn đẹp hơn thế:

“Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”.

Nếu vẻ đẹp của Vân là thuần phác, dịu hiền, đằm thắm, thì Kiều hiện lên với sự sắc sảo, mặn mà hiếm có. Vẻ đẹp này rất đài các, kiêu sa. Nó không thuộc về đời thường, chỉ để dành chiêm ngưỡng, ngước nhìn mà thôi. Khi miêu tả Thuý Kiều, theo tôi tác giả đặc tả đôi mắt. Người ta thường nói : đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn là vì nói đến đôi mắt là nói đến thế giới quan, nhân sinh quan của con người. Mắt đẹp là tự thân mang vẻ đẹp của tâm hồn. Cái thần của bức chân dung Thuý Kiều nằm ở chỗ này. Người đọc Truyện Kiều tinh ý sẽ thấy được, Nguyễn Du không chú ý tả vẻ đẹp hình thức của Thuý Kiều. Ông chỉ dùng hai hình ảnh có giá trị biểu trưng: “làn thu thuỷ, nét xuân sơn”. Mắt nàng Kiều xanh trong như nước mùa thu, lông mày thanh tú như dáng vẻ, nét núi mùa xuân. Thế là đủ cho một tuyệt sắc. Trong nhân tướng học Trung Hoa, phàm ai có đôi mắt vậy thì rất đa đoan và nặng tình. Chính “làn thu thủy” ấy đã dự cảm cho số phận nghiệt ngã của nàng Kiều trong suốt 15 năm trời lưu lạc sau này.

Nói vậy, bởi quan sát kĩ chân dung hai chị em Thuý Kiều, ta thấy hình như khi tả Thuý Vân, Nguyễn Du không hề miêu tả đôi mắt. Đây là điểm nhấn quan trọng để thấy dụng ý xây dựng nhân vật, tài năng của nhà thơ. Sách giáo khoa và nhiều tài liệu cho rằng “nét ngài” trong câu tả Thuý Vân “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” là nói đến đôi lông mày đậm, thanh tú như con bướm tằm. Rõ ràng, “ngài” ở đây là người . “Nét ngài nở nang” là muốn nói bề ngoài của Vân đẫy đà, căng tràn sức sống. Điều này phù hợp với quan niệm của cụ Nguyễn Du với thuyết tướng pháp. Sự đầy đặn về ngoại hình của Thuý Vân cũng như định báo trước một cuộc đời mĩ mãn , bằng phẳng: “Phong lưu phú quý ai bì”.

Chính vì điều đó, nên vẻ đẹp của Thuý Kiều không bình thường chút nào, đẹp đến mức “hoa ghen”, “liễu hờn”. Thế thì không cần nói nhiều, người đọc cũng có thể thấy được sự khác biệt trong nét vẽ của cụ Nguyễn Tiên Điền với hai nhân vật chính của thiên truyện bất hủ này.

Miêu tả Thuý Vân với chỉ 4 câu thơ, song nói về Thuý Kiều tác giả dành 12 câu để nói về tài sắc của nàng. Nhà thơ dùng nhiều câu kiến trúc theo lối tiểu đối nhằm khắc họa nhân vật đạt mức độ tới hạn của vẻ đẹp :

“Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương lầu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”.

Các từ ngữ tả Thúy Kiều đã được tuyệt đối hoá: “sắc sảo”, “mặn mà”, “phần hơn”, “ghen”, “hờn”, “đòi một”, “họa hai”, “vốn sẵn”, “pha nghề”, “đủ mùi”, “lầu bậ”c, “ăn đứt”, “bạc mệnh”, “não nhân”. Hình ảnh thơ đối chọi với nhau đã tạo nên nhịp thơ trang trọng, càng tôn thêm vẻ đẹp của nàng Kiều . Nàng không chỉ đẹp về hình thức mà nàng còn hội tụ vẻ đẹp của sự thông minh “vốn sẵn tính trời”, cho nên các môn nghệ thuật : cầm, kì, thi, họa nàng rất sành điệu, điêu luyện “lầu bậc”, “ăn đứt” thiên hạ. Theo tôi, không những thiên nhiên “ghen”, “hờn” mà trước tài năng của nàng loài người cũng khó chấp nhận, Kiều phải lâm vào kiếp đoạn trường như là một điều dễ hiểu. Các cụ xưa đã dạy chẳng sai chút nào:

“Một vừa hai phải ai ơi,
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”.

Chính Nguyễn Du cũng phải thừa nhận sắc, tài sẽ là ngọn roi quất xuống đời Kiều, làm cho nàng bầm dập, đớn đau không tránh khỏi những lụy hệ cuộc đời :

“Thuý Kiều sắc sảo khôn ngoan ,
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.
Lại mang lấy một chữ tình,
Khư khư mình buộc với mình vào trong”.

Thiên lý “bỉ sắc tư phong” như định sẵn, chờ chực để đọa đày, vùi dập Kiều dù rằng nàng là một trang quốc sắc thiên hương, vừa có sắc – tài – tình – mệnh theo quan niệm của Tố Như :

“Có đâu thiên vị người nào.
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai”.

Như vậy, khi tả Thuý Kiều Nguyễn Du không chỉ nói đến nhan sắc khuynh nước khuynh thành, tài hoa trí tuệ, mà còn nói đến trái tim đa sầu đa cảm, tâm hồn vô cùng phong phú của nàng. Chính cung đàn bạc mệnh do Kiều soạn là tiếng lòng của nàng, trong đó có sự thương cảm sâu sắc của nhà thơ làm rung động đến tất cả mọi nhân vật trong truyện, kể cả tên mặt sắt Hồ Tôn Hiến. Dưới ngòi bút thiên tài Tố Như, Kiều càng đẹp bao nhiêu, có tài, có tình bao nhiêu thì số phận nàng càng oan nghiệt bấy nhiêu. Đứng trước chân dung của Thuý Kiều, nhà thơ Chế Lan Viên đã thổn thức xót xa :

“Chạnh thương cô Kiều như cuộc đời dân tộc
Sắc tài sao mà lắm truân chuyên
Bỗng quý Kiều như cuộc đời dân tộc
Chữ kiên trinh vượt trăm sóng Tiền Đường”.

  • Kết bài:

Miêu tả nhân vật là một trong những biệt tài của Nguyễn Du. Có lẽ ngàn năm sau cũng chưa nói hết cái hay, cái đẹp ngòi bút của đại thi hào. Chúng ta chỉ biết rằng, tài năng của nhà thơ trong việc khắc họa chân dung nhân vật như một giếng nước trong càng khơi càng trào ra những dòng nước mát ngọt ngào. Hy vọng rằng, với những suy nghĩ còn nông cạn trên, bạn đọc sẽ tìm được những điều bổ ích, dẫu rằng nó có thể “mua vui cũng được một vài trống canh”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang