Cái tôi đời tư thế sự trong thơ sau 1975 đến hết thế kỉ XX
Sau 1975, dư âm sử thi vẫn còn vang vọng trong những bài thơ về chủ đề chiến tranh, về nhân dân, tổ quốc. Văn học sau gần 10 năm ngày thống nhất đất nước, vẫn trượt dài theo quán tính của văn học thời chiến. Ở giai đoạn này, cái tôi sử thi vẫn tiếp tục tồn tại và có một uy quyền nhất định trong thơ. Cái tôi sử thi vẫn tiếp tục với mạch cảm hứng lớn ngợi ca tổ quốc, ngợi ca nhân dân và tiếp tục khẳng định sự tự hào với các chiến công kì diệu của lịch sử dân tộc đặc biệt trong những trường ca xuất hiện ồ ạt trong những năm 1978-1985: “Những người đi tới biển”, “Những ngọn sóng mặt trời” (Thanh Thảo), “Đường tới thành phố”, “Sức bền của đất” (Hữu Thỉnh), “Đất nước hình tia chớp”, “Mặt trời trong lòng đất” (Trần Mạnh Hảo), “Sư đoàn” (Nguyễn Đức Mậu)... Cái tôi trong thơ giai đoạn này đã tự ý thức về chân dung tinh thần thế hệ cầm súng:
“Cả thế hệ xoay trần đánh giặc
Mặc quần đùi khiêng pháo lội qua bưng”
(Thanh Thảo)
“Lứa cầm súng suốt một thời trai trẻ”
(Nguyễn Duy).
Tuy nhiên, trong chiều sâu của cái tôi trữ tình giai đoạn này, có sự thay đổi nhiều về ý thức và nhận thức. Nếu như giai đoạn trước 1975, cái “tôi” bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần hồn nhiên, thanh thản, không một chút đắn đo, không một phút trăn trở về chuyện được – mất, sống – còn: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo”, thì ở giai đoạn này, cái tôi đã có điểm lùi nhất định để nhận thức lại, để suy ngẫm và đánh giá lại thái độ ứng xử của mình:
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Nhưng tuổi 20 làm sao không tiếc
Nhưng tiếc tuổi 20 còn chi đất nước”
(Thanh Thảo)
Mặc dù họ ý thức được mình là thành viên của cộng đồng, là hạt nhân góp phần vào chiến thắng của dân tộc nhưng giờ đây nhìn lại, không khỏi có những phút nuối tiếc cho những năm tháng của tuổi trẻ, những năm tháng đẹp nhất của đời mình họ đã gửi lại nơi chiến trường ác liệt.
Nhân vật trữ tình giai đoạn này xuất hiện với tư cách người nhập cuộc, người tham gia lịch sử chứ không phải là người ngợi ca lý tưởng nên mọi lựa chọn đều đau đớn, vật vã hơn. Trong “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh, người lính trước giây phút ôm súng bò lên với trái tim tình nguyện, đã nghĩ về mẹ, về người vợ có lẽ chỉ giây phút nữa thôi sẽ thành vọng phu của muôn đời. Họ tới chiến thắng không ung dung, thanh thản, vô tư mà xao động, trăn trở. Cái tôi trữ tình sử thi mang trong mình cái phức tạp của cảm xúc, có nhiều suy ngẫm về cuộc sống, quê hương, gia đình, nghĩa vụ, sự hi sinh…
Có thể thấy, cái “tôi” sử thi giai đoạn này không còn là cái tôi nguyên phiến, cái tôi luôn được tô bằng hào quang chiến thắng, ngợi ca mà nó bắt đầu trở về với cái thường ngày, đời thường. Những xao động trong tâm thức, những suy ngẫm, những tiếc nuối… đã tạo cho cái tôi sử thi chất đời thường. Sau chiến tranh, họ trở về, ta vẫn nhận thấy bóng dáng người lính trong họ, nhưng đó là hình ảnh của người lính của thời bình, thời chiến tranh tắt lửa với dòng suy tư ngẫm nghĩ về mình và cuộc chiến của dân tộc đã qua.
Chiến tranh đi vào quá khứ, cuộc sống đặt ra nhiều so sánh, đối nghịch, nhiều trải nghiệm buộc con người phải nhìn nhận những mất mát đã qua và những thiệt thòi không thể bù đắp. Hơn 10 năm sau chiến tranh, cuộc sống trở về với nhịp điệu đời thường. Con người không chỉ tồn tại trong mối quan hệ duy nhất mà được đặt vào nhiều bình diện khác nhau. Dòng thơ sử thi với cái tôi sử thi không còn giữ vị trí độc tôn, duy nhất mà nhường chỗ cho cái tôi trữ tình khác. Cái tôi đời tư thế sự ra đời. Đó là cái tôi với những gì thật nhất của cuộc đời. Không có sắc màu của hào quang chiến thắng, cuộc sống hiện ra với tất cả những mặt tốt-xấu, thiện-ác. Sau nhiều năm không ít nhà thơ chợt nhận thấy một thời quá say mê lí tưởng mà quên mất hiện thực:
“Tôi đã đi qua quá nửa cuộc đời,
Qua những thập kỉ hát ca, những thế kỉ anh hùng,
Say mê quá chợt bây giờ nhìn lại,
Chứa bao điều bão tố ở bên trong”
(Võ Văn Trực).
Nhà thơ trực tiếp va chạm với đời sống hiện thực không lí tưởng hóa, không lãng mạn hóa của xã hội sau chiến tranh. Đó là nhận thức về nỗi đau, những mất mát về con người và tinh thần đã nhem nhóm ở giai đoạn thơ 10 năm sau chiến tranh, trở thành tiếng nói lớn trong thơ giai đoạn này. Đó là những cảm nhận về trạng thái xã hội với những khiếm khuyết, băng hoại về môi trường, nhân cách. Đó là sự thức tỉnh của cái tôi trước những bi kịch khổ đau của nhân dân, về những nhức nhối về các vấn đề của xã hội…
Trong những biến động xã hội đó, cái tôi nhiều khi cảm thấy mất niềm tin, mất chỗ đứng, nhiều khi rơi vào trạng thái hoang mang, bế tắc và bi phẫn: “Ngó đi đâu cũng vang bóng cơ hàn” (Nguyễn Quốc Chánh), “Em chân thật ở hiền sao gặp ác/ Ác ở trong hiền chứ ác ở đâu”… Tuy còn nhiều băn khoăn, đau đớn nhưng trách nhiệm của cái tôi trữ tình hiện nay từ những cảm hứng về thời thế, con người lịch sử vẫn nhằm tìm kiếm một đạo đức xã hội mang tính thời sự, một nghĩa vụ đối với nhân dân, một chỗ đứng của người nghệ sĩ, thể hiện một khát vọng về xã hội yên bình và hạnh phúc.
Với các nhà thơ trẻ xuất hiện cuối những năm 1990, ý thức cá nhân càng được đề cao và mài sắc. Họ muốn phơi bày con người thực của mình, chống lại mọi thứ khuôn phép, lề thói có sẵn. Vi Thùy Linh khẳng định như một tuyên ngôn:
“Tôi là tôi
Một bản thể đầy mâu thuẫn
Ta đã nhìn mình trong gương cả khi khóc khi cười
Bất cứ lúc nào trên sân khấu cuộc đời
Tôi vẫn là diễn viên tồi
Bởi tôi không bao giờ hóa trang để nhập vai người khác”
Với xu hướng tập trung vào đời sống riêng tư, đào xới đến tận cùng bản thể con người, cái tôi cá nhân được khai thác ở mọi bình diện, tầng bậc trong mọi mối quan hệ. Nhà thơ như kẻ tự đi tìm gương mặt bên trong của mình với niềm khao khát nhận biết, khám phá cái thế giới tâm linh, vô thức đầy bí ẩn của mỗi con người. Sự trở về với con người đa dạng, phức tạp, con người nội tâm sau 1975 đã mở đường cho khả năng đi sâu vào thế giới bên trong của con người với những không gian và thời gian tâm tưởng tương đối đặc biệt.
“Thơ sau 1975 bước đầu khai thác vào phía vô thức của sự sống, phía tâm linh của cõi người, đã dè dặt đặt được những viên gạch đầu tiên cho nấc thang mới của thi ca Việt Nam” (Nguyễn Thụy Kha). Đối với các nhà thơ hiện đại, vị trí của cái tôi đã thay đổi về chất. Ta nhận thấy trong thơ hiện đại cái tôi hoặc bị mờ hóa hoặc trở thành cái tôi đa nghĩa. Cái “tôi” đa nghĩa là sản phẩm riêng của thơ hiện đại sau 1975. Trong một cái tôi có nhiều cái tôi, hay nói đúng hơn chân diện của cái tôi trong từng trường hợp cụ thể là khác nhau. Cái tôi sinh ra và biến đi phong phú, đủ loại trong văn bản, khó có thể nhận biết và nắm bắt được.
Nếu thơ Mới lãng mạn đề cập đến cái tôi xã hội, cái tôi bề ngoài dễ nắm bắt, dễ nhận diện thì thơ hiện đại lại biểu lộ, phát giác, giải phóng cái tôi chưa biết, thám hiểm đáy sâu của thế giới tinh thần con người. Thơ hiện đại là tâm linh, vô thức. Cái tôi ý thức bị hòa tan với cái tôi vô thức. Diện mạo cá tính của nhà thơ như một thực thể xã hội trở nên mờ nhạt do việc đẩy cao phần cảm giác, phần vô thức, chối bỏ phần ý thức, phần kinh nghiệm.