Kiểu cấu trúc tuyến tính trong thơ Mới và thơ ca Cách mạng Việt Nam

kiẻu-cau-truc-tuyen-tinh-trong-tho-moi-va-tho-ca-cach-mang-viet-nam

Kiểu cấu trúc tuyến tính trong thơ Mới và thơ ca Cách mạng Việt Nam

Thơ ca lãng mạn và thơ ca Cách mạng đã phá vỡ sự hoàn bị, khép kín tĩnh tại của cấu trúc thơ cổ điển. Các nhà thơ lãng mạn đã giải phóng hình thức thơ ca ra khỏi nhiều khuôn phép gò bó, cứng nhắc từ đó có thể linh động, cơ động hơn trong việc nắm bắt, miêu tả những cảm xúc của chủ thể. Song hình thức, cấu trúc thơ vẫn bị kiểm soát bởi logic duy lí, nó vẫn còn tuân theo trật tự lớp lang, trật tự cảm xúc, của những yếu tố sự kiện trong lời thơ. Chính cách tổ chức lời thơ như vậy đã tạo nên kiểu cấu trúc tuyến tính cơ bản của thơ Mới và thơ ca Cách mạng Việt Nam.

Xuân Diệu được tôn vinh là nhà thơ mới nhất trong số những nhà thơ Mới. Ngày chàng thi sĩ lãng mạn Xuân Diệu đặt chân lên mảnh đất thơ Việt, người ta đã “rụt rè không dám làm thân với con người có hình thức phương xa ấy”. Quả thực những cái mới mà Xuân Diệu mang đến đã tạo ra màu sắc tân kì cho thơ Việt vốn đã quá quen với việc làm theo thiết kế có sẵn trước đó. Xuân Diệu đã mang đến một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, cuống quýt, muốn tận hưởng đến tận cùng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Bao nhiêu cung bậc cảm xúc rất con người ấy đã được đánh thức, gọi tên trong thơ Xuân Diệu.

Tuy nhiên, vẫn tìm thấy mạch ngầm chi phối cảm xúc trong thơ. Ta nhận ra hình thức biểu đạt những nguồn cảm xúc mới mẻ của nhà thơ vẫn tuân theo một trật tự cấu trúc logic, không có sự lên gân nhằm phá vỡ một mô hình tuyến tính của bài thơ. Cấu trúc tuyến tính trong thơ Xuân Diệu nằm ở kiểu thơ cắt nghĩa lí giải rất đặc trưng. Xuân Diệu là nhà thơ ham cắt nghĩa lí giải. Khát vọng được hiểu khiến nhà thơ có tham vọng lí giải chi tiết, cặn kẽ thế giới được chính thi nhân khám phá và cảm nhận. Bài thơ của Xuân Diệu thường chỉ có một tứ thơ nổi lên trên bề mặt, định hình ngay từ mở đầu cho đến khi kết thúc bài thơ. Tứ thơ đó được triển khai liền mạch, thống nhất trong cảm xúc cũng như trong cách thể hiện. Chính điều này khiến cho cấu trúc thơ Xuân Diệu vận động nhất quán, không cầu kì, khó hiểu.

Vội vàng được coi là lời tự bạch, tự họa của Xuân Diệu. Nếu cần tìm một bài thơ trong khối lượng sáng tác đồ sộ của Xuân Diệu để diễn tả đầy đủ nhất thần thái Xuân Diệu có lẽ là Vội vàng:

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi

Nếu coi bài thơ là lời tuyên ngôn bằng thơ, trình bày cả một quan niệm nhân sinh về lẽ sống vội vàng, thì ta mới thấy rõ ẩn chìm sâu dưới lớp hình ảnh mới mẻ, sống động, cảm xúc dào dạt, bồng bột như thác lũ ấy lại là yếu tố chính luận, lập luận làm nên cấu trúc tuyến tính cho thi phẩm. Xuân Diệu trình bày tuyên ngôn sống của mình theo một trình tự lớp lang chặt chẽ. Khổ thơ ngũ ngôn đầu tiên của thi phẩm gián tiếp thể hiện tuyên ngôn của nhà thơ. Xuân Diệu dõng dạc, chân thành bộc lộ cái ham muốn kì dị đầy ngông cuồng của thi sĩ với một niềm yêu dào dạt vô bờ với thế giới thắm đượm hương sắc.

Để lí giải cho cái ham muốn mãnh liệt đó, hai phần tiếp theo của bài thơ mang tính chất luận giải rõ ràng. Giống như câu trả lời cho câu hỏi tại sao thi sĩ muốn tắt nắng, buộc gió, đoạn thơ thứ hai đưa ra cách lí giải hoàn toàn thuyết phục. Bởi thế giới đó, hiện tại cuộc sống này là thiên đường trên mặt đất, là bữa tiệc của trần gian đầy quyến rũ mời gọi:

“Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” 

Để thấy rõ sức hấp dẫn khó cưỡng của cuộc sống trần gian, Xuân Diệu dồn hết bút lực để làm nổi bật cuộc sống trần gian như một thiên đường từ cách nhà thơ chọn không gian của bữa tiệc tại vườn Xuân, thời điểm mật ngọt của một năm, từ cách nhà thơ đưa vào đó hệ thống hình ảnh cặp đôi, luyến ái, những sắc màu, những âm thanh… đã làm nên cái rạo rực của một thế giới Xuân Tình.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thôi, Xuân Diệu như sợ rằng con người mải chiêm ngưỡng, đắm say với nàng Xuân mà quên mất việc phải níu giữ nàng Xuân ở lại. Nhà thơ vẽ ngay bên cạnh mảng màu tươi sáng đó những nét vẽ u buồn về một phần của thế giới trong sự chia lìa, li tán:

“Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?”

Mà Xuân Diệu cũng đầy xúc cảm khi viết về hoang mạc cô liêu. Phần này, nhà thơ cũng luận giải rất chặt chẽ: cuộc đời đẹp như vậy nhưng đầy mâu thuẫn, bởi cái đẹp thường ngắn ngủi, thường hữu hạn trước thời gian. Khi phát hiện ra thời gian không còn tuần hoàn nữa cũng là lúc Xuân Diệu nhìn thấy “lầu tình ái” của cuộc đời đang tan chảy. Hai lí do đó đã quá đủ, quá thuyết phục để chọn lấy một cách sống phù hợp nhất: sống vội vàng, sống là chạy đua với thời gian, sống tận tâm tận lực mỗi phút mỗi giờ, sống tận hiến, tận hưởng…

“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi! “

Nguyễn Bính được coi là nhà thơ chân quê, người đã đến và đánh thức con người nhà quê ngủ say trong sâu thẳm mỗi chúng ta. Người mang đến một hơi thơ, một hồn thơ chân chất, mộc mạc nhưng cũng rất duyên dáng, mềm mại mà gần gũi như ca dao, lục bát. Nguyễn Bính bằng những câu chuyện tình mà hầu hết đều mang sắc màu lỡ dở của những anh chàng nhà quê, đã tự định hình một phong cách thơ riêng, không kém phần độc đáo. Nguyễn Bính thường hay dùng lối thơ đưa đẩy, kể lể, than vãn như cách nói của người nhà quê.

Đọc Nguyễn Bính có thể thấy hạt nhân của mỗi thi phẩm thường là một cái sự nào đó. Có khi là sự lỗi hẹn ở mưa xuân, có khi là sự lỗi thề của người khách tình xuân, sự lỗi ước với tình quân của cô lái đò, sự lỡ dở của chị Trúc một lần lỡ bước sang ngang:

“Đoái thương thân chị lỡ làng
Đoái thương phận chị dở dang những ngày…”

Mạch thơ được triển khai do vận động của những cái sự như thế nên mạch liên kết của thi phẩm chủ yếu dựa vào một cốt nào đó. Và mạch được dẫn dắt bởi những lời kể như những tình huống diễn ra trong không gian, thời gian. “Nguyễn Bính chẳng khác một người có tài kể chuyện, cứ nhẩn nha nói về những thứ quen thuộc ở quanh mình khiến người ta phải chú ý” (Tô Hoài). Nhiều khi do ham lời kể mà Nguyễn Bính thường mắc một cái tật dông dài và không hiếm bài đến mức dầm dề tựa như mưa ở Huế như đúng nhà thơ cảm nhận.

Thơ ca Cách mạng giai đoạn 1954-1975 vẫn duy trì mô hình cấu trúc tuyến tính của thơ Mới. Có lẽ một phần do áp lực chính trị, do sự chi phối của đối tượng tiếp nhận thơ trong giai đoạn lịch sử đặc biệt, cũng có thể quán tính thời thơ Mới vẫn chi phối nặng nề với các nhà thơ khiến cấu trúc thơ không có nhiều đột phá. Người đọc nhận ra vẫn là kiểu cấu trúc tuyến tính, cấu trúc đơn tuyến, lớp lang, tuân theo một trình tự đầu cuối, logic khiến thơ rất dễ bắt mạch, dễ tìm ra sự vận động của cảm xúc. Thơ có cốt truyện nằm giữa ranh giới thơ trữ tình và truyện thơ, trước 1954 được Nguyễn Bính sử dụng rất nhiều, đến thơ kháng chiến, nó phát triển khá phổ biến, nhất là với Tố Hữu, Phạm Tiến Duật, Giang Nam, Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm…

Nếu phải chọn một bài thơ tiêu biểu cho tình cảm cao đẹp của những người lính trong văn học Cách mạng Việt Nam 1945-1975 không thể không chọn Đồng chí của Chính Hữu. Nếu phải chọn một bài thơ tiêu biểu cho nội dung yêu nước trong thơ ca giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, không thể dễ dàng bỏ qua Đồng chí của Chính Hữu. Có thể có những cảm nhận khác nhau về sức hấp dẫn của thi phẩm này.

Chẳng hạn, một ngôn ngữ giản dị. Một ngôn ngữ bám sát đời sống. Sự khám phá mới mẻ về tình cảm thiêng liêng của con người Việt Nam trong chiến tranh. Một đặc trưng nghệ thuật thơ Chính Hữu. Đó đều là những vẻ đẹp rất ý nghĩa tạo nên sức hấp dẫn của thi phẩm để có thể chiến thắng được quy luật sàng lọc của thời gian, tỏa sáng không chỉ trong thơ ca mà cả trong đời sống của người lính thời đất nước hòa bình. Một khía cạnh khác thuộc về cấu trúc thơ của thi phẩm. Một sự diễn ngôn hoàn hảo của Đồng chí trong thời đại đất nước tôn vinh những người lính.

Thơ ca cách mạng ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, vì vậy, tiếng thơ của cá nhân tác giả sẽ trở thành tiếng lòng chung của cả một thế hệ thanh niên đang gánh trên vai vận mệnh của dân tộc mà lịch sử giao phó. Chịu sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử, của sứ mệnh là vũ khí tinh thần tác động trực tiếp tới ý thức chính trị của những người lính và của cả nhân dân, thơ ca Cách mạng phải đơn giản về mặt cấu trúc thơ. Nhưng đơn giản không có nghĩa là nhà thơ có quyền dễ dãi trong sáng tạo nghệ thuật của mình.

Sự đơn giản đó nằm ở kiến trúc ngôn từ bình dị, gần với đời sống chiến đấu của người lính, ở một kết cấu mạch lạc, nhất quán, dễ hiểu dễ tiếp nhận để thơ không chỉ là thơ mà còn là động lực tinh thần to lớn với người lính. Cấu trúc của Đồng chí có thể dễ cảm nhận bằng trực giác qua một dòng thơ đặc biệt nằm giữa bài thơ tự phân chia bài thơ thành hai phần rõ rệt, dòng thơ đó trùng với nhan đề của thi phẩm, tạo nên luận đề lớn nhất: Đồng chí. Đó là khám phá sâu sắc về tình cảm cao đẹp của những chàng vệ quốc quân – một quan hệ tình cảm vừa mới được cuộc kháng chiến khai sinh:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!

Điều sâu sắc của Chính Hữu là cách mà nhà thơ khám phá ra chiều sâu của tình cảm đó. Nghe đơn giản nhưng có lẽ không qua trải nghiệm, con người đâu dễ nhận ra thứ tình cảm thân thuộc:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính. 

Khăn khăn, gian khổ làm nảy sinh ở tâm hồn người lính sự đồng cảm, sẻ chia ấm áp. Đó cũng là thứ tình cảm thường tình, nhưng trong hoàn cảnh này, nó thật thiêng liêng, thật lớn lao:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!”

Để rồi cuối bài thơ, tình đồng chí nâng ý thơ lên tuyệt đẹ. Đó là kết tinh của ý nguyện dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, tình yêu tổ quốc thiết tha:

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

Đâu phải cứ gọi nhau là đồng chí là hiển nhiên có tình đồng chí thiêng liêng. Chính Hữu đã giải quyết câu hỏi đó trong một cấu trúc thơ logic, một cấu trúc tuyến tính dễ nắm bắt.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.