Quan niệm về thơ ca và nghệ thuật của Trường thơ loạn.

quan-niem-ve-tho-ca-va-nghe-thuat-cua-truong-tho-loan

Quan niệm về thơ ca và nghệ thuật của Trường thơ loạn.

Chịu ảnh hưởng của những quan niệm nghệ thuật phương Tây, các thi sĩ thơ Loạn trực tiếp khởi sự một tư tưởng mĩ học mới về thơ ca: “Làm thơ là làm sự phi thường”. Thi nhân như một tiên tri mang sứ mệnh thiêng liêng xác lập một thế giới dị thường. Bên cạnh đó, Trường thơ Loạn xem thơ là kết tinh từ những nỗi đau quằn quại của những linh hồn bất hạnh với khát vọng sống mãnh liệt. Đau thương như một định mệnh ám ảnh khiến các thi sĩ phải cất lên bằng tiếng thơ tuyệt vọng. Và như một nghịch lý, vừa xem thơ là hoa trái đau thương, Trường thơ Loạn đồng thời cũng xem thơ là tận cùng của những khoái cảm. Với thân phận mang bi kịch của mình, thơ là nguồn khoái lạc để các nhà thơ tìm đến cõi “thanh khí huyền diệu” giải thoát đau thương, tận hưởng hoan lạc giúp họ quên đi khổ đau, bế tắc, tuyệt vọng ở chốn trần gian.

Là hiện tượng nổi bật trên thi đàn Việt Nam, phong trào Thơ Mới khẳng định vị trí vững chắc trong nền văn học dân tộc. Nếu nói Thơ Mới mở ra một cuộc cách mạng trong thi ca, thì có thể xem Trường thơ Loạn là hiện tượng độc đáo của phong trào Thơ Mới. Manh nha từ nhóm thơ Bình Định với những tên tuổi như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan…, con đường thơ Loạn gia nhập Thơ Mới cũng gặp không ít những chông gai. Kinh qua những bước thăng trầm, các thi sĩ thơ Loạn vẫn khẳng định được vị trí của mình một cách vinh quang. Trong đó, quan niệm nghệ thuật độc đáo, mới lạ có thể xem là đóng góp lớn nhất của Trường thơ Loạn trên thi đàn Thơ Mới.

1. Làm thơ là làm sự phi thường.

“Tôi điên tôi nói như người dại – Van lạy không gian xóa những ngày” (Lưu luyến – Hàn Mặc Tử). Có lẽ, với các thi hữu của Trường thơ Loạn, mĩ học bao giờ cũng là cái tột cùng, vì vậy cái đẹp trường thơ này tôn thờ không phải là cái đẹp hài hòa cổ điển kiểu Apollon mà là cái đẹp phản hài hòa, xộc xệch, rách rưới, mê sảng Dionicos, mở ra một thế giới thi ca phi thường, điên cuồng, rùng rợn và chết chóc. Mọi cảm xúc, trạng huống tình cảm luôn đến ngưỡng tột cùng có thể xem là mẫu số chung của ba đỉnh cao thơ Loạn. Đó là kết quả của hành trình đảo lộn thời gian để “thoát khỏi hiện tại”, “xáo trộn dĩ vãng”, “ôm trùm tương lai” kiếm tìm một quan niệm thẩm mĩ riêng, hướng đến cõi tượng trưng và siêu thực với thế giới đầy ma quái, siêu hình, khép kín làm hoang mang người đọc. Trong tựa Điêu tàn, như đại diện cho cả trường thơ, Chế Lan Viên trực tiếp khởi sự một tư tưởng mĩ học mới về thi ca: “Hàn Mặc Tử viết: làm thơ tức là điên. Tôi thêm: làm thơ là làm sự phi thường”. Quan niệm này rất gần với quan niệm thơ của Paul Geraldy: “Thơ là gì?… Thơ là vượt ra ngoài thói quen, mà bước vào một cõi mới lạ có hứng thú hơn”.

Chịu ảnh hưởng của quan niệm nghệ thuật từ Baudelaire, Edgar Poe, Mallarmé…, Trường thơ Loạn từ chỗ băn khoăn chán ghét thực tại đã “tìm cái đẹp ở những bến bờ xa lạ của cảm giác, tìm những cái đẹp khoái lạc bệnh tật ở những vùng đất hoang dại chưa được khám phá”, mơ tưởng đến một mĩ thể huyền nhiệm và tinh khiết. Khi viết “Làm thơ là làm sự phi thường”, một mặt Trường thơ Loạn xem thơ là cái siêu phàm, làm theo những cách thức khác thường mà người thường không hiểu nổi. Mặt khác, các nhà thơ muốn khẳng định yếu tố “phi thường” như mục đích duy nhất của sáng tạo, thơ phải đạt đến đỉnh cao để người ta ngỡ ngàng, khâm phục. Thiên chức của nhà thơ như một siêu nhân mang sứ mệnh thiêng liêng xác lập một thế giới dị thường.

Như một sự tuyên chiến với mĩ cảm chung của thơ ca đương thời, Trường thơ Loạn coi trọng chất nghệ thuật đích thực, đề cao thơ như hình thái đặc trưng vi diệu, lung linh, biến ảo, nhấn mạnh đến tính chất siêu phàm của thi sĩ. Nếu Xuân Diệu xem thi sĩ “nghĩa là ru với gió – Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, Thế Lữ xem mình là “cây đàn muôn điệu – Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn vẻ” thì Trường thơ Loạn xem thi sĩ là những con người mê cuồng và điên dại. Vận dụng quan niệm mỹ học tượng trưng, thế giới thơ Loạn hướng tới là thế giới bí ẩn của cảm giác và tâm linh, hướng vào vô thức của con người mà với thi nhân là lĩnh vực vô hạn của sự khám phá, sáng tạo nghệ thuật. Thu mình trong thế giới sâu thẳm của cái tôi nội cảm, vượt qua sự tưởng tượng mơ màng của chủ nghĩa lãng mạn, lặn sâu xuống dưới đáy cùng của thế giới tiềm thức, vô thức, các thi sĩ thơ Loạn đã trình bày sự bí ẩn siêu nghiệm ấy qua những “rừng biểu tượng” đầy ám gợi: đó là hình ảnh trăng với muôn dáng vẻ, là sọ người, là bóng ma, hồn phách.: “Ngoài kia trăng sáng chảy bao la – Ta nhảy vào quay cuồng thôi lăn lộn – Thôi ngụp lặn trong ánh trăng vàng hỗn độn – Cho trăng ghì, trăng riết cả làn da” (Tắm trăng – Chế Lan Viên).

Hàn Mặc Tử càng kỳ dị, điên cuồng hơn thế: “Người trăng ăn vận toàn trăng cả – Gò má riêng thôi lại đỏ hườm” (Say trăng – Hàn Mặc Tử). Chủ trương làm “Thơ Loạn”, “Thơ Điên” kinh dị như những vần thơ của Valéry, Baudelaire, cùng ý tưởng “Nói cho rõ một vật có nghĩa là bỏ qua mất ba phần tư lạc thú khi đọc thơ” (Mallarmé) mà các thi sĩ thơ Loạn tôn thờ. Vì thế, đối với họ thơ hay chỉ có thể mà “cảm”, yên lặng mà “nghe” những thanh âm rung động trong lòng hơn là nói ra thành lời một cách rạch ròi. Cưu mang thi hứng mãnh liệt để siêu hình hoá mọi trạng thái, mọi phẩm chất, mọi cảm thức về không gian, thời gian, về ý nghĩa cuộc sống, nên sáng tạo thơ đối với thi sĩ thơ Loạn là những phút giây lóe sáng xuất thần trong cuộc phiêu du của linh hồn.

Không nằm trong quan niệm cái đẹp của thơ ca đương thời, không lấy cảm xúc nhân sinh, những rung động ái tình quen thuộc, Trường thơ Loạn thả hồn vào mê lộ của chốn phi thường và dị thường. “Thi nhân tự biến mình thành tiên tri thấu thị bằng một sự hỗn loạn của tất cả mọi giác quan, lâu dài, rộng lớn phi thường và hợp lý” (Rimbaud). Thơ của họ là sự phân li kì dị giữa xác và hồn, là sự nghiệm sinh cái chết của hữu thể để sống phần tâm linh, vô thức. Nó có thể trộn lẫn sống vào chết, tiềm thức vào ý thức, quá khứ vào tương lai. Quá trình sáng tạo này được coi là mất trí, phát điên. Nhưng sự điên cuồng tuyệt nhiên không phải là bệnh lý mà là trạng thái nhiệt hứng, khi xúc cảm thăng hoa đến tột độ: “Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ, tôi phản bội tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi hết sức giữ bí mật. Và cũng có nghĩa tôi mất trí, tôi phát điên”[3]. Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê đều thích thú và nhiều lần nhắc đến trong thơ mình những chữ: Điên – Cuồng – Loạn, và quả thật những chữ ấy đã ám vào đời và thơ họ một cách tự nhiên không thể tách rời. Đó có thể là khoảnh khắc chán nản tận cùng: “Nhắm mắt lại cho cả bầu bóng tối – Mênh mang lên, bát ngát tựa đêm sâu” (Tạo lập – Chế Lan Viên), nơi cái đẹp đã được đẩy sang một địa hạt khác của sự kinh dị tột cùng: “Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút – Mỗi lời thơ đều dính não cân ta” (Rướm máu – Hàn Mặc Tử). Cũng có khi đó là cuộc phiêu diêu đầy chuếnh choáng:“Ôi! say khướt mới dào muôn ý tứ – Ôi! điên rồ mới ngớp ánh chiêm bao – Ôi! dâm cuồng mới biết giá trăng sao” (Trái tim – Bích Khê).

Thơ Loạn không trực tiếp phản ánh hiện thực mà phản ánh tâm trạng trước hiện thực bằng cái nhìn đầy huyền ảo và le lói những tia sáng dị kỳ. Hàn Mặc Tử mượn thơ chắp cánh cho một cuộc viễn du trong cõi mộng mơ, huyền diệu: “Ta bay lên! Ta bay lên! – Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm – Ta ở trên cao nhìn trở xuống – Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm” (Chơi lên trăng). Bích Khê cũng chìm vào một thế giới bí ẩn “Đây cỏ xanh xao mây lớp phủ – Trên mồ con quạ đứng im hơi” (Nấm mộ). Chế Lan Viên huy động tất cả mọi tiềm năng tinh thần để viết nên những câu thơ siêu thoát: “Hỡi chiếc sọ, ta vô cùng rồ dại – Muốn riết mi trong sức mạnh tay ta! – Để những giọt máu đào còn đọng lại – Theo hồn ta, tuôn chảy những lời thơ” (Cái sọ người – Chế Lan Viên).

Quan niệm “Làm thơ là làm sự phi thường”, Trường thơ Loạn triền miên ngụp lặn trong thế giới rùng rợn mà vùng vẫy, kêu la: “Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì nó cũng tột cùng”. Thoát ly vào thơ và làm thơ thoát ly hiện thực, đó là đặc điểm cốt lõi của phong trào Thơ Mới. Nhưng nếu Thơ Mới lấy “thanh sắc thời gian làm tài liệu” để tìm kiếm chốn nương thân nương hồn, thì thơ Loạn thoát li ở một chiều kích khác, một bản chất khác. Thơ Mới xôn xao tình điệu của “vườn trần”, của cõi người gần gũi thì thơ Loạn tìm đến tha ma, mộ huyệt. Thơ Mới tìm cái đẹp cao khiết, lí tưởng của chốn bồng lai tiên cảnh thì thơ Loạn thống thiết van xin tìm về một quá khứ lụi tàn: “Hãy trả tôi về Chiêm quốc”, hay tìm về “một cõi trời cách biệt”. Đó là sự cố tình phơi bày những hình ảnh đau thương để tạo cảm giác “đê mê, tê liệt”. Vừa tiếp nối chủ nghĩa lãng mạn của phong trào Thơ Mới, nhưng đồng thời Trường thơ Loạn đã đặt bước chân của mình vào chủ nghĩa tượng trưng và đưa thơ vào dấu chấm phá đầu tiên của chủ nghĩa siêu thực. Khát khao làm sự phi thường, sáng tác của Trường thơ Loạn đã đem đến những cách tân táo bạo trên thi đàn Thơ Mới.

2. Thơ là hoa trái của đau thương.

Nỗi buồn là âm hưởng chủ đạo của thơ Mới, nhưng đến với các thi sĩ thơ Loạn, trên cả nỗi buồn là nỗi đau. Trạng thái đau thương được đẩy đến tột cùng trở thành thời điểm mà nhà thơ như điên, như cuồng, như loạn. Khi ấy, cảm xúc trở thành nguồn thi hứng mãnh liệt, dạt dào để thăng hoa thành thơ, để thơ nở ra “những bông hoa thần dị” (Chữ dùng của Hàn Mặc Tử). Vì thế, sáng tác của Trường thơ Loạn là kết tinh từ nỗi đau quằn quại của những linh hồn bất hạnh với khát vọng sống mãnh liệt.

Thơ Loạn mở ra một thế giới mà ở đó, nỗi đau giày vò con người đến tuyệt vọng – thế giới của những bóng ma, những linh hồn chết vật vờ qua những bức tường đổ nát. Đó còn là vài nấm mồ hoang lạnh, quặn thắt những câu hỏi về sự tồn tại hay diệt vong của kiếp con người. Bước vào thế giới mang đậm màu sắc bi thương ấy là rùng rợn chân tay và tê tái tâm hồn bởi tiếng rên xiết của những cơn đau, nơi người ta chỉ nhìn thấy những con người của máu, của xương, tủy trắng, não cân và tâm hồn buốt giá. Và cũng nơi ấy, người nghệ sĩ phải thét, phải gào cho thỏa mãn khát khao. Với họ, “thơ là tiếng kêu rên thảm thiết của một tâm hồn thương nhớ ước ao trở lại trời”. Thơ phải đi vào miền sâu thẳm của linh hồn, tìm về quá vãng của một thời đã qua, tìm trong tiềm thức và vô thức của con người. Truy tìm cái đẹp từ những cái kinh dị, điều này rất gần với thơ tượng trưng phương Tây, thể hiện cái nhìn mới về người nghệ sĩ: “Trên một nấm mồ tàn ta nhặt được – Khớp xương ma trắng tựa não cân người – Tủy đã cạn, nhưng vẫn đầm hơi ướt – Máu tuy khô, còn đượm khí tanh hôi” (Xương khô – Chế Lan Viên). Họ chỉ sống bằng linh hồn của mình, vượt ra ngoài thể xác, thoát lên chín tầng mây, tìm đến những mảnh đất hoang sơ lạ lẫm, có lúc điên cuồng gào thét trước nỗi đau thể xác để rồi bùng lên khát vọng sống mãnh liệt: “Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết – Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh – Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết – Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh” (Rớm máu – Hàn Mặc Tử).

Âm hưởng đau thương từ quan niệm thơ kết tinh những linh hồn mang trong mình khổ đau và khát vọng là khoảnh khắc trở dạ của đứa con tinh thần, là chất liệu để chưng cất thành thơ. Chế Lan Viên với nỗi đau tinh thần chất chồng một khối sầu bi thống. Thi sĩ tiếc thương quá khứ, xót xa cho một thời quá vãng, đau lòng trước thế giới đổ nát bởi sự tàn phá của thời gian miên viễn: “Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi – Những đền xưa đổ nát trước thời gian – Những sông vắng lê mình trong bóng tối – Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than” (Trên đường về). Thế giới đau thương ám ảnh thơ Chế như một “niềm kinh dị”. Khóc than cho nỗi sầu hận của dân tộc Chiêm Thành cũng là khóc than cho dân tộc Việt Nam, là tiếng lòng u hận của người dân mất nước cùng tâm hồn vong nô lạnh giá, bởi “Điêu tàn có riêng gì cho nước Chiêm Thành yêu mến của tôi đâu?”. Thiết tha níu giữ những gì đã mất cũng là cách duy nhất thi sĩ vùng vẫy trong cái hữu hạn của đời mình, và cũng là bản chất của việc làm thơ, như Chế Lan Viên từng tuyên bố: “Vì u buồn là những đóa hoa tươi – Vì đau khổ là chiến công rực rỡ” (Đừng quên lãng). Như vậy, chính quá khứ dân tộc Chàm trong niềm bi hận là khách thể đích thực để thơ được thăng hoa, tư tưởng siêu hình cất cánh, nên dễ hiểu khi thơ Chế “đầy những điệu sầu bi – Đầy hơi thịt ý ma cùng sắc chết” (Tiết trinh).

Điều lạ lùng và cũng là sự trùng hợp ngẫu nhiên, trong ba thành viên chủ chốt của Trường thơ Loạn, có đến hai người mắc bệnh nan y. Số mệnh đã đặt họ đứng chông chênh giữa bờ vực sống – chết, khiến thi nhân phải cất lên bằng tiếng thơ tuyệt vọng. Hơn tất cả, Hàn nhạy cảm đặc biệt với nỗi đau, vì đau thương như một định mệnh miên man ám ảnh cuộc đời Hàn. Như tiên tri cho số phận bi kịch của mình, ngay khi còn là một thanh niên căng tràn sức sống, Hàn đã chọn cho mình bút danh Phong Trần – gió bụi và Lệ Thanh – tiếng khóc. Cảm nhận nỗi đau “bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn”, nên nỗi đau đã hình thành cá tính và thi pháp thơ ông. Nỗi đau ấy khiến thi nhân nhìn thấy quanh mình cái gì cũng dữ dội, mãnh liệt và dâng cao như ngọn cuồng phong rồi đổ ào xuống cuốn tất thẩy vào lòng mình bằng sự khủng khiếp khôngN gì cản được. Đó là lý do giải thích vì sao đọc Hàn, ta bắt gặp đầy những vần thơ chảy máu: “Trời hỡi bao giờ tôi chết đi – Bao giờ tôi hết được yêu vì – Bao giờ mặt nhật tan thành máu – Và khối lòng tôi cứng tợ si” (Những giọt lệ). Không chỉ đau vì thân xác mà còn vì nỗi tuyệt vọng của cõi lòng vò xé tâm can, khi “Lòng thi sĩ chứa đầy trang vĩnh biệt” (Dấu tích). Đây chính là nguồn cảm xúc ở cung bậc tột cùng của tiếng nói trữ tình.

Ta có thể nghe thơ Hàn thế giới vô hình bên trong qua vết loan rỉ máu ở bên ngoài thân xác, khi những vần thơ được viết lúc tử thần đang rờ rẫm trên cơ thể sượng sần và tê điếng. Đó là thi liệu, là cảm hứng vô biên để hồn thơ cất cánh nên không phải tình cờ, tập thơ được coi là xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Hàn cũng có có nhan đề Đau thương! Nếu Hàn Mặc Tử ngày đêm chứng kiến sự ăn mòn thể xác của bệnh phong như từng giờ đẩy mình đến cửa tử: “Một mai kia ở bên khe nước ngọc – Với sao sương anh nằm chết như trăng” (Duyên kỳ ngộ) thì Bích Khê cũng chịu đựng nỗi đau không kém của bệnh lao quái ác: “Muôn ưu phiền dày đặc ứ trong đầu – Muôn sầu hận xây mồ ngay giữa phổi” (Châu). Và ông đã trút hết nỗi đau để kết tinh, chưng cất thành Tinh huyết, Tinh hoa. Hàn đã lý giải ở Bích Khê – “thi sĩ thần linh” rằng: “Sự điên cuồng ấy uyên nguyên một phần ở thiên tài, một phần ở đau khổ”. Đau thương là khởi điểm để Bích Khê “phát tiết hết tinh lực của hồn của máu”, là giây phút thi nhân điên cuồng ọc ra từng búng thơ sáng láng: “Anh ghì lấy ảnh. Những đau thương – Thấm tận lòng anh khổ chán chường – Anh úp mắt vào đôi mắt ấy – Rồi không ngăn được. Lệ anh tuôn” (Ảnh ấy). Đó là một quá trình “lên đồng”, là sự “nhập thần” mãnh liệt đến mức thi nhân phải bật thành những tiếng khóc – than – gào – rú: “Thơ tôi lưu luyến giữa dòng châu – Trể nải cho nên ứ mộng sầu – Châu vỡ thiên tài lai láng cả – Chết rồi, khí phách của tôi đâu?” (Đây bản đàn thơ).

Có khi, Bích Khê kéo thơ gần kề sự sống bằng cách thâu những nỗi đau của nhân thế thành một niềm rên xiết: “Người có biết lòng ta đương chết điếng – Mửa dòng thơ tràn lan như sóng biển – Là trong đây tất cả phẩm tràng sinh – Đều đau rên trong vạn trạng thiên hình?” (Châu). Chồng chất nỗi đau, những vần thơ Loạn đậm đặc hơi thở kì bí và rùng rợn, thậm chí như điên như dại, phải: “gào vỡ sọ”, “thét đứt hầu”, “khóc trào máu mắt”, thấm đẫm một nỗi niềm đam mê ma quỷ. Cái đẹp đến từ cái quái đản, điều này rất gần với chủ nghĩa tượng trưng của Baudelaire, Verlaine, Rimbaud. Và quả thật, các thi sĩ thơ Loạn xứng đáng là những đồ đệ trung thành của tác giả Những bông hoa ác! “Thơ là hoa trái của đau thương”. Thật vậy! Vì chính đau thương đã kết nụ cho thơ thành hoa, thành trái – đó cũng là những vần thơ chân thật nhất về nỗi đau con người.

3. Thơ là dồn ứ muôn sắc màu khoái lạc.

Xem thơ là hoa trái đau thương, Trường thơ Loạn đồng thời cũng xem thơ là tận cùng của nguồn hoan lạc. Chính vì vậy, Trường thơ Loạn miêu tả thơ rất đẹp và có sức nhiệm màu, bởi chính họ đã sống cho thơ và thơ đã cho họ sự sống. Thơ như bông trăng nở trắng ngọt ngào. Giữa thế giới chói chang và thanh bạch, thơ hiện ra như một dòng nước mát, trong như một khối băng tâm, sáng như một vì tinh tú: “Ta cho ra một dòng thơ rất mát – Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương – Trời như hớp phải hơi men ngan ngát – Đắm muôn ngôi tinh lạc xuống mười phương” (Nguồn thơm – Hàn Mặc Tử).

Thi sĩ đặt tất cả niềm tin của mình vào sự nhiệm màu của thơ. Thơ có thể reo trong hồn, trong máu, làm vỡ muôn ngàn tinh đẩu, khiến đất trời phải say khất, đê mê. Không chỉ là phương tiện, thơ còn là hóa thân của các thi sĩ trong cơn mê mẩn, phơi lên mảnh giấy thanh sạch tình cảm tràn trề, nóng ran, thơm lựng, nên nhiều lần Trường thơ Loạn sử dụng biểu tượng “hồn” để gắn với thơ. Khi máu ở trong tim trào dâng lai láng cũng là lúc thơ ở trong hồn thiết tha, rạo rực. Thơ là nỗi đau đời, là mối giao lưu huyền thoại nhất giữa vũ trụ và tâm linh, giữa bao la và cô độc, và cũng là nơi thi sĩ thơ Loạn gửi gắm những gì đẹp, say và cuồng nhất. Nhà thơ trong quan niệm các thi sĩ thơ Loạn, vì vậy không chỉ là chủ thể sáng tạo sinh ra thơ mà còn chính là thơ nữa. Nói như Hàn: “Người thơ phong vận như thơ ấy”, ở đó gần như có sự đồng nhất tuyệt đối giữa thơ và thi nhân: “Người có biết lòng ta đương chết điếng – Mửa dòng thơ tràn lan như sóng biển” (Châu – Bích Khê). Đề cao vai trò của thi sĩ, cũng có nghĩa Trường thơ Loạn phải toàn tâm toàn ý thực hiện sứ mệnh thi ca: tìm kiếm và sáng tạo cái đẹp cho cuộc đời!

Yêu thơ, Trường thơ Loạn yêu tất cả những gì đem đến cho họ nguồn khoái cảm. “Thi sĩ khát khao, hoài vọng cái mới, cái đẹp, cái rung cảm hồn phách chàng đến tê liệt, dại khờ, dù cái đẹp ấy cao cả hay đê tiện, tinh khiết hay dơ bẩn, miễn là có tính chất gây đê mê, khoái lạc”, mà trước hết “là sự ham muốn vô biên giữa nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời cách biệt”. Các thi sĩ, bằng thân phận, tài năng và cá tính đã cảm nhận cuộc sống bằng những sóng điện mong manh đủ sức rung động những điều huyền diệu nhất của đất trời.

Theo quan niệm Trường thơ Loạn, hành trình thơ của một thi nhân đích thực tất yếu phải đến được “cõi mơ ước hoàn toàn”. Cõi mơ ước ấy với Hàn là “trời mơ trong cảnh thực huyền mơ”, là “đường trăng sao ánh nguyệt tuyệt vời bay” trong đê mê, khoái lạc đến tột cùng, tuyệt đối. Ở địa hạt huyền diệu ấy, Hàn quên đi đau khổ, quên đi những tục lụy trần thế để đón chào một mùa xuân như ý ngập tràn ánh sáng và hương hoa. Thế giới lung linh huyền diệu thơ Hàn được xây dựng bằng thi liệu ước lệ, tượng trưng đầy hào quang, diễm ảo: “Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt – Đường thơ bay sáng láng như sao sa” (Nguồn thơm). Tắm gội trong thế giới đầy “hương gấm”, “nhạc thơm”, “mộng ngọc”, thi sĩ dường như cũng tan loãng ra hòa vào thượng thanh khí của chốn xa vời: “Chúng ta biến em ơi! Thành thanh khí – Cho tan ra hòa hợp với tinh anh – Của trời đất, của muôn ngàn ý nhị – Và tình anh sáng láng như trăng thanh” (Sáng láng). Nhiều khi, Hàn tôn thờ vẻ đẹp Trinh khiết và Xuân tình, xem đó là vẻ đẹp cao quý nhất cõi nhân sinh. Niềm đam mê ấy chưa một lần vơi cạn, cứ mãi theo Hàn trong hành trình về bên kia thế giới: “Tôi muốn trọn đời ngưỡng mộ vẻ trắng trong nguyên vẹn nguồn tươi, ánh sáng, thơ vì đấy là hình tượng của Linh Hồn Thanh Khiết” (Hàn Mặc Tử). Cái đẹp ấy đau đáu trong nỗi cô đơn vây bủa, vừa cụ thể hữu hình, vừa “mờ mờ nhân ảnh”, chi phối nhiều cấp độ thơ Hàn. Tột cùng đau thương, Hàn vẫn ngưỡng vọng vẻ đẹp Trinh khiết của Nàng thơ: “Tây Thi nàng hỡi bao nhiêu tuổi – Vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà” (Thời gian). Thế giới thơ Hàn ngập tràn ánh sáng tinh khôi, nơi ấy Hàn hướng về thánh nữ Maria – biểu tượng của vẻ đẹp lý tưởng, tuyệt đối và trinh nguyên nhất: “Lạy bà là đấng trinh nguyên truyền thánh vẹn – Giàu nhân đức giàu muôn hộc từ bi” (Ave-Maria). Khát khao vẻ đẹp Xuân tình và Trinh khiết không chỉ bằng tâm hồn thi nhân mà còn bằng tâm linh của một con chiên ngoan đạo. Đó là hệ quả tất yếu của quan niệm coi thi sĩ là thiên sứ cái đẹp với niềm đê mê khoái lạc. NhờB vậy “Thơ anh sẽ như trầm hương ngào ngạt – Tỏa lên cao lồng lộng giữa trời xanh” (Duyên kỳ ngộ).

Nếu thơ Hàn là cái đẹp ở cõi huyền diệu thì thơ Bích Khê là cái đẹp tinh khiết, nguyên sơ thuần túy, tuyệt đối trong tự nhiên và con người cả về hình thức lẫn tâm hồn. Khám phá vẻ đẹp thánh thiện, cao quý là cách để Bích Khê chiếm lĩnh thế giới và tạo vẻ thanh cao cho tòa thơ mình. Hàn Mặc Tử đồng cảm với quan niệm này của Bích Khê: “Thơ sẽ ham thích hết sức những gì thanh cao như hương thơm nhơn đức của vì á thánh”. Quan niệm này chi phối thơ Bích Khê từ nghệ thuật xây dựng hình tượng đến cách sử dụng ngôn từ, hình ảnh, nhạc điệu. Bước vào thế giới thơ Bích Khê như bước vào cõi thơ mộng của dạ lan, của đỉnh trầm hương hòa quyện, lan tỏa trong khắp không gian nhuốm đầy “tơ trăng lụa”: “Đây bát ngát và thơm như sữa lúa – Nhựa đương lên: Sức mạnh của lòng thương – Mùi tô hợp quyện trong tơ trăng lụa – Đây dạ lan hương, đây đỉnh trầm hương” (Mộng cầm ca). Mọi cảnh trí, sắc màu đi vào thơ Bích Khê đều được ảo hóa, mộng hóa tạo cho thơ vẻ đẹp huyền hồ khó nắm bắt. Bằng đôi mắt mộng mơ và nhạy cảm, “nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ trở thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu…”, nên đọc thơ Bích Khê như văng vẳng bên tai những khúc nhạc, những bức tranh kỳ ảo được mĩ hóa từ thiên nhiên và cuộc sống con người: “Nàng ơi, tay đêm đương giăng mền – Trăng đau qua cành muôn tơ êm – Mây nhung pha màu thu trên trời – Sương lam phơi mùa thu muôn nơi” (Tỳ bà).

Tận cùng khoái lạc với Chế Lan Viên là được “tắm trong trăng”, “ngủ trong sao”. Từ chán nản, cô đơn, Chế tìm cho mình một chỗ để ẩn náu, để lui tới, để lánh xa cuộc đời trần tục. Đó là cõi xa xăm của vũ trụ, sao trời để trốn chạy khỏi chốn điêu linh, ngột ngạt: “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh – Một vì sao trơ trọi cuối trời xa – Để nơi ấy tháng ngày tôi lẫn tránh – Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo” (Những sợi tơ lòng). Đi từ “cõi ta” đến “cõi trăng sao”, “cõi mộng” để chạy trốn hiện tại, nhà thơ hi vọng chốn vũ trụ bao la sẽ giúp tâm hồn được khuây khỏa, nhưng “một tinh cầu giá lạnh” không thể sưởi ấm được tâm hồn băng giá, “một vì sao trơ trọi” chỉ càng làm tăng thêm nỗi tái tê đang ngập tràn trong lòng. Vì vậy, Chế tìm về quá vãng để sống với một thời rực rỡ, và hơn hết tận hưởng những phút giây hoan lạc cùng “Chiêm nương gờn gợn sóng cung Hằng” (Mộng), từ đó nhận diện bằng tâm tưởng những gì không còn của quê hương Chàm yêu dấu. Chiêm nữ không có thật, cả cuộc tình lãng mạn, đam mê ấy cũng không có thật. Tất cả chỉ được hình dung qua trí tưởng tượng và cũng là cái cớ để Chế Lan Viên được mơn trớn, yêu đương.

Khoái lạc cái đẹp thanh cao của cuộc sống, Trường thơ Loạn tiếp tục làm giàu có thêm những biểu hiện cái đẹp của phong trào Thơ Mới. Tuy nhiên, đọc thơ Loạn, có thể thấy rõ một điều: niềm khoái lạc lớn nhất của thi nhân là khám phá, chiếm lĩnh cái đẹp kinh dị. “Trước đây, Baudelaire tìm kiếm chất thơ ở những vật ghê rợn như xác chết, máu me, xương tủy và dâm đãng” (Chu Văn Sơn). Đến lượt mình, các thành viên của Trường thơ Loạn cũng bị thôi miên bởi những huyền bí trong hành trình đi tìm sự lạ. Hàn thường xuyên rơi vào trạng thái cô đơn tuyệt đối, tinh thần bị vây khốn giữa cõi lòng đơn độc, nên thơ Hàn lảng vảng những bóng ma đen đúa, và ánh mắt rờn rợn của thần chết kề bên. Điều này cũng có nghĩa, bản thân cõi tinh thần của Hàn đã là điều kinh dị, nó kích thích khả năng sáng tạo nghệ thuật trong Hàn bằng rung cảm, khát khao. Trong niềm khoái lạc vô biên ấy, thi sĩ triền miên ngắm nhìn cơ thể mình chảy máu. Vì máu duyên cớ để thơ ông lai láng tuôn trào: “Lời thơ ngậm cứng không rên rỉ – Và máu tim anh vọt láng lai – Thơ ở trong lòng reo chẳng ngớt – Tiếng vang tha thiết dội muôn nơi” (Rớm máu)…

Là thần dân trung thành của vương quốc thơ Loạn, Chế Lan Viên khoái lạc với cái đẹp linh thiêng. Từ cái đẹp phá cách này, Chế chọn cho mình một khách thể thẩm mĩ mang tính hư cấu – siêu hình – kinh dị chi phối thế giới nghệ thuật thơ ông suốt những năm tháng “điêu tàn”: “Ta sẽ nhịp khớp xương lên đỉnh sọ – Ta sẽ ca những giọng của hồn điên – Để máu cạn, hồn mê, tim tan vỡ – Để trôi đi ngày tháng nặng ưu phiền” (Điệu nhạc điên cuồng). Thế giới hỗn loạn đến rùng rợn của bãi tha ma đầy sọ người, xương khô, thịt rữa cùng tiếng kêu của tượng Chàm lở lói, tiếng gào thét của những hồn điên thực chất là ý niệm giúp ông giải thoát khổ đau, bế tắc, tuyệt vọng ở chốn trần gian.

Bích Khê cũng quan niệm cái đẹp ở dạng thức tột cùng của hai thái cực: thanh cao và kinh dị. Và dạng thức nào cũng mang lại cho Bích Khê niềm đam mê, khoái lạc. Cái đẹp thanh cao là cái đẹp của Trăng – Hoa – Hương – Nhạc. Cái đẹp kinh dị là cái đẹp của Điên – Cuồng – Loạn – Ác. Nó là sự xé rào, phản ứng, là sự không chấp nhận đóng khung cái đẹp trong quan niệm đạo đức đương thời. Quan niệm mĩ học này của Bích Khê cũng như của thi sĩ thơ Loạn chịu ảnh hưởng chủ yếu từ Baudelaire. Vị tổ trường phái tượng trưng này từng quan niệm: “Hỡi cái Đẹp, con quái vật khủng khiếp và chất phác thơ ngây, dù ngươi đến từ phương trời cao hay địa ngục. Điều đó có hề chi nếu con mắt, nụ cười và bàn chân ngươi mở cho ta cánh cửa của vô tận mà ta mến yêu và chưa hằng biết đến” (Baudelaire). Nhiều nhà thơ của phong trào Thơ Mới tiếp thu quan niệm khác lạ và độc đáo này, trong đó Trường thơ Loạn để lại nhiều thành công hơn cả, vì ngay khi bước vào thi đàn Thơ Mới, thi sĩ thơ Loạn đã muốn đi đến tận cùng cuộc duy tân táo bạo với thi ca

***

Trong tiến trình vận động của thơ Việt Nam hiện đại, Thơ Mới có nhiều đóng góp quan trọng, tạo ra vườn hoa ngọt ngào, muôn hương sắc. Đồng hành cũng dòng chảy Thơ Mới, Trường thơ Loạn thực hiện bước nhảy vọt về chất trong tư duy sáng tạo bằng quan niệm nghệ thuật tân kỳ. Thi sĩ với Trường thơ Loạn không còn là những con người mơ mộng mà như là những siêu nhân phi thường đến mức cực đoan, kì dị. Từ những ảnh hưởng của thi phái tượng trưng, trạng thái xúc cảm tột cùng của Trường thơ Loạn đã mở ra biên độ thơ thăm thẳm với những đường liên kết bí ẩn, màu nhiệm nối tâm linh với thế giới huyền ảo, ước mơ. Thơ theo quan niệm của họ là “hoa trái của đau thương”, là “dồn ứ muôn sắc màu khoái lạc”, là kết tinh và thăng hoa những nỗi đau số phận. Chế Lan Viên mang nỗi đau tinh thần của người dân mất nước. Hàn Mặc Tử và Bích Khê đóng đinh chịu nạn bởi căn bệnh nan y ở độ tuổi trẻ tràn đầy sinh lực. Vượt qua vực sâu tâm hồn với bao tang tóc, viễn du vào một thế giới rộng rinh không bờ bến, các thi sĩ thơ Loạn trong niềm khoái lạc vô biên đã kết tinh thành những vần thơ  nhuộm đầy máu huyết.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.