Giọng điệu trữ tình đặc sắc trong thơ Mới (1932-1945)

phan-tich-giong-dieu-trũ-tinh-dac-sac-trong-tho-moi-1932-1945

Giọng điệu trữ tình đặc sắc trong thơ Mới (1932-1945).

Thơ Mới ra đời mở ra một thời đại mới cho thi ca Việt. Cái tôi cá nhân xuất hiện với ham muốn được bộc bạch, bày tỏ thế giới tâm hồn nhiều cung bậc cảm xúc của chính mình. Sự phong phú của những điệu cảm xúc đó khiến cho giọng điệu trữ tình của thơ Mới cũng hết sức phong phú và đa dạng. Theo đó, chặng đường thơ 1932-1945 có giọng: kiêu hãnh, tự tin xen lẫn buồn tủi, sầu thương, xót xa, ảo não. Đây là hai giọng điệu chủ đạo góp phần làm nên sắc diện của thơ Mới.

Giọng điệu kiêu hãnh, tự tin xuất hiện ở giai đoạn đầu của thơ Mới khi cái “tôi” phát hiện ra một thế giới kì diệu, một thiên đường trên mặt đất bị giam hãm quá lâu trong cõi tù đày thời trung đại, khi cái tôi sống trong mối quan hệ hòa hợp với thiên nhiên và các mối quan hệ. Sự xuất hiện của cái tôi trữ tình như một tia sáng chói lòa trong thế giới nghệ thuật thơ. Cái tôi ấy cất tiếng nói đầy kiêu hãnh, tự tin của một người muốn được khẳng định mình trong thế giới:

“Ta là con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hót chơi”
“Ta là Một, là Riêng là Thứ Nhất”

“Đây là quán tha hồ muôn khách đến
Đây là bình thu hợp trí muôn phương”

Giọng điệu tự tin, chủ động, kiêu hãnh trong thơ Mới còn được thể hiện qua khát vọng và ước muốn cao đẹp:

“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”

(Vội vàng- Xuân Diệu)

Cách xưng “tôi” rất mạnh mẽ của Xuân Diệu là cách nhà thơ đối thoại với cái Ta thời trung đại, là cách nhà thơ khẳng định con người cá nhân, cá thể, khẳng định bản thể mình. Cái tôi đó hiện lên với khát khao muốn được bộc lộ những ham muốn và khát vọng của chính mình cũng chính là được bộc lộ thế giới tâm hồn muôn điệu của mình. “Tắt nắng”“buộc gió” là những hành động phi lí, không thể bởi xưa nay có ai đoạt được quyền của tạo hóa, có thể xoay ngược lại quy luật vận động của thời gian.

Xuân Diệu thật táo bạo và ngông cuồng trong khát vọng của mình. Nhưng người đọc vẫn cảm nhận được tâm thế tự tin, chủ động của nhà thơ. Bởi đằng sau cái khát vọng có vẻ phi lí kia lại là cả một tình yêu say mê với sự sống này. Bởi cội nguồn của nó xuất phát từ việc nhà thơ muốn màu đừng nhạt, muốn hương đừng phai là muốn bất tử hóa cái đẹp của sự sống, muốn vĩnh viễn hóa khoảnh khắc của hiện tại, của tuổi trẻ, của tình yêu. Giọng điệu tự tin, kiêu hãnh khi đối diện với vũ trụ, với cuộc đời là giọng điệu chủ đạo của thơ Mới ở giai đoạn đầu:

“Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn vẻ
Mượn lấy bút của nàng Ly Tao tôi vẽ
Và mượn cây đàn nghìn phím tôi ca”

(Thế Lữ)

Giọng điệu tự tin, chủ động, kiêu hãnh của thơ Mới còn được bộc lộ khi các nhà thơ say sưa ca ngợi cuộc sống trần gian đẹp như một thiên đường trong Vội vàng của Xuân Diệu. “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, sau những giây phút bỡ ngỡ, lạ lẫm với thế giới, sau cái nhìn lý tưởng về thế giới, cái tôi thơ Mới như bị vỡ mộng khi phát hiện ra có một hoang mạc cô liêu trong thơ Mới. Giọng thơ chuyển biến nhanh từ tự tin, kiêu hãnh sang buồn tủi, ảo não. Thơ Mới là bản đàn của nỗi buồn. Ta bắt gặp trong thơ Mới rất nhiều tiếng than, lời vãn cho cái trạng thái buồn ảo não của mình:

“Thôi hết rồi còn chi nữa đâu em
Thôi hết rồi gió gác với trăng thềm”

“Thôi đã tan rồi vạn gót hương
Của người đẹp tới tự trăm phương
Tan rồi những bước không hò hẹn

(Xuân Diệu)

“Đã bước trùng nhau một ngả đường”

(Huy Cận)

Giọng than vãn vang lên rất rõ trong thơ Nguyễn Bính. Nghĩa là trong thơ Nguyễn Bính luôn thấy thốt lên những lời cảm thương cho nỗi khổ đau, bất hạnh để mong có được sự đồng cảm, xót thương. Đương nhiên, lối biểu cảm trực tiếp bằng những thán từ, lối nặng nề hóa, trầm trọng hóa bằng cách cường điệụ sẽ được sử dụng như là thủ pháp chủ đạo:

“Lá ơi! và gió ơi! tôi biết
Tình chửa song đôi đã lỡ làng”

“Hai bàn ôm lá vào lòng
Than ôi! Chiếc lá cuối cùng là đây”

“Bao nhiêu ân ái thế là thôi
Là bấy nhiêu oan nghiệt hỡi trời”.

Lời đay đả, chí chiết, chua chát được sử dụng như để làm cho cái giọng than vãn trở nên lâm li, thống thiết hơn:

“Mình có làm bận mấy mươi người”,

“Một đi bảy nổi ba chìm
Trăm cay nghìn đắng con tim héo dần”,

“Nàng đi Hà Nội buồn như chết
Hà Nội buồn như một lỡ làng”,

“Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh đã nhuộm thành cây lá vàng”…

Hai sắc thái giọng điệu của thơ Mới đã diễn tả đầy đủ điệu hồn cảm xúc của thế hệ thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ. Từ trạng thái tin tưởng, hi vọng đến những đổ vỡ, thất vọng, tuyệt vọng. Sắc thái mạnh hơn trong thơ Mới vẫn là giọng thơ buồn, ảo não của một cái tôi cá nhân như lạc bước trên chính thế giới mình tồn tại.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.